Hứng Thú Học Sử Bằng Tiếng Anh - Bộ GD&ĐT

Tham quan, tìm hiểu chùa Kiến An cung

Không dừng lại ở việc thuyết minh, đặt câu hỏi cho học sinh trả lời hay viết một bài cảm nghĩ sau chuyến đi, tôi còn áp dụng một cách khác: Kết hợp học Sử với nâng cao năng lực tiếng Anh. Đầu tiên, tôi chọn địa điểm tham quan cho lớp là một di tích văn hóa được xếp hạng cấp quốc gia tại địa phương: Chùa Kiến An cung. Đây là nội dung của phần lịch sử địa phương trong chương trình, tôi chọn phần này để rút kinh nghiệm trước. Ban đầu các em có e ngại vì nghĩ rằng Sử là Sử mà Tiếng Anh là Tiếng Anh, làm cách nào học một lúc hai môn được. Tôi giải thích cho các em hiểu về phương pháp học, thay vì nói và viết bằng tiếng Việt thì bây giờ chuyển sang nói, viết bằng tiếng Anh cùng một nội dung, thế thôi.

Tôi nhờ một thầy giáo dạy tiếng Anh cùng phối hợp. Chúng tôi phân công rõ ràng. Tôi hướng dẫn các em tìm đọc các tư liệu về nơi sắp đến tham quan, đồng nghiệp đưa ra các yêu cầu về một số từ tiếng Anh liên quan; cách thức đặt câu hỏi, câu trả lời… để nâng cao kỹ năng nghe, nói, đọc, viết. Đồng nghiệp cũng nói rõ, khi báo cáo kết quả học tập, học sinh yếu kỹ năng nào sẽ được ưu tiên rèn luyện kỹ năng đó. Học sinh lớp tôi bất ngờ nhưng rất vui vì cách học mới.

Đồng nghiệp phân chia lớp thành 4 tổ. Tất nhiên đồng nghiệp chỉ nói bằng tiếng Anh, yêu cầu các em phải lắng nghe, hiểu đúng để thực hiện. Theo đó có 4 nội dung cho 4 tổ phải hoàn thành trong 2 giờ, bao gồm tìm hiểu lịch sử xây dựng chùa, đặc điểm kiến trúc, giá trị trong lịch sử địa phương và đặc biệt có thêm câu hỏi: để khách du lịch - nhất là khách nước ngoài tìm đến, chúng ta phải làm gì?

Bên cạnh yêu cầu tìm hiểu về điểm tham quan, các em còn phải hoàn thành bài tập trắc nghiệm do đồng nghiệp biên soạn. Muốn chọn đáp án đúng, các thành viên của tổ phải có kỹ năng đọc, hiểu câu hỏi tiếng Anh. Cuối cùng là trình bày một đoạn văn ngắn giới thiệu di tích văn hóa chùa Kiến An cung với khách tham quan.

Sau khi lắng nghe, các em theo tổ của mình tỏa đi khắp nơi trong điểm tham quan. Các em tự quan sát, đọc văn bản, tìm đến ban tế tự để đặt câu hỏi về thời gian thành lập chùa, nguồn tiền, vật liệu đến từ đâu, tín ngưỡng là gì… Có em quan sát mãi tượng hai con kỳ lân đặt trước cổng vào rồi băn khoăn vì chưa tìm được từ tiếng Anh nào tương ứng nhưng tạm hài lòng vì tìm được nét khác biệt giữa chùa Việt và chùa Hoa là chùa Việt có hình tượng Rồng. Lại có em ngắm mãi bức tranh tường có niên đại bằng với thời gian xây dựng chùa, nghĩa là đã hơn trăm năm, không biết tác giả đã sử dụng chất liệu màu như thế nào mà nhiều tranh vẫn còn sống động. Có tổ tự chia nhau sắm vai khách nước ngoài và người dân địa phương gặp gỡ, đối thoại nhau tại đây.

Trong khi các em hoạt động, tôi và đồng nghiệp tiếp cận, quan sát, giải thích những thắc mắc các em đưa ra. Thời gian trôi qua nhanh. Các em tập trung và lần lượt báo cáo kết quả của tổ. Ban đầu, cả lớp không giấu được tiếng cười khi các bạn dùng từ sai hay phát âm không đúng. Có bạn lẫn lộn giữa tiếng Anh và tiếng Việt khi không tìm được từ tương ứng. Đồng nghiệp vui vẻ sửa sai cho các em, khuyến khích các tổ trình bày theo nhận thức. Khi các em có vướng mắc về nội dung, tôi là người giúp các em vượt qua.

Cứ sau mỗi phần trình bày của tổ, đồng nghiệp khuyến khích các bạn cùng lớp đặt câu hỏi mở rộng, chỉ khi học sinh bí quá, đồng nghiệp mới giải cứu. Không đánh giá giỏi, kém, chỉ nhắc nhở chung khi thấy phần kỹ năng nào chưa đạt yêu cầu, bên cạnh đó đồng nghiệp luôn dành phần thưởng cho các bạn tích cực tham gia phát biểu.

Trước khi ra về, thấy có đoàn khách nước ngoài đến tham quan, tôi và đồng nghiệp động viên các em ra giao tiếp. Các em chào và vận dụng ngay hiểu biết vừa học trao đổi với khách. Đoàn khách thích thú khi gặp các em và đề nghị chụp ảnh chung để làm kỷ niệm.

Những lần tham quan sau, tôi và đồng nghiệp tập trung nhiều vào việc tạo điều kiện giao tiếp giữa học sinh và khách nước ngoài. Kỹ năng nghe, nói của học sinh tăng lên. Đáng ghi nhận là các em đã xóa đi mặc cảm thấy người nước ngoài thì không dám mở miệng chào hay trả lời các câu hỏi của họ.

Nếu chỉ làm theo cách cũ là tường thuật bằng tiếng Việt khi đến điểm tham quan, các em chỉ có nghe rồi thôi, kết quả không nhiều.

Tìm hiểu kết quả học tập môn Sử của các em đã từng tham gia những buổi học như trên khi các em đã vào THPT, tôi thấy kết quả khả quan. Các em duy trì được lòng ham thích với môn Sử và năng lực học tiếng Anh được nâng cao.

Từ khóa » Tiếng Anh Lịch Sử