Hướng Dẫn Chi Tiết Thiền định

Sách : Hướng dẫn thiền - TT. Thích Chân Quang ----------- Nội dung: Lời ngỏ

Về phần lý thuyết cơ bản của pháp môn thiền theo tinh thần Tứ Niệm Xứ đã được Sư Phụ chúng tôi triển khai một cách chi tiết và có hệ thống trong giáo trình Thực Tập Thiền Quán cũng như trong tập Giáo Trình Thiền Học để dạy cho Tăng Ni sinh tại các trường Phật học. Pháp môn Thiền này cũng đã được áp dụng tu tập tại chùa Phật Quang bấy lâu nay. Thời gian gần đây Phật tử tu tập ở các đạo tràng rất cần việc hệ thống hóa trình tự thực hành thiền sao cho ngắn gọn nhưng đầy đủ căn bản để mỗi người tự ứng dụng được dễ dàng hiệu quả. Đại chúng chùa Phật Quang chúng tôi đã cùng nhau rút ý chính từ giáo trình thực tập thiền quán và giáo trình thiền học, cộng với sự thực hành trong thời khóa hàng ngày để viết thành tập sách nhỏ nhằm đáp ứng cho nhu cầu Phật tử vừa kể trên.

Phần hướng dẫn thiền trong đây gồm có 4 phần: + Trình tự căn bản dành cho người có nhiều thời gian thực tập. + Hướng dẫn thiền ngắn gọn dành cho người có ít thời gian. + Hướng dẫn thiền kết hợp với niệm Phật + Khẩu quyết tu thiền. Kính chúc chư vị đạo hữu tu tập tinh tấn, nội tâm an tịnh, công đức tăng trưởng để cùng nhau đi trên con đường tu tập giải thoát giác ngộ và đạt được kết quả viên mãn thù thắng. A. GIỚI THIỆU: Đức Phật thành tựu đạo quả vô thượng chánh đẳng chánh giác bằng pháp môn Thiền định.Ngày nay để tỏ lòng tôn kính Phật, khắp nơi trên thế giới, người đệ tử Phật vẫn tôn thờ Ngài với hình tượng toạ thiền. B. ĐỊNH NGHĨA: Thiền là phương pháp thực hành nhiếp tâm vào định, đưa tâm trí đến chỗ an tĩnh, sáng suốt không xuất hiện ý nghĩ, dấy động tình cảm… C. MỤC TIÊU CỦA VIỆC TU TẬP: Mục tiêu tối thượng của thiền định trong Đạo Phật là đạt đến Vô Nga, giải thoát Niết Bàn.

I. CÁCH HƯỚNG DẪN THIỀN: Người hướng dẫn thiền phải nắm vững trình tự hệ thống của hướng dẫn thiền. Vì đây là việc làm hết sức cần thiết để giúp cho người hướng dẫn đỡ lúng túng, và người mới tập tu thực hiện dễ dàng có kết quả vững chắc, đồng thời không bị phản ứng phụ phát sinh. A. NỀN TẢNG CĂN BẢN: Để bắt đầu cho sự tu tập thiền định và đạt kết quả tốt trong công phu tu tập. Trước hết, chúng ta phải chuẩn bị ba nền tảng căn bản vững chắc đó là: Đạo Đức- Công Đức- Khí công. 1. Đạo Đức: Là sự thánh thiện trong sạch trong tâm hồn, với lòng tôn kính Phật, thương yêu chúng sinh, và khiêm hạ tột cùng. Tâm đạo đức là một khía cạnh khác của thiền định. Vì thế, đạo đức và sự thanh tịnh hỗ trợ nhau rất mạnh. Cũng có những người không chuẩn bị trước với đạo đức, nhưng bằng sự nỗ lực với một phương pháp nào đó cũng đạt được thanh tịnh. Tuy nhiên, cuối cùng thiền định sẽ đổ vỡ. Và dù chưa đổ vỡ thì nhân cách họ cũng không thuyết phục được người. 2. Công Đức: Là công lao đem an vui hạnh phúc đạo lý đến cho mọi người. Sự an vui trong tâm hồn mọi người sẽ biến thành sự an vui trong tâm hồn chúng ta với thiền định. Nhiều người lầm cho rằng muốn có sự thanh tịnh phải quay lưng với cuộc đời, xa lánh mọi người. Đâu ngờ rằng chính công đức đem an vui đạo lý đến cho mọi người mới tạo thành kết quả thiền định về sau. Cũng có người không lo gây tạo công đức gì cả, chỉ cần tinh tấn miên mật rồi cũng được thanh tịnh. Người này đang hưởng phước quá khứ, hết phước rồi sẽ mất định. 3. Khí Công: Là để giữ tiềm lực luôn lắng xuống dưới giúp cho não bộ ổn định trong sự tu tập. Có nhiều phương pháp khí công phức tạp không thích hợp cho người tu thiền. Vì vậy ta chỉ chọn phương pháp nào đơn giản, căn bản và hiệu quả mà thôi, chứ không tập tràn lan. Chính Đức Phật trước khi xuất gia lúc còn là Thái Tử cũng được các vị võ sư trong hoàng cung, và vua cha Tịnh Phạn truyền dạy khí công theo Ấn Độ. Thời đó, vua chúa đều phải là người giỏi võ. Truyện kể về Đức Phật đều nói rằng Ngài có sức mạnh phi thường, võ nghệ tuyệt luân. Đó chính là kết quả thực hành khí công Ấn Độ. Nhờ tiềm lực khí công tuyệt đỉnh đó, Ngài đã nhanh chóng đắc định sau khi xuất gia tu hành. B. KỸ THUẬT THIỀN: Trình tự kỹ thuật thiền trải qua ba bước: • Điều thân đúng tư thế. • Điều hơi thở. • Điều tâm. 1. Điều thân đúng tư thế : a. Động tác bắt đầu buổi tọa thiền : - Phải lễ Phật ít nhất từ ba lễ trở lên với lòng tôn kính tuyệt đối. - Trải một tấm toạ cụ trên mặt phẳng. Kích thước toạ cụ làm sao rộng hơn diện tích ngồi lên là được. Toạ cụ có thể làm bằng vải dày, bằng chiếu lát, hoặc bằng một miếng nệm mỏng vài phân, miễn sao ngăn hơi ẩm dưới đất thấm lên trên và giúp bớt cấn đau da thịt là được. - Không nên kê bồ đoàn hoặc gối mềm để ngồi dễ thẳng lưng. Ngồi bồ đoàn làm cho ta cảm giác dễ thẳng lưng, vững hơn. Vì thế đỡ phải ráng giữ lưng cho thẳng do phần mông đã được nâng lên một chút. - Nhưng, thật ra ngồi bồ đoàn có những điều tai hại sau : + Chính cái dễ thẳng lưng nên không cần dụng tâm để giữ lưng thẳng. Đâu ngờ rằng chính sự cố gắng thường xuyên giữ lưng thẳng làm tăng sức mạnh tinh thần về sau. Ngồi bồ đoàn làm mất đi ưu điểm này. Thêm nữa, ngồi bồ đoàn, sức nặng cơ thể chỉ còn dồn trên ba điểm; mông và hai đầu gối lâu ngày sẽ khó chịu. Ngồi không có bồ đoàn, sức nặng toàn thân trải đều trên mông và hai đùi nên dễ chịu hơn. + Nói là ba điểm chứ thật ra là bốn điểm vì nơi mông có hai xương mông hai bên. Sức nặng dồn vào hai xương mông không đều. Lâu ngày một bên xương sẽ xệ xuống nhiều hơn và làm cho hành giả có cảm giác đau cấn. + Ngồi không kê gối thì đầu tiên một bên đầu gối bị vênh lên. Nhưng không ngại, ngồi một thời gian thì đầu gối sẽ hạ xuống sát. Với nữa, khi ngồi quen không cần kê gối, ta thấy thật là dễ chịu an ổn hơn là kê gối. Đi đâu cũng không cần đem theo bồ đoàn, chỉ cần một mặt phẳng gì đó là ngồi thiền được. - Đừng mặc quần áo chật chội, bó chặt. Nhưng cũng không nên mặc quần áo thiếu trang nghiêm. Nếu ngồi trong chánh điện hoặc nơi trang nghiêm thì nên mặc áo tràng. - Ánh sáng nên được dễ chịu, đừng sáng quá cũng đừng tối đen. Tránh chỗ gió thổi đến từ sau lưng. Nơi yên tĩnh vẫn là chỗ thích hợp nhất cho việc toạ thiền. - Sắp xếp thời gian đều đặn mỗi ngày để toạ thiền thì tốt. Còn không thì tuỳ những lúc thuận tiện mà ngồi. Không nên ngồi những lúc bụng còn no. - Không nên bày tỏ khoe khoang cho người khác biết là mình có tu tập thiền định vì có thể làm công phu bị lui sụt. Nên ngồi chỗ không ai trông thấy, trừ khi ngồi chung tập thể. b. Ngồi đúng tư thế kiết già: - Tư thế: Bắt chân trái đặt lên đùi phải, sau đó kéo chân phải gác lên đùi trái (thật ra chân phải gác lên cả bắp vế và đùi trái). - Phải cố gắng ngồi kiết già, đừng ngồi bán già (chỉ bắt tréo một chân). Ngồi bán già tuy dễ nhưng lâu ngày tâm trở nên lỏng lẻo vì thân không được khóa chặt. - Do bị bắt tréo nên chân phải ghì xuống rất mạnh khiến cho khớp bàn chân trái chịu lực rất căng. Những người gân khớp bàn chân yếu, hoặc người lớn tuổi gân cũng bị yếu thì không chịu nổi sự đè căng như thế, rất đau và không thể yên tâm ngồi lâu được. Vì vậy, cho phép trong trường hợp đó được dùng miếng khăn xếp lại kê phụ chịu lực ngay phía dưới khớp bàn chân trái. Nhưng đừng lạm dụng kê độn lên dày quá, chỉ vừa đủ mà thôi. - Có những người gân cứng (có thể do lớn tuổi) nên bắt chân kiết già rất khó. Người này phải xoa bóp bẻ nắn chân một lát trước khi bắt chân kiết già. - Hai bàn chân : Nằm vắt lên hai đùi ở một vị trí vừa phải, không quá sát hông, cũng không xa quá hông. - Lưng : Giữ cho thẳng, không được để lưng cong chùng xuống, cũng đừng ưỡn lưng thẳng quá sức sẽ làm mau mệt và đầu bị căng (thần kinh não mệt mỏi). - Hai vai : Để xuôi tự nhiên, tránh nghiêng bên cao bên thấp. - Hai bàn tay: Đặt chồng lên nhau và cùng ngửa lên trên, nằm trên hai gót chân, bàn tay phải để dưới, bàn tay trái để trên lòng bàn tay phải, đầu hai ngón cái chạm nhẹ vào nhau. Giữ bàn tay thẳng đẹp, đừng để bàn tay cong vòng. Hai ngón út chạm vào nhau định một điểm ở đan điền. - Hai cánh tay: Phải hơi khuỳnh ra xa hông. Nhớ giữ đừng để hai cánh tay buông xuôi ép sát vào hông. (giữ hai cánh tay như vậy có vẻ mất công, nhưng đó là điều kiện để tăng thêm sức mạnh. Nếu hai cánh tay lơi lỏng ở gần hông, sau này việc nhập định bị chướng ngại.) - Đầu: Không ngẩng lên, có vẻ hơi cúi xuống một chút xíu. Đừng để nghiêng qua một bên, hay quay qua một bên. - Lưỡi: Để lên chân răng trên. (khi tâm nhiếp được, tự nhiên răng sẽ cắn chặt với nhau.) - Miệng: Ngậm kín tự nhiên. - Mắt: Mở rõ và nhìn xuống một điểm gần trước mặt. Giai đoạn mới tập tu tuyệt đối không được nhắm mắt, vì phải mở mắt mới thấy thân mình có lắc động, nghiêng hay không khi so sánh với cảnh vật chung quanh.Đến chừng nào thành tựu chánh niệm tỉnh giác, dù nhắm mắt mà vẫn không bị mê mờ thì mới nên nhắm mắt.Khi mở mắt nhìn xuống, ta nên giữ cho cảnh vật luôn luôn hiện bày rõ ràng, không bị mờ mờ ảo ảo, không ngó qua chỗ khác. Nhưng không chú ý ngoại cảnh vì phải lo tập trung kiểm soát toàn thân. - Khi đã ngồi đúng tư thế nghiêm trang, hành giả chắp tay niệm hồng danh Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni ba lần.(nếu ngồi một mình thì niệm thầm, nếu ngồi tập thể thì niệm chung với đại chúng.) - Sau khi niệm Phật xong giữ tay chắp đó và tiếp tục tác ý thầm ba tâm hạnh : + Nguyện trên Chư Phật gia hộ cho con biết tôn kính Chư Phật, Chư Tổ, Chư Hiền Thánh Tăng với lòng tôn kính tuyệt đối vô lượng, vô biên. + Nguyện trên Chư Phật gia hộ cho con biết trải lòng thương yêu khắp tất cả chúng sinh, dù là thế giới hữu hình hay thế giới vô hình, cho con thương yêu cả loài người cũng như chim thú trong rừng, cá trong nước và chúng sanh đang trong địa ngục, cho đến cỏ cây. + Nguyện trên Chư Phật gia hộ cho con biết giữ được lòng khiêm hạ, lúc nào cũng thấy mình như cỏ rác, cát bụi. (Ba tác ý trên phải huân tập suốt đời mỗi khi toạ thiền.) - Nếu là người xuất gia chúng ta tác ý thêm một tâm nguyện nữa: + Con nguyện lòng quyết tâm giữ giới hạnh trong sạch. - Sau đó, để tay xuống theo đúng tư thế đã nói trên. c. Biết rõ toàn thân: - Bước công phu này kiên nhẫn đến khi thuần thục có thể vài tháng hoặc vài năm. - Tâm luôn quay vào kiểm soát biết rõ toàn thân. Kiểm soát khắp thân xem có phần nào đi sai ra ngoài những tiêu chuẩn đã nêu trên hay không. Nếu có phần nào đó bị sai lệch phải nhanh chóng điều chỉnh lại. Như để ý xem lưng có bị chùng xuống không, hai vai có bị lệch không, đầu có bị nghiêng không, hai bàn tay có thẳng đẹp không, hai cánh tay có bị ép sát hông không, mắt có bị ngó chỗ khác không.v.v… trong cơ thể mình bị sai lệch như thế nào phải biết rõ để mà điều chỉnh. Nếu cơ thể mình bị sai lệch mà không biết, có nghĩa là cái biết bị yếu, vậy là sai. Luôn luôn tỉnh giác biết rõ, nhưng biết một cách nhẹ nhàng, không cố ý biết, và không dằn ép, cũng không quá chăm chú. Nếu có sự cố ý biết, hoặc dằn ép đầu sẽ căng thẳng, vì lực chạy lên đầu. Như ta đã biết, mỗi phần trên cơ thể đều có liên quan đến khu vực của não. Thân bị lay động hay căng thẳng gồng cứng, chú ý, dằn ép thì não cũng ảnh hưởng theo. - Khi biết rõ toàn thân, tâm để ý nhiều ở phần bụng (đan điền), phần chân, và hai lòng bàn tay. - Việc biết rõ toàn thân có lợi: + Giúp cho cơ thể được khỏe hơn + Không bị hôn trầm + Không bị vọng tưởng chi phối + Tạo thành sức tỉnh giác biết rõ, Sức tỉnh giác sẽ ứng dụng vào việc kiểm soát tâm và giúp ta điều tâm sau này. – Tâm thức chúng ta rất phức tạp. Nếu không có sức tỉnh giác mạnh, chúng ta không thể thấy rõ được tâm mình. d. Giữ thân mềm mại bất động: - Song song với việc biết rõ toàn thân, chúng ta nhẹ nhàng giữ thân bất động mềm mại không nhúc nhích, không gồng cứng. Và luôn kiểm tra xem có bộ phận nào bị gồng cứng hay nhúc nhích không, toàn thân có được mềm mại và bất động chưa. Từng thớ thịt của bắp tay, ngón tay, ngón chân, bắp đùi, bắp vế, đều được giữ yên không cử động. Sự kiểm tra thường xuyên như thế chính là công phu điều thân. Kiểm tra tư thế là điều thân ở mức độ cơ bản. – Kiểm tra sự mềm mại bất động là điều thân ở mức độ sâu hơn. - Cái tác ý giữ thân bất động lâu ngày sẽ là một sự hỗ trợ lớn lao cho việc nhiếp tâm vào định sau này. - Nếu không tác ý giữ thân bất động, thân sẽ không được vững chắc và có thể bị nghiêng ngửa, lay động, nhúc nhích về sau. Khi đó, tâm cũng bị ảnh hưởng rất nặng và sức định sẽ bị phá. - Tuy nhiên, giữ thân bất động không có nghĩa là kiềm chặt, gồng cứng thân người. Toàn thân phải được ở trong trạng thái mềm mại. - Bất động nhưng phải mềm mại. - Không nhúc nhích nhưng cũng không gồng cứng. - Chúng ta phải luôn luôn kiểm soát coi chừng ngồi yên một lát sẽ có những thớ thịt, ngón tay… tự nhiên gồng cứng lên, phải nhận biết và buông lỏng ngay. - Khi thân giữ được yên, buông lỏng, mềm mại, không nhúc nhích, não sẽ bắt đầu ổn định dần dần. Những stress tiềm tàng trong não từ lâu cũng bắt đầu được tháo gỡ. - Khi vọng tưởng khởi lên, không cần diệt trừ vọng tưởng, chỉ cần quay trở lại biết rõ toàn thân, kiểm tra tất cả toàn bộ phận cơ thể là vọng tưởng sẽ tan. - Nếu vọng tưởng khởi lên quay trở lại biết rõ toàn thân mà vọng tưởng vẫn không tắt, thì biết đó là nghiệp phải niệm Phật sám hối. Khi tâm yên, quay vào kiểm soát biết rõ toàn thân trở lại. - Cái biết toàn thân phải rõ ràng, không được biết một cách mờ mờ ảo ảo, vì dễ đưa vào hôn trầm. - Khi cơn hôn trầm kéo đến phải tìm nguyên nhân: + Trong cuộc sống hằng ngày cơ thể có bị thiếu ngủ không ? + Công việc hằng ngày có làm cơ thể mệt mỏi không ? + Khi ngồi thiền có tỉnh giác biết rõ ràng toàn thân hay không ? Nếu trong cuộc sống hằng ngày mình bị thiếu ngủ, công việc làm mình mệt mỏi và khi ngồi thiền sức tỉnh giác không có, thì phải khắc phục như ngủ bù cho đủ giấc, điều chỉnh giờ giấc làm việc, tập khí công. Ngược lại, trong cuộc sống hằng ngày không bị thiếu ngủ và khi ngồi thiền có tỉnh giác mà cơn hôn trầm vẫn kéo đến thì biết đó là nghiệp phải niệm Phật sám hối. Khi tâm yên tĩnh rồi, quay trở lại kiểm soát toàn thân. Lưu ý: Thân là gốc của tâm, tâm và thân là một hợp thể thống nhất. Những gì của tâm đều ảnh hưởng đến thân và những gì của thân đều ảnh hưởng đến tâm.Đây là nguyên tắc vàng của công phu tu tập thiền định. Cho nên : + Giữ thân bất động lâu ngày sẽ hỗ trợ lớn lao cho việc nhiếp tâm vào định sau này. + Giữ thân nghiêm trang cũng chính là giữ tâm nghiêm trang. + Giữ thân bất động cũng chính là giữ tâm có sức mạnh bất động trước cám dỗ hay bình thản trước nghịch cảnh sau này. + Giữ thân mềm mại cũng chính là giữ tâm có điều kiện thư giãn, khinh an. - Sau này ta sẽ dần dần thấy rõ sự nhiếp tâm không bao giờ rời xa sự kiểm soát thân. Điều thân cho đúng là bước đầu tiên của công phu tu tập thiền định và cũng là căn bản mãi mãi về sau này. - Ngay trong lần thực hành tọa thiền đầu tiên nên cố gắng điều thân ít nhất 30 phút. - Thời gian thực hành điều thân kỹ lưỡng chuyên chú như vậy phải được một tháng trở lên, ta sẽ bước sang các công phu kế tiếp. e. Quán thân vô thường hư ảo: - Ngồi yên theo dõi thân chừng vài phút. Chúng ta tự nhủ thầm « thân này là vô thường hư ảo ». Lâu lâu lại tự nhắc như vậy. Chúng ta phải thấy sự biến đổi của thân từ trẻ đến già, từ già đến chết, từ chết đến tan hoại hoàn toàn. - Đức Phật dạy, khi quán thân vô thường chúng ta phải chiêm nghiệm vô thường thật kỹ cho đến nơi đến chốn, không được cạn cợt. - Phải thấy rõ thân này tồn tại chỉ trong hơi thở, một ngày nào đó sẽ tan hoại. Sau khi chết khoảng ba ngày, thân này sẽ sình trướng. Qua mười ngày bốc mùi hôi thối và đầy dòi bọ. Qua một tháng các tế bào bị phân hủy ra hôi thối, không còn hình dáng rất là ghê sợ, không ai dám lại gần. Thời gian sau thịt da tan rã, khô héo chỉ còn lại bộ xương khô. Rồi qua nhiều năm tháng xương mục nát, tan thành tro bụi và gió thổi bay đi. (chúng ta phải thực hành quán thân vô thường trong thời gian vài tháng và tất cả các hình ảnh từ khi chết cho đến khi xương thành tro bụi chỉ trải qua vài giây). f. Quán tâm hư vọng: - Bước đầu tiên điều thân cho đúng tư thế, giữ thân mềm mại bất động và quán thân vô thường. Tùy nhân duyên mà có người tu 2, 3 tháng, nhưng có người phải nửa năm hay một năm mới thuần thục. Tiếp theo là phương pháp quán tâm hư vọng. - Đến đây, người tu biết rằng mọi ý niệm vọng động của thiện ác đều là không thật hư ảo nên buông bỏ, tắt dừng và tâm sẽ yên tĩnh trong sáng. - Người có công phu tu tập nhiều năm nhưng không quán tâm hư vọng vẫn dễ trở thành bướng bỉnh, chấp ý, bảo thủ mà không biết. - Phải thận trọng với tà kiến phát sinh ở pháp quán này như có chủ trương cho rằng : « Thiện ác đều là vọng tâm cần buông bỏ, nên không làm ác và cũng không làm thiện. » - Phật dạy : + Dứt bỏ ‘bất thiện pháp’ tức là những tâm niệm ác độc, ích kỷ, đố kỵ, mưu toan.v.v… + Siêng làm tất cả những điều thiện. + Đồng thời với tu tập thanh lọc nội tâm. - Hễ làm đúng yếu chỉ này thì khi vào định, tâm hành giả thanh tịnh yên lặng, nhưng bản chất luôn là thuần thiện chứ không phải trơ trơ không thiện không ác. - Đến đây người tu rất trầm tĩnh, nhẹ nhàng thanh thản nhưng tràn đầy tình thương, bao dung độ lượng và trí tuệ cực kỳ sắc bén linh mẫn. Trạng thái này khác xa với người có ý niệm thiện thương người nhưng tâm còn lăng xăng vọng động, nên phiền não chấp công vẫn còn sinh khởi. - Người bản tâm thanh tịnh thuần thiện cũng khác xa với người không làm thiện không làm ác. Ở người này bản chất ích kỷ, hẹp hòi thụ động, kiêu ngạo, lạnh lùng, vô trách nhiệm, khiến cho phước lực tiêu mòn, đạo tâm thoái thất bởi chấp vào tà kiến. 2. Điều hơi thở: - Sau khi điều thân thuần thục, quán thân vô thường, quán tâm hư vọng nhuần nhuyễn. Chúng ta sẽ thực hiện pháp tu hơi thở: Cách dụng công : + Trước hết: Hơi thở vào, ta biết rõ hơi thở vào. Hơi thở ra, ta biết rõ là hơi thở ra. Để rèn luyện sự chăm chú và tỉnh giác, chúng ta phải biết rõ là hơi thở đang ra hay vào. Ta sẽ thấy rõ hơi thở vào, rồi dừng lại, rồi đi ra, rồi dừng lại, rồi vào… nghĩa là ta theo dõi sự chuyển động của hơi thở một cách sát sao từng chút một. Nếu có lúc nào ta lơ mơ không rõ hơi thở đang ra hay đang vào, hay đang dừng lại để chuẩn bị đổi chiều, tức là ta đang mất tỉnh giác. + Kế đến: Hơi thở vào dài, ta biết hơi thở vào dài. Hơi thở vào ngắn, ta biết hơi thở vào ngắn. Tức là hơi thở dài hay ngắn đều được biết rõ. Nhưng điều quan trọng ở đây là biết mà không can thiệp. Không được can thiệp để kéo hơi thở dài hay ngắn theo ý mình. Chỉ đơn giản là biết mà thôi. Có khi hơi thở dài, có khi hơi thở ngắn, chỉ nên yên lặng biết rõ không can thiệp. + Khi biết rõ hơi thở vào ra, chúng ta để ý nhiều ở dưới bụng (đan điền) và dưới chân để cho khí lực lắng xuống một cách tự nhiên. Thực hiện được kỹ thuật này thần kinh não bộ sẽ thư giãn và ổn định. + Chúng ta có thể vừa biết toàn thân, vừa để ý một điểm đan điền, vừa theo dõi hơi thở ra vào rõ ràng không lầm lẫn. + Chú ý: Có hai cực đoan cần phải tránh: Một là không biết rõ về hơi thở. Hai là biết mà can thiệp vào hơi thở. - Trung đạo của phương pháp hơi thở chính là biết rõ một cách thụ động, biết mà không can thiệp. - Vì sao biết mà không can thiệp ? Vì có biết thì tâm mới tỉnh, có tỉnh giác nên biết rõ hơi thở. Không can thiệp để buông bỏ Bản Ngã vì hễ có tác ý can thiệp điều khiển sẽ làm hơi thở bị bế tắc ngưng trệ và Bản Ngã tăng trưởng. - Trong suốt thời gian ngồi thiền chắc chắn hơi thở sẽ không đều đặn. Những vọng động bí mật của nội tâm sâu kín sẽ chi phối vào hơi thở khiến cho hơi thở khi mạnh khi yếu, khi dài khi ngắn khác nhau. - Khi nội tâm yên tĩnh, hơi thở êm dịu và dài hơn; khi nội tâm xao động, dù âm thầm vẫn khiến cho hơi thở mạnh ngắn và gấp gáp. 3. Kết hợp hơi thở với các phép quán: a. Kết hợp hơi thở với biết rõ toàn thân: Hơi thở vào, biết rõ toàn thân. Hơi thở ra, biết rõ toàn thân. Để tâm dưới bụng và biết hơi thở nhẹ nhàng cùng một lúc. b. Kết hợp hơi thở với quán thân vô thường: Hơi thở vào, biết thân này là vô thường. Hơi thở ra, biết thân này là vô thường. Vừa để tâm dưới bụng vừa biết hơi thở nhẹ nhàng cùng một lúc. (Hơi thở này giúp chúng ta phá vỡ chấp thân dần dần.) c. Hơi thở vào, biết trong thân vô thường có hơi thở vào. Hơi thở ra, biết trong thân vô thường có hơi thở ra. d. Kết hợp hơi thở với lời nguyện: Hơi thở vào nguyện lòng thương yêu chúng sanh. Hơi thở ra nguyện lòng thương yêu chúng sanh. Cùng một lúc vừa để tâm dưới bụng vừa biết hơi thở nhẹ nhàng. (Hơi thở này có công năng diệt trừ vọng tưởng rất tốt những khi ta bị thất niệm. Phước của tâm từ bi giúp cho ta tỉnh giác hơn và thoát ra khỏi vọng tưởng.) e. Kết hợp hơi thở với biết tâm này là phiền động: Hơi thở vào, biết tâm còn phiền động. Hơi thở ra, biết tâm còn phiền động. - Hơi thở này được áp dụng khi tâm đã được yên lắng, để ngăn chặn tâm niệm kiêu mạn tự hào bí mật phát sinh, vì lúc này ta hay tự âm thầm khen mình. Dù tâm có yên lắng nhưng phiền não, xao động, chấp trước vẫn còn, vọng tưởng, phiền não vẫn có thể bất ngờ xuất hiện. Vì vậy sự cảnh giác, không chủ quan là cần thiết là công đức. - Ghi chú: Mới ban đầu ta chỉ vừa thở vừa biết rõ toàn thân. Lâu ngày tự nhiên biết rõ thêm nội tâm dù không cố ý. Lúc đó, ta vừa biết hơi thở, vừa biết toàn thân, vừa biết nội tâm. Cùng một lúc biết cả ba điều mà vẫn nhẹ nhàng thoải mái. 4. Kết hợp hơi thở với khí công tâm pháp và cố căn: a. Bước chuẩn bị: - Muốn dụng công thực hành khí công tâm pháp này, trước hết chúng ta phải có nền tảng thiền của Đạo Phật, bao gồm những công phu căn bản như ngồi đúng tư thế, giữ thân mềm mại bất động, biết rõ toàn thân, quán thân là vô thường, tâm là hư vọng, thở ra vào theo tứ niệm xứ. Nền tảng này phải được củng cố vài năm cho vững chắc. - Phải tu dưỡng đạo đức với những tâm lý căn bản như tôn kính Phật, từ bi thương yêu chúng sinh, khiêm hạ để tôn trọng mọi người… - Siêng năng gây tạo nhiều công đức bằng cách giúp đỡ mọi người trong cuộc sống. b. Cách dụng công: - Chúng ta cũng bắt đầu giống như nghi thức vào thiền, tác ý khởi ba tâm hạnh căn bản, dụng công theo thiền khoảng 10 phút rồi mới bắt đầu tư thế này. - Bàn tay phải để dưới bàn tay trái như thường lệ, nhưng đan chen một ngón trỏ với nhau để giữ hai bàn tay cho chặt. - Hai đầu ngón út chạm vào nhau và chỉa vào huyệt đan điền. Chỉ chạm nhẹ, vừa đủ, không đẩy vào sâu, không rời xa khỏi da. - Khi thở vào biết rõ toàn thân an trú tâm nhẹ nhàng một điểm nhỏ ở đan điền, rồi nín thở đóng van mũi hoàn toàn (giống như lúc lặng xuống nước) sau đó nhíu mạnh cơ hậu môn (cố căn). Khi thở ra để tâm an trú ở long vĩ quan (ba đốt xương sống cuối cùng). Lưu ý: - Khi hít vào để cho hơi thở tự nhiên không can thiệp, tâm nhẹ nhàng an trú tại một điểm nhỏ ở đan điền (nơi hai đầu ngón tay út chạm nhau). - Điều cực kỳ hệ trọng là ta chỉ an trú ngoài da chứ không được để tâm sâu vào một ly nào bên trong da thịt. - Mỗi lần nín thở, ta cố căn một lần, hai lần, hoặc ba lần tùy theo khả năng mỗi người. Hễ thấy căng đầu là phải dừng, không được tiếp tục cố gắng. - Khi hơi thở đi ra, nhớ là để cho hơi thở tự nhiên, không can thiệp điều khiển. Lúc này tâm an trú tại long vĩ quan và chỉ ở ngoài da, không được để sâu vào đốt sống. - Không cố ý dẫn, kéo, đẩy hơi thở đi. Chỉ nhẹ nhàng tuần tự an trú tâm theo ba điểm: đan điền, cố căn hậu môn và long vĩ quan. 5. Điều tâm: a. Biết rõ cảm giác hỷ thọ: - Khi điều thân thuần thục vọng tưởng lắng yên nhẹ nhàng, cảm giác hỷ thọ sẽ xuất hiện. Cảm giác này làm cho người tu hân hoan thích thú, đây là dấu hiệu của kết quả tốt nhưng không được cố chấp, bởi vì ý niệm này sẽ trở thành sự tự hào bí mật. - Phật dạy chúng ta chỉ biết rõ chứ không được hưởng thụ, đắm luyến và đi tìm lại cảm giác này. - Khi cảm giác hỷ thọ xuất hiện chúng ta chỉ biết rõ chứ không chấp nhận.

b. Biết rõ cảm giác lạc thọ: - Kết quả xuất hiện sau cảm giác hỷ thọ là cảm giác lạc thọ. Trạng thái này vi tế hơn, làm tâm ta vui sướng, êm ả nên bỏ quên việc theo dõi hơi thở và Bản Ngã âm thầm phát triển. - Phật dạy chúng ta luôn biết rõ hơi thở mặc dù cảm giác vui sướng nhẹ nhàng xuất hiện tràn ngập trong tâm.

c. Ý muốn buông bỏ vọng tưởng: - Phải có ý muốn buông bỏ vọng tưởng một cách dứt khoát. Có ba giai đoạn cần biết: + Vọng tưởng khởi lên hành giả không biết nên bị chìm theo. + Biết vọng tưởng đang khởi nhưng không muốn vọng tưởng chấm dứt. + Biết vọng tưởng khởi lên và muốn cho vọng tưởng tắt nên dừng lại được. d. Cảm giác về tâm: - Tu tập đến mức độ vọng tưởng và tình cảm vắng bóng, tâm sẽ đạt đến trạng thái thanh tịnh, sáng suốt, an lạc phủ trùm mênh mông. - Đến lúc này vẫn biết rõ hơi thở (mặc dù hơi thở hết sức vi tế) vì Bản Ngã vẫn còn tồn tại, dấu mặt rất kín đáo. 6. Kết quả: a. Chánh niệm tỉnh giác: - Tùy theo nhân duyên của mỗi người mà kết quả của việc tu tập sẽ xuất hiện sớm hay muộn và kết quả đầu tiên là xuất hiện chánh niệm tỉnh giác (tâm hân hoan, vui sướng, rỗng rang và có khả năng kiểm soát thân tâm một cách rõ ràng tự nhiên) - Người tu theo trình tự căn bản trên thì khi có chánh niệm tỉnh giác, kết quả sẽ ngày càng tiến triển không bị lui sụt và nhất là sức khỏe ngày càng ổn định bởi phần chân âm được lắng xuống dưới (nhờ khí công hỗ trợ). - Người có chánh niệm tỉnh giác nhưng không có kết hợp khí công sẽ làm cho lực kéo lên trên, dần dần sức khỏe suy kém, bệnh tật phát sinh và chánh niệm tỉnh giác mờ dần cho đến khi tắt hẳn nếu không khắc phục kịp thời. Đồng thời, nếu có chánh niệm tỉnh giác mà lầm tưởng đây là chân tâm phật tánh thì thoái đọa lại càng mau hơn nữa. - Có chánh niệm tỉnh giác chưa là gì cả, chỉ giúp cho người tu một niềm tin vững chắc vào hành trình tu tập, không còn chạy đi tìm kiếm sự thần bí kỳ diệu ở pháp tu này pháp tu nọ. Đồng thời người tu bắt đầu thấy được lỗi lầm, kiểm soát được vọng tưởng và bắt đầu đi vào hành trình cam go của điều phục tâm ý (dứt được nghi). - Nhờ có chánh niệm tỉnh giác, vùng não được khai mở nên trong cuộc sống bình thường cũng như khi ngồi thiền vọng tưởng vừa chớm khởi lên là bị ta thấy, phát hiện và tách ra thành đối tượng bên ngoài, một cách nhẹ nhàng tự nhiên. - Nếu lúc này còn ráng suy nghĩ gì đó, chúng ta cực kỳ trọng tội và đời đời kiếp kiếp mất hạt giống giải thoát. Đã biết rõ vọng tưởng thì phải cương quyết buông bỏ không được chấp nhận, nuôi dưỡng . – Khi ngồi thiền vừa thực hiện khí công tâm pháp vừa canh giữ ý niệm một cách nhẹ nhàng (giai đoạn này là giai đoạn chăn trâu). - Khi trâu vừa dẫn vào ruộng là kéo lại, lúc này vừa thụ động, vừa tỉnh giác, vừa kiên cường, vừa cố gắng, vừa nhẹ nhàng. Đồng thời kết hợp với khí công tâm pháp, vừa thở vào an trú một điểm ở đan điền, rồi nín thở cố căn, khi thở ra để tâm ở long vĩ quan mà vẫn canh giữ vọng niệm ở trên đầu. b. Phá năm triền cái: - Đến đây chúng ta cứ tu như thế đợi đến ngày phá được năm triền cái. + Tham Ái: Không còn niệm ưa thích người khác phái, nhưng chưa phá hẳn được tham dục. + Sân: Có khả năng bình thản trước nghịch cảnh. + Hôn Trầm: Có thể thức khuya mà vẫn tỉnh táo. + Trạo Cử: Thân hoàn toàn bất động tự nhiên, không một rung động nhỏ. + Nghi: Vững niềm tin với Tam Bảo, lòng tôn kính Phật vô biên, xác định đường tu đến mục tiêu giải thoát không còn hồ nghi do dự. c. Chứng tứ thiền Đến giai đoạn này tu cho thuần, đợi đến ngày chứng được sơ thiền. - Sơ thiền: Trạng thái sơ thiền là ly dục, ly bất thiện pháp, nhưng vẫn còn tầm còn tứ. Đến đây trong tâm dứt sạch ác pháp, tràn đầy thiện pháp, bản năng tính dục gần như chấm dứt và toàn thân khi vào định hết sức mềm mại và chỉ còn tu trên hơi thở. - Nhị thiền - Tam thiền - Tứ thiền 7. Xả thiền: a. Động tác xả thiền: - Khi kết thúc tọa thiền. Chúng ta chắp tay và phát nguyện nghiêm túc với Chư Phật là: “Suốt đời sẽ tận tụy giúp mọi người chung quanh được an vui trong chánh pháp và trong thiền định.” - Kế tiếp là những động tác xoa bóp nhẹ nhàng (mỗi động tác lặp đi lặp lại từ 3 – 5 lần): + Cúi đầu lên xuống. + Xoay đầu qua lại chậm chậm. + Chuyển động hai vai theo hình tròn lên xuống. + Xoay toàn thân dựa trên trục eo lưng qua lại hai bên. + Xoa nắn hai bàn tay và hai cánh tay. + Đưa hai bàn tay chà xát cho nóng. Rồi đưa tay lên xoa đầu, mặt, hai tai, cổ, gáy. + Xoa hai bàn tay thật nóng áp vào mắt. + Xoa ngực, bụng, sườn. + Kéo chân ra xoa bóp nhẹ nhàng từ bắp đùi, đầu gối đến bắp chân, mắt cá chân, lòng bàn chân và từng ngón chân. - Sau đó, ngồi tại chỗ một chút cho thoải mái. b. Kinh Hành - Quỳ lạy Phật (3 lễ) rồi đi kinh hành (kinh hành là động tác chuyển tiếp từ trạng thái tĩnh lặng sang trạng thái hoạt động) - Khi đi bách bộ kinh hành tâm vẫn để ý ở phía dưới bụng, vẫn gắng giữ tâm yên tĩnh như khi ngồi thiền, hơi thở vẫn điều hòa không can thiệp. - Ta biết rõ từng bước chân chạm đất một cách tự nhiên không cần cố ý. Lát nữa đây, bước vào cuộc sống đầy lao xao biến động, ta vẫn giữ được sự bình thản, an ổn nhẹ nhàng với tấm lòng thương yêu tràn đầy. HƯỚNG DẪN THIỀN VỚI NGƯỜI ÍT CÓ THỜI GIAN Trong những buổi toạ thiền ở các dịp lễ hội đông người. Người mới tu lần đầu và thời gian thực tập không có nhiều thì ta vẫn linh động hướng dẫn những căn bản để sau đó khi về nhà người ta có thể áp dụng có kết quả: 1. Ngồi đúng tư thế. 2. Thở vào biết rõ toàn thân; thở ra biết rõ toàn thân. 3. Thở vào giữ thân mềm mại bất động; thở ra giữ thân mềm mại bất động. 4. Thở vào thấy thân này vô thường; thở ra thấy thân này vô thường. 5. Thở vào nguyện lòng thương yêu chúng sanh; thở ra nguyện lòng thương yêu chúng sanh. (khi tâm loạn) 6. Thở vào biết tâm còn phiền động; thở ra biết tâm còn phiền động. (khi tâm yên) 7. Xả thiền THIỀN KẾT HỢP VỚI NIỆM PHẬT A. ĐIỀU THÂN ĐÚNG TƯ THẾ 1. Tư Thế: - Bắt chân kiết già, giữ lưng thẳng, bất động nhưng mềm mại. - Biết rõ toàn thân nhất là ở vùng bụng dưới (đan điền). - Toàn thân buông lỏng, mềm mại đến từng thớ thịt từ đầu mặt, vai, lưng, từng ngón tay, từng ngón chân. * Tránh hai cực đoan: - Gồng cứng cả người để giữ lưng thẳng (sẽ làm nhức đầu, mệt mỏi, căng thẳng). - Hoặc tư tế ngồi dễ dãi để lưng khòm cúi (dễ bị hôn trầm, tu lâu nhưng không tiến bộ). 2. Lợi Ích: - Điều thân đúng tư thế và thuần thục giúp khắc phục những chướng ngại thường mắc phải của người tu như: hôn trầm hoặc nhức đầu, mất ngủ… B. KẾT HỢP HƠI THỞ VỚI NIỆM PHẬT 1. Cách dụng công: - Khi điều thân thuần thục sẽ biết được hơi thở đi vào và hơi thở ra một cách tự nhiên. - Đến lúc này vừa biết rõ toàn thân vừa kết hợp câu niệm Phật với từng hơi thở vào, hơi thở ra một cách thong thả nhẹ nhàng. - Đến khi tâm an tịnh rồi, chỉ biết rõ hơi thở vào, hơi thở ra, còn câu niệm Phật sẽ buông luôn. - Ghi nhớ: Hơi thở kết hợp với câu niệm Phật phải tự nhiên nhẹ nhàng không gượng ép. 2. Chú ý:Tuyệt đối tránh các trường hợp: + Niệm Phật kết hợp với hơi thở một cách máy móc gò bó như phương pháp hít hơi vào niệm ba chữ: Nam Mô A, thở hơi ra niệm: Di Đà Phật; Hơi thở khi bị khống chế ép buộc theo lối này sẽ phát sinh phản ứng phụ như tức ngực, khó thở, choáng váng, nhức đầu… + Hoặc có pháp môn vừa niệm Phật, vừa hít hơi dẫn khí theo vòng chu thiên. Khi tập trung tinh thần để dẫn khí đi, sẽ vô tình làm lực kéo lên đầu gây nghịch khí (tẩu hỏa nhập ma), rối loạn tâm thần, tim mạch… C. CÔNG ĐỨC – ĐẠO ĐỨC – KHÍ CÔNG LÀ NỀN TẢNG CẦN THIẾT. 1. Công Đức: - Khi phước mỏng công đức thiếu sẽ phát sinh nhiều chướng ngại về tinh thần lẫn vật chất, rất khó cho việc tiến tu. - Vừa tu tập thanh lọc nội tâm nhưng phải siêng năng làm phước, sống đời vị tha làm tất cả công đức mang lại an vui hạnh phúc cho con người. 2. Đạo Đức: - Người thiếu Đạo đức giới hạnh khuyết lỡ tạo nhiều lỗi lầm, cho dù quả báo xấu chưa đến nhưng tâm sẽ phiền động rối loạn bất an và đời sống tu tập bị thoái đọa. - Vừa siêng năng tu tập vừa kiểm soát nội tâm luôn giữ lòng khiêm hạ thấy mình nhỏ bé trước chư Thánh và mọi người… để tiêu trừ tâm kiêu mạn, luôn hoan hỷ trước thành công của người khác, dứt bỏ tâm ích kỷ, hẹp hòi, hơn thua, đố kỵ, ác độc… 3. Khí Công: - Một cơ thể bệnh hoạn yếu đuối, bạc nhược sẽ gây trở ngại rất lớn cho việc tu tập. - Chọn những động tác khí công có hiệu quả, kiên trì tập luyện hàng ngày để giữ ổn định sức khỏe. - Cần phải tiết chế sự ăn uống, tránh những thức ăn thực phẩm dẫn đến những căn bệnh thời đại như tiểu đường, béo phì, cao huyết áp… D. LUÔN GIỮ GÌN SỰ ĐOÀN KẾT HÒA HỢP TRONG ĐẠO PHẬT. - Tất cả pháp môn tu đều là phương tiện và kết quả giải thoát giác ngộ mới là cứu cánh, cho nên các tông phái đều chọn Bát Chánh Đạo là điểm quy đồng chung để xây dựng sự hòa hợp trong đạo Phật. - Trên bước đường tu tập cần thông tỏ tất cả các pháp môn để tùy duyên hóa độ cho chúng sinh đạt đến mục tiêu chung, tuyệt đối tránh tình trạng ca ngợi tông phái của mình, công kích, chê bai tông phái khác…

(nguồn hình ảnh: Tập huấn cho Thanh niên phục vụ khóa học hè 2012http://www.phattuvietnam.net/tuoitre/thanh-nien-phat-tu/18478-tập-huấn-cho-thanh-niên-phục-vụ-khóa-học-hè-2012.html )

Từ khóa » Cách Thiền định Của đức Phật