Hướng Dẫn Tự Lên Dây đàn Piano Cơ Bản - Step By Step

Pianocare.vn xin gửi đến bạn bài viết Hướng dẫn lên dây đàn piano cơ bản cho người mới bắt đầu. Bài viết được trình bày từng bước rất dể hiểu và thực hiện. Chúc các bạn có được nhiều thông tin bổ ích.

Mục lục

  • Phần 1: Chuẩn bị dụng cụ để tự chỉnh dây đàn Piano
    • Bước 1: Chọn búa lên dây đàn Piano phù hợp
    • Bước 2: Chọn dụng cụ chặn âm
    • Bước 3: Chọn máy hoặc phần mềm lên dây đàn Piano
    • Tham khảo thêm
  • Phần 2: Hướng dẫn tự lên dây đàn Piano cơ
    • Bước 1: Tháo nắp đàn piano và kiểm tra
    • Bước 2: Tìm hiểu về dây đàn piano và Tuning Pins (Trục giữ/lên dây)
    • Bước 3: Bắt đầu với các note ở giữa phím đàn
    • Bước 4: Cách chỉnh trục giữ/lên dây piano
    • Bước 5: Lên dây piano theo quãng 8
    • Bước 7: Kiểm tra độ chính xác bằng quãng 4, 5
    • Bước 8: Hoàn tất và kiểm tra lại toàn bộ đàn
  • Phân 3: Những câu hỏi thường gặp về lên dây đàn piano
  • Tổng kết

Đàn piano cơ là nhạc cụ có giá trị lớn và cần được bảo dưỡng định kỳ. Ít nhất phải được lên dây một năm một lần (hoặc 2 lần nếu chơi nhiều). Giá lên dây đàn Piano tại TP. HCM khoảng từ 500.000 – 1.000.000VND/lần có thể mắc hơn hoặc rẻ hơn tùy trường hợp. Nếu bạn không muốn gọi dịch vụ và có ý định tự lên dây đàn piano thì hãy nhớ rằng. Đây là công việc yêu cầu tính kiên nhẫn cao, đòi hỏi phải dành nhiều thời gian luyện tập, cần một đôi tai khỏe và hơn hết là phải có đam mê. Chỉ có đam mê thì bạn mới đủ kiên nhẫn để nghe đi nghe lại hàng triệu lần tiếng ting-ting-ting được. (hãy nhớ đàn Piano cơ có hơn 200 dây chứ không như guitar hay violin bạn nhé).

Phần 1: Chuẩn bị dụng cụ để tự chỉnh dây đàn Piano

Bước 1: Chọn búa lên dây đàn Piano phù hợp

Búa lên dây đàn piano còn có tên gọi khác là Khóa lên dây Piano, Piano Tuning hammer. Đây là dụng cụ quan trọng nhất của một người thợ lên dây Piano. Vì là dụng cụ quan trọng nên các bạn nên chọn 1 chiếc búa với chất lượng tương đối. Không nên vì giá rẻ mà mua những loại búa kém chất lượng, búa lên dây chất lượng kém kém thường hay bị teo đầu, tuột cán sau một vài lần sử dụng.

Búa lên dây đàn piano có giá khoảng từ vài trăm nghìn đến vài triệu, thậm chí đến vài chục triệu một chiếc. Tuy nhiên, để dùng được và chất lượng tương đối ổn định, mình khuyên bạn nên chọn búa có tầm giá khoảng 800k – 1500k. (Xem các loại búa do Pianocare.vn cung cấp)

Một vấn đề quan trọng nữa là khi chọn búa lên dây piano, bạn cần chọn đúng kích thước đầu tip, có 3 kích thước thường dùng là #1, #2, #3. Trong đó size #2 là phổ biến nhất, hầu hết đàn Piano ở Việt Nam đều dùng size #2. Bạn chú ý chọn mua đúng kích thước nhé. Trường hợp bạn chọn không đúng size, vẫn có thể thay thể riêng đầu tip này, tuy nhiên phải tốn thêm chi phí.

Bước 2: Chọn dụng cụ chặn âm

Nếu có mỗi búa lên dây đàn Piano thôi thì bạn sẽ không thể lên dây đàn Piano được. Bạn cần có thể một vài dụng cụ nữa, một trong số đó là dụng cụ chặn âm.

Không như guitar, violin hay một số nhạc cụ khác. Một note nhạc của đàn Piano có tới 3 dây (Note trầm thì 1 hoặc 2 dây), việc lên dây cùng 1 cao độ cho cả 3 dây bạn cần tách biệt từng dây 1. Dụng cụ để thực hiện việc đó chính là dụng cụ chặn âm.

Có khá nhiều kiểu chặn âm nhưng theo kinh nghiệm của mình. Để dể thao tác, đối với đàn Upright nên chọn dụng cụ chặn âm bằng kẹp nhựa. còn đối với đàn grand nên chọn dụng cụ chặn âm bằng mute cao su.

Trường hợp bạn không muốn mua các dụng cụ này, chúng ta hoàn toàn có thể tự chế cho mình các dụng cụ có chức năng tương tự. Cũng khá đơn giản (bạn xem các hình ở trên sẽ tự có ý tưởng thiết kế nhé).

Bước 3: Chọn máy hoặc phần mềm lên dây đàn Piano

Khi bạn chưa phải là dân chuyên nghiệp thì tai bạn chưa thể tự nghe và lên dây được. Bạn cần có một chiếc máy lên dây đàn piano để hỗ trợ. (Ngay cả dân chuyên nghiệp, đôi lúc cũng dùng máy để lấy các phím chuẩn cho nhanh thay vì nghe bằng tai).

Một chiếc máy lên dây đàn piano có giá khá cao, khoảng từ 200$ đến vài nghìn USD, tuy chức năng, xuất sứ. Tuy nhiên, trong khuôn khổ bài này, ở mức độ cơ bản mình khuyên bạn không nên mua máy lên dây mà hãy dùng phần mềm.

Máy lên dây Piano chuyên nghiệp

Phần mềm lên dây đàn piano chuyên nghiệp nhất hiện nay được phát triển bới TuneLab. Chạy được trên cả Window, Androi và IOS. Tuy nhiên phiên bản miễn phí chỉ có trên Android mà thôi (bạn có thể download tại đây). Các phiên bản PC và IOS có giá khoảng 300$.

Phần mềm lên dây Piano trên Android

Tham khảo thêm

Bộ dụng cụ lên dây cơ bản 6 món

  • Bộ dụng cụ chỉnh dây, lên dây đàn piano cơ bản – 6 Items

    1,400,000 Mua ngay

Phần 2: Hướng dẫn tự lên dây đàn Piano cơ

Bước 1: Tháo nắp đàn piano và kiểm tra

Để lên dây đàn Piano, việc trước tiên bạn cần làm là phải tháo các nắp che ra mới thao tác bên trong được. Việc tháo các nắp này cũng khá đơn giản. Đối với đàn Upright bạn cần lật nắp trên lên, rồi tháo nắp trước, sau đó tháo nắp phím và sau cùng là tháo thanh chặn âm Pedal giữa.( Xem hình trước và sau khi tháo bên dưới)

Đàn Upright sau khi tháo nắp

Đối với đàn Grand thì đơn giản hơn nhiều, bạn chỉ việc dỡ nắp trên lên và kéo giá đỡ sách nhạc ra là xong.

Đàn upright sau khi tháo giá đỡ sách nhạc

Sau khi thao bạn quan sát bên trong xem có gì khác thường hay không, có bụi bẩn, chuột bọ làm tổ…hay không? Nên vệ sinh sạch sẽ trước khi lên dây đàn Piano.

Bước 2: Tìm hiểu về dây đàn piano và Tuning Pins (Trục giữ/lên dây)

Trước khi lên dây cần xác định đúng trục Pin nào là của dây nào, tránh trường hợp chỉnh dây này nhưng tác động lên trục khác, như vậy sẽ nguy hiểm và có thể làm đứt dây.

Đối với các phím đàn có 3 dây hoặc 2 dây cần dùng dụng cụ chặn âm để ngăn độc lập từng dây một.

Dụng cụ chặn âm

Cần lưu ý khi tác động vào trục lên dây. Không nên dụng lực quá mạnh làm dây sai lệch nhiều, có thể dẫn đến đứt dây. Khi quay trục lên dây theo chiều kim đồng hồ dây sẽ căng hơn, âm phát ra có tần số cao hơn. Còn nếu quay theo ngước chiều kim đồng hồ thì ngược lại.

Bạn cũng nên tìm hiểu một số khái niệm về lý thuyết âm nhạc trước khi lên dây để hiểu rõ các đặc tính của nó. Một trong những khái niệm cần nắm vững là quãng, cung, nữa cung, họa âm…

Bước 3: Bắt đầu với các note ở giữa phím đàn

Các loại máy lên dây/Phần mềm hoặc tai người thường đáp ứng tốt ở khu tần số trung bình. Vì vậy chúng ta nên bắt đầu chỉnh piano bằng những note ở giữa phím đàn. Các loại máy/phần mềm lên dây piano hiện nay đêu không đạt độ chính xác ở tần số quá cao (âm treble) hoặc quá thấp (âm bass). Khi chỉnh các note bass hoặc treble ở 2 đầu phím đàn, cần phải nghe mới chính xác được.

Chuẩn âm của hầu hết các loại nhạc cụ là A 440Hz, có nghĩa là note La khi rung lên có tần số chính là 440Hz. Trong đàn Piano chuẩn âm La 440Hz được lấy tại note A4 (note La thứ 4). Nên khi bạn chỉnh đàn piano bằng máy hoặc phần mềm thì nhớ để chuẩn A440Hz nhé.

Thông thường người ta không bắt đầu chỉnh ở note A4 mà bắt đầu chỉnh từ note F3. Note này thường có 3 dây, bạn cần lấy dụng cụ chặn âm để bít 2 dây thứ 2 và thứ 3. Sau đó chỉnh dây dầu tiên bằng máy (hoặc phần mềm), chỉnh dây đầu tiên này tương đối dể, hầu như ai cũng có thể làm được.

Sau khi có được dây đầu tiên, bạn chuyển dụng cụ chặn âm sang để bít âm dây thứ 3, rồi chỉnh dây thứ 2 theo dây thứ nhất vừa mới chỉnh ở trên. Đến dây thì hơi khó hơn một chút, chúng ta phải nghe bằng tai. Nếu 2 dây rung lên cùng một tần số thì âm nghe được sẽ như một đường thẳng (beatless), nếu không cùng tần số sẽ tạo ra các gợn sóng (beating). Nhiệm vụ của bạn là chỉnh sao cho 2 dây piano phải rung lên cùng một tần số.

Chỉnh xong dây thứ 2, qua dây thứ ba làm tương tự bằng cách bít âm dây số 1 lại rồi chỉnh dây số 3 theo dây số 2. Sau khi được note F3 bạn chỉnh các note còn lại trong khoảng từ F3 đến E4 bằng cách tương tự (các note từ F3 đến E4 gồm: F3#, G3, G3#….D4#, E4).

Bước 4: Cách chỉnh trục giữ/lên dây piano

Nếu bạn mới bắt đầu tìm hiểu lên dây đàn Piano thì việc chỉnh và kiểm soát trục lên dây rất khó. Quay trục lên dây thì rất nặng nhưng chỉ cần một thay đổi rất nhỏ là dây lệch ngay. Cần phải luyện tập một thời gian lâu mới thành thạo được.

Khi dùng búa lên dây để quay trục giữ bạn cần nhớ câu này: “righty tighty, lefty loosey”. Nghĩa là quay qua bên phải (theo chiều kim đồng hồ) là dây sẽ căng lên quay qua bên trái (ngược kim đồng hồ) là dây sẽ chùng xuống.

Mẹo để dây đàn sau khi chỉnh có độ ổn định, không bị xuống dây quá nhanh. Đó là bạn cần chỉnh cho dây căng lên một ít (nhớ là 1 ít thôi nhé) rồi mới giảm xuống đúng cao độ chuẩn.

Bước 5: Lên dây piano theo quãng 8

Sau khi bạn có note F3 ở bước 3. Việc chỉnh note F2 hoặc F4 lúc này trở nên dễ dàng hơn. Bạn không cần phải dùng máy hay phần mềm nữa. Nhưng cái khó là bạn bạn phải nghe được 2 note cách nhau 1 quãng 8.

Cách nghe 2 note cách nhau 1 quãng tám tương tự như nghe 2 dây cùng cao độ ở bước 3. Nếu 2 note cách nhau đúng 1 quãng 8 thì âm phát ra nghe như 1 đường thẳng. Ngược lại sẽ nghe được tiếng gợn sóng như ở trên.

Các note F4#,G4,G4#…hoặc các note thấp  F2#,G2,G2#… đều tương tự. Nghĩa là bạn chỉ cần chỉnh chuẩn 1 octave từ F3 đến E4 ở bước 3 bằng máy/phần mềm, sau khi có octave chuẩn này rồi, các note còn lại chỉ việc nghe và chỉnh

Bước 7: Kiểm tra độ chính xác bằng quãng 4, 5

Nếu bạn còn gặp nhiều khó khăn, chưa thành thục các thao tác lên dây hoặc chưa có kỹ năng nghe tốt. Có thể bỏ qua bước này.

Ở bước này, sau khi chỉnh 2 note cách nhau một quãng 8 bạn nên kiểm tra lại độ chính xác bằng cách nghe thêm các note ở quãng 4 và quãng 5. Cách nghe cũng theo nguyên tắc âm thanh theo 1 đường thẳng hay nhấp nhô như ở bước 3.

Bước 8: Hoàn tất và kiểm tra lại toàn bộ đàn

Sau khi xong các bước trên. Đàn piano của bạn cơ bản đã lên dây xong. Tuy nhiên, để chắc chắc các note đã lên dây chuẩn. Bạn nên kiểm tra lại toàn bộ 1 lần xem đã ổn hết chưa.

Đôi khi có những note bạn vừa lên dây xong, chỉ cần đánh mạnh vài phát lại lệch dây (độ lệch thường không đáng kể). Nếu có phím nào lệch nhiều thì cần chỉnh lại cho chuẩn.

Phân 3: Những câu hỏi thường gặp về lên dây đàn piano

Question: Tại sao cần phải lên dây đàn Piano? Nếu không lên dây đàn piano có bị làm sao không?

Answer: Nếu không lên dây đàn thường xuyên. Âm thanh sẽ trở nên sai lệch, làm giảm chất lượng đàn piano và làm ảnh hưởng đến thẩm âm của người chơi. Ngoài ra, việc lên dây Piano luôn đi kèm với việc kiểm tra bảo trì các bộ phận bên trong đàn. Nếu đàn không được kiểm tra thường xuyên sẽ rất nguy hại, trường hợp thường gặp nhất là bị mối mọt hay chuột bọ cắn phá.

Question: Bao lâu nên lên dây đàn piano một lần?

Answer: Thông thường nếu đàn ổn định, ít sử dụng thì một năm nên lên dây 1 lần. Trường hợp đàn mới (hoặc mới thay dây) dây chưa ổn định hoặc trường hợp đàn chơi với cường độ mạnh, thường xuyên thì 6 tháng nên lên dây 1 lần.

Question: Máy/phần mềm lên dây có chính xác hay không?

Answer: Máy/phần mềm lên dây rất chính xác ở khoảng giữa phím đàn (từ phím C3 đến C5). Nhưng các khoảng âm trầm hoặc âm treble máy lên dây đàn piano thường không chính xác.

Question: Tôi có thể tự lên dây đàn tại nhà được không?

Answer: Hoàn toàn có thể được. Tuy nhiên, bạn cần phải luyện tập rất lâu và phải có đam mê, kiên nhẫn. Các rủi ro thường gặp khi tự lên dây đàn: Bị đứt dây, bị sai lệch nhiều hơn so với trước khi lên dây, mất nhiều thời gian…

Tổng kết

Để tự lên dây đàn, cần tối thiểu các dụng cụ: Búa lên dây, dụng cụ chặn âm, máy/phần mềm lên dây. Trình tự lên dây cơ bản: Tháo nắp che đàn để thao tác bên trong. Sau đó lên dây cho các nốt ở giữa phím đàn (thông thường từ F3 – E4) bằng máy/phần mềm. Sau khi có bộ Octave chuẩn (từ F3-E4), dùng tai nghe các note cách nhau 1 quãng tám để chỉnh các phím còn lại. Quy tắc nghe: Nếu 2 âm cùng tần số hoặc cách nhau 1 quãng 8 sẽ phát ra âm thanh đồng nhất như “một đường thẳng”. Nếu sai lệch, 2 âm phát ra sẽ giao thoa tạo ra tiếng nhấp nhô.

Cuối cùng xin chúc các bạn có được những thông tin bổ ích. Nếu cần hỗ trợ, đừng ngại ngần liên hệ với chúng tôi.

Người viết Quốc Cường – Pianocare.vn

cách chỉnh dây đàn pianocách lên dây đàn pianohướng dẫn chỉnh đàn piano

Từ khóa » Chỉnh Dây đàn Piano