Hướng Dẫn Nhập Liệu Sổ Kế Toán đối Với Hộ, Cá Nhân Kinh Doanh

Thông tư 88/2021/TT-BTC ban hành ngày 11 tháng 10 năm 2021 hướng dẫn việc lập chứng từ kế toán và ghi sổ sách kế toán của các hộ, cá nhân kinh doanh...

I. Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh áp dụng các loại sổ kế toán theo danh mục sau đây:

so ke toan ho kinh doanh 2022

**** Tham khảo nhập liệu sổ sách kế toán như sau:

1. Sổ chi tiết doanh thu bán hàng hóa, dịch vụ (Mẫu số S1-HKD)

a) Sổ này được mở theo từng nhóm danh mục ngành nghề kinh doanh có cùng mức thuế suất thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế thu nhập cá nhân (TNCN) như nhau để làm căn cứ cho hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh và cơ quan thuế xác định nghĩa vụ thuế GTGT, thuế TNCN đối với ngân sách nhà nước (NSNN) theo quy định của pháp luật thuế.

b) Căn cứ và phương pháp ghi sổ

- Cột A: Ghi ngày, tháng ghi sổ.

- Cột B, C: Ghi số hiệu, ngày, tháng của chứng từ dùng để ghi sổ.

- Cột D: Ghi nội dung nghiệp vụ kinh tế phát sinh.

- Cột 1, 2, ...., 10...: Ghi doanh thu bán sản phẩm, hàng hóa hoặc dịch vụ được phân chia theo từng nhóm danh mục ngành nghề kinh doanh có cùng mức thuế suất thuế GTGT, thuế TNCN theo quy định của pháp luật thuế để làm căn cứ kê khai thuế và xác định nghĩa vụ thuế với NSNN.

Trường hợp hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có nhu cầu thì ngoài việc mở sổ chi tiết bán hàng theo từng nhóm danh mục ngành nghề kinh doanh, các hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có thể mở sổ chi tiết doanh thu chi tiết từng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ hoặc theo cách thức phân loại khác cho phù hợp với yêu cầu quản lý của hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh hoặc quy định của pháp luật thuế.

2. Sổ chi tiết vật liệu, dụng cụ, sản phẩm, hàng hóa (Mẫu số S2-HKD)

a) Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh phải mở sổ chi tiết vật liệu, dụng cụ, sản phẩm, hàng hóa để theo dõi về tình hình nhập, xuất, tồn kho cho từng vật liệu, dụng cụ, sản phẩm, hàng hóa của hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh.

b) Thông tin, số liệu trên sổ chi tiết vật liệu, dụng cụ, sản phẩm, hàng hóa được đối chiếu với kết quả kiểm kê để xác định hàng tồn kho có bị thừa, thiếu so với thực tế hay không.

c) Căn cứ và phương pháp ghi sổ

Căn cứ vào các chứng từ kế toán có liên quan (phiếu nhập kho, phiếu xuất kho,...) để ghi sổ chi tiết vật liệu, dụng cụ, sản phẩm, hàng hóa như sau:

+ Cột A, B: Ghi số hiệu, ngày tháng của chứng từ được sử dụng để ghi sổ kế toán.

+ Cột C: Ghi nội dung nghiệp vụ kinh tế phát sinh để phục vụ cho việc rà soát, kiểm tra, đối chiếu các thông tin về hàng tồn kho khi cần thiết.

+ Cột D: Đơn vị tính của vật liệu, dụng cụ, sản phẩm, hàng hóa.

+ Cột 1: Ghi đơn giá nhập, xuất, tồn vật liệu, dụng cụ, sản phẩm, hàng hóa. Trong đó, đơn giá nhập kho của từng vật liệu, dụng cụ, sản phẩm, hàng hóa căn cứ vào hóa đơn, phiếu nhập kho.

Đơn giá xuất kho của từng vật liệu, dụng cụ, sản phẩm, hàng hóa có thể tính theo phương pháp bình quân gia quyền cả kỳ dự trữ hoặc phương pháp nhập trước xuất trước. Cụ thể như sau:

(+) Phương pháp bình quân gia quyền cả kỳ dự trữ: Theo phương pháp này, giá trị của từng loại hàng tồn kho được tính theo giá trị trung bình của từng loại hàng tồn kho đầu kỳ và giá trị từng loại hàng tồn kho được mua hoặc sản xuất trong kỳ. Đơn giá xuất kho được tính theo công thức sau:

Đơn giá xuất kho bình quân cả kỳ dự trữ của một loại sản phẩm

=

(Giá trị hàng tồn đầu kỳ + Giá trị hàng nhập trong kỳ)

(Số lượng hàng tồn đầu kỳ + Số lượng hàng nhập trong kỳ)

(+) Phương pháp nhập trước, xuất trước (FIFO): Phương pháp này được áp dụng dựa trên giả định là giá trị hàng tồn kho được mua hoặc được sản xuất trước thì được xuất trước và giá trị hàng tồn kho còn lại cuối kỳ là giá trị hàng tồn kho được mua hoặc sản xuất gần thời điểm cuối kỳ. Theo phương pháp này thì giá trị hàng xuất kho được tính theo giá của lô hàng nhập kho ở thời điểm đầu kỳ hoặc gần đầu kỳ, giá trị của hàng tồn kho cuối kỳ được tính theo giá của hàng nhập kho ở thời điểm cuối kỳ hoặc gần cuối kỳ.

+ Cột 2: Ghi số lượng vật liệu, dụng cụ, sản phẩm, hàng hóa nhập kho.

+ Cột 3: Ghi giá trị (thành tiền) vật liệu, dụng cụ, sản phẩm, hàng hóa nhập kho (Cột 3 = Cột 1 x Cột 2).

+ Cột 4: Ghi số lượng vật liệu, dụng cụ, sản phẩm, hàng hóa xuất kho.

+ Cột 5: Ghi giá trị (thành tiền) vật liệu, dụng cụ, sản phẩm, hàng hóa xuất kho (Cột 5 = Cột 1 x Cột 4).

+ Cột 6: Ghi số lượng vật liệu, dụng cụ, sản phẩm, hàng hóa tồn kho.

+ Cột 7: Ghi giá trị (thành tiền) vật liệu, dụng cụ, sản phẩm, hàng hóa tồn kho.

...

>>> Thông tư 88/2021/TT-BTC ban hành 11/10/2021 hướng dẫn chi tiết việc lập chứng từ kế toán và ghi sổ sách kế toán dành cho hộ, cá nhân kinh doanh theo link dưới đây.

mẫu đề nghị cấp hddt có mã của cơ quan thuế

II. Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh áp dụng chứng từ kế toán theo danh mục sau đây:

Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh áp dụng chứng từ kế toán

Mục đích sử dụng, biểu mẫu, nội dung và phương pháp lập các chứng từ kế toán quy định tại Thông tư này được thực hiện theo hướng dẫn cụ thể tại Phụ lục 1 “Biểu mẫu và phương pháp lập chứng từ kế toán” ban hành kèm theo Thông tư 88/2021/TT-BTC ban hành ngày 11 tháng 10 năm 2021.

**** Tham khảo phương pháp lập chứng từ kế toán như sau:

A - PHIẾU THU

(Mẫu số 01- TT)

1. Mục đích: Nhằm xác định số tiền mặt thực tế nhập quỹ và làm căn cứ để thủ quỹ thu tiền nhập quỹ và ghi sổ quỹ tiền mặt. Mọi khoản tiền mặt nhập quỹ đều phải có Phiếu thu.

2. Phương pháp và trách nhiệm ghi

- Góc trên bên trái của Phiếu thu phải ghi rõ tên và địa chỉ của hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh.

- Phiếu thu phải đóng thành quyển (trừ trường hợp công tác kế toán của hộ kinh doanh được thực hiện trên phương tiện điện tử). Số phiếu thu phải đánh liên tục trong 1 kỳ kế toán. Từng Phiếu thu phải ghi rõ ngày, tháng, năm lập phiếu và ngày, tháng, năm thu tiền.

- Ghi rõ họ, tên, địa chỉ người nộp tiền.

- Dòng “Lý do nộp" ghi rõ nội dung nộp tiền

- Dòng “Số tiền": Ghi bằng số và bằng chữ số tiền nộp quỹ, ghi rõ đơn vị tính là đồng Việt Nam...

- Dòng tiếp theo ghi số lượng chứng từ gốc kèm theo Phiếu thu.

  • Phiếu thu được lập thành 2 liên (đặt giấy than viết 1 lần).
  • Phiếu thu phải ghi đầy đủ các nội dung trên phiếu và có đủ chữ ký, họ và tên của người lập biểu, người đại diện hộ kinh doanh/cá nhân kinh doanh và những người có liên quan theo mẫu chứng từ. Sau khi đã nhận đủ số tiền, thủ quỹ ghi số tiền thực tế nhập quỹ vào phần “Đã nhận đủ tiền (viết bằng chữ)” trên Phiếu thu trước khi ký và ghi rõ họ tên.
  • Liên 1 lưu tại hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh và dùng để ghi sổ quỹ tiền mặt, liên 2 giao cho người nộp tiền.

- Trường hợp người đại diện hộ kinh doanh/cá nhân kinh doanh đồng thời kiêm nhiệm thủ quỹ hoặc người lập biểu thì người đại diện hộ kinh doanh/cá nhân kinh doanh có thể ký đồng thời các chức danh kiêm nhiệm đó.

B - PHIẾU CHI

(Mẫu số 02 - TT)

1. Mục đích: Nhằm xác định các khoản tiền mặt thực tế xuất quỹ và làm căn cứ để thủ quỹ xuất quỹ, ghi sổ quỹ tiền mặt. Mọi khoản tiền mặt xuất quỹ đều phải có phiếu chi.

2. Phương pháp và trách nhiệm ghi

Góc trên bên trái của chứng từ ghi rõ tên và địa chỉ của hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh.

- Phiếu chi phải đóng thành quyển (trừ trường hợp công tác kế toán của hộ kinh doanh được thực hiện trên phương tiện điện tử). Số phiếu chi phải đánh liên tục trong 1 kỳ kế toán. Từng Phiếu chi phải ghi rõ ngày, tháng, năm lập phiếu và ngày, tháng, năm chi tiền.

- Ghi rõ họ, tên, địa chỉ người nhận tiền.

- Dòng “Lý do chi" ghi rõ nội dung chi tiền.

- Dòng “Số tiền": Ghi bằng số và bằng chữ số tiền xuất quỹ, ghi rõ đơn vị tính là đồng Việt Nam.

- Dòng tiếp theo ghi số lượng chứng từ gốc kèm theo Phiếu chi.

  • Phiếu chi được lập thành 2 liên (đặt giấy than viết 1 lần) và chỉ sau khi có chữ ký (ký theo từng liên) của người đại diện hộ kinh doanh/cá nhân kinh doanh, thủ quỹ mới được xuất quỹ. Sau khi nhận đủ số tiền người nhận tiền phải ghi số tiền đã nhận bằng chữ, ký và ghi rõ họ, tên vào Phiếu chi.
  • Liên 1 lưu tại hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh và dùng để ghi sổ quỹ tiền mặt. Liên 2 giao cho người nhận tiền.

Trường hợp người đại diện hộ kinh doanh/cá nhân kinh doanh đồng thời kiêm nhiệm thủ quỹ hoặc người lập biểu thì người đại diện hộ kinh doanh/cá nhân kinh doanh có thể ký đồng thời các chức danh kiêm nhiệm đó.

chế độ kế toán dành cho hộ cá nhân kinh doanh

C - PHIẾU NHẬP KHO

(Mẫu số 03- VT)

1. Mục đích: Nhằm xác định số lượng vật liệu, dụng cụ, sản phẩm, hàng hóa nhập kho làm căn cứ nhập kho và ghi sổ chi tiết vật liệu, dụng cụ, sản phẩm, hàng hóa.

2. Phương pháp và trách nhiệm ghi

Góc trên bên trái của Phiếu nhập kho phải ghi rõ tên và địa chỉ của hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh. Phiếu nhập kho áp dụng trong các trường hợp nhập kho vật liệu, dụng cụ, sản phẩm, hàng hóa mua ngoài, tự sản xuất, thuê ngoài gia công chế biến hoặc thừa phát hiện trong kiểm kê.

Khi lập phiếu nhập kho phải ghi rõ số phiếu nhập và ngày, tháng, năm lập phiếu, họ tên người giao vật liệu, dụng cụ, sản phẩm, hàng hóa, số hóa đơn hoặc lệnh nhập kho, địa điểm nhập kho.

Cột A, B, C, D: Ghi số thứ tự, tên, nhãn hiệu, qui cách, phẩm chất, mã số và đơn vị tính của vật liệu, dụng cụ, sản phẩm, hàng hóa.

  • Cột 1: Ghi số lượng theo chứng từ (hóa đơn hoặc lệnh nhập).
  • Cột 2: Ghi số lượng thực nhập vào kho.
  • Cột 3, 4: Ghi đơn giá và thành tiền của từng thứ vật liệu, dụng cụ, sản phẩm, hàng hóa thực nhập.
  • Dòng cộng: Ghi tổng số tiền của các loại vật liệu, dụng cụ, sản phẩm, hàng hóa nhập cùng một phiếu nhập kho.
  • Dòng số tiền viết bằng chữ: Ghi tổng số tiền trên Phiếu nhập kho bằng chữ.
  • Phiếu nhập kho được lập thành 2 liên (đặt giấy than viết 1 lần).
  • Phiếu nhập kho phải có đầy đủ chữ ký và họ tên những người có liên quan trên phiếu nhập kho, liên 1 lưu tại hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh để ghi sổ kế toán, liên 2 chuyển cho người giao hàng.

- Trường hợp người đại diện hộ kinh doanh/cá nhân kinh doanh đồng thời kiêm nhiệm thủ kho hoặc người lập biểu thì người đại diện hộ kinh doanh/cá nhân kinh doanh có thể ký đồng thời các chức danh kiêm nhiệm đó.

D - PHIẾU XUẤT KHO

(Mẫu số 04 - VT)

1. Mục đích: Nhằm xác định số lượng vật liệu, dụng cụ, sản phẩm, hàng hóa xuất kho cho các bộ phận sử dụng của hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh làm căn cứ để theo dõi chi phí sản xuất kinh doanh.

2. Phương pháp và trách nhiệm ghi

Góc bên trái của Phiếu xuất kho phải ghi rõ tên của hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh. Phiếu xuất kho lập cho một hoặc nhiều thứ vật liệu, dụng cụ, sản phẩm, hàng hóa cùng một kho dùng cho một đối tượng hạch toán chi phí hoặc cùng một mục đích sử dụng.

Khi lập phiếu xuất kho phải ghi rõ: Họ tên người nhận hàng, tên, đơn vị (bộ phận): số và ngày, tháng, năm lập phiếu; lý do xuất kho và địa điểm xuất kho vật liệu, dụng cụ, sản phẩm, hàng hóa.

- Cột A, B, C, D: Ghi số thứ tự, tên, nhãn hiệu, qui cách, phẩm chất, mã số và đơn vị tính của vật liệu, dụng cụ, sản phẩm, hàng hóa.

- Cột 1: Ghi số lượng vật liệu, dụng cụ, sản phẩm, hàng hóa theo yêu cầu xuất kho của người (bộ phận) sử dụng.

- Cột 2: Ghi số lượng thực tế xuất kho (số lượng thực tế xuất kho chỉ có thể bằng hoặc ít hơn số lượng yêu cầu).

- Cột 3, 4: Ghi đơn giá và thành tiền của từng loại vật liệu, dụng cụ, sản phẩm, hàng hóa thực xuất kho (cột 4 = cột 2 x cột 3).

  • Dòng Cộng: Ghi tổng số tiền của số vật liệu, dụng cụ, sản phẩm, hàng hóa thực tế đã xuất kho.
  • Dòng "Tổng số tiền viết bằng chữ": Ghi tổng số tiền viết bằng chữ trên Phiếu xuất kho.
  • Phiếu xuất kho được lập thành 2 liên (đặt giấy than viết 1 lần).
  • Phiếu xuất kho phải có đầy đủ chữ ký và họ tên những người có liên quan trên phiếu xuất kho, liên 1 lưu tại hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh để ghi sổ kế toán, liên 2 chuyển cho người nhận hàng.

- Trường hợp người đại diện hộ kinh doanh/cá nhân kinh doanh đồng thời kiêm nhiệm thủ kho hoặc người lập biểu thì người đại diện hộ kinh doanh/cá nhân kinh doanh có thể ký đồng thời các chức danh kiêm nhiệm đó.

...

>>> Thông tư 88/2021/TT-BTC ban hành 11/10/2021 hướng dẫn chi tiết việc lập chứng từ kế toán và ghi sổ sách kế toán dành cho hộ, cá nhân kinh doanh theo link dưới đây.

mẫu đề nghị cấp hddt có mã của cơ quan thuế

Nguồn: Internet

» CÔNG TY TNHH DV HĐĐT TRUNG KIÊN» Hotline: 1900 068 838» Email : Info@hoadondientutrungkien.com» Website: hoadondientutrungkien.com

Từ khóa » Sổ Chi Tiết Hàng Tồn Kho