Huấn Luyện An Toàn Lao động Nhóm 6: Nhóm An Toàn, Vệ Sinh Viên.

Căn cứ vào Nghị định số 44/2016/NĐ-CP ngày 15/05/2016 và Nghị định 140/2018/NĐ-CP ngày 08/10/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 44/2016/NĐ-CP thì đào tạo, huấn luyện an toàn vệ sinh lao động là yêu cầu bắt buộc đối với mọi doanh nghiệp. Thực hiện tốt huấn luyện an toàn vệ sinh lao động không chỉ giúp ngăn ngừa, giảm thiểu tai nạn, rủi ro cho người lao động mà còn đảm bảo sự thông suốt cho toàn bộ quy trình sản xuất, kinh doanh. Mỗi nhóm lao động sẽ có một chương trình huấn luyện khác nhau. Bài viết sau đây tập trung vào huấn luyện an toàn vệ sinh lao động cho nhóm 6 – Nhóm an toàn, vệ sinh viên.

huấn luyện an toàn lao động nhóm 6

Mục lục

  • ĐỐI TƯỢNG HUẤN LUYỆN AN TOÀN LAO ĐỘNG NHÓM 6
  • VÌ SAO PHẢI HUẤN LUYỆN AN TOÀN VỆ SINH LAO ĐỘNG NHÓM 6
  • NỘI DUNG HUẤN LUYỆN AN TOÀN VỆ SINH LAO ĐỘNG NHÓM 6

ĐỐI TƯỢNG HUẤN LUYỆN AN TOÀN LAO ĐỘNG NHÓM 6

Nghị định số 44/2016/NĐ-CP ngày 15/05/2016 và Nghị định 140/2018/NĐ-CP ngày 08/10/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 44/2016/NĐ-CP quy định nhóm 6 là nhóm những người thuộc an toàn, vệ sinh viên theo quy định tại Điều 74 Luật an toàn vệ sinh lao động. Cụ thể như sau:

  • Mỗi tổ sản xuất trong các cơ sở sản xuất, kinh doanh phải có ít nhất một an toàn, vệ sinh viên kiêm nhiệm trong giờ làm việc. Người sử dụng lao động ra quyết định thành lập và ban hành quy chế hoạt động của mạng lưới an toàn, vệ sinh viên sau khi thống nhất ý kiến với Ban chấp hành công đoàn cơ sở nếu cơ sở sản xuất, kinh doanh đã thành lập Ban chấp hành công đoàn cơ sở.
  • An toàn, vệ sinh viên là người lao động trực tiếp, am hiểu chuyên môn và kỹ thuật an toàn, vệ sinh lao động; tự nguyện và gương mẫu trong việc chấp hành các quy định an toàn, vệ sinh lao động và được người lao động trong tổ bầu ra.
  • An toàn, vệ sinh viên hoạt động dưới sự quản lý và hướng dẫn của Ban chấp hành công đoàn cơ sở, trên cơ sở quy chế hoạt động của mạng lưới an toàn, vệ sinh viên; phối hợp về chuyên môn, kỹ thuật an toàn, vệ sinh lao động trong quá trình thực hiện nhiệm vụ với người làm công tác an toàn, vệ sinh lao động hoặc bộ phận quản lý công tác an toàn, vệ sinh lao động, người làm công tác y tế hoặc bộ phận y tế tại cơ sở.

VÌ SAO PHẢI HUẤN LUYỆN AN TOÀN VỆ SINH LAO ĐỘNG NHÓM 6

  • Chấp hành quy định của pháp luật.
  • Vì nhóm 6 gồm những người tham gia vào quá trình xây dựng kế hoạch an toàn vệ sinh lao động tại cơ sở nên việc trải qua huấn luyện để nắm vững kiến thức lý luận và kiến thức thực tiễn là điều cần thiết.
  • Thực hiện tốt công việc đôn đốc, hướng dẫn mọi người trong các bộ phận tuân thủ quy định về an toàn vệ sinh lao động, bảo quản các thiết bị an toàn và phương tiện cá nhân.
  • Giám sát tốt hơn việc thực hiện tiêu chuẩn, quy chuẩn, nội quy tại đơn vị.
  • Phát hiện các hạn chế, vi phạm về an toàn vệ sinh lao động tại nơi làm việc.
  • Phòng tránh rủi ro, nguy cơ tại nơi làm việc.
  • Giúp xây dựng môi trường làm việc an toàn cho cả đơn vị, tổ chức.

NỘI DUNG HUẤN LUYỆN AN TOÀN VỆ SINH LAO ĐỘNG NHÓM 6

Người lao động tham gia mạng lưới an toàn, vệ sinh viên ngoài nội dung huấn luyện an toàn vệ sinh lao động theo quy định còn được huấn luyện bổ sung về kỹ năng và phương pháp hoạt động của an toàn, vệ sinh viên.

Thời gian huấn luyện an toàn lao động nhóm 6

  • Thời gian huấn luyện lần đầu: Thời gian huấn luyện lần đầu tối thiểu là 4 giờ ngoài nội dung đã được huấn luyện về an toàn, vệ sinh lao động.
  • Thời gian huấn luyện định kỳ: Tối thiểu 2 năm/lần, người tham gia huấn luyện phải ôn lại kiến thức đã được huấn luyện và cập nhật kiến thức, kỹ năng mới về an toàn vệ sinh lao động. Thời gian huấn luyện định kỳ ít nhất bằng 50% thời gian huyến luyện lần đầu, bao gồm cả thời gian kiểm tra.
  • Thời gian huấn luyện lại trong trường hợp có sự hay đổi công việc hoặc thay đổi thiết bị, công nghệ: Người được huấn luyện phải được đào tạo nội dung về an toàn vệ sinh lao động phù hợp với công việc mới hoặc thiết bị, công nghệ mới. Nếu đã tham gia huấn luyện thời hạn dưới 12 tháng kể từ khi chuyển sang làm công việc mới hoặc kể từ khi có sự thay đổi thiết bị, công nghệ thì nội dung huấn luyện lại được miễn phần đã được huấn luyện.
  • Thời gian huấn luyện khi đi làm lại sau thời gian nghỉ việc: Trường hợp doanh nghiệp ngừng hoạt động hoặc người lao động nghỉ làm việc từ 6 tháng trở lên thì trước khi trở lại làm việc, người lao động cần được huấn luyện lại nội dung như huấn luyện lần đầu. Thời gian huấn luyện lại bằng 50% thời gian huấn luyện lần đầu.

Thời hạn của Giấy chứng nhận huấn luyện an toàn vệ sinh lao động cho nhóm 6

Nghị định 140/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 44/2016/NĐ-CP quy định: Giấy chứng nhận huấn luyện có hiệu lực 2 năm kể từ ngày cấp. Trước khi giấy chứng nhận hết hạn, trong vòng 30 ngày, người sử dụng lao động cần lập danh sách những người được cấp giấy chứng nhận kèm theo kết quả huấn luyện hoặc giấy tờ chứng minh việc cập nhật kiến thức, kỹ năng về an toàn vệ sinh lao động gửi cho tổ chức huấn luyện hoặc doanh nghiệp tự huấn luyện để xin cấp lại.

Tiêu chuẩn để trở thành người huấn luyện an toàn vệ sinh lao động cho nhóm 6

Các tiêu chuẩn của người huấn luyện vệ sinh, an toàn lao động cho nhóm 6, căn cứ vào Nghị định 140/2018/NĐ – CP sửa đổi, bổ sung tại điều 22 – Mục 1 – Chương 3 của Nghị định số 44/2016/NĐ-CP như sau:

  1. Người huấn luyện hệ thống chính sách, pháp luật an toàn vệ sinh lao động: Tối thiểu 3 năm làm công việc nghiên cứu, xây dựng chính sách, pháp luật, quản lý, thanh tra, kiểm tra về an toàn, vệ sinh lao động tại cơ quan có chức năng, nhiệm vụ liên quan trực tiếp đến công tác an toàn vệ sinh lao động (Với lao động có trình độ đại học trở lên) hoặc 4 năm kinh nghiệm tương đương (Với lao động có trình độ cao đẳng)
  2. Người huấn luyện nội dung nghiệp vụ và kiến thức cơ bản về an toàn lao động: Tối thiểu 3 năm làm công việc xây dựng hoặc tổ chức triển khai thực hiện công tác an toàn vệ sinh lao động (Với lao động có trình độ đại học trở lên) hoặc 4 năm kinh nghiệm tương đương (Với lao động có trình độ cao đẳng). Đặc biệt phải đạt 5 năm kinh nghiệm với người không thuộc cả 2 trường hợp trên .
  3. Người huấn luyện lý thuyết chuyên ngành: Tối thiểu 3 năm làm công việc xây dựng hoặc tổ chức triển khai về công tác an toàn vệ sinh lao động (Với lao động có trình độ đại học trở lên) hoặc 4 năm kinh nghiệm tương đương (Với lao động có trình độ cao đẳng)

4, Người huấn luyện thực hành: Là người đáp ứng 1 trong các điều kiện sau:

  • Có trình độ cao đẳng trở lên phù hợp với chuyên ngành huấn luyện, thực hành máy, thiết bị, hóa chất thành thạo.
  • Có trình độ trung cấp trở lên phù hợp với chuyên ngành huấn luyện, tối thiểu 3 năm làm công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn vệ sinh lao động hoặc làm công việc có liên quan đến công tác an toàn vệ sinh lao động ở cơ sở phù hợp với công việc huấn luyện.
  • Có tối thiểu 4 năm làm công việc an toàn vệ sinh lao động.

Đối chiếu với Nghị định 44/2016/NĐ-CP ngày 15/05/2016 thì Nghị định 140/2018/NĐ-CP ngày 08/10/2018 đã rút ngắn điều kiện kinh nghiệm về thời gian làm việc của người lao động. Mặt khác, quy định về trình độ học vấn của người lao động cũng có sự linh hoạt hơn, không còn bắt buộc phải là lao động có trình độ trên đại học ở một số điểm nữa mà lao động cao đẳng, thậm chí là lao động trung cấp cũng có cơ hội, miễn là người lao động đáp ứng đủ tiêu chuẩn kinh nghiệm làm việc tối thiểu.

Để được Huấn luyện an toàn lao động chuyên nghiệp nhất xin liên hệ thuvienthieuchuan.org theo số 0948.690.698

Từ khóa » Nhóm 6 Atvsld