HTCTTKQG – Tích Lũy Tài Sản - Tổng Cục Thống Kê

I. Tích lũy tài sản gộp

1. Khái niệm, phương pháp tính

Tích lũy tài sản gộp là chỉ tiêu kinh tế tổng hợp phản ánh khoản chi đầu tư tài sản cố định, tài sản lưu động và tài sản quý hiếm trong một thời kỳ nhất định. Tích lũy tài sản biểu thị tổng tài sản tăng trong kỳ hạch toán do kết quả của các dạng đầu tư:

(1) Đầu tư vào tài sản cố định như các công trình xây dựng nhà cửa, vật kiến trúc, máy móc thiết bị sản xuất, phương tiện giao thông vận tải,…) và những chi phí cải tạo, nâng cấp năng lực đối với những tài sản không do sản xuất tạo ra (như nâng cao năng lực của đất đai, các nguồn tài nguyên thiên nhiên,…);

(2) Đầu tư vào hàng tồn kho;

(3) Đầu tư vào tài sản quý hiếm;

(4) Đầu tư vào khế ước, hợp đồng, giấy phép đăng ký kinh doanh, lợi thế thương mại và tiếp thị,…

Tích lũy tài sản gộp được phân theo nhóm, loại tài sản và được tính theo giá hiện hành và giá so sánh.

a) Tích lũy tài sản cố định

Tích luỹ tài sản cố định là toàn bộ phần tài sản mới tăng thêm trong kỳ, đạt các tiêu chuẩn để hình thành tài sản cố định. Giá trị tài sản cố định mới tăng do kết quả của đầu tư trong năm của tất cả các đơn vị thường trú thuộc các ngành và loại hình kinh tế.

Tích lũy tài sản cố định gồm tài sản hữu hình và tài sản vô hình từ:

– Tài sản cố định hữu hình mới và hiện có mà các đơn vị sản xuất nhận được trừ đi tài sản cố định hữu hình thanh lý, nhượng bán;

– Tài sản cố định vô hình mới và hiện có mà các đơn vị sản xuất nhận được trừ đi tài sản cố định vô hình thanh lý, nhượng bán;

– Phí chuyển nhượng mua bán tài sản cố định hữu hình và vô hình hiện có, gồm cả phí trả cho các đơn vị đại lý mua bán, phí cho hợp pháp hóa quyền sở hữu tài sản,…;

– Chi cải tạo lớn tài sản cố định hữu hình không do sản xuất tạo ra (không tái tạo lại) như đất đai cho nông nghiệp,…;

– Chi sửa chữa lớn làm tăng năng lực sản xuất của tài sản cố định;

– Nhận được tài sản cố định do thuê tài chính.

Phương pháp tính:

– Tích luỹ tài sản cố định theo giá hiện hành:

Tích lũy tài sản cố định tính bằng giá trị tài sản cố định nhận về (kể cả tài sản tự chế) trừ đi tài sản cố định thanh lý, nhượng bán trong kỳ của các đơn vị thể chế.

Trong thực tế dựa vào chế độ hạch toán và báo cáo thống kê hiện hành, có hai phương pháp tính như sau:

Phương pháp 1: Phương pháp dựa vào sự tăng/giảm tài sản cố định

Công thức chung để tính tích lũy tài sản cố định (TSCĐ) theo từng loại như sau:

Tích lũy TSCĐ

= Tổng giá trị TSCĐ cuối kỳ theo nguyên giá Tổng giá trị TSCĐ đầu kỳ theo nguyên giá + Tăng TSCĐ do đánh giá lại TSCĐ

Giảm TSCĐ do đánh giá lại TSCĐ

Phương pháp 2: Phương pháp vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội

Phương pháp này đòi hỏi thông tin về vốn đầu tư xây dựng cơ bản toàn xã hội thực hiện trong năm. Tuy nhiên, không phải toàn bộ vốn đầu tư xây dựng cơ bản toàn xã hội sẽ tính hết vào tích lũy tài sản cố định, vì có một phần trong vốn này không làm tăng tài sản cố định như: phần vốn dùng mua sắm tài sản lưu động chuẩn bị cho dự án đầu tư tài sản cố định, một phần vốn dùng đền bù hoa màu, giải phóng mặt bằng cho công trình xây dựng, vốn dùng để xây dựng lán trại tạm thời,…

Công thức tính tích lũy tài sản cố định theo phương pháp vốn đầu tư như sau:

Tích lũy TSCĐ trong kỳ = Tổng vốn đầu tư xây dựng cơ bản toàn xã hội thực hiện trong kỳ

Vốn đầu tư không làm tăng TSCĐ

– Tích luỹ tài sản cố định theo giá so sánh:

Để tính tích luỹ tài sản cố định theo giá so sánh cần chia theo các loại tài sản: Tài sản cố định là nhà ở, tài sản cố định là công trình xây dựng vật kiến trúc, tài sản cố định là máy móc thiết bị, tài sản cố định do nuôi, trồng,… để từ đó dùng chỉ số giá sản xuất và chỉ số giá tư liệu sản xuất tương thích với từng loại tài sản để tính chuyển về giá so sánh, cụ thể:

+ Đối với tài sản cố định là nhà ở, các công trình xây dựng và vật kiến trúc khác, xây dựng cơ bản dở dang: Sử dụng chỉ số giảm phát giá trị sản xuất của từng nhóm ngành hoạt động xây dựng tương ứng với các loại tài sản trên để tính chuyển từ giá hiện hành về giá so sánh. Chỉ số giảm phát giá trị sản xuất của các nhóm ngành được tính bằng tỷ lệ giữa giá trị sản xuất theo giá hiện hành và giá trị sản xuất theo giá so sánh của năm báo cáo của nhóm ngành đó;

+ Đối với tài sản cố định là máy móc thiết bị, phương tiện vận tải: Sử dụng chỉ số giá máy móc thiết bị và phương tiện vận tải để tính chuyển về giá so sánh;

+ Đối với tài sản cố định là sản phẩm từ hoạt động trồng trọt và chăn nuôi: Tách riêng theo từng loại sản phẩm tích luỹ tài sản cố định do trồng trọt và chăn nuôi tạo ra, sau đó sử dụng chỉ số giảm phát giá trị sản xuất của trồng trọt và chăn nuôi để tính chuyển tài sản cố định tương ứng từ giá hiện hành về giá so sánh;

+ Đối với loại tài sản vô hình: Sử dụng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) để tính chuyển từ giá hiện hành về giá so sánh;

+ Đối với tài sản cố định do cải tạo đất, phát triển đồn điền, vườn cây ăn quả và tài sản cố định là phí chuyển quyền sử dụng tài sản: Sử dụng chỉ số giá giảm phát giá trị sản xuất ngành xây dựng cơ bản để tính chuyển từ giá hiện hành về giá so sánh;

+ Đối với tài sản cố định là gia súc, gia cầm cơ bản,…: Sử dụng chỉ số giá sản xuất của sản phẩm chăn nuôi để tính chuyển từ giá hiện hành về giá so sánh.

b) Tích lũy tài sản lưu động

Tài sản lưu động (TSLĐ) gồm tài sản là nguyên, nhiên vật liệu dùng cho sản xuất, sản phẩm dở dang, thành phẩm tồn kho, hàng hóa mua vào để bán ra.

Phương pháp tính:

– Tích luỹ tài sản lưu động theo giá hiện hành:

Công thức chung để tính tích lũy tài sản lưu động theo từng nhóm tài sản như sau:

Tích lũy TSLĐ

= Giá trị TSLĐ cuối kỳ Giá trị TSLĐ đầu kỳ + Giá trị TSLĐ tăng do đánh giá lại

Giá trị TSLĐ giảm do đánh giá lại

– Tích luỹ tài sản lưu động theo giá so sánh:

Để tính tích luỹ tài sản lưu động theo giá so sánh, cần chia các loại TSLĐ theo nhóm như: Nguyên vật liệu, thành phẩm tồn kho, sản phẩm dở dang,… sau đó sử dụng chỉ số giá tương thích với từng loại tài sản lưu động để tính chuyển về giá so sánh, cụ thể:

+ Đối với nhóm TSLĐ là nguyên, nhiên vật liệu: Sử dụng chỉ số giá bán của người sản xuất theo từng nhóm để tính chuyển. Cụ thể, sử dụng chỉ số giá bán của người sản xuất là nguyên vật liệu để tính giảm phát cho tích luỹ tài sản lưu động là nguyên vật liệu.

+ Đối với tích luỹ tài sản là nhiên liệu: Sử dụng chỉ số giá của người sản xuất là nhiên liệu để tính giảm phát.

+ Đối với nhóm thành phẩm tồn kho, sản phẩm dở dang,…: Sử dụng chỉ số giá bán của người sản xuất để tính chuyển từ giá hiện hành về giá so sánh.

c) Tích lũy tài sản quý hiếm

Tài sản quý hiếm do các tổ chức, cá nhân (gồm cả hộ dân cư tiêu dùng) nắm giữ với mục đích bảo toàn giá trị của cải. Tài sản quý hiếm không bị hao mòn và thông thường không giảm giá trị theo thời gian.

Công thức tính:

Tích lũy tài sản quý hiếm

= Tổng giá trị tài sản quý hiếm nhận được trong kỳ

Giá trị nhượng bán tài sản quý hiếm trong kỳ

Hoặc

Tích lũy tài sản quý hiếm = Tổng giá trị tài sản quý hiếm cuối kỳ Tổng giá trị tài sản quý hiếm đầu kỳ
Tích lũy tài sản quý hiếm theo giá so sánh =

Tích lũy tài sản quý hiếm theo giá hiện hành

Chỉ số giá vàng năm báo cáo so với năm gốc

2. Phân tổ chủ yếu: Loại tài sản (tài sản cố định/tài sản lưu động).

3. Kỳ công bố: Quý, 6 tháng, 9 tháng, năm.

4. Nguồn số liệu

– Kết quả các cuộc điều tra thống kê trong Chương trình điều tra thống kê quốc gia;

– Chế độ báo cáo thống kê cấp quốc gia;

– Dữ liệu hành chính.

5. Cơ quan chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp: Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê).

II. Tích lũy tài sản thuần

1. Khái niệm, phương pháp tính

Tích luỹ tài sản thuần bằng tích lũy tài sản gộp đã loại trừ phần khấu hao tài sản cố định.

Nội dung của tích lũy tài sản thuần cũng tương tự như tích lũy tài sản gộp nhưng đã trừ phần khấu hao tài sản cố định.

Phương pháp tính:

– Tích luỹ tài sản thuần theo giá hiện hành

Tích lũy tài sản thuần theo giá hiện hành trong kỳ

=

Tích lũy tài sản gộp theo giá hiện hành trong kỳ

Khấu hao tài sản cố định theo giá hiện hành trong kỳ

– Tích luỹ tài sản thuần theo giá so sánh

Tích lũy tài sản thuần theo giá so sánh trong kỳ

=

Tích lũy tài sản gộp theo giá so sánh trong kỳ

Khấu hao tài sản cố định theo giá so sánh trong kỳ

Khấu hao tài sản cố định theo giá so sánh được tính từ tỷ lệ khấu hao tài sản cố định theo giá hiện hành so với tổng tài sản cố định theo giá hiện hành và giá trị tài sản cố định theo giá so sánh.

2. Phân tổ chủ yếu: Loại tài sản (tài sản cố định/tài sản lưu động).

3. Kỳ công bố: Năm.

4. Nguồn số liệu

– Kết quả các cuộc điều tra thống kê trong Chương trình điều tra thống kê quốc gia;

– Chế độ báo cáo thống kê cấp quốc gia;

– Dữ liệu hành chính.

5. Cơ quan chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp: Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê).

Từ khóa » Tích Lũy Vốn Là Gì