Hướng Dẫn Cách Sử Dụng Vôi Hiệu Quả

Tác dụng

Vôi không những có nhiều tác dụng giá thành lại rẻ mà còn mang lại hiệu quả đối với ao nuôi. Nhờ có tác dụng trung hòa acid mà vôi trong NTTS để ổn định pH (đặc biệt khi mưa lớn), tăng độ kiềm và độ cứng trong nước, khử phèn trong đất và nước. Ngoài ra, vôi còn được sử dụng để diệt tạp, giảm tảo và sát khuẩn bờ ao, đáy ao, làm trong nước, giảm CO2, phân hủy mùn bã đáy ao, tạo môi trường kiềm giúp tôm cứng vỏ…

Phân loại

Tùy thuộc vào từng loại vôi khác nhau mà khi sử dụng người nuôi có thể định tính được liều lượng sử dụng và công dụng phù hợp trong việc xử lý môi trường thủy sản. Các loại vôi thường được sử dụng trong NTTS gồm 4 loại: Vôi nông nghiệp hay đá vôi (CaCO3), dolomite hay đá vôi đen (CaMg(CO3)2), vôi tôi (Ca(OH)2) và vôi sống (CaO).

Vôi nông nghiệp/đá vôi (CaCO3): Là dạng đá vôi hay vỏ sò nghiền và chất lượng của loại vôi này khác nhau. Vôi mịn, có hàm lượng CaCO3 < 75% sẽ thích hợp cho NTTS hơn, loại vôi này làm tăng khả năng đệm của nước và có thể được dùng với số lượng lớn mà không ảnh hưởng nhiều đến độ pH của nước.

Đá vôi đen (CaMg(CO3)2): Là một loại đá vôi nghiền có chứa Mg, được sử dụng để bổ sung thêm Mg vào ao. Loại vôi này cũng ít ảnh hưởng đến pH của nước.

Vôi tôi hay vôi ngậm nước (Ca(OH)2): Nung đá vôi ở nhiệt độ 800 – 9000C, sau khi nung thì cho nước vào khi đá vôi còn nóng cho vôi mịn ra sẽ được loại vôi ngậm nước hay vôi tôi. Vôi tôi được dùng làm tăng pH nước hoặc pH trong đất.

Vôi sống (CaO): Được sản xuất bằng cách nung đá vôi ở nhiệt độ cao nhưng không cho nước vào, thường được dùng trong giai đoạn cải tạo ao không dùng cho ao đang có tôm cá vì ảnh hưởng rất lớn đến pH của ao.

Thời điểm

Kiểm tra và xác định các thời điểm cần thiết và phù hợp để sử dụng trong xử lý ao nuôi là rất quan trọng. Bởi, nếu không xác định đúng nguyên nhân thì sẽ xác định sai cách khắc phục, cũng như loại vôi và liều lượng cần dùng trong các trường hợp cần xử lý; từ đó làm giảm hiệu quả của việc sử dụng và cũng có thể gây nguy hiểm đến vật nuôi trong ao. Các trường hợp ao nuôi cần được bón vôi gồm:

– Ổn định phèn ở nền đáy ao, sau khi hút vét bùn

– Diệt cá tạp, cá dữ còn sót lại trong ao

– Diệt một số mầm bệnh hại cá nằm ở đáy ao

– Giúp làm tơi xốp lớp bùn đáy, bốc hơi các khí độc hòa tan gây bất lợi cho cá

– Kích thích thức ăn tự nhiên phát triển làm thức ăn cho cá.

– Ao nuôi bị mất cân bằng dinh dưỡng với nhiều chất hữu cơ và mùn ở đáy ao

– Mất cân bằng dinh dưỡng với nước bị nhiễm phèn

– Nước ao nuôi bị mềm và độ kiềm thấp

– Hàm lượng khí CO2 trong nước cao.

Hạn chế lượng vôi bón vào giai đoạn chuẩn bị ao bởi vôi sẽ được bón thêm trong quá trình nuôi. Việc bón vôi trước khi bơm nước vào ao sẽ làm giảm hiệu quả của việc dùng các hóa chất xử lý sau này để ngăn ngừa các sinh vật khác vào ao nuôi tôm. Nếu nước ao có độ kiềm và pH cao (> 80 mg CaCO3/l và pH>8) thì không cần phải bón bất kỳ loại vôi nào trong giai đoạn này. Lượng vôi sử dụng cho ao sau lần tháo rửa cuối cùng tùy thuộc vào từng ao; trong trường hợp này nên dùng vôi nông nghiệp (CaCO3) hay đá vôi đen (CaMg(CO3)2) để tạo pH và độ kiềm thích hợp nhất. Chỉ nên bón vôi tôi (Ca(OH)2) hay vôi sống (CaO) trong trường hợp đất ao quá phèn (pH<5). Nếu dùng vôi tôi và vôi sống để tăng pH đất ao thì pH nước tăng lên đáng kể khi lấy nước vào ao và điều này đặc biệt thể hiện rõ khi hệ đệm nước ao kém. Hiện tượng pH cao cũng sẽ kéo dài đáng kể và khó điều chỉnh trong ao nuôi thay nước ít.

Liều lượng và cách dùng

Bón vôi khi cải tạo ao: Để xác định chính xác liều lượng vôi cần bón cho từng trường hợp của đáy ao có thể áp dụng phương pháp thử với dung dịch đệm p-nitrophenol pH=8 (hòa tan 10 g p-nitrophenol, 7,5 g H3BO3, 37 g KCl và 5,25 g KOH trong nước cất rồi pha thành 1 lít). Cho 20 g bùn khô đã được nghiền mịn vào 40 ml dung dịch đệm p-nitrophenol, khuấy đều vài lần trong một giờ, sau đó đo pH của dung dịch (pHdd) và xác định lượng vôi cần bón theo công thức sau: Lượng vôi cần bón (kg CaCO3/ha) = (8 – pHdd) x 6.000.

Bón vôi để tăng độ kiềm và khử CO2: Việc xác định liều lượng vôi cần bón cho nước ao thường được dựa vào tổng độ kiềm (total alkalinity) hoặc tổng độ cứng (total hardness). Tổng độ kiềm thích hợp là > 40 mg CaCO3/l cho ao nuôi thủy sản nước ngọt và > 80 mg CaCO3/l cho ao nuôi thủy sản nước mặn, lợ. Giả định rằng, ao nuôi nước ngọt có diện tích 1.000 m2, sâu 1 m và có độ kiềm là 10 mg/l, để tăng độ kiềm lên 40 mg/l thì cần bón 30 mg CaCO3/l hay 30 g CaCO3/m3, tổng lượng vôi cần bón cho ao là 30 kg CaCO3. Tuy nhiên, theo cách tính liều lượng vôi cần bón như trên thì độ kiềm của nước ao sau khi bón vôi có thể không đạt được 40 mg CaCO3/l như mong muốn, nguyên nhân là do một phần vôi bị mất đi khi tham gia phản ứng trung hòa axít trong bùn. Do đó, sau khi bón vôi 2 – 3 tuần cần kiểm tra lại độ kiềm của nước, nếu độ kiềm chưa đạt 40 mg CaCO3/l thì cần bón vôi bổ sung với liều lượng được xác định theo phương pháp trên.

Phòng bệnh cho tôm, cá: Định kỳ 2 tuần/lần dùng vôi nông nghiệp (CaCO3) ngâm lấy nước trong tạt đều khắp ao, lượng 1 – 2 kg/100 m3 nước (đối với bè thì treo túi vôi liều lượng 2 – 4 kg/10 m3 nước) để phòng bệnh cho cá tôm. Đây được xem là giải pháp phòng bệnh hiệu quả và rẻ tiền nhất.

Hạ phèn: Vào mùa mưa hay ở những vùng đất phèn thường có hiện tượng rửa trôi phèn sau những trận mưa và xì phèn từ đáy ao. Trong trường hợp này thường dùng vôi bột CaCO3 với lượng 1 – 3 kg/100 m3 nước, hòa với nước để nguội lấy nước trong tạt đều khắp ao. Đối với bè nuôi cá dùng 2 – 4 kg/10 m3 nước trong bè, treo thành bịch nhỏ đầu dòng chảy của bè.

Lắng chìm các chất hữu cơ: Dùng vôi CaCO3 để điều chỉnh độ trong của nước ao, liều lượng 1 – 2 kg/100 m3 hòa với nước tạt khắp ao, độ trong sẽ trở lại bình thường.

Từ khóa » Sử Dụng Vôi Cao Trong Nuôi Tôm