Hướng Dẫn Chăm Sóc Xương Rồng Bát Tiên | Farmvina Cây Hoa Kiểng

Trồng Xương Rồng Bát Tiên công chăm sóc không nhiều lắm và cũng không khó khăn.

1. Chăm sóc

Tưới nước: Khi thiếu nước thì cây bị khô héo, chết dần nhưng bị úng nước thì cây còn chết nhanh hơn vì vậy việc đảm bảo đầy đủ nước cho cây nói chung và XRBT nói riêng là rất quan trọng.Ở TPHCM thì mùa nắng có thể tưới một ngày một lần, vào mùa mưa thì 2-3 ngày tưới 1 lần tùy theo đất trồng trong chậu khô nhiều hay ít, quan sát đất trên mặt chậu, nếu thấy khô là tưới thì tốt nhất. Mỗi lần tưới phải tưới cho đủ nước để nước thấm sâu xuống đáy chậu, nếu dư nước cây sẽ  dễ bị thối nhũn, không nên tưới nước lên sẹo chưa thật lành, không nên tưới nước lên hoa vì hoa sẽ mau tàn khi ướt.

Bón phân: Mặc dù khi trồng cây xương rồng trong đất đã có trộn phân rồi, nhưng khi cây sống lâu ngày đã ăn hết phân, cần phải bón bổ sung thêm hoặc bón thúc thêm để kích thích cây ra hoa bằng phân hoá học. Cách tưới phân: Bình thường, cây xương rồng Bát tiên được trồng trong chậu, vì thế ít nhất mỗi tháng phải được bón phân một lần. Ít nhất khoảng 1-2 năm thì thay đất, thay chậu một lần. Nên tưới phân NPK:20.20.20, liều lượng bón nên giảm bớt 50% so với hướng dẫn sử dụng phân.Chú ý: khi bón phân cũng phải tính toán cho cân đối, nếu bón hoài một thứ phân thì có thể sẽ làm dư thừa chất đó.

Cắt tỉa: Nên tỉa bớt cành, bởi nếu để nhiều thì sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của cây và làm cho kích cỡ hoa nhỏ cuống. Nên để những cành ở phía dưới gốc cây, tỉa bớt những cành ở phía trên ngọn để tạo dáng đẹp cho cây cảnh.

2.Nhân giống

Cách gieo hạt : Hạt giống xương rồng Bát Tiên do có vỏ dày nên nảy mầm chậm. Phải chờ khoảng 10 ngày thì mầm cây mới nhú lên. Trong thời gian chờ hạt nảy mầm mỗi ngày ta nên tưới nước nhẹ khoảng 3 lần cho đất đủ độ ẩm. Cây con mọc lên thường rất yếu nên trong thời gian mấy tuần đầu nên để vào chỗ thoáng mát, hoặc nơi chỉ có nắng sáng nhẹ chiếu vô. Tốt nhất là có mái che hay giàn che.

Cách chiết cây: Dùng dao bén cắt rời một khoanh vỏ có chiều dài độ vài phân nơi mình định chiết. Sau đó, chờ vết cắt khô nhựa rồi dùng xơ dừa xé nhỏ hoặc rễ lục bình rửa sạch vắt khô nước để bó quanh lại vết cắt, bên ngoài dùng bao nilon quấn chặt, chờ ngày bầu chiết ra rễ mới cắt ra trồng.

Cách chiết khác: không cần bóc cả khoanh vỏ mà dùng dao bén vát chéo hình miếng bát một bên thân cành hay một bên thân cây, nơi định chiết. Sau đó, cùng chờ vết cắt khô nhựa rồi mới bó bầu theo cách trên

Cách tháp ghép: Muốn tháp ghép ta phải có sẵn gốc ghép và cành ghép. Gốc ghép: Chọn một cây đang trong giai đoạn trưởng thành, đang có sức sống mạnh, nhiều nhựa mới đủ sức nuôi sống và giúp cây nghép phát triển mạnh sai này. Cành ghép: Nên chọn cành ghép từ những cây giống mới, có những ưu điểm đang được nhiều người đánh giá cao như: sai hoa, hoa to, màu sắc đẹp, sống khỏe… để sau này ta có một cây mới mang những ưu điểm giống như vậy. Tốt nhất nên chọn cành ghép có tiết diện bằng với gốc ghép để sau này vết ghép được liền lặn, phẳng. Chiều dài của cành ghép không nên quá dài, khoảng mười phân là vừa.

Cách giâm cành: Đối với xương rồng Bát Tiên, cách giâm cành là cách dễ thực hiện nhất nhưng đòi hỏi cành giâm không quá non mà cũng không được quá già. Vì cành quá non rất dễ bị thối khi gặp môi trường ẩm, còn cành quá già thì cạn nhựa. Trước khi giâm cành xuống đất phải chờ vết cắt khô nhựa. Giâm cành xong phải để chậu vào nơi thoáng mát một thời gian để chờ cây mọc rễ mới cho tiếp xúc với ành nắng dần dần… Cây mọc rễ là khi cành giâm bắt đầu ra chồi non. Trong thời gian cây chưa ra rễ, không được tưới nước. Chỉ trừ trường hợp đất trong chậu quá khô, không đủ độ ẩm mới tưới dạng sương giúp cây đủ ẩm.

Hướng dẫn chăm sóc xương rồng bát tiên

BỆNH-CÁCH PHÒNG TRỊ

Xương rồng Bát Tiên ít bị các loại bệnh gây hại. Nhưng ta cũng nên phòng trừ bệnh kịp thời nếu không cây vẫn bị hại. Thông thường xương rồng Bát Tiên chỉ mắc những bệnh sau đây:

1. Bệnh đốm lá

Bệnh này do nấm Cercospora chrysanthemi gây ra trên lá. Khi nấm này tấn công, giữa phiến lá hoặc cạnh rìa lá, hay dọc theo gân lá nổi lên những đốm nhỏ hình tròn hay các hình dạng khác nhau với màu nâu đen. Khi bệnh nặng thì nấm làm mô lá bị thối nhũn ra, phần lá còn lại trở lên vàng úa và rụng. Bệnh đốm lá thường xảy ra trong mùa mưa, có khí hậu ẩm ướt. Bệnh thường xuất hiện ở tầng dưới gốc rồi mới lan lên tận ngọn.

Cách phòng ngừa là thường xuyên tỉa bớt những cành nhành rườm rà và các lá già: nhặt bỏ hết những hoa lá rụng cùng rác vương quanh gốc để đem lại sự thông thoáng cho xương rồng Bát Tiên. Mặt khác không nên tưới cây  vào ban đêm, vì sự ẩm ướt trên lá là môi trường cho nấm Cercospora chrysanthemi phát triển và xâm nhập.

Khi cây bị bệnh thì dùng thuốc diệt nấm để phun khắp tán lá, từ ngọn đến gốc. Có thể dùng Anvill 5SC hoặc thuốc Topsin M-70WP.. theo đúng liều lượng chỉ dẫn cách dùng.

2. Bệnh thối nhũn

Thường thấy ở các cành giâm vào mùa mưa lá bị héo, mềm, thối nhũn, cũng do nấm gây ra. Chúng tấn công không chỉ trên lá mà cả trên thân cây nữa. Vết bệnh có kích thước và hình dạng khác nhau, thường có màu xám mốc, và cũng thâm nhập từ phần gốc trước rồi phần thân sau. Lá và thân hễ bị bệnh này trở nên mềm nhũn do các mô bị thối, và cũng những phần đó xem như đã chết, không còn phương cách chữa trị được. Lá bị bệnh thì lá rụng, thân bị bệnh thì gãy gục.

Bệnh này phải phát hiện sớm và nên phun thuốc Kasuran pha 2 gram/1lít nước rất công hiệu. Còn nếu thân cây bị thối nhũn như Sứ thái thì không trị được, mềm chỗ nào thì phải cắt bỏ chỗ đó rồi bôi vôi hoặc sơn vào vết cắt .

Cách phòng ngừa là không nên để đất trồng quá ẩm. Việc kế đó là nên tạo tán tránh để cây rườm rà, cành là gây trở ngại cho việc quang hợp. Nếu cây bị bệnh nặng thì tốt nhất nên sang chậu, thay thế đất trồng. Mặt khác nên phun thuốc trừ nấm theo định kỳ hàng tháng trong suốt mùa mưa.

3. Rầy bông

Rầy bông còn gọi là rệp sáp. Có thân hình bầu dục, thân phủ lớp sáp màu trắng như bông, và nhờ lớp sáp đó mà thân chúng không thấm nước . Giống rầy bông sống cộng sinh với kiến. Kiến ra sức tha các bông từ gốc cây lên tận ngọn cây, ngọn cành để rầy hút nhựa các lá non mà sống. Từ đó các đọt non cứ lần lượt rủ xuống…

Giống rầy này chuyên hút nhựa cây để sống, vì vậy thấy chúng xuất hiện ta phải cấp thời trừ tuyệt ngay, nếu để dây dưa chúng sẽ sinh sôi nẩy nở rất nhanh, không những làm cây đó kiệt sức mà chết, mà còn gây hoạ nhanh cho những cây kế cận nữa.

Cách phòng ngừa hữu hiệu giống rầy này là phải diệt kiến khi thấy chúng xuất hiện gần khu vực trồng xương rồng Bát Tiên, hay làm tổ trong chậu trồng xương rồng Bát Tiên bằng cách sử dụng Basudin. Kinh nghiệm cho thấy hễ thấy kiến kéo đến làm tổ dưới gốc cây thì trước sau gì rầy bông cũng xuất hiện phá cây đó.

Tiếp theo, nên tỉa bỏ hết những cành lá rườm rà sát mặt đất, đồng thời tạo tán giúp cây tránh được sự rậm rạp, vừa ảnh hưởng xấu đến quang hợp, lại vừa tạo môi trường sống tốt cho giống rầy tai hại này.

Khi kiểng xương rồng bát tiên mới bị rầy bông tấn công thì cách tối nhất là ngắt bỏ ngay những cành lá có rầy, đồng thời phun thuốc trừ rầy mỗi tuần vài ba lần cho đến khi chắc chắn đã tận diệt được hết.

Originally posted 2014-04-20 14:17:15.

Từ khóa » Cây Bát Tiên Không Ra Hoa