Thiếu Tướng Hoàng Sâm - đội Trưởng đầu Tiên - Media Báo QĐND

Báo Quân đội nhân dân Điện tử xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc bài viết về ông của tác giả Trần Kiến Quốc, con trai Thiếu tướng Trần Tử Bình, một người gần gũi với gia đình Thiếu tướng Hoàng Sâm.

Thiếu tướng Hoàng Sâm - đội trưởng đầu tiên

Để đảm bảo an toàn cho hậu phương quân đội, trong thời gian chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ lên miền Bắc XHCN, con em cán bộ các cơ quan Bộ Quốc phòng đang chiến đấu ngoài mặt trận được đón lên sơ tán ở doanh trại của Trường Văn hóa Bộ Tổng Tư lệnh ở Hiệp Hòa, Hà Bắc. Lũ trẻ 12 đến 14, 15 tuổi chúng tôi, trong đó có anh Hoàng Sùng - con trai trưởng Thiếu tướng Hoàng Sâm, được giáo dục, rèn luyện thử nghiệm theo mô hình của Trường Thiếu sinh quân. Chúng tôi đã kết bạn với nhau và dần dà được nghe kể nhiều huyền thoại về Thiếu tướng Hoàng Sâm.

Hoàng Sùng kể, quê anh ở Lệ Sơn, Tuyên Hóa, Quảng Bình. Bố anh tên thật là Trần Văn Kỳ, sinh năm 1915. Trong những năm cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, vì cuộc sống cơ hàn mà nhiều gia đình nghèo khó ở miền Trung đã tìm đường tắt ngang sang Lào, qua Thái Lan để kiếm kế mưu sinh. Các cụ đã đưa gia đình lang bạt sang tỉnh Nakhon rồi tỉnh Chiang Mai (Thái Lan) làm ăn.

Thiếu tướng Hoàng Sâm - đội trưởng đầu tiên

Mùa thu năm 1928, bà con Việt kiều ở tỉnh Udon và Nakhon thấy một cư dân người Việt tuổi trung niên tên là Thầu Chín về sinh sống cùng (sau này mới biết ông quay về từ châu Âu). Ông thăm hỏi từng gia đình. Khi trở nên thân thiết, ông vận động bà con ủng hộ hoạt động yêu nước.

Ở Nakhon, thấy bé Kỳ mới 12 tuổi nhưng sáng dạ, nhanh nhẹn nên Thầu Chín cho đi theo làm liên lạc. Được đi khắp nơi, cậu bé Kỳ vừa làm vừa học, rồi tham gia rải truyền đơn vận động bà con Việt kiều tham gia phong trào yêu nước. Năm sau, Thầu Chín bí mật rời Thái Lan.

Tiếp tục hoạt động trong phong trào Việt kiều, năm 1933, Kỳ được kết nạp vào Đoàn Thanh niên Cộng sản Đông Dương và sau đó được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương, phụ trách địa điểm liên lạc, in ấn, phát truyền đơn. Năm 1934, ông bị mật thám Thái Lan bắt ở Bangkok, giam một năm rồi trao cho Lãnh sự quán Pháp. Không có bằng chứng kết tội, Lãnh sự quán Pháp phải trả ông lại cho nhà cầm quyền Thái Lan. Bị trục xuất, ông được tổ chức đưa sang Trung Quốc. Ở nhà, mật thám đã bắt và thủ tiêu thân phụ ông. Đến Nam Ninh (Quảng Tây), Trần Văn Kỳ được đồng chí Phùng Chí Kiên cho đi học tiếng Hoa.

Đầu năm 1937, đồng chí Hoàng Văn Thụ cử ông về nước, tham gia Tỉnh ủy Cao Bằng. Năm 1938, ông tham gia đội du kích kháng Nhật của Đảng Cộng sản Trung Quốc tại vùng biên giới Việt Nam - Trung Quốc.

Mùa đông 1940, Trần Văn Kỳ được gặp lại Thầu Chín ở Tĩnh Tây (sát với biên giới Cao Bằng) cùng các ông Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp. Khi này ông mới biết Thầu Chín chính là Bác Hồ và được Bác đặt tên là Hoàng Sâm. Các con ông sau này cũng lấy họ Hoàng và người mang cái họ ấy còn làm được nhiều chuyện lớn lao.

Thiếu tướng Hoàng Sâm - đội trưởng đầu tiên

Cuối tháng 1-1941, Bác Hồ từ Trung Quốc về Pác Bó (Cao Bằng). Trong chuyến hồi hương, Hoàng Sâm cùng các ông Phùng Chí Kiên, Vũ Anh, Lê Quảng Ba, Đặng Văn Cáp… bảo vệ Người trở về an toàn. Tháng 5 năm đó, Hội nghị Trung ương 8 họp tại Cao Bằng, quyết định nhiều vấn đề quan trọng.

Cuối năm 1941, đội du kích đầu tiên của Cao Bằng (Đội du kích Pác Bó) được thành lập, gồm 12 chiến sĩ do Lê Quảng Ba làm đội trưởng, Lê Thiết Hùng làm chính trị viên. Hoàng Sâm là đội phó. Đội có nhiệm vụ bảo vệ khu căn cứ, bảo vệ Bác, tham gia tuyên truyền xây dựng cơ sở cách mạng và tiễu phỉ trừ gian ở vùng biên giới. Giữa năm 1942, Lê Thiết Hùng được giao nhiệm vụ phụ trách Ban Xung phong Nam tiến, mở đường về xuôi. Đội du kích Pác Bó phân tán mỗi người một nhiệm vụ. Hoàng Sâm được giao nhiệm vụ tổ chức đội bảo vệ các đội xung phong Nam tiến.

Thiếu tướng Hoàng Sâm - đội trưởng đầu tiên

Lợi dụng điều kiện xã hội phức tạp và địa lý hiểm trở vùng biên giới, nhiều toán phỉ có vũ trang đã cướp bóc, giết chóc, gây nhiều khó khăn cho cuộc sống bà con các dân tộc. Bà con vốn đã khổ vì quan Tây, quan Châu, nay lại phải chịu “nạn phỉ”. Nếu không dẹp được “nạn phỉ”, sẽ khó động viên bà con ủng hộ cách mạng. Từ năm 1939, Châu ủy Hà Quảng phát động bà con lập Hội chống phỉ với sách lược “kiên quyết trừng trị đi đôi với giáo dục thuyết phục những người nghèo lầm lạc theo phỉ trở về với nhân dân”.

Nhưng việc thuyết phục những toán phỉ lớn không phải dễ. Chúng rất đông, có nhiều súng và hoạt động rất tàn bạo. Những tên trùm phỉ tuy sống ngang tàng “anh hùng hảo hán” nhưng lại rất kính nể những ai can đảm, tài ba.

Tiếng lành đồn xa, nghe đồn ông Trần (Hoàng Sâm), ông Lê (Lê Quảng Ba) là những trang “hảo hán”, được mọi người mến mộ, bọn trùm phỉ Lý Xìu, Voòng A Sáng, Voòng A Sình… muốn thi gan, đọ tài. Lý Xìu cầm đầu toán phỉ kéo từ Lục Khu xuống Pác Bó đòi gặp hai ông. Chúng được ông Trần đón tiếp thịnh tình, coi như anh em. Trùm phỉ Lý Xìu mời hai ông lên Lũng Nặm, sào huyệt của chúng, để uống rượu, với điều kiện “chỉ đi một mình, không đem theo quân cơ”.

Thiếu tướng Hoàng Sâm - đội trưởng đầu tiên

Để thu phục và hòa hoãn với các toán thổ phỉ, hai ông nhận lời. Trước khi đi Bác Hồ còn dặn phải dùng tài, dùng uy thuyết phục, phải lôi kéo họ để có lợi cho cách mạng. Mỗi ông chỉ mang theo một khẩu pặc-khoọc, kiếm, lựu đạn rồi cưỡi ngựa lên Lũng Nặm.

Các toán thổ phỉ nghênh tiếp hai ông bằng rượu ngô, thịt lợn quay và cả não hầu (óc khỉ) sống. Ông Trần không uống rượu bằng miệng mà bằng mũi, hết cả một cốc đầy, không còn một giọt, làm cả bọn trợn mắt thán phục. Khi thấy hai ông đã say, chúng đòi thi bắn súng, cưỡi ngựa, ném lựu đạn.

Với tác phong oai phong, súng pặc-khoọc đeo lệch một bên, con dao quắm đi rừng dắt bên hông, ông Trần lững thững bước ra khoảng trống. Cho dù đã ngấm hơi men, không cần ngắm, mỗi tay một súng, ông Trần nâng lên vẩy đâu trúng đó. Hai vỏ chai rượu đặt cách xa 50m bị bắn tan. Tiếp đó là hai mục tiêu di động cách xa 25m. Ông Trần quay người từ trái sang phải, hai tay nổ súng, cả hai viên đạn đều găm vào đích. Lý Xìu thấy vậy vội quỳ gối, chắp tay miệng dạ ran: “Bái phục đại ca! Bái phục đại ca!”. Khi hai ông mời bọn phỉ đấu kiếm, chúng xin thôi.

Những tên trùm phỉ gốc Hoa rất trọng đồng họ, đồng hương, đồng môn, đồng niên… nên khi Voòng A Sáng, Voòng A Sình biết ông Trần còn có tên Hoàng Sâm thì nhận là “đồng họ”. (Hoàng phát âm theo tiếng Quảng là Voòng, Hoàng Sâm là Voòng Sám). Cùng với Lý Xìu, 2 trùm phỉ họ Voòng đã xin được kết nghĩa huynh đệ. Tại tiệc rượu kết nghĩa, Lý Xìu và bọn đàn em hứa không tác oai tác quái, chăm chỉ làm ăn trên nương rẫy của mình.

Với những hoạt động khôn khéo, kiên quyết, dũng cảm của anh em trong đội du kích Pác Bó, cùng tài năng quân sự và uy tín cá nhân, Hoàng Sâm đã hạn chế được sự phá phách lộng hành của các toán phỉ, tạo điều kiện cho các hội cứu quốc của Việt Minh ở vùng Lục Khu phát triển. Từ đó một vùng biên cương được bình ổn, có lợi cho cách mạng.

Thiếu tướng Hoàng Sâm - đội trưởng đầu tiên

Ngày 22-12-1944, Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân được thành lập tại khu rừng giữa 2 tổng Trần Hưng Đạo và Hoàng Hoa Thám (Nguyên Bình, Cao Bằng). Quân số ban đầu được chia thành 3 tiểu đội, trong đó Võ Nguyên Giáp chỉ huy chung; Hoàng Sâm được chọn làm đội trưởng; Xích Thắng (Dương Mạc Thạch) là chính trị viên; Hoàng Văn Thái phụ trách tình báo và tác chiến; Lâm Kính phụ trách công tác chính trị. Vũ khí ban đầu chỉ có 2 súng ngắn, 17 súng trường, 14 mã tấu.

Thiếu tướng Hoàng Sâm - đội trưởng đầu tiên 34 đội viên đầu tiên của Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân

Sau hai chiến thắng Phai Khắt, Nà Ngần, đội phát triển thành đại đội. Hoàng Sâm được cử là đại đội trưởng. Ít lâu sau, đại đội phát triển thành chi đội (tương đương tiểu đoàn), ông lại được cử làm chi đội trưởng.

Năm 1947, trong cuốn “Đội quân giải phóng”, nhớ về sự kiện này, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp viết: “Đây là Hoàng Sâm, đội trưởng, từ lúc bé đã thoát ly gia đình làm cách mạng, bôn tẩu từ trong nước sang Xiêm La (Thái Lan) và Trung Quốc, trở về hoạt động ở miền biên giới. Bao nhiêu năm truy nã, đã từng lặn lội trong dân chúng Kinh, Thổ, Mán, Nùng, đã từng vũ trang chiến đấu nhiều với quân tuần tiễu của Pháp và đã làm cho bọn thổ phỉ nghe tiếng là phải khiếp sợ”.

Thiếu tướng Hoàng Sâm - đội trưởng đầu tiên

Năm 2014, trong cuộc trò chuyện với phóng viên Báo Quân khu 7, cụ Tô Đình Cắm ở Lâm Đồng, một trong những chiến sĩ cuối cùng của Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân còn sống lúc bấy giờ đã kể lại nhiều ký ức cảm động về Thiếu tướng Hoàng Sâm. Ông cho biết: “Người Tày, người Nùng, người Mán quý ông Hoàng Sâm lắm. Ông ấy nói tiếng đồng bào cũng rất giỏi. Hình dáng ông ấy to, cao, trông rất là khỏe khoắn, oai phong lắm. Đặc biệt ông ấy võ rất là giỏi, ngày đó còn thi đấu với bọn giặc phỉ mà. Tôi ở với Hoàng Sâm cũng được mấy năm trời. Ông Văn (Đại tướng Võ Nguyên Giáp) thì còn lâu hơn nữa, Hoàng Sâm sống rất là tình cảm, ông thương anh em chiến sĩ lắm… Mùa đông tháng rét ở rừng, đêm nằm ngủ ông còn đi đắp chăn, sửa màn cho từng người, kiểm tra hết đồng đội. Còn dưới sự chỉ huy của Hoàng Sâm, chúng tôi đánh từ Phai Khắt, Nà Ngần, đánh Đồng Mô đến khắp nơi luôn… Đội trưởng Hoàng Sâm lúc ra trận dũng cảm lắm, chỉ huy thì rất là quyết đoán, anh em ai cũng nể phục. Tôi nhớ là khi thành lập đội xong thì cả đội họp rồi giới thiệu, lựa chọn người có khả năng gì không, có được anh em tín nhiệm không, bỏ phiếu hẳn hoi chứ. Ông Hoàng Sâm làm đội trưởng, ông Mạc Thạch làm chính trị viên cũng bầu hết”.

Sau ngày Nhật đảo chính Pháp ở Đông Dương, chi đội của ông đã giải phóng các châu Ngân Sơn, Chợ Rã, Bạch Thông, giải tán bộ máy tổng lý, cường hào. Cuối tháng 3-1945, ông và Đàm Quang Trung chỉ huy đơn vị đánh đồn Phủ Thông của quân Nhật và cho lập chính quyền nhân dân ở đây.

Tổng khởi nghĩa tháng 8-1945, ông chỉ huy đánh các đồn Nhật ở Bắc Kạn, Thái Nguyên, sau đó đưa đơn vị về Vĩnh Yên tiêu diệt cánh Quốc dân đảng phản động của Đỗ Đình Đạo.

Thiếu tướng Hoàng Sâm - đội trưởng đầu tiên Ông Hoàng Minh Giám (phải) gắn quân hàm thiếu tướng cho Hoàng Sâm

Sau ngày Toàn quốc kháng chiến (19-12-1946), ông là Khu trưởng Khu 2 (thay Văn Tiến Dũng), Chỉ huy trưởng Mặt trận Tây tiến, Tư lệnh Liên khu 3.

Sau chiến thắng Việt Bắc Thu - Đông 1947, ngày 20-01-1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 111/SL phong quân hàm thiếu tướng cho Hoàng Sâm. Ngày 5-4-1948, thừa ủy quyền Hồ Chủ tịch, thay mặt Chính phủ, Bộ trưởng Hoàng Minh Giám đã về Vân Đình, Ứng Hòa, Hà Đông gắn quân hàm thiếu tướng cho Hoàng Sâm cùng dịp gắn quân hàm đại tá cho Hoàng Minh Thảo, Phó tư lệnh Liên khu 3.

Thời gian từ 1951-1953, ông là phái viên của Bộ tham gia chiến dịch với các Đại đoàn 312, 304 rồi làm Đại đoàn trưởng Đại đoàn 304, Chỉ huy trưởng mặt trận Trung Lào, tham gia giải phóng thị xã Thà Khẹt. Tiếp đó, ông làm Đại đoàn trưởng Đại đoàn 320.

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ 1954, ông chỉ huy tiếp quản Hải Phòng. Cuối năm 1955, ông là Tư lệnh Quân khu Tả Ngạn, rồi Tư lệnh Quân khu Hữu Ngạn, Tư lệnh Quân khu 3.

Thiếu tướng Hoàng Sâm - đội trưởng đầu tiên

Thiếu tướng Hoàng Sâm - đội trưởng đầu tiên

Vì đã có thời gian chiến đấu ở Trung Lào, thời gian 1962-1964, Hoàng Sâm cùng thiếu tướng Lê Chưởng được cử sang Lào làm chuyên gia quân sự cho Chính phủ liên hiệp (thành lập giữa Pathet Lào và Chính phủ Hoàng gia).

Thiếu tướng Hoàng Sâm - đội trưởng đầu tiên Từ phải: Coong-le, Thiếu tướng Hoàng Sâm và các sĩ quan cao cấp Lào

Trong Chính phủ liên hiệp có hai lực lượng “tả” và “hữu”. Tướng lĩnh Hoàng gia, sĩ quan “cánh hữu” đa số là con quan lại, giàu có, vốn rất ngang tàng. Với tri thức học được qua các trường quân sự ở Trung Quốc, kết hợp kinh nghiệm trong đấu tranh giải phóng dân tộc ở Việt Nam và kinh nghiệm thu phục các trùm phỉ, Chăn Di (bí danh của Hoàng Sâm) đã làm cho tướng lĩnh quân đội quốc gia Lào nể phục. Đặc biệt trung tướng “cánh hữu” Coong-le vốn trẻ, đẹp trai, ngang tàng lại ăn chơi, khi gặp tướng Hoàng Sâm cũng đã quy phục.

Với phẩm chất, đạo đức cách mạng được Trung ương Đảng và Bác Hồ bồi dưỡng, rèn luyện, cùng những đóng góp hiệu quả trong thời gian làm chuyên gia quân sự, Thiếu tướng Hoàng Sâm được các đồng chí lãnh đạo nước Lào hết sức tinh cậy và kính trọng. Hoàn thành nhiệm vụ về nước, ông được cử làm Tư lệnh Quân khu Trị - Thiên.

Thiếu tướng Hoàng Sâm - đội trưởng đầu tiên

Kháng chiến chống Mỹ diễn ra. Các tướng lĩnh trong quân đội tiếp tục ra trận. Tháng 6-1968, ông được lệnh vào mặt trận Trị - Thiên. Suốt 6 tháng ròng rã chiến đấu, tới ngày 15-12-1968, ông đã anh dũng hy sinh tại mặt trận. Dù chiến tranh rất ác liệt, Quân ủy Trung ương quyết tâm đưa thi hài ông ra Hà Nội.

Một tháng sau, tang lễ Thiếu tướng Hoàng Sâm mới được cử hành tại Câu lạc bộ Quân nhân, 20 Hoàng Diệu. Bác Hồ đau xót đến tiễn đưa người cán bộ trẻ từng gắn bó với mình từ những ngày hoạt động bí mật ở Thái Lan, nay hy sinh anh dũng trong cuộc đấu tranh giành lại độc lập cho non sông khi mới 53 tuổi. Thắp hương tưởng niệm xong, Bác ra ôm lấy vợ con tướng Hoàng Sâm chia sẻ sự mất mát này. Ông được an táng tại Nghĩa trang liệt sĩ Mai Dịch, Hà Nội.

Chúng tôi còn được nghe câu chuyện cảm động do anh Hoàng Sùng kể như sau: Thời gian Kháng chiến chống Mỹ, Quân khu 3 không chỉ đảm bảo nhiệm vụ bảo vệ miền Bắc XHCN mà còn tăng cường cán bộ cho miền Nam. Đầu năm 1968, đồng chí Nguyễn Quyết được cử vào làm Phó chính ủy Quân khu Trị - Thiên. Từng tham gia 9 năm Kháng chiến chống Pháp, nay lại chỉ huy tác chiến ở chiến trường Trị - Thiên, do chiến tranh ác liệt và điều kiện sinh hoạt thiếu thốn nên đồng chí Nguyễn Quyết lâm bệnh nặng nên Bộ Tổng Tư lệnh điều Thiếu tướng Hoàng Sâm vào thay. Sau này, mỗi lần nhắc lại kỷ niệm với Thiếu tướng Hoàng Sâm, Đại tướng Nguyễn Quyết vẫn không quên nhắc nhở con cháu: “Chính bác Sâm là người sinh ra bố lần thứ 2!”.

Thiếu tướng Hoàng Sâm - đội trưởng đầu tiên

Bài báo “Hồi tưởng về người Đội trưởng đầu tiên của Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân” đăng trên Báo An ninh thế giới năm 2015 đã tiết lộ những chi tiết xúc động về đời riêng Thiếu tướng Hoàng Sâm. Ông trở thành một trong mười vị tướng đầu tiên của Quân đội khi còn rất trẻ, nhưng lại cưới vợ rất muộn. Thấy ông mải mê hoạt động cách mạng, chính Bác Hồ đã tác thành cho hai vợ chồng ông. Anh Hoàng Sùng, con trai ông, kể lại: “Ông chiều con đến nỗi, chị em chúng tôi muốn ăn một cái kẹo, muốn mua một cái áo mới, thì đều xin bố chứ không xin mẹ. Nhưng bố tôi cũng rất nghiêm. Chị tôi đi sơ tán, học ở tận Hưng Yên, những lần bố tôi có chuyến đi công tác xuống đó, mẹ tôi xin cho chị đi nhờ, ông không bao giờ đồng ý. Ông bảo xe của công, không thể dùng vào việc riêng. Bố tôi hết công tác ở đơn vị này, lại sang công tác ở đơn vị khác. Sau này tôi đi học ở trường thiếu sinh quân, nên bố con cũng rất ít gặp nhau. Nhưng năm 1968, khi tôi 16 tuổi, bố tôi được lệnh vào Nam chiến đấu, tôi đã được bố cho tiễn đến Thanh Hóa. Ngày đó, khi tiễn bố, tôi đã nung nấu ý định đi theo ông để được sát cánh bên ông, bảo vệ ông. Nhưng ông kiên quyết không đồng ý, dặn tôi phải ở lại ráng học hành và chăm sóc cho mẹ. Cha con tôi chia tay trong một rừng thông ở Thanh Hóa mà chẳng ngờ rằng đó là cuộc chia ly mãi mãi”.

Thiếu tướng Hoàng Sâm - đội trưởng đầu tiên Thiếu tướng Hoàng Sâm được an táng tại Nghĩa trang liệt sĩ Mai Dịch, Hà Nội.

Thiếu tướng Hoàng Sâm hoạt động ở chiến trường Trị - Thiên khói lửa khốc liệt. Tháng 12-1968, căn hầm nơi ông đang làm việc bị trúng bom, không một ai sống sót. Khi cả gia đình đang ở nơi sơ tán thì vợ ông bỗng nhận được tin báo ông đang ra Hà Nội và yêu cầu cả gia đình về.

Anh Hoàng Sùng kể: “Dù Bộ Quốc phòng không hề nói bố tôi đã hy sinh, nhưng vừa nhận được tin báo là mẹ tôi khóc. Mẹ bảo bố ra giờ này có nghĩa là bố hy sinh rồi. Bố tôi được đưa về Bệnh viện 108, trong một cái thùng tôn, vượt qua gần một nghìn cây số bom đạn… Trong tang lễ bố tôi, khi Bác Hồ đến viếng, mẹ tôi vừa khóc vừa nắm chặt tay Bác. Bà hỏi Người: ‘Cháu chỉ hỏi Bác một câu thôi: Người nằm trong quan tài kia có phải anh Hoàng Sâm không?’. Bác trả lời: ‘Tôi hứa với cô, đó chắc chắn là anh Hoàng Sâm’.

Sau này chúng tôi mới biết khi nghe tin bố tôi nằm xuống ở mặt trận Trị - Thiên, Bác Hồ đã kiên quyết yêu cầu: ‘Bằng mọi giá phải đưa được Hoàng Sâm về Hà Nội’. Nhưng bố tôi bị bom, thi thể không còn lành lặn. Có lẽ vì lý do đó, Bác và các lãnh đạo Nhà nước đã không cho chúng tôi được nhìn mặt ông lần cuối, tránh cho chúng tôi những nỗi ám ảnh sau này”.

Thiếu tướng Hoàng Sâm - đội trưởng đầu tiên Kỷ vật của Thiếu tướng Hoàng Sâm

Năm 1999, Thiếu tướng Hoàng Sâm được truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh. Để tưởng nhớ một trong những vị tướng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam, tên ông được đặt cho một con phố ở quận Cầu Giấy, Hà Nội!

Thiếu tướng Hoàng Sâm - đội trưởng đầu tiên

  • Thiếu tướng Hoàng Sâm - đội trưởng đầu tiên
  • Nội dung: TRẦN KIẾN QUỐC
  • Ảnh: Tư liệu, Hoàng Sùng, Hồng Nhung
  • Kỹ thuật, đồ họa: TRẦN HOÀI - QUỲNH OANH - TÔ NGỌC

Từ khóa » Hoàng Sâm Hi Sinh