Hợp Tác Xã Nông Nghiệp Của Công Hòa Liên Bang Đức

 

CHLB Đức là một quốc gia có nền kinh tế quy mô lớn, đứng hàng đầu Châu Âu và lớn thứ tư trên thế giới.

Ở Châu Âu, CHLB Đức được coi là một trong những chiếc nôi đầu tiên của mô hình kinh tế HTX. Từ cuối những năm 40 của thế kỷ XIX, ý tưởng mô hình kinh tế HTX đã ra đời và từ đó ý tưởng này đi vào thực tế, mô hình HTX được thành lập và phổ biến. Hiện nay CHLB Đức vẫn tồn tại một khu vực kinh tế HTX rất vững mạnh và phát triển ở tất cả các lĩnh vực ngành nghề khác nhau từ tín dụng - ngân hàng, nông nghiệp, giao thông, thương mại, dịch vụ,... tạo việc làm trực tiếp cho hàng triệu người lao động. Ngoài ra với đặc thù riêng còn có hàng nghìn HTX nhà ở với hàng triệu thành viên. Bài viết này sẽ nói về đặc điểm và kinh nghiệm hoạt động của các HTX nông nghiệp ở Đức.

Các HTX nông nghiệp của CHLB Đức hoạt động đa năng, đa dạng ở tất cả các lĩnh vực kinh doanh, dịch vụ khác nhau. Số lượng các HTX nông nghiệp và dịch vụ nông thôn ở Đức chiếm tỷ lệ khá cao.

Ảnh minh họa

Khoảng 18 triệu ha đất, tương đương với 50% diện tích lãnh thổ được sử dụng cho mục đích nông nghiệp. Ngoài ra còn có rất nhiều HTX nông nghiệp hoạt động kinh doanh dịch vụ ở nhiều lĩnh vực, ngành nghề khác nhau như dịch vụ quản lý chợ, dịch vụ vệ sinh, dịch vụ vật liệu xây dựng, dịch vụ sấy khô, đóng gói sản phẩm, dịch vụ cung cấp than, dầu, chất đốt,...Trong các HTX nông nghiệp hiện nay vẫn còn có hàng trăm HTX đang thực hiện đồng thời hoạt động tín dụng - ngân hàng theo giấy phép của Cơ quan chức năng ngành ngân hàng..

Ngoài sản phẩm, dịch vụ cung cấp cho xã viên, hỗ trợ cho kinh tế hộ gia đình phát triển, các hợp tác xã nông nghiệp tạo ra vô số việc làm trực tiếp. Giá trị xuất khẩu của sản phẩm nông nghiệp mỗi năm đạt nhiều tỷ Euro. Các HTX nông nghiệp của Đức đang nắm thị phần cao đối với rất nhiều sản phẩm nông nghiệp quan trọng như thị phần  sản phẩm thịt chế biến, thị phần của các sản phẩm sữa,  thị phần sản phẩm rượu nho…

Ngày nay, phần lớn các chính sách kinh tế lớn nói chung và trong nông nghiệp nói riêng của CHLB Đức đều do Ủy ban Châu Âu quyết định và ban hành. Tuy nhiên, ở một số lĩnh vực như bảo vệ môi trường, nông nghiệp, năng lượng ... trong khuôn khổ cho phép, nhà nước Đức vẫn có một số chính sách hỗ trợ nhất định.

Theo quy định của pháp luật, các HTX nông nghiệp cũng như HTX trong các lĩnh vực khác được coi là một loại hình doanh nghiệp, hoạt động như những doanh nghiệp khác và bình đẳng với các loại hình doanh nghiệp khác trong lĩnh vực nông nghiệp về mọi quyền lợi cũng như mọi nghĩa vụ theo luật định. Các chính sách hỗ trợ, khuyến khích cho nông nghiệp đều được áp dụng chung cho tất cả đối tượng tham gia lĩnh vực này, trong đó có HTX và xã viên HTX. Hệ thống cơ sở hạ tầng nông thôn được Nhà nước chú trọng đầu tư.

Nước Đức sử dụng các chính sách hỗ trợ HTX qua các chương trình bảo vệ môi trường nông nghiệp, ưu đãi về thuế khi đầu tư vào thiết bị sử dụng năng lượng mặt trời, sức gió; đào tạo người nông dân, người dân nông thôn, giúp họ nâng cao ý thức bảo vệ môi trường và hạn chế tối đa ảnh hưởng xấu tới hệ sinh thái. Do đa số người nông dân đều là thành viên của một HTX nông nghiệp nên rất nhiều chương trình đào tạo hay hỗ trợ gián tiếp cho nông dân được các HTX chủ động thực hiện hoặc kết hợp, hợp tác với các cơ quan, tổ chức khác.

HTX của CHLB Đức được coi là một bộ phận quan trọng của thành phần kinh tế dân doanh. Theo truyền thống, kinh tế nông nghiệp của Đức phần lớn thuộc về cá nhân nông dân, kinh tế hộ và chủ trang trại nhỏ. Khác với ở Mỹ hay các nước Tây Âu khác, nơi mà chủ trang trại thường có diện tích canh tác rất lớn thì ở Đức, có tới trên 90% số hộ nông dân hay trang trại nhỏ chỉ có từ 1 đến dưới 50ha  đất nông nghiệp;

Các HTX nông nghiệp chính ở Đức chủ yếu hoạt động trên các lĩnh vực sau:

- HTX dịch vụ nông nghiệp tổng hợp

- HTX mua bán nông nghiệp

- HTX sữa và các sản phẩm sữa

- HTX trồng nho và chế biến nho

- HTX chế biến dầu, rượu, cồn

- HTX chăn nuôi và chế biến sản phẩm thịt

- HTX chế biến rau, củ qủa

- HTX trồng cỏ và chế biến thực ăn gia súc

- HTX dịch vụ máy nông nghiệp

- HTX dịch vụ thủy, hải sản

- HTX hoa, cây cảnh

- HTX lâm nghiệp

- HTX dịch vụ nông nghiệp khác

Thông thường, các thành viên HTX đồng thời cũng chính là khách hàng chủ yếu của các HTX nông nghiệp cũng như phi nông nghiệp và chủ yếu là các cá nhân, hộ nông dân, chủ trang trại nhỏ. HTX nông nghiệp của CHLB Đức không thay thế kinh tế hộ, kinh tế trang trại hay kinh tế tư của mỗi người nông dân. HTX nông nghiệp cũng như HTX khác nói chung được thành lập để đem lại lợi ích, nhất là lợi ích kinh tế cho các thành viên của mình, trong đó lợi ích chủ yếu là từ các sản phẩm, dịch vụ mà nếu tự thân thì những người nông dân, các hộ gia đình, trang trại không thể thực hiện được hoặc phải thực hiện với chi phí cao hơn dịch vụ của HTX mà hiệu quả lại thấp hơn so với sử dụng dịch vụ của HTX.

Về nguyên tắc, các dịch vụ, sản phẩm cũng như hoạt động kinh doanh của HTX phải đem lại lợi ích kinh tế trực tiếp và lâu dài cho xã viên. Đây chính là lý do để HTX được thành lập, được duy trì để tồn tại và phát triển. Cũng chính vì lợi ích kinh tế thiết thực mà họ được hưởng trực tiếp và lâu dài thông qua các dịch vụ, sản phẩm và hoạt động của HTX nên hầu hết các xã viên khi đã tự nguyện tham gia HTX thì luôn xác định sẽ gắn bó lâu dài và có trách nhiệm với HTX.

Cũng giống như HTX ở tất cả các lĩnh vực khác, HTX nông nghiệp ở CHLB Đức được hoàn toàn tự do kinh doanh trên thị trường trong nước cũng như thị trường nước ngoài. Tùy theo năng lực của HTX cũng như nhu cầu thành viên, các HTX ở Đức tự do kinh doanh với mọi khách hàng khác không phải là thành viên. Điều quan trọng là dù có đem lại dịch vụ cho các khách hàng khác thì thành viên HTX luôn phải được hưởng lợi hoặc ít nhất không bị ảnh hưởng thiệt hại gì từ các hoạt động kinh doanh đó.

Theo truyền thống, các HTX nông nghiệp của Đức cung cấp các dịch vụ đầu vào như dịch vụ thủy nông, điện; cung cấp nguyên vật liệu sản xuất nông nghiệp như hạt giống, cây giống, con giống, phân bón, thuốc trừ sâu, thức ăn gia súc.... Bên cạnh đó là các dịch vụ khác như dịch vụ làm đất, cung cấp máy nông nghiệp, dụng cụ lao động, vật tư chuồng trại, xăng dầu, chất đốt... cũng thuộc nhóm dịch vụ đầu vào mà các HTX nông nghiệp cung cấp cho xã viên của mình. Ngoài ra còn có dịch vụ tư vấn,  hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật, công nghệ mới (cây, con giống mới, kỹ thuật chăm bón, nuôi dưỡng, sử dụng máy móc thiết bị hiện đại); dịch vụ nhà kho, dịch vụ bảo quản đông lạnh, hỗ trợ cung cấp các dịch vụ tài chính (vốn vay, bảo hiểm). Đây cũng là chức năng hỗ trợ bởi vì các thành viên của HTX hầu hết đều có nhu cầu đối với các dịch vụ đó.

Các dịch vụ đầu ra chính của HTX là hỗ trợ về gia công, chế biến và tiêu thụ các sản phẩm của thành viên với giá tốt nhất,  có lợi nhất cho thành viên.  Nhiều HTX nông nghiệp đã xây dựng được các xưởng sản xuất, nhà máy hiện đại để chế biến sản phẩm của nông dân thành các thành phẩm có giá trị thương mại cao hơn khiến cho thu nhập của nông dân, thành viên HTX được nâng cao.

Để có thể hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, các HTX nông nghiệp của Đức rất chú trọng đến phát triển các sản phẩm mới, theo dõi và cung cấp, tư vấn, định hướng cho xã viên về các thông tin thị trường, giúp cho các sản phẩm luôn được đổi mới, bắt kịp theo nhu cầu của thị trường. Nếu là từng thành viên HTX riêng lẻ thì sẽ rất khó để đầu tư tạo ra một thương hiệu mạnh cho mình, do đó các HTX nông nghiệp bên cạnh việc đặc biệt chú ý đến chất lượng sản phẩm còn phải chú ý liên kết xây dựng thương hiệu mạnh cũng như quảng bá thương hiệu đó.

Theo xu thế chung của thị trường, các nông phẩm sinh thái, các sản phẩm lương thực, thực phẩm "sạch" ngày càng được ưa chuộng và có giá trị thương mại cao. Các HTX nông nghiệp ở CHLB Đức đã rất chú trọng định hướng, tư vấn và hỗ trợ thành viên HTX trong việc trồng trọt, chăn nuôi, sản xuất, chế biến theo đúng các tiêu chuẩn, quy định cần thiết. Các sản phẩm thịt "sạch", sữa "sạch", rau quả "sạch" mang thương hiệu HTX,... đã đang là những sản phẩm rất có lợi thế trên thị trường tiêu dùng ở Đức, giúp người nông dân có thể sống được, sống tốt với các sản phẩm của mình  mặc dù cạnh tranh trên thị trường ngày càng khốc liệt hơn.

HTX nông nghiệp ở CHLB Đức hoạt động theo luật HTX Đức ban hành từ năm 1889.  Theo đó các HTX được coi là một trong các loại hình doanh nghiệp và đối xử hoàn toàn bình đẳng như các doanh nghiệp khác, phải cạnh tranh với các loại hình doanh nghiệp khác trong nền kinh tế thị trường. Các HTX ở Đức không được hưởng ưu đãi thuế riêng vì họ là HTX. Những hỗ trợ của nhà nước, nếu có, thì chỉ là gián tiếp và dành cho tất cả đối tượng, doanh nghiệp khác trong  lĩnh vực nông nghiệp chứ  không chỉ dành riêng cho HTX. Với đặc thù của mô hình kinh tế HTX, thành viên đồng thời là khách hàng, mỗi thành viên một phiếu biểu quyết như nhau, về nguyên tắc, các HTX thực hiện chính sách mở trong việc thu hút các thành viên khi có thêm cơ hội thị trường. Các HTX luôn tìm cách gia tăng các lợi ích, nhất là lợi ích kinh tế để khuyến khích nhiều người có nhu cầu tự nguyện gia nhập HTX. Chính vì lẽ đó số lượng thành viên các HTX ở toàn CHLB Đức lên tới hàng chục triệu người.

Đa số các HTX nông nghiệp ở Đức  có số lượng  thành viên tương đối lớn, chỉ ít hơn số lượng thành viên của các HTX tín dụng. Những HTX chỉ chuyên về chế biến, cung cấp đầu ra thì có số lượng thành viên hạn chế hơn và có xu hướng không kết nạp thêm thành viên mới bởi lý do là các HTX này không có đủ thị trường đầu ra, hay không đủ năng lực mở rộng quy mô phục vụ nếu có nhiều thành viên hơn.

Ở CHLB Đức, các HTX nói chung và các HTX nông nghiệp nói riêng không tồn tại những thành viên có thể chi phối, gây sức ép về mặt vốn đối với HTX vì đây là mô hình kinh tế theo hình thức đối nhân, mỗi người một lá phiếu, bất kể góp vốn bao nhiêu hay giữ chức vụ gì. Tuy nhiên, trong điều lệ của mình, tùy từng HTX, vẫn có thể có quy định tỷ lệ góp vốn tối thiểu (thường từ khoảng 100 - 500 Euro) và tối đa (ví dụ được gấp 5 - 10 mức tối thiểu chẳng hạn).

Đại đa số các thành viên HTX do lượng góp vốn ít nên họ không quá quan tâm đến việc được chia cổ tức nhiều hay ít mà họ quan tâm chủ yếu đến các dịch vụ HTX cung cấp để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và nâng cao đời sống của mình. Với chính sách thành viên và chính sách góp vốn như vậy, các HTX nông nghiệp không bị áp lực hay chạy theo lợi nhuận tối đa để chia cổ tức càng cao càng tốt cho xã viên. Và điều quan trọng hơn nữa, các thành viên HTX luôn có mục tiêu là định hướng để HTX thực hiện được chức năng hỗ trợ, cung cấp dịch vụ tốt nhất, có lợi nhất cho mình.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa, cạnh tranh trên thị trường rất lớn, các HTX cần có nhiều vốn và phải tìm cách thu hút vốn đầu tư để tồn tại và phát triển. Vì thế trên thực tế đã xuất hiện xu thế nhiều HTX ở Đức thông qua điều lệ của mình hoặc nghị quyết đại hội thành viên cho phép một số nhà đầu tư góp vốn vào HTX (pháp nhân, cá nhân). Luật HTX của Đức cho phép có thành viên chỉ góp vốn mà không nhất thiết có nhu cầu sử dụng dịch vụ HTX (và gọi thành viên đầu tư).  Đây là thực tế hiện tại và cũng là xu hướng chung tạo điều kiện kinh doanh thông thoáng cho HTX,  giúp HTX có thể cạnh tranh được với các loại hình doanh nghiệp khác trên thị trường. Điều này cũng tương tự như việc các HTX ở Đức được tự do lập công ty, góp vốn, đầu tư vào doanh nghiệp khác. Yếu tố quan trọng là HTX phải mang lại lợi ích, các thành viên HTX hiện hữu phải có lợi khi có người đầu tư vào HTX hay HTX đi đầu tư nơi khác, các xã viên thông qua Điều lệ hay Đại hội thành viên sẽ tự chủ và tự kiểm soát việc này vì lợi ích của chính họ.

So với các HTX nông nghiệp Việt Nam, các HTX nông nghiệp Đức không có khó khăn về đất hay trụ sở, vì vậy họ không quá chú trọng đến việc mua đất hay sở hữu trụ sở riêng. Trên cơ sở nguồn đất do HTX quản lý hoặc thuê dài hạn của xã viên, HTX được chính quyền địa phương cho phép xây dựng bán kiên cố các nhà kho, cửa hàng, trụ sở của mình khi có nhu cầu cần thiết.

Cẩm Tú

Từ khóa » đặc điểm Của Hợp Tác Xã Nông Nghiệp