Hướng Dẫn Cho Bé Bú đúng Khớp Ngậm Không Lo Sặc Sữa - VnExpress

BVĐK Tâm Anh TP HCM vừa tiếp nhận trường hợp bé trai 4 tháng tuổi (ngụ tại quận Tân Bình, TP HCM) được mẹ đưa vào cấp cứu vì sặc sữa. Tại phòng cấp cứu Nhi khoa, bé có biểu hiện ho, tím tái. Ngay sau đó, các bác sĩ sử dụng phương pháp Heimlich để khai thông đường thở.

Sau khi can thiệp kịp thời, bé trai có thể thở lại bình thường, được chỉ định nhập viện tại khoa Nhi để theo dõi thêm. Sau 3 ngày nằm viện, sức khỏe bệnh nhi ổn định, được xuất viện.

Trẻ sơ sinh và nhũ nhi (dưới 1 tuổi) dễ gặp tình trạng sặc sữa khi bú mẹ hoặc bú bình. Nguyên nhân có thể do mẹ cho trẻ bú không đúng tư thế, ép bé bú khi trẻ đang khóc, ho, cười. Ngoài ra, nếu trẻ bú bình, núm vú cao su đục lỗ quá rộng, trẻ nuốt không kịp cũng có thể gây sặc.

Để phòng ngừa sặc sữa ở trẻ sơ sinh và nhũ nhi, người chăm sóc trẻ nên trang bị kiến thức chăm sóc trẻ sơ sinh, hướng dẫn bé bú đúng cách. Bố mẹ có thể tham khảo video hướng dẫn cho bé bú đúng cách do Trung tâm Sản Phụ khoa, BVĐK Tâm Anh TP HCM thực hiện.

Hướng dẫn cho bé bú đúng khớp ngậm không lo sặc sữa Hướng dẫn cho bé bú đúng khớp ngậm không lo sặc sữa

BS.CKI Mẫu Thị Mai Ngân, Trung tâm Sản Phụ khoa, BVĐK Tâm Anh TP HCM cho biết, sản phụ cho trẻ bú mẹ cần tập cho trẻ ngậm đúng khớp bú. Khi trẻ bú đúng khớp, mẹ không bị đau đầu ti, không bị trầy xước. Thứ hai, bú đúng giúp mẹ phòng cương tức núm vú, thứ 3 giúp tử cung co hồi sớm, tránh mất máu sau sinh, về lâu dài giúp mẹ tránh nguy cơ ung thư vú. Ngoài ra, mẹ cho bé bú duy trì sẽ chậm có kinh trở lại.

Đối với em bé được mẹ tập bú khi ngậm đúng khớp thì sẽ hạn chế tình trạng sặc sữa, sữa chảy xuống đều đặn, từ đó cung cấp đủ chất dinh dưỡng cần thiết cho trẻ.

Tư thế mẹ cho em bé bú đúng. Ảnh: Shutterstock

Tư thế mẹ cho em bé bú đúng. Ảnh: Shutterstock

Theo BS.CKI Mẫu Thị Mai Ngân, nguyên nhân khiến trẻ bú mẹ không ngậm đúng khớp bú có thể xuất phát từ mẹ. Bởi lẽ, mẹ cho bé ngậm ti sai cách, khiến bé chỉ ngậm đầu ti mẹ mà không ngậm hết quầng vú dẫn đến tình trạng vú mẹ bị xước, đau núm vú. Thứ hai, thời điểm cho bé bú khi bé chưa đói, không đúng cữ bú, bé há miệng chưa rộng nên núm vú chưa áp vào. Ngoài ra có thể do ngực mẹ quá căng, nên bé không áp vào quầng vú. Lúc này, mẹ buộc phải vắt bớt sữa, massage nhẹ nhàng ngực nhẹ nhàng rồi cho bé bú.

Nếu bé ngậm bắt không đúng khớp sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến bé và mẹ. Đối với trẻ, không cung cấp đủ lượng dinh dưỡng hoàn hảo, bé thiếu sữa, lâu dài nguy cơ suy dinh dưỡng, dễ mắc bệnh đường hô hấp, đường tiêu hóa, có tình trạng nhiễm khuẩn, dễ bị dị ứng, tăng nguy cơ mắc các bệnh mãn tính. Theo một số nghiên cứu, chỉ số thông minh của bé sẽ thấp hơn, với mẹ, nếu không ngậm vú đúng sẽ bị trầy xước núm vú, cương tức vú, tử cung co hồi chậm.

Điều dưỡng Đào Thị Loan, Trung tâm Sản Phụ khoa, BVĐK Tâm Anh TP HCM cho biết, khi cho bé bú mẹ phải có tư thế thoải mái, phải có điểm tựa sau lưng. Về lâu dài, nếu không có có điểm tựa sản phụ sẽ đau lưng, đau cổ. Khi ngồi cho con bú, nếu mẹ chưa quen thì có thể sử dụng một gối đỡ em bé đặt trên đùi mẹ.

Các bà mẹ cần chú ý, khi chuẩn bị cho bé bú, mẹ cần lưu ý không tự ý nhét núm vú vào miệng bé, mà để bé tự tìm núm vú, chủ động há miệng bú. Trong suốt quá trình cho con bú, mẹ phải liên tục quan sát, mặt bé phải đối diện với vú mẹ. Khi cho trẻ bú xong, không đặt trẻ nằm ngay, mà cha mẹ nên vỗ lưng cho bé ợ hơi sau mỗi lần bú hoặc giữa cữ bú. Khi cho trẻ bú được một nửa bình sữa hoặc khi sau khi đã bú xong một bên vú, mẹ nên vỗ lưng cho bé ợ hơi trước khi chuyển bé sang bú vú bên kia.

Tuệ Diễm

Từ khóa » Hình ảnh Bé Bú đúng Khớp Ngậm