Hướng Dẫn Nuôi Con Bằng Sữa Mẹ Mùa COVID-19

Nhiều mẹ bầu mắc COVID-19 rơi vào tâm trạng lo âu, căng thẳng vì sợ con sẽ bị lây bệnh khi bú sữa mẹ. Các chuyên gia sản khoa khẳng định, virus SARS-CoV-2 không tồn tại trong sữa mẹ. Tất cả những thắc mắc: Có nên nuôi con bằng sữa mẹ mùa COVID-19 hay không? COVID-19 có lây qua sữa mẹ không? Mẹ F0 có cho con bú được không?… sẽ được giải đáp chi tiết ngay trong bài viết dưới đây.

nuôi con bằng sữa mẹ mùa covid

Lợi ích của việc nuôi con bằng sữa mẹ

Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng tốt nhất cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dưới 6 tháng tuổi. Theo BS.CKI Trần Nguyễn Phương An, Trung tâm Sản Phụ khoa Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM, để giúp trẻ hấp thu nguồn sữa mẹ tốt nhất, mẹ cần có phương pháp nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ đúng cách.

Nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời là chỉ cho trẻ bú sữa mẹ mà không cho trẻ ăn uống bất cứ thức ăn nào khác kể cả nước đun sôi để nguội, trừ các trường hợp phải bổ sung vitamin, khoáng chất hoặc thuốc theo chỉ định của bác sĩ.

cho trẻ bú sữa hoàn toàn trong 6 tháng đầu
Các chuyên gia sản khoa khuyến cáo mẹ nên nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời bởi mang lại nhiều lợi ích cho cả mẹ và trẻ

Lợi ích của sữa mẹ đối với trẻ

  • Sữa mẹ là thức ăn hoàn chỉnh nhất và phù hợp nhất cho trẻ bởi trong sữa mẹ có đủ các chất dinh dưỡng và năng lượng cần thiết như đạm, đường, mỡ, vitamin… với tỷ lệ phù hợp cho sự hấp thu và phát triển của trẻ, đặc biệt là não bộ;
  • Chất béo có trong sữa mẹ sẽ giúp trẻ tiêu hóa tốt, hấp thu được lượng canxi chứa vi khuẩn có lợi cho đường ruột, nhờ đó trẻ tiêu hóa tốt, phân mềm, dễ đi ngoài;
  • Sữa mẹ có nhiều chất kháng khuẩn như các globulin miễn dịch, IgA, IgG, IgM, IgD, IgE… giúp tăng cường sức đề kháng, bảo vệ trẻ trong 6 tháng đầu nhờ miễn dịch từ sữa mẹ;
  • Sữa mẹ cung cấp đủ nước cho trẻ trong 6 tháng đầu, cũng như chống dị ứng, eczema cho trẻ so với ăn sữa bò.

Lợi ích cho mẹ

  • Tăng tình cảm mẹ con khi mẹ âu yếm bé;
  • Mẹ cho trẻ bú ngay sau khi sinh sẽ giúp xổ rau, tránh mất máu cho mẹ;
  • Trẻ bú mẹ sẽ kích thích co hồi tử cung tốt, phòng tránh cương tức sữa ở mẹ;
  • Trẻ bú thường xuyên sẽ kích thích cơ thể mẹ tăng cường sản xuất sữa; Tuyến yên tiết ra prolactin giúp ức chế sự rụng trứng, giảm khả năng sinh đẻ, đồng thời giảm tỷ lệ mắc ung thư vú, ung thư buồng trứng và ung thư nội mạc tử cung;
  • Nuôi con bằng sữa mẹ còn giúp mẹ giảm cân nhanh, mau chóng trở về mức cân nặng trước sinh.

Có nên nuôi con bằng sữa mẹ mùa COVID không?

Tâm lý của một người mẹ hoặc sắp trở thành mẹ sẽ đều rất lo lắng, thắc mắc nên làm gì để an toàn và tốt nhất cho con giữa thời điểm dịch bệnh COVID-19 vẫn còn đang diễn tiến phức tạp.

Một nghiên cứu được công bố vào tháng 7/2020 của các chuyên gia Mỹ và Trung Quốc cho kết quả, nghiên cứu mẫu sữa của 1.000 sản phụ đang nuôi con bằng sữa mẹ (trong đó có 350 sản phụ từng mắc COVID-19) phát hiện có kháng thể SARS-CoV-2 trong sữa mẹ. Các nhà khoa học cũng nhận thấy 80% sữa của những sản phụ này có kháng thể IgA và một lượng nhỏ IgG, IgM giúp bảo vệ trẻ khỏi lây nhiễm virus. (1)banner tâm anh quận 7 content

Hay một nghiên cứu khác của Tiến sĩ Rita Carsetti, Bệnh viện Trẻ em Bambino Gesù (Rome – Ý) công bố trên tạp chí khoa học JAMA Network Open cho kết quả 21/22 trẻ được sinh ra bởi thai phụ mắc COVID-19 vẫn giữ được trạng thái âm tính nhiều tháng sau đó nhờ vào lượng kháng thể chống lại virus SARS-CoV-2 nhận qua nhau thai và sữa mẹ thông qua việc mẹ cho trẻ bú sớm ngay sau khi sinh.

Với các bằng chứng này, rất nhiều mẹ bầu tin tưởng và ủng hộ việc nuôi con bằng sữa mẹ mùa COVID. Tiếp xúc da kề da và bú mẹ ngay sau khi sinh sẽ giúp trẻ phát triển khỏe mạnh, bảo vệ trẻ chống lại nhiều bệnh nhiễm trùng. Các kháng thể và yếu tố hoạt tính sinh học có trong sữa mẹ cũng giúp chống lại sự lây nhiễm COVID-19 trong trường hợp bé bị phơi nhiễm.

Chính vì thế, các chuyên gia y tế khuyến khích mẹ vẫn nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng tuổi đầu đời. Khi trẻ được hơn 6 tháng, mẹ hãy tiếp tục cho trẻ bú sữa mẹ và cho trẻ ăn dặm bằng các loại thực phẩm bổ sung an toàn và lành mạnh.

COVID-19 có lây qua đường sữa mẹ không?

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tính tới thời điểm hiện tại, việc lây truyền COVID-19 qua sữa mẹ thông qua việc cho con bú vẫn chưa được phát hiện. Các nhà khoa học vẫn đang tiếp tục nghiên cứu và thử nghiệm sữa mẹ. Do đó, không có lý do gì để mẹ không cho hoặc ngừng cho trẻ bú sữa mẹ. Thời gian là vàng, mẹ nên cho trẻ bú sớm trong vòng 1 giờ đồng hồ sau sinh.

lhts 30112024 mb

Mẹ bầu F0 có nên cho con bú hay không?

Theo BS.CKI Trần Nguyễn Phương An, trẻ vẫn có thể bú sữa mẹ ngay khi mẹ có kết quả dương tính với COVID-19, miễn là đảm bảo các biện pháp phòng ngừa thích hợp gồm: (2)

  • Khi mắc COVID-19, mẹ có thể uống các thuốc điều trị triệu chứng theo hướng dẫn của bác sĩ và vẫn cho bé bú sữa mẹ được. Tuy nhiên, không được sử dụng thuốc kháng virus Molnupiravir do các khuyến cáo hiện tại chưa được sử dụng đối với phụ nữ đang mang thai và cho con bú.
  • Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch, nếu không có xà phòng và nước hãy sử dụng chất khử trùng tay có ít nhất 60% cồn trước khi chạm vào trẻ;
  • Đeo khẩu trang y tế khi tiếp xúc với trẻ, kể cả khi cho trẻ bú;
  • Ho hoặc hắt hơi vào khăn giấy, sau đó bỏ khăn giấy ngay vào sọt rác và rửa tay sạch bằng xà phòng hoặc chất khử trùng tay có ít nhất 60% cồn;
  • Thường xuyên làm sạch, khử trùng tất cả các bề mặt mà mẹ đã chạm vào, nhất là vùng ngực của mẹ cần được rửa sạch nếu mẹ ho;
  • Quan trọng nhất, mẹ phải thay ngay khẩu trang y tế khi bị ẩm và bỏ ngay khẩu trang đã sử dụng vào sọt rác, không tái sử dụng khẩu trang y tế, không chạm vào mặt trước của khẩu trang.

Xem thêm: Hướng dẫn cho bà bầu mắc Covid-19

mẹ f0 nên đeo khẩu trang
Mẹ bầu F0 nên đeo khẩu trang khi tiếp xúc với trẻ, kể cả khi cho trẻ bú

Mẹ cần làm gì nếu cảm thấy không khỏe để cho bé bú?

Nếu mẹ cảm thấy không khỏe để cho bé bú do COVID-19 hoặc do biến chứng khác, mẹ có thể tìm những cách khác để cung cấp sữa cho con một cách an toàn. Mẹ có thể vắt sữa và cho trẻ uống bằng cốc hoặc thìa sạch. Mẹ có thể cân nhắc việc xin sữa mẹ từ những người quen biết (để biết chất lượng nguồn sữa) và tham khảo ý kiến của các chuyên gia sản khoa cách nuôi con bằng sữa mẹ phù hợp trong giai đoạn này.

Trong trường hợp vắt sữa mẹ hoặc nguồn sữa trong khu vực sinh sống cung cấp không ổn định, mẹ có thể cho trẻ bú dặm sữa công thức phù hợp độ tuổi. Cần lưu ý đảm bảo vệ sinh, tiệt trùng đầy đủ các dụng cụ pha sữa cho trẻ. Mẹ nên tham khảo ý kiến và tư vấn của chuyên gia sản khoa khi lựa chọn.

Một số biện pháp phòng ngừa khi cho con bú trong mùa dịch

Nếu mẹ ở cùng phòng với trẻ, cố gắng để phòng thông thoáng và giữ khoảng cách an toàn hợp lý. Mẹ cần đeo khẩu trang mọi lúc, rửa tay sạch sẽ khi trực tiếp chăm sóc trẻ. Không tiếp xúc trực diện với trẻ, hắt hơi và ho vào khăn giấy, sau đó vứt bỏ ngay vào sọt rác. (3)

Khi không phải cho con bú, mẹ nên giữ khoảng cách tối thiểu 2m với trẻ. Duy trì các biện pháp phòng ngừa đến khi mẹ hết các triệu chứng sốt hoặc ít nhất 10 ngày kể từ khi các triệu chứng COVID-19 bắt đầu và đã có dấu hiệu cải thiện. Trường hợp mẹ dương tính nhưng không có triệu chứng, cần đợi ít nhất 10 ngày rồi tiến hành xét nghiệm lại.

Bác sĩ Phương An khuyến cáo, đây là khoảng thời gian đầy căng thẳng, mẹ mắc COVID-19 dễ bị lo lắng, đồng thời kèm theo các triệu chứng của bệnh khiến mẹ bị mất sữa. Khi bệnh, mẹ có thể bị mất khứu giác và vị giác, tuy nhiên mẹ cần cố gắng ăn đầy đủ các nhóm chất dinh dưỡng để đảm bảo đủ năng lượng, vừa nhanh bình phục, vừa có đủ sữa cho con.

Để đảm bảo chất lượng và số lượng sữa cho con bú cũng như giúp mẹ sớm hồi phục sức khỏe, mẹ phải nạp đủ 4 nhóm chất dinh dưỡng vào cơ thể bao gồm:

  • Chất bột đường (carbohydrate);
  • Chất đạm (protein);
  • Chất béo (lipid);
  • Các loại vitamin, chất xơ và khoáng chất.

Nếu mẹ quá mệt mỏi không thể ăn được nhiều, mẹ có thể uống thêm sữa tươi, ít nhất 600-1000ml mỗi ngày để đảm bảo đủ nguồn dinh dưỡng, đủ nước cho mẹ và bé mỗi ngày.

uống sữa tươi mỗi ngày
Mẹ bầu nên uống ít nhất 600-1000ml sữa tươi mỗi ngày để đảm bảo đủ nguồn dinh dưỡng và đủ nước cho cơ thể mẹ và bé

Mẹ nên vận động, tập thể dục nhẹ nhàng mỗi ngày để nâng cao sức đề kháng, đặc biệt là uống nhiều nước. Mẹ cũng nên duy trì cho con bú, duy trì vắt sữa mỗi ngày để không bị tắc tia sữa dẫn đến làm mất sữa.

Hướng dẫn sử dụng máy hút sữa an toàn nếu mẹ là F0

Trong trường hợp mẹ là F0 và lựa chọn sử dụng máy hút sữa, mẹ cần lưu ý:

  • Sử dụng máy hút sữa riêng, không dùng chung với bất kỳ mẹ bầu nào khác;
  • Đeo khẩu trang khi vắt sữa mẹ;
  • Rửa tay bằng xà phòng và nước trong vòng ít nhất 20 giây trước khi chạm vào bất kỳ bộ phận nào của máy hút sữa hoặc bình sữa, núm vú giả trước khi vắt sữa mẹ;
  • Thực hiện đầy đủ tất cả khuyến cáo vệ sinh máy hút sữa sau mỗi lần sử dụng, làm sạch tất cả các bộ phận của máy tiếp xúc với sữa mẹ;
  • Cân nhắc nhờ người khỏe mạnh (không mắc COVID-19) cho trẻ bú sữa mẹ đã vắt ra. Luôn nhắc người chăm sóc trẻ đeo khẩu trang đầy đủ, không chạm tay vào mặt ngoài khẩu trang, thay khẩu trang mỗi ngày, tốt nhất 8 tiếng thay 1 lần; rửa tay sạch sẽ trước khi chạm vào bình sữa, cho trẻ bú bình hoặc chăm sóc trẻ.

Có thể tiêm vaccine COVID-19 khi cho con bú không?

Bác sĩ Phương An cho biết, phụ nữ đang cho con bú hoàn toàn tiêm được vaccine COVID-19 nếu vaccine có sẵn hoặc được gọi mời tiêm. Tất cả các loại vaccine được phê duyệt cho phụ nữ đang mang thai và cho con bú hiện nay không sử dụng virus còn sống, do đó không có nguy cơ lây nhiễm virus cho trẻ qua sữa mẹ.

Một số bằng chứng cho thấy, sau khi tiêm vaccine COVID-19 các kháng thể được tìm thấy trong sữa mẹ có tác dụng bảo vệ trẻ chống lại COVID-19.

tiêm phòng vaccine covid cho bà bầu
Mẹ đang cho con bú hoàn toàn tiêm được vaccine COVID-19 để truyền kháng thể bảo vệ trẻ chống lại sự tấn công của dịch bệnh

Tuân thủ đầy đủ các khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Bộ Y tế Việt Nam, Trung tâm Sản Phụ khoa Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh khuyến khích sản phụ thực hiện da kề da cho trẻ ngay sau sinh, nuôi con bằng sữa mẹ vì những lợi ích mang lại lớn hơn rất nhiều so với nguy cơ, kể cả khi mẹ mắc COVID-19.

Đặc biệt, từ ngày 12/3/2022, Trung tâm Sản Phụ khoa Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh tiếp nhận phục vụ, chăm sóc sản phụ là F0. Quy trình mẹ bầu F0 đi sinh sẽ đảm bảo thực hiện đầy đủ tất cả các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm hiệu quả:

  • Sản phụ đi sinh (kể cả sinh mổ hay sinh thường) tại bệnh viện có kết quả xét nghiệm COVID-19 dương tính sẽ được thăm khám sàng lọc kỹ càng, tầm soát các bệnh nền, bệnh lý kèm theo nhằm hạn chế tối đa rủi ro, đảm bảo an toàn cho sản phụ và thai nhi trước sinh;
  • Bệnh viện bố trí khu vực riêng với đầy đủ hệ thống máy móc, trang thiết bị hiện đại cùng quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn nghiêm ngặt, đội ngũ bác sĩ, nữ hộ sinh riêng để đảm bảo an toàn cho sản phụ F0 và những sản phụ khác;
  • Tất cả sản phụ sinh mổ được mang khẩu trang, gây mê an toàn và theo dõi chặt chẽ các chỉ số sinh tồn;
  • Sau sinh hoặc sau mổ, sản phụ sẽ được theo dõi hậu sản và hậu phẫu tại khu vực chăm sóc dành riêng cho sản phụ F0;
  • Người thân không tham gia chăm sóc sản phụ F0, việc chăm sóc đã có đội ngũ nhân viên y tế tại bệnh viện thực hiện tận tình, chu đáo.

an tâm đi sinh mùa dịch

An tâm đi sinh giữa mùa dịch vì đã có đội ngũ bác sĩ, nữ hộ sinh, nhân viên y tế giỏi tại bệnh viện. Để biết thêm thông tin, sản phụ và gia đình có thể liên hệ đến:

HỆ THỐNG BỆNH VIỆN ĐA KHOA TÂM ANH

  • Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội:
    • 108 Hoàng Như Tiếp, P.Bồ Đề, Q.Long Biên, Hà Nội
    • Hotline: 024 3872 3872 – 024 7106 6858
  • Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TPHCM:
    • 2B Phổ Quang, P.2, Q.Tân Bình, TPHCM
    • Hotline: 093 180 6858 – 0287 102 6789
  • Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Quận 8:
    • 316C Phạm Hùng, P.5, Q.8, TPHCM
    • Hotline: 093 180 6858 – 0287 102 6789
  • Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7:
    • 25 Nguyễn Hữu Thọ, P.Tân Hưng, Q.7, TPHCM
    • Hotline: 093 180 6858 – 0287 102 6789
  • Fanpage: https://www.facebook.com/benhvientamanh/
  • Website: https://tamanhhospital.vn

Nuôi con bằng sữa mẹ mùa COVID sẽ mang lại nhiều lợi ích hơn cho cả mẹ và trẻ, kể cả khi mẹ mắc bệnh. Hy vọng với những thông tin khoa học chính thống trên đây sẽ giúp mẹ an tâm hơn khi cho con bú, thực hiện các biện pháp chăm sóc và phòng ngừa khoa học để bảo vệ an toàn cho con mình.

Từ khóa » Cho Me Cho Con Bu