Hướng Dẫn Cách Chăm Sóc Trẻ Sau Tiêm Chủng - Bộ Y Tế

Phản ứng sau tiêm

Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, trong 6 tháng đầu năm nay cả nước ghi nhận 4.114 trường hợp phản ứng thông thường là các trẻ trong TCMR và tiêm dịch vụ với các biểu hiện phản ứng tại chỗ (sưng, nóng, đỏ đau tại vị trí tiêm), sốt <39 độ C.

Tin 4 CCMTYTDS anh 1.jpg

Chăm sóc trẻ sau tiêm tại nhà

TS - BS Lê Kiến Ngãi, Phụ trách đơn vị Tư vấn tiêm chủng, Bệnh viện Nhi T.Ư cho biết, sau tiêm chủng, các trẻ sẽ được theo dõi phản ứng 30 phút tại điểm tiêm chủng.

Tại gia đình, trong quá trình chăm sóc trẻ sau tiêm các bà mẹ, người chăm sóc trẻ cần lưu ý các phản ứng tại vết tiêm. Trẻ thường có các phản ứng như: sưng, đau ít tại nơi tiêm. Đây là các phản ứng sau tiêm thường gặp. Người nhà không chườm, đắp, bôi các vật lạ lên chỗ tiêm của trẻ. Ngoài ra, trẻ cũng có thể có sốt, nếu sốt cao (từ 38,5 độ C) thì cho trẻ hạ sốt như khuyến cáo của bác sĩ. Nếu không may trẻ có các dấu hiệu nguy hiểm như co giật, khó thở... (tỷ lệ rất thấp) thì cho trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để cấp cứu, hỗ trợ.

Bác sĩ cũng lưu ý, thông thường, sau khi tiêm chủng một số loại vắc xin thì em bé cũng có thể xuất hiện một số phản ứng sau tiêm như sốt, nổi ban rải rác... Nếu bạn lo lắng đây có phải là tình trạng dị ứng hay không thì cần đưa em bé đến các cơ sở có chuyên khoa miễn dịch dị ứng trẻ em để được đánh giá, xác định nguyên nhân và tư vấn hỗ trợ.

Tiêm chủng cho trẻ có cơ địa dị ứng

Phản ứng quá mẫn với các trẻ có cớ địa dị ứng luôn khiến các gia đình lo lắng, về vấn đề này, bác sĩ Lê Kiến Ngãi chia sẻ: “Tại Bệnh viện Nhi T.Ư, các em bé có tình trạng dị ứng vẫn được tiêm chủng theo lịch dưới sự phối hợp chuyên môn giữa chuyên khoa miễn dịch dị ứng và các thầy thuốc của đơn vị tư vấn tiêm chủng”.

Bác sĩ Kiến Ngãi cho biết thêm, theo khuyến cáo của Dự án Tiêm chủng mở rộng quốc gia, không có chống chỉ định tuyệt đối cho các trường hợp trẻ bị bệnh bẩm sinh. Trẻ mắc các bệnh bẩm sinh lại càng cần được tiêm chủng để có đủ năng lực miễn dịch bảo vệ cơ thể. Để đảm bảo an toàn cho trẻ có các bệnh bẩm sinh, khi tiêm chủng, trẻ cần được phối hợp, theo dõi giữa các thầy thuốc lâm sàng, nhi khoa và các nhà tư vấn tiêm chủng.

Tại Bệnh viện Nhi T.Ư và các bệnh viện sản nhi đã có các đơn vị tư vấn tiêm chủng phục vụ các trường hợp nêu trên. Gia đình và người chăm sóc trẻ có thể đưa trẻ đến các bệnh viện nhi để được tư vấn về tiêm chủng và chăm sóc , theo dõi trẻ sau tiêm chủng để đảm bảo trẻ được bảo vệ tốt nhất trước các nguy cơ  nhiễm bệnh../.

Từ khóa » Chăm Sóc Trẻ Sơ Sinh Bị Sốt Sau Tiêm Phòng