Hướng Dẫn Các Biện Pháp Chăm Sóc Cây Sầu Riêng Giai đoạn Ra Hoa ...
Có thể bạn quan tâm
Hiện tại cây sầu riêng đang giai đoạn ra hoa, đậu quả. Chăm sóc đúng kỹ thuật thời điểm này sẽ quyết định năng suất, phẩm chất trái và hiệu quả kinh tế của cây sầu riêng. Việc chăm sóc đúng kỹ thuật phải đảm bảo 3 yếu tố: cho năng suất cao, chất lượng tốt, cây không bị suy kiệt làm ảnh hưởng đến các vụ tiếp theo.
Trên cơ sở tham khảo các tài liệu của Viện cây ăn quả Miền Nam, Công ty DONA-TECHNO, và đặc biệt là tham vấn kinh nghiệm thực tiễn của bà con nông dân đã trồng sầu riêng cho thu nhập 350-450 triệu đồng/ha tại huyện Đạ Huoai. Trung tâm Nông nghiệp Đạ Huoai hướng dẫn bà con nông dân các biện pháp chăm sóc cây sầu riêng giai đoạn ra hoa, đậu quả như sau:
I. Chăm sóc giai đoạn ra hoa
Cây sầu riêng đòi hỏi phải có thời gian khô hạn (nhiệt độ cao, ẩm độ thấp) để phân hóa mầm hoa. Yêu cầu thời gian khô hạn kéo dài ít nhất là 10-14 ngày cây sầu riêng mới có thể phân hóa mầm hoa. Nếu thời gian khô hạn quá ngắn cây sầu riêng sẽ ra hoa ít hoặc ra hoa rải rác, không đồng loạt dẫn đến khó chăm sóc quả sau này.
Giai đoạn đầu phân hóa mầm hoa, khi hoa mới hình thành chỉ là những chấm nhỏ mọc thành từng cụm ngay tại mầm ngủ của thân, cành. Nếu gặp điều kiện thời tiết không thuận lợi (mưa, dư nước), cây nhiễm sâu bệnh, thiếu dinh dưỡng thì mầm hoa có thể đi vào trạng thái ngủ, không phát triển thành hoa.
Do vậy, mục tiêu chăm sóc giai đoạn ra hoa: cây hình thành được mầm hoa, ra hoa đồng loạt, hoa phát triển mạnh và lựa chọn giữ lại được một đợt hoa ra tập trung nhất để chăm sóc, nuôi quả. Hoa ra đồng loạt và phát triển mạnh thì mới dễ chăm sóc quả sau này. Để được như vậy, tại thời điểm này bàn con nông dân phải làm các công việc sau:
1. Điều tiết nước tạo khô hạn để hoa ra đều, tập trung
Vào tháng 12-1 hàng năm là thời kỳ cây sầu riêng phân hóa mầm hoa (ra mắt cua). Nếu thời điểm này cây phân hóa mầm hoa ít hoặc chưa phân hóa mầm hoa thì phải dọn sạch cỏ rác trong và ngoài tán cây nhằm tạo độ thông thoáng tốt, đất nhanh khô để cây cảm ứng ra hoa.
Nếu đất có hiện tượng khô, cây có biểu hiện héo mà chưa ra mầm hoa thì tưới qua 1 lần nước, tưới nhẹ cho đủ ẩm (lượng nước tưới bằng 1/3 lúc bình thường). Rồi tiếp tục xiết nước tạo khô hạn, chờ cây ra hoa đều, tập trung thì chọn đợt hoa đó. Tỉa bỏ hết số hoa đã ra trước hoặc sau đó, để mục đích trên cùng 1 cây, thời gian thu hoạch quả không kéo dài quá 15 ngày.
Bởi vì, cây cần rất nhiều dinh dưỡng để tạo cơm, nếu kéo dài thời gian mang quả thì cây dễ bị suy nhược, kiệt quệ, chăm sóc phục hồi sau thu hoạch rất khó khăn, cây dễ phát sinh nấm bệnh, đặc biệt làm nấm Phytopthora. Do vậy, rất cần thiết phải kích thích cho hoa ra đồng loạt, mỗi cây thu hoạch dứt điểm trong khoảng 15 ngày để bảo vệ cây. Nếu vào thời điểm 12 giờ trưa quan sát cây vẫn phát triển bình thường, như vậy cây có khả năng dư nước thì cần phải dọn sạch cỏ rác trong và ngoài tán cây nhằm tạo độ thông thoáng tốt, đất nhanh khô để cây cảm ứng ra hoa.
Đồng thời với việc tạo khô hạn, để kích thích ra nhiều bông, đồng loạt thì phải phun NPK 10-60-10, liều lượng gấp đôi bao bì hướng dẫn, xịt vào vùng mang trái vào sáng sớm (trước 9 giờ sáng) và chiều mát (từ 15 giờ chiều trở đi). Xịt 2 lần cách nhau 7 ngày, chắc chắn bông sẽ ra nhiều. Khi mầm hoa xuất hiện mà trời mưa thì phun thuốc phòng bệnh khô mầm hoa như Antracol 70WP, Topsin M 70WP hoặc Agri - Fos 400.
2. Tưới nước nuôi hoa
- Thời điểm tưới: Khi mầm hoa ra sáng đều (dài 3-4cm) trên các vị trí để trái, thì tưới nước trở lại. Không nên tưới sớm (khi mầm hoa vừa nhú mắt cua, nhú chân chim) sẽ có các tác hại sau:
+ Các bông ở đầu cành phát triển mạnh (nơi không khuyến cáo để trái vì dễ bị gãy cành). Còn các mầm hoa ở vùng mang trái bị rơi vào trạng thái ngủ (đui bông) nên sẽ mất sản lượng.
+ Kích thích phát triển lá trên mỗi chùm bông, dinh dưỡng tập trung nuôi lá làm hoa nhỏ lại, cuống hoa dài, yếu ớt, ảnh hưởng đến đậu trái, nuôi trái.
- Cách tưới: Tưới xòe đều nước chầm chậm từ bên ngoài tán vào bên trong cho đến khi nước vừa chảy tràn trên mặt đất. Ưu tiên tưới bên dưới tán cây vì nơi đó tập trung rất nhiều rễ tơ hút nước. Nếu xuất hiện trời mưa trái mùa thì rễ này không thể hút thêm nước nên không xảy ra tình trạng xốc nước gây rụng hoa, quả non.
Lần tưới tiếp theo khi thấy lớp đất mặt bắt đầu khô, khoảng 2-5 ngày sau khi tưới, tùy theo loại đất (cát, thịt, sét), không tưới quá nhiều trong 1 lần gây sốc nước. Vào thời điểm 1 tuần trước khi hoa nở, giảm 2/3 lượng nước ở mỗi lần tưới (chu kỳ tưới không thay đổi), giúp hạt phấn khỏe có khả năng thụ phấn, đậu trái tốt (bởi vì hạt phấn sẽ chết khi có nhiều nước). Tuy nhiên, khi giảm nước cần theo dõi cẩn thận để tránh hiện tượng héo cây, héo hoa ảnh hướng xấu đến việc đậu trái. Sau khi đậu trái, tưới tăng dần lượng nước đến mức trở lại bình thường, giúp trái phát triển khỏe, chất lượng cao. Như vậy, thời điểm, cách tưới nước cho sầu riêng giai đoạn ra hoa đậu quả rất quan trọng, quyết định đến năng suất vườn sầu riêng.
3. Phun phân bón qua lá
Giai đoạn này cây rất cần các nguyên tố trung lượng, vi lượng để hình thành hạt phấn, sức sống của hạt phấn và tạo độ dai chắc cho cuống hoa. Giai đoạn này khuyến cáo sử dụng phân bón lá để cung cấp dinh dưỡng cho cây, giai đoạn này không nên sử dụng phân bón gốc vì rất dễ ra lá non ở các chùm bông, khi đó dinh dưỡng tập trung nuôi lá làm hoa nhỏ lại, cuống hoa dài, yếu ớt, ảnh hưởng đến đậu trái, nuôi trái.
Thời điểm phun: Khi nụ hoa hình thành rõ. Loại phân: Sử dụng phân bón lá NPK 20-20-20+ TE và Botrac. Cách phun: Phun định kỳ 7-10 ngày cho đến khi quả được 60 ngày tuổi.
Lưu ý: Trong lần phun khi hoa chuẩn bị nở, phối hợp với thuốc Agri - Fos 400 để hạt phấn hoa khỏe, giúp đậu quả tốt hơn và kháng bệnh xì mủ thân. Nồng độ phun 0,5% tương ứng 0,5lít/100 lít nước. Kết hợp với thuốc trừ sâu để phòng sâu ăn hoa. Phun ướt đều mặt trên và mặt dưới lá vào sáng sớm hoặc chiều mát.
+ Trường hợp cây đang ra nụ mà cây ra đọt non thì sử dụng NPK 20-20-20, với liều lượng gấp đôi bao bì hướng dẫn. Xịt lúc trời mát. 7-10 ngày xịt 1 lần, liên tục cho đến khi lá già mới thôi.
+ Trong trường hợp hoa xả nhị mà cây ra đọt non thì phải phun phân MKP 0-52-34 với liều lượng 4kg/phuy 200lít để hạn chế đọt non, lá non phát triển, tránh tình trạng cạnh tranh dinh dưỡng giữa lá và quả non gây rụng quả non.
4. Tỉa hoa: Tỉa hoa nhằm loại bỏ bớt hoa mọc ở những vị trí không cần thiết, qua đó cây sẽ tập trung dinh dưỡng để nuôi dưỡng hoa còn lại tốt hơn.
4.1 Tỉa chùm hoa: Thời điểm: Khi chùm hoa hình thành 3-5cm. Cách làm: Dinh dưỡng từ lá di chuyển vào nuôi hoa, nuôi quả nên những quả trên cành cao sẽ to lớn và ngon hơn. Do vậy cách tỉa hoa như sau:
Đối với cành cấp 1, vị trí để chùm hoa đầu tiên cách thân từ 0,5-1,8m tùy tuổi cây. Cây càng lớn, cành ở dưới thấp thì vị trí để chùm hoa đầu tiên càng cách xa thân. Nếu để hoa, quả gần thân thì hoa, quả ở vị trí này phát triển rất kém.
Đối với cành cấp 2, giữ lại những chùm hoa ở vị trí cành to, khỏe, ở nách cành cấp 2. Không để hoa ở đầu cành, vì nếu đậu quả dễ bị gió giật gây tổn thương các cành lân cận và khó thu hoạch. Chọn các chùm hoa khỏe hướng xuống dưới (không để các chùm hoa hướng ngang hoặc mọc sai vị trí). Tùy sức khỏe của cành mà để 4-10 chùm hoa/cành. Khoảng cách giữa các chùm bông cách nhau 20-25cm. Không để dày làm cho hoa nhỏ, đậu phấn kém.
Tỉa bớt hoa trong một chùm: Thời điểm tỉa: Khi hoa dài khoảng 8-10cm. Cách làm: Số lượng hoa trong chùm rất nhiều, có chùm lên đến trên 45 hoa. Vì vậy cần tỉa bớt những hoa trên cùng một chùm. Ưu tiên giữ lại những nụ hoa ra cùng đợt và những hoa tròn, mập, cuống hoa khỏe, hoa không bị nhiễm sâu bệnh. Để không quá 10 bông/chùm.
5. Phân biệt các đợt hoa xả nhị
Phân biệt các đợt hoa xả nhị để có biện pháp chăm sóc riêng biệt cho những cây có cùng thời gian xả nhị và xác định chính xác thời điểm thu hoạch của những quả xả nhị cùng đợt. Có 2 phương pháp phân biệt các đợt hoa xả nhị đó là: Đánh số cho từng cây, ghi chép sổ sách cụ thể ngày xả nhị của từng cây trong trường hợp để 1 đợt hoa/cây. Đánh dấu sơn các màu khác nhau cho từng lứa hoa xả nhị khác nhau trên cây trong trường hợp cây để 2 đợt hoa.
III. Chăm sóc giai đoạn nuôi quả
1. Tỉa quả: Sau khi đã tỉa bớt hoa trong 1 chùm, chỉ để không quá 10 bông/chùm. Hầu hết số bông này đều đậu quả, nên cần thiết phải tỉa bớt quả nhằm tạo cho quả đảm bảo về chất lượng cũng như trọng lượng quả.
Cách tỉa và thời điểm tỉa quả: Lần 1: Quả được 3-4 tuần sau khi hoa nở, tỉa những quả có cuống nhỏ, chen chúc trong chùm quả, trái méo, trái bị sâu bệnh (để lại 6-8 quả/chùm). Lần 2: Quả được 8 tuần sau khi hoa nở: Tỉa quả cong vẹo, dị dạng (để lại 3-4 quả/chùm). Lần 3: Quả được 10 tuần sau khi hoa nở: cắt tỉa những trái có hình dạng không đặc trưng của giống. Tạo thuận lợi cho phát triển cơm, kích thước và hình dáng trái. Chỉ để 2-3 quả/chùm, khoảng 70-120 quả/cây (tùy theo từng cây). Trong trường hợp đang nuôi quả mà có hiện tượng rụng quả thì tiến hành tỉa bớt một số quả, ưu tiên tập trung dinh dưỡng để nuôi các quả còn lại (không còn hiện tượng rụng quả).
2. Phun phân qua lá để dưỡng quả
Từ giai đoạn nuôi hoa đến khi quả được 60 ngày tuổi. Phun định kỳ 7-15 ngày/lần bằng phân bón lá NPK 20-20-20+TE để cung cấp dinh dưỡng nuôi quả. Trong thời điểm này cây có hiện tượng ra đọt non thì phun MKP (10g/lít nước, 2kg/phuy) hoặc KNO3 (200-300g/bình 16 lít) định kỳ 3 ngày/lần (có thể phun luân phiên 2 loại phân này) để hạn chế đọt non, lá non phát triễn để tránh tình trạng cạnh tranh dinh dưỡng giữa lá và quả non gây rụng quả non.
Trong lần phun cuối cần phối hợp với thuốc Agri - Fos 400 để kháng lại bệnh thối trái, xì mủ thân (giai đoạn này quả nở gai rất mẫn cảm với bệnh thối quả do nấm phát triển). Nồng độ thuốc phun 0,5%.
3. Bón phân nuôi quả
* Lần 1: Thời điểm: khi quả được 60 ngày tuổi (quả sầu riêng bằng quả trứng gà). Loại phân bón: bón phân NPK 15-15-15 YARA. Lượng bón: Bón 0,5kg/cây/lần/2 lần, cách nhau 10-15 ngày. Cách bón: Lần 1 bón 200-300g/cây/lần rắc quanh tán cây. Nếu đất không đủ ẩm phải tưới nước để phân tan. Sau 10-15 ngày bón tiếp lần 2 với lượng phân còn lại.
* Lần 2: Khi đậu trái được 80-85 ngày: Loại phân bón: NPK có công thức 12-12-17+TE hoặc 12-7-17+TE. Cách bón: Lượng phân bón 0,15-0,25kg/cây/lần, bón lần tiếp theo sau đó 10-15 ngày.
* Lần 3: Loại phân: K2SO4 (kali trắng Con cò Pháp). Lượng phân và thời điểm bón: Lần 1: Khi quả được 105 ngày (sầu riêng Moonthong), bón 0,3kg/cây, tùy lượng quả trên cây. Lần 2: Sau khi bón lần 1 được 7 ngày, bón 0,3-0,5kg/cây.
Lưu ý: Đối với giống sầu riêng Ri6 do thời gian thu hoạch sớm hơn sầu riêng Monthong 15-20 ngày. Vì vậy thời gian bón phân cho cây Ri6 giai đoạn nuôi trái cần sớm hơn so với giống Monthong khoảng 10-15 ngày.
4. Một số biện pháp chống sượng quả
Giai đoạn trái chuyển từ non sang già là giai đoạn tích lũy tinh bột nên cây rất cần các vi lượng như Mg2+, Zn2+, Cu2+… giúp cho cây quang hợp tốt, trái không bị sượng. Khi trái sầu riêng chuyển hóa tinh bột thì việc bổ sung Kali (kali trắng) là rất cần thiết. Không bón kali đỏ làm trái dễ bị sượng.
Khi mưa nhiều bồn sâu chứa nước, làm cho cây thừa nước, quá trình chín cũng diễn ra kém, dẫn đến tình trạng trái bị sượng nước. Do đó khi vào mùa mưa cần thiết phải làm cho bồn thoát nước tốt. Sầu riêng trước khi chín rụng 15-20 ngày ta phải cắt nước hoàn toàn, nếu trời mưa thì phải khai thông bồn cho thoát nước tốt thì chất lượng trái sẽ tốt. Sầu riêng trước khi thu hoạch (cắt trái) 10-15 ngày ta phải cắt nước hoàn toàn, nếu trời mưa thì phải khai thông bồn cho thoát nước tốt thì chất lượng trái sẽ tốt.
IV. Thu hoạch quả: Xác định thời điểm thu hoạch quả: Dựa vào sổ nhật ký ghi chép thời gian xả nhị đến khi quả được 125-135 ngày (đối với sầu riêng Monthong), 105-115 (ngày đối với sầu riêng Ri6), nông dân nên thu hoạch trước khi quả chín từ 5-7 ngày, tránh tình trạng thu hoạch quá sớm, hay quá muộn (đặc biệt không để quả tự rụng xuống đất) đều ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng trái. Dựa vào dấu sơn phân biệt các đợt quả trên cây. Dựa vào hình thái bên ngoài sự nở của gai quả, khi quả chín gai trên múi sầu riêng nở và rãnh quả sâu hơn. Dựa vào âm thanh khi gõ quả. Lưu ý: Tuyệt đối không thu hoạch quả non làm mất uy tín.
V. Một số lưu ý phòng trừ sâu bệnh giai đoạn ra hoa, nuôi quả
1. Nhện đỏ: Đây là đối tượng gây hại mạnh cây sầu riêng vào giai đoạn mùa khô và chúng tập trung chủ yếu ở mặt dưới của lá, đặc biệt là các lá bánh tẻ. Vết chích lúc đầu chỉ là những đốm nhỏ màu xám trắng, nhiều vết chích liên kết lại tạo ra những khoang, những đốm lớn mất màu ảnh hưởng đến sự quang hợp của lá, bị hại nặng lá có thể bị khô và rụng.
* Biện pháp phòng trừ: Sử dụng thuốc Kumulus 80DF, Sulox 80WP (10-15g/16 lít nước), Ortus 5SC (10-15ml/8-10 lít nước), Pegasus 500SC (7-10ml/8 lít nước), thuốc sinh học Abatin 5.4EC (6-8ml/16 lít nước ), hoặc sử dụng thuốc Sule Long 80WP (140g/16 lít nước)...
2. Rầy phấn trắng
Biện pháp phòng: Phun thuốc trừ rầy định kỳ khi mỗi đợt lá mới hình thành.
Biện pháp trừ: Khi phát hiện chồi bị hại thì tiến hành xử lý thuốc 2 lần liên tiếp, mỗi lần cách nhau 5-7 ngày. Thuốc phòng trừ rầy phấn trắng: Sử dụng luân phiên các loại thuốc sau: Confidor 100SL (pha 5-7ml/8 lít nước), Actara 25WG 1g/8 lít, Bassa 50EC 20-25ml/8-10 lít nước. Có thể phun kết hợp phân bón qua lá với thuốc phòng trừ rầy phấn trắng để giúp bộ lá phát triển tốt hơn.
3. Bệnh xì mủ thân, thối trái do nấm Phytopthora
* Phòng bệnh: Để giảm tối đa bệnh Phytopthora gây hại thân, quả trong giai đoạn cây mang trái, giảm thiệt hại về năng suất sầu riêng thì biện pháp phòng bệnh Phytopthora cho cây sầu riêng giai đoạn này là rất cần thiết. Tiến hành tiêm phòng 4 đợt cho cây sầu riêng giai đoạn cụ thể là: Lần 1: Sau khi thu hoạch. Lần 2: Khi cây chuẩn bị làm bông. Lần 3: Khi trái bằng quả cam (60 ngày sau khi xả nhụy). Lần 4: Khi quả đạt 1,5-2kg (100 ngày sau xả nhụy).
Cách tiêm: Tiêm trực tiếp vào thân cây 2-3 mũi/cây. Pha theo tỷ lệ 1:1 (dùng nước sạch).
* Trị bệnh: Khi phát hiện quả bị bệnh thì phải phun thuốc với nồng độ 2% (2 lít thuốc trong 100 lít nước trực tiếp lên quả). Phun lặp lại lần tiếp theo sau đó 7 ngày. Nếu phát hiện xì mủ thân thì phải vệ sinh gọt bỏ vùng mô bị thối rồi quét thuốc Aliette 800wp + Ridomil gold 68WP hoặc Agri - Fos 400 nguyên chất lên vết bệnh. Thực hiện 3 lần liên tiếp, mỗi lần cách nhau 15 ngày.
Nguyễn Thị Thu Thắm
Trung tâm Nông nghiệp Đạ Huoai
Từ khóa » Hãm Nước Sầu Riêng
-
Chăm Sóc Sầu Riêng Ra Hoa đậu Trái | Khuyến Nông | THDT - YouTube
-
Chăm Sóc Cây Sầu Riêng Trong Thời Gian Cây Ra Hoa ( Mắt Cua)
-
Kỹ Thuật Chăm Sóc Cây Sầu Riêng Thời Kỳ Ra Hoa – Mắt Cua
-
CHĂM SÓC SẦU RIÊNG GIAI ĐOẠN RA BÔNG - Agriplus
-
Để Cây Sầu Riêng Khỏe Khi Ra Hoa - Báo Nông Nghiệp
-
Chăm Sóc Cây Sầu Riêng Ra Mắt Cua Trong Giai Đoạn Ra Hoa
-
CHĂM SÓC CÂY SẦU RIÊNG TRONG THỜI GIAN CÂY RA HOA ...
-
Kỹ Thuật Chăm Sóc Cây Sầu Riêng Giai đoạn Ra Mắc Cua Ra Hoa
-
Cách Tưới Nước Cho Cây Sầu Riêng
-
Kỹ Thuật Làm Hoa Sầu Riêng Vụ Thuận ở Tây Nguyên
-
Kỹ Thuật Trồng Sầu Riêng Và Cách Chăm Sóc Sầu Riêng
-
Phương Pháp Xử Lý đọt Sầu Riêng Giai đoạn Ra Hoa
-
CHĂM SÓC CÂY SẦU RIÊNG RA MẮT CUA TRONG THỜI GIAN ...
-
Cách Chăm Sóc Sầu Riêng Cho Năng Suất Cao