Hướng Dẫn Kỹ Thuật Nuôi Rắn Mối Hiệu Quả

Nuôi rắn mối hiện đang là một trong những nghề chăn nuôi kiếm tiền hiệu quả nhất của bà con. Vốn đầu tư thấp, kỹ thuật nuôi đơn giản, đầu ra cho sản phẩm tiêu thụ dễ dàng. Hy vọng với bài viết này sẽ giúp bà con sớm làm giàu với con đường nuôi rắn mối.

Kỹ thuật nuôi rắn mối.

1. Giới thiệu

Rắn mối là loài bò sát nhỏ khá phổ biến tại Việt Nam, theo nhiều tài liệu nghiên cứu thì rắn mối có công dụng trị nhiều bệnh như đau lưng, hen xuyễn, đau nhức người và thậm chí là cả vô sinh... Bên cạnh đó rắn mối còn được coi là một món đặc sản có giá trị dinh dưỡng cao rất được ưa chuộng, nhất là ở khu vực Nam bộ. Từ rắn mối người ta có thể chế biến thành nhiều món ăn như rắn mối xào sả ớt, rắn mối chiên giòn…

Cũng do nhu cầu sử dụng ngày càng cao nên nghề nuôi rắn mối được phát triển tại nhiều địa phương. Mặc dù kỹ thuật nuôi rắn mối còn khá hạn chế nhưng nhìn chung loài vật này khá dễ nuôi.

Trong bài viết này Lamsao.com xin chia sẻ đến bạn đọc một số lưu ý và kỹ thuật nuôi rắn mối.

2. Phân loại

Rắn mối là tên gọi phổ biến tại khu vực miền Nam trong khi đó loài vật này lại quen thuộc với người miền Bắc với tên gọi “thằn lằn bóng”. Chúng là loài bò sát họ Scincidae (Skink) bao gồm những loài giống như thằn lằn, có chi nhỏ, cổ ngắn, kích thước thân tối đa 35cm, phân bố rộng rãi trên toàn cầu trừ vùng cực lạnh giá.

Thằn lằn bóng ở Việt Nam gồm 3 loài: Thằn lằn bóng hoa (Mabuya multifasciata), thằn lằn bóng Sapa (Mabuya chapaense) và thằn lằn bóng đuôi dài (Mabuya longiccaudata). Theo một tài liệu hướng dẫn kỹ thuật nuôi rắn mối đã “tạm” phân loại rắn mối thành 2 loại: lưng trơn và lưng sọc.

3. Con giống

Rắn mối giống có thể mua loại đã được thuần dưỡng tại các trại nuôi hoặc bắt những con đang sinh sống ngoài tự nhiên ở chính nơi nuôi rắn. Cách bắt con giống tại chính địa phương nên được ưu tiên hơn vì sẽ giúp rắn mối dễ dàng quen với môi trường sống. Chú ý chọn lựa những con giống to, khỏe mạnh và không bị khuyết tật.

Cách phân biệt rắn mối đực và cái:

- Con đực thường có phần mình thuôn, thân, đuôi dài, đầu và chi to.

- Con cái có bụng to, phần thân và đuôi ngắn hơn, đầu và chi nhỏ. Rắn mối cái có đốm trắng chạy bên hông dọc theo lưng, khi cử động không nhanh nhẹn bằng con đực.

4. Chuồng nuôi

Để rắn mối có môi trường hài hòa giúp sinh trưởng và phát triển tốt thì chuồng nuôi là yếu tố rất quan trọng. Một khu chuồng để nuôi 1000 con rắn mối bố mẹ nên có diện tích tối thiểu 10m2 và tối đa là 100m2, không nên làm to quá sẽ rất khó quản lý. Thành chuồng có thể làm bằng tôn kẽm hoặc xây gạch cao khoảng 0,8m. Lưu ý nếu làm tường xây thì cần ốp gạch men phía trong để rắn mối không bò ra ngoài được hoặc nếu không có thể che lưới ở phía trên.

Nền chuồng nuôi rắn mối nên làm bằng đất và phải có ống thoát nước để không đọng lại nước trong chuồng nuôi.

Khu vực chuồng nuôi cần làm mái che khoảng 1/3 hoặc 1/2 diện tích chuồng để rắn mối trú mưa và ngủ, phía trong treo đèn giúp sưởi ấm vào ban đêm đồng thời dụ côn trùng để làm thức ăn cho rắn, khu vực phía ngoài mái che làm thành bãi tắm nắng.

Đặt thêm gạch ống để làm nơi trú ẩn cho rắn mối.

Trong chuồng đặt thêm gạch ống, ngói vỡ để tạo thành các khe trú ẩn cho rắn mối, trải thêm rơm hoặc lá chuối khô để làm thành nơi tắm nắng. 5. Thức ăn của rắn mối

Rắn mối là loài chuyên ăn thịt, thức ăn của chúng thường là côn trùng như cào cào, mối, gián, dế, sâu bọ… một số loài khác còn ăn cả ốc, tép, rết, trùn, chuột nhắt và cả những con thằn lằn nhỏ nhưng thức ăn khoái khẩu nhất là mối, đó cũng là nguồn gốc của tên gọi rắn mối.

Theo một số tài liệu kỹ thuật nuôi rắn mối thì chúng còn ăn vụn cá, thịt heo băm, cơm, ếch nhái con và cả thức ăn công nghiệp. Nhiều người nuôi còn luyện cho ăn thức ăn tổng hợp chứa 60% rau và 40% thịt.

Thức ăn của rắn mối.

Mỗi ngày cho rắn mối ăn 3 bữa với lượng dự kiến là 0,5 kg/ngày cho 1000 con rắn mối. Khi cho ăn, rắn mối thường đánh nhau để tranh giành thức ăn, vì vậy bạn cần cung cấp đầy đủ lượng thức ăn để không bị hao hụt. Máng đựng thức ăn và máng nước cần đặt ở những nơi riêng rẽ, bạn cũng phải thường xuyên vệ sinh máng ăn và thay nước sạch để đảm bảo sức khỏe cho rắn mối.

6. Sinh sản

Thời gian từ khi sinh ra đến khi rắn mối trưởng thành là 6 đến 7 tháng tuổi, bắt đầu sinh sản ở tháng thứ 8. Mỗi năm rắn mối sinh sản khoảng 3 lứa tập trung vào mùa mưa khi có lượng thức ăn dồi dào. Rắn mối cái mang thai trong thời gian 2,5 tháng, chúng sẽ sinh ra một bọc chứa con trong đó, rắn mối con phải tự cắn vỏ bọc để chui ra ngoài.

Nếu thấy rắn mối mang thai thì cần tách riêng chuồng để chăm sóc. Chuồng sinh sản cũng giống như chuồng nuôi bình thường nhưng các kích thước nhỏ hơn, trải nhiều lá chuối khô và nằm ở nơi thật yên tĩnh.

Rắn mối mẹ sau khi đẻ bạn thả lại vào chuồng nuôi. Đàn rắn mối con cần được nuôi thúc với các thức ăn tương tự của rắn mối trưởng thành, khi đủ lớn được thả lại vào chuồng nuôi chung.

Nguồn: làm sao

Từ khóa » Cách Nuôi Rắn Mối đẻ