Hồng Cầu: Nguy Hiểm Khi Không Còn Là Hình Cầu
Có thể bạn quan tâm
Hồng cầu, ngay cái tên gọi của nó đã nói lên hình dạng và khi nó không còn hình tròn nữa thì...đương nhiên đó là bệnh lý.
Tại sao hồng cầu không còn hình dáng cũ?
Bệnh hồng cầu hình liềm (sickle cell disease) hay còn được gọi là thiếu máu hồng cầu hình liềm (sickle cell anemia) là một bệnh có tính chất di truyền qua nhiễm sắc thể lặn. Nguyên nhân là do gen quy định việc sản xuất ra hemoglobin - thành phần chủ yếu cấu tạo nên hồng cầu bị đột biến. Chính vì vậy, hồng cầu ở những bệnh nhân này không có cấu trúc tròn và dẹt như hình đĩa bình thường mà có hình khuyết như trăng lưỡi liềm hoặc như chiếc liềm gặt lúa. Với cấu trúc bất thường như vậy nên hồng cầu khó di chuyển trong các vi mạch nhỏ, dễ bị đông vón gây tắc nghẽn và giảm khả năng gắn kết, chuyên chở ôxy tới các mô. Khi hiện tượng tắc mạch xảy ra, khả năng viêm và nhiễm khuẩn cơ hội là rất lớn.
Hồng cầu bình thường (trái) và hồng cầu hình lưỡi liềm (phải).Hồng cầu hình liềm dễ gây tắc mạch. |
Các triệu chứng của bệnh thường biểu hiện ngay ở trẻ sau 4 tháng tuổi. Thiếu máu là biểu hiện nổi bật và có nguyên nhân là do hồng cầu hình liềm rất dễ vỡ, đôi khi có những đợt tán huyết rất dữ dội gây thiếu máu cấp, vàng mắt vàng da do tăng bilirubin trong máu và đi tiểu màu bia đen. Đời sống hồng cầu liềm cũng ngắn ngủi khoảng 10 - 20 ngày so với 120 ngày của hồng cầu bình thường nên việc sinh hồng cầu non không kịp để bù dẫn đến thiếu máu. Đau các cơ quan luôn xảy ra từng đợt. Người bệnh cảm thấy đau nhức cơ xương, đaungực, đau các khớp, đau vùng gan và triệu chứng này có thể kéo dài từ vài giờ đến vài tuần. Nguyên nhân của các cơn đau được cho là hiện tượng tắc các mạch máu nhỏ do hồng cầu hình liềm gây ra. Phù bàn tay, bàn chân có thể là triệu chứng đầu tiên của bệnh nếu như biểu hiện này xuất hiện ở trẻ em và nguyên nhân cũng do tắc vi mạch gây viêm, phù nề tổ chức. Nhiễm khuẩn mũi xoang, phổi, đường tiết niệu tái đi tái lại ở bệnh nhân hồng cầu hình liềm do các cơ quan miễn dịch (hạch, lách) bị tổn thương. Tắc các mạch máu nhỏ cũng gây tổn thương đáy mắt khiến bệnh nhân bị giảm hoặc mất thị lực.
Bệnh thiếu máu hồng cầu hình liềm (TMHCHL) tương đối hay gặp trên thế giới đặc biệt ở các chủng tộc châu Phi, Nam hoặc Bắc Trung Mỹ, vùng Caribê, các nước vùng Ðịa Trung Hải, Ấn Ðộ, Ả Rập Xê Út, cộng đồng người da đen ở Mỹ với tỷ lệ mắc chung ước tính vào khoảng 1/500 trẻ sơ sinh bị mắc căn bệnh này. |
Những biến chứng nguy hiểm
Đột quỵ não có thể xảy ra khi các mạch máu bị tắc gây thiếu máu não với các triệu chứng như thất ngôn, rối loạn ý thức, liệt tay chân. Hội chứng ngực cấp (acute chest syndrome) là một biến chứng cấp tính, nguy hiểm biểu hiện khi bệnh nhân có đau ngực, sốt cao, khó thở ở các mức độ khác nhau và nhiều trường hợp bệnh nhân phải nhập viện điều trị. Các vi mạch ở phổi bị tắc nghẽn sẽ gây nên hiện tượng tăng áp lực động mạch phổi. Khi áp lực động mạch phổi tăng quá cao làm bệnh nhân khó thở, tức ngực và đe dọa tới tính mạng bệnh nhân. Hiện tượng tắc vi mạch và thiếu ôxy mạn tính cũng dần làm thương tổn các cơ quan quan trọng của cơ thể như gan, thận, lách khiến cho bệnh cảnh ngày càng nặng nề hơn. Hồng cầu bị vỡ liên tục trong bệnh hồng cầu hình liềm làm tăng bilirubin máu và là nguyên nhân tạo sỏi trong túi mật hoặc trong đường mật bệnh nhân. Ngoài ra còn một số biến chứng như giảm thị lực hoặc mù; viêm loét da cơ và hiện tượng rối loạn cương dương... tuy ít gặp hơn.
Điều trị được không?
Cho đến nay, việc điều trị bệnh hồng cầu hình liềm vẫn còn gặp nhiều khó khăn mặc dù đã có một số tiến bộ nhất định. Điều trị bệnh hồng cầu hình liềm tập trung vào hai vấn đề chính: điều trị triệu chứng và điều trị triệt căn. Điều trị triệu chứng bao gồm cho các thuốc kháng sinh khi có nhiễm khuẩn; cho các thuốc giảm đau; giảm sinh hồng cầu liềm bằng hydroxyure; truyền máu khi có thiếu máu nặng; cung cấp đầy đủ ôxy cho bệnh nhân trong những đợt cấp cũng như xử trí các biến chứng của bệnh như đột quỵ não, viêm phổi, suy giảm thị lực... Điều trị triệt căn bằng liệu pháp tế bào gốc hay ghép tủy xương (tủy xương bệnh lý sinh hồng cầu liềm của bệnh nhân sẽ được diệt sạch và thay bằng những tế bào tủy xương bình thường). Tuy nhiên, liệu pháp này cũng có nhiều biến chứng nguy hiểm và chỉ thực hiện được ở những trung tâm huyết học lớn và hiện đại.
Các nhà khoa học cũng đang tiến hành một số phương pháp điều trị mới, đã và đang được thực nghiệm trên động vật như liệu pháp gen; liệu pháp dùng nitric ôxit để gây giãn mạch, chống tắc mạch máu và một số thuốc làm tăng sản xuất fetal hemoglobin, là loại hemoglobin có thể ức chế sản xuất hemoglobin bệnh lý gây nên hồng cầu hình liềm.
TS. BS. Vũ Đức Định
Từ khóa » Vỡ Hồng Cầu Là Gì
-
Mẫu Máu Bị Vỡ Hồng Cầu ảnh Hưởng đến Kết Quả Xét Nghiệm Như ...
-
Tại Sao Tế Bào Hồng Cầu Bị Vỡ Thì SGOT Lại Tăng Rất Cao | Vinmec
-
Xét Nghiệm Mảnh Vỡ Hồng Cầu Trong Bệnh Lý Thiếu Máu Tán Huyết ...
-
Mẫu Máu Bị Vỡ Hồng Cầu ảnh Hưởng đến Kết Quả Xét ... - Suckhoe123
-
Mẫu Máu Bị Vỡ Hồng Cầu ảnh Hưởng đến Kết Quả Xét Nghiệm Như ...
-
Image: Mảnh Vỡ Hồng Cầu (RBC Fragment) - Cẩm Nang MSD
-
Tổng Quan Về Thiếu Máu Tan Máu - Huyết Học Và Ung Thư Học
-
Thiếu Máu Tán Huyết Di Truyền (bẩm Sinh) - Hello Bacsi
-
Cấu Tạo, Chức Năng Và Các Chỉ Số đánh Giá Tế Bào Hồng Cầu
-
Hồng Cầu – Wikipedia Tiếng Việt
-
Thiếu Máu Hồng Cầu Nhỏ: Căn Bệnh Không Nên Xem Thường - Ferrovit
-
Tìm Mảnh Vỡ Hồng Cầu (Red Cell Fragment Test) | BvNTP
-
Chỉ Số Hồng Cầu Trong Máu Cho Biết điều Gì? | TCI Hospital
-
Thiếu Máu ở Trẻ Em | Bệnh Viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng