Hướng Dẫn Ban QLDA Trích Lập Quỹ Bổ Sung Thu Nhập Và Chi Bổ ...

Hướng dẫn Ban QLDA trích lập Quỹ bổ sung thu nhập và chi bổ sung thu nhập tăng thêm theo Nghị định 60/2021/NĐ-CP và Thông tư 72/2017/TT-BTC Hỏi: Kính gửi quý Bộ! Tôi hiện đang công tác tại Ban QLDA cấp huyện, tôi có một số câu hỏi như sau: 1/ Theo Nghị định 60/2021/NĐ-CP thì Ban QLDA cấp huyện thuộc Nhóm 4- Đơn vị sự nghiệp do Ngân sách NN đảm bảo chi thường xuyên có đúng không? 2/ Theo điểm a, khoản 2, điều 22 quy định “Bổ sung thu nhập cho viên chức, người lao động: Đơn vị chi thu nhập bình quân tăng thêm cho viên chức, người lao động tối đa không quá 0,3 lần quỹ tiền lương cơ bản của viên chức, người lao động của đơn vị theo nguyên tắc phải gắn với hiệu quả, kết quả công việc của từng người” được hiểu là: Ví dụ, Viên chức A có lương ngạch bậc, phụ cấp được nhận 01 tháng là 5.000.000 đồng thì tiền Bổ sung thu nhập tháng đó Viên chức A được hưởng tối đa là 5.000.000 đồng x 3 lần = 15.000.000 đồng có đúng không? Rất mong sớm nhận được trả lời của Quý Bộ. Xin cảm ơn! 24/08/2021 Trả lời: 1. Theo quy định tại Nghị định số 15/2021/NĐ-CP ngày 03/3/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng:

Điều 20. Đối với dự án đầu tư công, người quyết định đầu tưlựa chọn 1 trong 4 hình thức quản lý dự án: Ban quản lý dự ánđầu tưxây dựngchuyên ngành, ban quản lý dự ánđầu tưxây dựngkhu vực hoặc ban quản lý dự án đầu tư xây dựngmột dự án hoặc chủ đầu tư tổ chức thực hiện quản lý dự án hoặc thuê tư vấn quản lý dự án.

Điều 21. Thẩm quyền thành lập và tổ chức và hoạt động của Ban quản lý dự án chuyên ngành, Ban quản lý dự án khu vực đượcquy định như sau:

a) Chủ tịch UBND cấp huyện thành lập BQLDA chuyên ngành, BQLDA khu vực để giao làm chủ đầu tư một số dự án và thực hiện quản lý dự ánđồng thời nhiều dự ánsử dụng vốn đầu tư côngthuộc thẩm quyền quản lý của mình.

c) Ban quản lý dự án chuyên ngành, Ban quản lý dự án khu vực do cơ quan có thẩm quyền thành lập theo quy định tại điểm a khoản này là đơn vị sự nghiệp công lập.

2. Nội dung câu hỏi của Quý độc giả chưa cung cấp các thông tin như Ban quản lý dự án huyện có được thành lập theo quy định tại điểm c, khoản 2 Điều 21 Nghị định số 15/2021/NĐ-CP hay được thành lập theo quy định khác của cơ quan có thẩm quyền; chức năng, nhiệm vụ được giao; tình hình phân loại mức độ tự chủ tài chính của đơn vị…Vì vậy Bộ Tài chính không có cơ sở để tham gia ý kiến cụ thể.

Trường hợp ban QLDA nơi độc giả làm việc là đơn vị sự nghiệp công lập được thành lập theo đúng quy định tại điểm c khoản 2 Điều 21 Nghị định số 15/2021/NĐ-CP và Nghị định số 60/2021NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ quy định chế độ tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập thì đơn vị thực hiện trích lập Quỹ bổ sung thu nhập và chi thu nhập tăng thêm theo quy định Nghị định số 60/2021NĐ-CP như sau:

– Điều 14: Đối với Nhóm 1 (đơn vị sự nghiệp công tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư) và Nhóm 2 (đơn vị sự nghiệp công tự đảm bảo chi thường xuyên):

“Kết thúc năm tài chính, sau khi hạch toán đầy đủ các khoản thu, chi thường xuyên giao tự chủ, trích khấu hao tài sản cố định, nộp thuế và các khoản nộp ngân sách nhà nước theo quy định, phần chênh lệch thu lớn hơn chi thường xuyên giao tự chủ (nếu có), đơn vị sự nghiệp công đượcsử dụng theo thứ tự như sau:…b) Trích lập Quỹ bổ sung thu nhập áp dụng trong trường hợp đơn vị chi tiền lương theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 12 Nghị định này: Đơn vị nhóm 1 được tự quyết định mức trích (không khống chế mức trích); đơn vị nhóm 2 trích tối đa không quá 2 lần quỹ tiền lương ngạch, bậc, chức vụ, các khoản đóng góp theo tiền lương và các khoản phụ cấp do Nhà nước quy định. Trường hợp đơn vị chi tiền lương theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 12 Nghị định này thì không trích lập Quỹ bổ sung thu nhập.

– Khoản 2 Điều 18: Đối với Nhóm 3 (đơn vị sự nghiệp công tự đảm bảo một phần chi thường xuyên và chi đầu tư):

“Kết thúc năm tài chính, sau khi hạch toán đầy đủ các khoản thu, chi thường xuyên giao tự chủ, trích khấu hao tài sản cố định, trích lập nguồn cải cách tiền lương theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 16 Nghị định này, nộp thuế và các khoản nộp ngân sách nhà nước theo quy định, phần chênh lệch thu lớn hơn chi thường xuyên giao tự chủ (nếu có), đơn vị sự nghiệp công đượcsử dụng theo thứ tự như sau:…

2) Trích lập Quỹ bổ sung thu nhập và chi thu nhập tăng thêm:

a) Trong thời gian Chính phủ chưa ban hành chế độ tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW, trích lập Quỹ bổ sung thu nhập tối đa không quá 2 lần quỹ tiền lương ngạch, bậc, chức vụ, các khoản đóng góp theo tiền lương và các khoản phụ cấp do Nhà nước quy định.

b) Kể từ thời điểm chế độ tiền lương do Chính phủ quy định theo Nghị quyết số 27-NQ/TW có hiệu lực thi hành, thực hiện như sau:

Đơn vị tự bảo đảm 70% đến dưới 100% chi thường xuyên: đượcchi thu nhập bình quân tăng thêm không quá 0,8 lần quỹ lương cơ bản của viên chức, người lao động của đơn vị.

Đơn vị tự bảo đảm từ 30% đến dưới 70% chi thường xuyên: đượcchi thu nhập bình quân tăng thêm không quá 0,5 lần quỹ lương cơ bản của viên chức, người lao động của đơn vị.

Đơn vị tự bảo đảm từ 10% đến dưới 30% chi thường xuyên: đượcchi thu nhập bình quân tăng thêm không quá 0,3 lần quỹ lương cơ bản của viên chức, người lao động của đơn vị.

– Điều 22: Đối với Nhóm 4 (đơn vị sự nghiệp công tự do Nhà nước đảm bảo chi thường xuyên tư);

“1. Kết thúc năm tài chính, sau khi hạch toán đầy đủ các khoản thu, chi phí thường xuyên giao tự chủ, trích khấu hao tài sản cố định, trích lập nguồn cải cách tiền lương theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 20 Nghị định này, nộp thuế và các khoản nộp ngân sách nhà nước theo quy định, phần chênh lệch thu lớn hơn chi thường xuyên giao tự chủ (nếu có) đượcxác định là kinh phí chi thường xuyên tiết kiệm được.

2. Đơn vị sử dụng số kinh phí chi thường xuyên tiết kiệm được theo thứ tự như sau:

a) Bổ sung thu nhập cho viên chức, người lao động: Đơn vị chi thu nhập bình quân tăng thêm cho viên chức, người lao động tối đa không quá 0,3 lần quỹ lương cơ bản của viên chức, người lao động của đơn vị theo nguyên tắc phải gắn với hiệu quả, kết quả công việc của từng người.

3. Thủ trưởng đơn vị quyết định phương án sử dụng kinh phí tiết kiệm nêu trên theo quy chế chi tiêu nội bộ và phải công khai trong đơn vị.

– Đối với các đơn vị đã được giao quyền tự chủ tài chính theo quy định tại khoản 1 Điều 40 (Điều khoản chuyển tiếp) Nghị định 60/2021/NĐ-CP thì tiếp tục thực hiện theo phương án tự chủ tài chính được cấp có thẩm quyền phê duyệt đến hết năm 2021, trong đó bao gồm nội dung trích lập Quỹ bổ sung thu nhập và chi bổ sung thu nhập tăng thêm cho viên chức, người lao động của ban quản lý dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 72/2017/TT-BTC ngày 17/7/2017 của Bộ Tài chính quy định về quản lý, sử dụng các khoản thu từ hoạt động quản lý dự án của các chủ đầu tư, ban quản lý dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước và Thông tư số 06/2019/TT-BTC ngày 28/01/2019 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 72/2017/TT-BTC.

Từ năm 2022, các đơn vị sự nghiệp công thực hiện theo quy định tại khoản 2, khoản 3, khoản 4, khoản 5 Điều 40 Nghị định 60/2021/NĐ-CP.

Do vậy, đề nghị độc giả căn cứ các quy định xác định mức độ tự chủ tài chính theo 04 nhóm đơn vị, các quy định trên tại Nghị định 60/2021NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ, các Thông tư của Bộ Tài chính quy định về quản lý, sử dụng các khoản thu từ hoạt động quản lý dự án của các chủ đầu tư, ban quản lý dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước (Thông tư số 72/2017/TT-BTC, Thông tư số 06/2019/TT-BTC) và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan (nếu có) để tham mưu cho thủ trưởng đơn vị trích quỹ thu nhập bổ sung và chi thu nhập tăng thêm cho viên chức, người lao động của ban quản lý dự án theo đúng quy định.

Bộ Tài chính có ý kiến trả lời để Quý Độc giả biết và thực hiện theo đúng quy định.

Nguồn: mof.gov.vn

Từ khóa » Hạch Toán Trích Quỹ Bổ Sung Thu Nhập