[Hướng Dẫn] Vẽ Màu Nước Chất Liệu Thủy Tinh - PICS Studio

  1. Hướng Dẫn Vẽ Màu Nước Chất Liệu Thủy Tinh
    1. Vẽ màu nước trên giấy gì?
    2. Sử dụng cọ nào để vẽ màu nước?
    3. Màu nào có thể dùng để vẽ màu nước?
    4. BÂY GIỜ CHÚNG TA BẮT ĐẦU VẼ THÔI NÀO!
      1. Chọn mẫu vẽ là bước đầu tiên
      2. Dựng hình thế nào để vẽ màu nước cho đúng và nhanh?
      3. Có phải vẽ màu nước theo thứ tự sẽ kiểm soát được bức vẽ tốt hơn?
      4. Nóng / Lạnh trong một bức vẽ màu nước được phân bố như thế nào?
    5. Liên hệ ngay với PICS qua các mạng xã hội khác nhé mọi người:
Hướng Dẫn Vẽ Màu Nước Chất Liệu Thủy Tinh

Vẽ màu nước hiện nay đang trở thành một trào lưu và được đông đảo nhiều bạn trẻ quan tâm nhưng không phải ai cũng biết, vẽ màu nước lên giấy vốn là một chất liệu khó nếu không nắm vững các kĩ thuật căn bản.

Từ cách chọn giấy vẽ, màu vẽ màu nước, cho tới kĩ thuật vẽ, và cách dạy vẽ màu nước của giáo viên cũng ảnh hưởng ít nhiều đến phong cách vẽ sau này của bạn.

Và kết quả của việc học vẽ màu nước là gì? Là sự diễn đạt tự do suy nghĩ của các bạn lên mặt giấy thoải mái khi làm chủ kỹ thuật màu nước, sự trầm trồ của người thân khi thấy các bạn múa cọ trên giấy…

Nhưng trước hết, để khởi đầu với việc làm quen với chất liệu này dễ hơn, chúng ta nên trải nghiệm qua ít nhất một lần vẽ về đề tài tĩnh vật. Vì thế, hôm nay PICS sẽ chỉ cho các bạn cách vẽ màu nước đề tài tĩnh vật: một chai bia bằng chất liệu thủy tinh.

VẼ MÀU NƯỚC TĨNH VẬT PICS STUDIO (2)VẼ MÀU NƯỚC TĨNH VẬT PICS STUDIO

TRANH TĨNH VẬT MÀU NƯỚC DƯƠNG NGỌC DIỄM QUỲNH PHẢI CÓ TƯ DUY MỚI TRỤ NỔI VỚI NGHỀ THIẾT KẾ

Một số bài vẽ minh họa cách tả chất liệu thủy tinh của cựu học trò PICS STUDIO.

Tất cả đều là vẽ mẫu thật đó nha mọi người.

Vẽ màu nước trên giấy gì?

Bắt đầu bằng việc chọn giấy vẽ: các bạn chọn cho PICS giấy Canson A3 loại 300gsm nhé. Nếu mua được giấy 350gsm nữa thì càng tốt, và cũng đừng quên đọc thông số giấy để xem bề mặt giấy là loại gì nha.

Giấy canson A3 để học vẽ màu nước có rất nhiều loại bề mặt, các bạn lưu ý mua cho PICS loại giấy có bề mặt Cold-Press.

huong-dan-ve-mau-nuoc-chai-bia-1

Ở đây PICS sử dụng giấy 300gsm hiệu canson Montval các bạn ạ.

Giấy vẽ màu nước phải có độ nặng tối thiếu là 300gsm mới có thể áp dụng được hầu hết các kỹ thuật vẽ màu nước, cả vẽ khô lẫn vẽ ướt, nhưng nếu giấy mỏng quá thì chỉ có thể vẽ khô thôi, vì PICS cảm giác giấy hút màu rất nhanh, khó mà làm cho loang màu được.

Trong bài viết này PICS không review về chất lượng giấy, PICS chỉ đưa ra gợi ý loại giấy vẽ màu nước phổ biến có chất lượng tạm ổn cho các bạn dễ hình dung, vì giấy nào cũng có nhược điểm. Sử dụng giấy loại nào? Bề mặt ra sao? Kích thước bao nhiêu? Giấy trắng hay hơi ngà?… đều hoàn toàn dựa vào mục đích vẽ của các bạn.

Sử dụng cọ nào để vẽ màu nước?

Các bạn nên sử dụng cọ làm từ lông động vật, ví dụ như lông chồn, lông dê, lông sóc, lông thỏ… (tốt nhất vẫn là lông chồn). Ở đây PICS chọn cọ lông dê nhé mọi người.

Cọ lông động vật sẽ giữ nước tốt hơn cọ làm từ nhựa nylon (nhựa vốn không giữ nước được cho nên chỉ dùng vào một số trường hợp nhất định). Còn về thương hiệu cọ, nên dùng thương hiệu nào thì các bạn mới học chỉ cần mua cọ có số tiền khoảng từ 200.000VNĐ trở lại là được.

Có một số hãng có chất lượng cọ khá tốt, ví dụ như Holbein, Phoenix, Pentel

huong-dan-ve-mau-nuoc-chai-bia-2

Đây là cọ Holbein lông chồn nè mọi người.

Cẩn thận một chút khi dùng cọ lông động vật để vẽ màu nước nha các bạn, đơn giản là vì cọ khá dễ bị rụng lông =))

Khi vẽ màu nước mấy bạn nên để ý kĩ xíu, vẽ xong không nên dùng tay bóp đầu cọ mà nên phơi gió cho cọ khô tự nhiên. Hoặc nếu các bạn có giá treo cọ thì nên móc cọ lên giá đỡ sẽ giúp lông cọ được thẳng và sử dụng được lâu bền hơn nè.

XEM THÊM:

Dụng Cụ Vẽ Màu Nước Cho Người Mới Bắt Đầu Màu nước là chất liệu dễ sử dụng đối với các bạn yêu hội họa. HÔM NAY PICS XIN HƯỚNG DẪN CÁCH MUA DỤNG CỤ VẼ MÀU NƯỚC CHO NGƯỜI MỚI BẮT ĐẦU

Màu nào có thể dùng để vẽ màu nước?

Chuẩn bị xong giấy canson A3 và cọ vẽ màu nước xong, việc tiếp theo là mình chuẩn bị màu vẽ thôi. Lời khuyên của PICS dành cho các bạn mới học vẽ màu nước là các bạn chưa cần phải mua màu xịn lắm đâu. Chỉ cần dùng màu hạng phổ thông dành cho học sinh – sinh viên là đủ rồi.

huong-dan-ve-mau-nuoc-chai-bia-3

Ở đây PICS xài màu Leningrad, xuất xứ từ Nga, màu vẽ màu nước khá phổ biến ở Việt Nam, giá tầm năm trăm ngàn đổ lại!

OK, thế là đã chuẩn bị xong dụng cụ. Các món đồ linh tinh khác như kẹp giấy, bảng vẽ, khay đựng màu, bút chì kim, tẩy… thì PICS không cần phải nhắc nữa nhé, những dụng cụ này thì quá là cơ bản rồi!

Nói chứ bạn nào chưa biết phải chuẩn bị dụng cụ gì khi mới nhập môn Màu Nước Thần Chưởng thì xem lại bài viết bên dưới nhé :))

Cách Chọn Một Bộ Màu Nước Ưng Ý Theo Nhu Cầu Vẽ Của Bản Thân Để chọn được một bộ màu nước ưng ý theo nhu cầu của các bạn. Có một số chi tiết chúng ta cần phải biết trước khi mua. Đó là gì? Cách chọn màu nước ra sao?

BÂY GIỜ CHÚNG TA BẮT ĐẦU VẼ THÔI NÀO!

Chọn mẫu vẽ là bước đầu tiên

Tuy đơn giản nhưng quan trọng! Các bạn mới học vẽ màu nước không nên chọn mẫu có hình dạng quá phức tạp làm gì cả đâu. Ở đây PICS chọn chai bia Beck’s để làm mẫu vẽ (không phải PICS thích uống bia nên chọn chai bia đâu, chỉ là PICS vô tình chọn nó thôi =)))

Lúc vẽ chai bia, các bạn nên để ý cái nhãn hiệu của cái chai mà các bạn chọn, nhãn hiệu càng cầu kỳ vẽ màu nước sẽ càng mệt thôi cái này là PICS nói thật.

Chọn mẫu vẽ màu nước xong thì các bạn đặt nó vào vị trí thích hợp có ánh sáng rọi vào đầy đủ. Yêu cầu nguồn sáng có hướng sáng cụ thể một chút, mình mới học thì nên tự tập cách setup mẫu vẽ màu nước cho chỉn chu, sau này khi đã vẽ quen rồi các bạn sẽ thấy hiệu quả mà nó mang lại là rất rất lớn. Ở dưới là hình chụp mẫu PICS muốn ví dụ cho các bạn tham khảo.

huong-dan-ve-mau-nuoc-chai-bia-4

Hình chụp mẫu vẽ của PICS.

Dựng hình thế nào để vẽ màu nước cho đúng và nhanh?

Tùy vào mục đích vẽ màu nước của các bạn là gì (ví dụ như vẽ kí họa hay vẽ minh họa hay vẽ nghiên cứu), tuy nhiên để xây dựng nên một bức vẽ đẹp không thế bỏ qua yếu tố dựng hình và xây dựng khối.

Dựng hình tốt dựa trên hai kỹ năng Kiểm Soát Tỷ Lệ Chiều Dọc – Chiều Ngang – Độ NghiêngDiễn Khối Dựa Vào Đường Contour. Nói chung, hai kỹ năng cơ bản này các bạn cần phải nắm trước khi vẽ màu nước.

XEM THÊM:

Hướng Dẫn Đo Tỉ Lệ Khi Vẽ Đo tỉ lệ có thể không cần thiết đối với những bạn chỉ vẽ “chơi chơi”, nhưng sẽ là kỹ năng cực kỳ căn bản đối với những bạn học vẽ để đi thi

Giả sử trong trường hợp các bạn chưa thành thạo hai kỹ năng cơ bản này, các bạn cũng có thể vẽ bất kỳ cái gì mà các bạn muốn nhưng sẽ dựa vào cảm giác nhiều hơn thì cái này được gọi là ký họa. Dưới đây PICS sẽ dựng hình mẫu cho các bạn hình dung cách dựng hình một bức vẽ màu nước là như thế nào nhé.

huong-dan-ve-mau-nuoc-chai-bia-5

Dựng hình.

Ở đây chúng ta phải phân tích cấu trúc của mẫu vẽ ra làm nhiều phần, ví dụ như miệng chai – cổ chai – thân chai – đáy chai.

huong-dan-ve-mau-nuoc-chai-bia-6

Phân tích khối 3D của mẫu dựa vào các đường contour chạy ngang – dọc khắp mẫu.

Để đạt hiệu quả cao hơn trong việc dựng hình của bức vẽ chính, các bạn nên vẽ một cái hình nho nhỏ ngoài giấy nháp trước, sẽ tốt hơn nữa nếu các bạn vẽ màu nước luôn cho nó, mục đích là để cho bộ não làm quen và tính toán trước mình sẽ vẽ cái vật này như thế nào? Chọn gam màu nào? Vẽ màu nào trước? Màu nào sau?… Nên nhớ là mình vẽ ngoài nháp trước nha các bạn, và giấy nháp cũng nên là loại giấy mà bạn dùng để vẽ màu nước, có thể cắt nhỏ ra từ cái giấy mà các bạn đang dùng.

Khi dựng hình xong các bạn có thể tẩy nhẹ đi nét dựng hình mà mình vừa dựng sao cho nét chì chỉ còn đủ thấy là được.

huong-dan-ve-mau-nuoc-chai-bia-7

Hình chụp nét chì hơi mờ do PICS gôm mờ để chuẩn bị cho bước vẽ màu nước đó.

Có phải vẽ màu nước theo thứ tự sẽ kiểm soát được bức vẽ tốt hơn?

Chính xác là như vậy đó các bạn. Như PICS đã nói ở trên, tùy theo mục đích vẽ của các bạn là gì sẽ có những kiểu vẽ khác nhau, nhưng thường thì để giữ được sự trong trẻo của màu nước và vẽ cho ra “cảm giác” vẽ-màu-nước thì ta nên sử dụng nhiều nước một chút cho những lớp đầu.

Đầu tiên, chúng ta sẽ lấy ra những màu mà chúng ta nhìn thấy được trên mẫu pha sẵn ra palette. Chắc chắn lúc này sẽ có nhiều người tự hỏi, “Làm thế nào có thể nhìn ra được trên mẫu có màu gì mà lấy ra palette được chứ?” =))

Câu trả lời là hoàn toàn có thể nhìn ra được nhé các bạn, nếu như các bạn nắm trong tay một nguyên tắc cơ bản thế này: “Ngoài SÁNG dùng MÀU NÓNG, trong TỐI dùng MÀU LẠNH, đặc biệt hơn, chỉ cần chịu khó nheo-mắt lại nhìn mẫu là các bạn có thể thấy rõ màu sắc trên đó ngay. Phía dưới là một ví dụ cho các bạn những màu mà PICS đọc được trên mẫu. Lưu ý là PICS chỉ nêu ra các màu đó cho các bạn tham khảo thôi nha, nếu các bạn nhìn ra màu khác thì các bạn cứ vẽ thôi.

huong-dan-ve-mau-nuoc-chai-bia-8

Các màu mà PICS gợi ý trong hình đều xuất hiện trong bộ màu Leningrad 24 màu luôn đó.

Tiếp theo, các bạn vẽ lót các màu mà các bạn đã nhìn thấy được ở những chỗ sáng nhất trên mẫu giúp PICS.

Quên mất, PICS có thêm một nguyên tắc vẽ màu nước nữa để lưu ý cho các bạn, đó là chúng ta nên VẼ TỪ MÀU SÁNG NHẤT ĐẾN ĐẬM DẦN. Và khi lót màu, các bạn nên quét nhẹ một lớp nước sạch, mỏng lên diện tích mà các bạn muốn vẽ trước khi đặt màu lót lên trên đó nhé. Kỹ thuật này có tên gọi là Wet-On-Wet, tiếng Việt dịch ra là vẽ ướt-trên-ướt đó các bạn.

Màu lót lúc này nên sử dụng là màu tươi, nên nhớ là màu tươi vừa đủ chứ đừng quá tươi hay quá nhạt nhé mọi người, vì ngay trên bề mặt mà chúng ta vẽ đã có sẵn một lớp nước rồi. Khi chúng ta đặt màu tươi lên màu sẽ tự loang tạo hiệu ứng rất đẹp mắt như hình minh họa bên dưới đây.

huong-dan-ve-mau-nuoc-chai-bia-9

Lót màu xong là chúng ta đã đi được hơn sáu-mươi-phần-trăm con đường rồi đó. Nói gì thì nói, bước lót màu để vẽ màu nước rất quan trọng vì nó là tiền đề để chúng ta thêm thắt các lớp màu đậm vào sau này.

Tiếp tục nào! Có phải các bạn thấy trên cái chai có rất nhiều chữ và những vùng có nhãn hiệu không? Chúng ta phải lưu ý chừa ra nhé các bạn, các phần đó chúng ta sẽ vẽ sau khi chúng ta tăng đậm xong phần thủy tinh trong suốt của nó.

Phần thủy tinh này nếu được đặt dưới một nguồn sáng rõ ràng chúng ta sẽ nhìn thấy được những chỗ thủy tinh phản chiếu ánh sáng và những chỗ đậm nhạt của chất liệu thủy tinh trong suốt đó. Chất liệu thủy tinh vốn phản chiếu ánh sáng mạnh, đồng thời sẽ gây khúc xạ ánh sáng ở những chỗ có đường cong gắt, điển hình ở chỗ đường cong ở hai cạnh chạy dọc từ miệng chai đến xuống dưới đáy chai luôn, cho nên ở vùng này thường hay xuất hiện độ đậm hơn những vùng khác. Cái này đối với các bạn mới tập sẽ hơi khó nhai một chút, nhưng nếu chúng ta chịu khó nheo-mắt lại thì cũng sẽ ổn thôi. Dưới đây là hình minh họa để cho các bạn dễ hình dung nè.

huong-dan-ve-mau-nuoc-chai-bia-10

Các bước sau khi tăng đậm phần thủy tinh cũng dễ (chủ yếu là vẽ chuyển độ để phần sáng và phần tối của thủy tinh có gắt thì cũng gắt vừa phải thôi, đừng gắt quá; và việc đưa các màu nóng – lạnh thêm vào mẫu) nên PICS sẽ không đề cập đến vấn đề này nữa, các bạn cứ thực hiện đúng nguyên tắc vẽ cộng với việc thực hành liên tục là sẽ quen ngay.

Các bạn lưu ý là phần nhãn hiệu cũng có những chỗ đậm nhạt y như phần thủy tinh nhé, phần nhãn hiệu chính nằm ở ngay giữa thân chai có những cái sọc chạy tập trung vào phần chữ, các bạn cũng nên vẽ vào để bức tranh trở nên sinh động thêm nha.

huong-dan-ve-mau-nuoc-chai-bia-11

Mục đích của PICS qua bài viết này là hướng dẫn các bạn vẽ nên PICS chỉ vẽ ký họa chứ không vẽ kỹ cho lắm, các bạn thông cảm 😀

Nóng / Lạnh trong một bức vẽ màu nước được phân bố như thế nào?

Dĩ nhiên là các bạn phải biết trước về nó thì mới vẽ màu nước được, cứ áp dụng đúng nguyên tắc: “Ngoài SÁNG dùng MÀU NÓNG, trong TỐI dùng MÀU LẠNH là ok nhất.

Ánh sáng vào buổi nào trong ngày cũng ảnh hưởng lớn tới hòa sắc của bức vẽ, theo kinh nghiệm của PICS thì ánh sáng vào ban ngày sẽ có màu vàng, buổi chiều thì sẽ hơi ngả xanh lục và buổi tối sẽ có màu tím…

huong-dan-ve-mau-nuoc-chai-bia-12

Và đây là thành quả nè!

Cuối cùng cũng xong rồi đó các bạn =))

Như các bạn thấy đấy, để hoàn thiện một bức vẽ màu nước không đơn giản chỉ là cầm cây bút cầm cây cọ lên và vẽ là xong phải không? Để vẽ nên một bức vẽ nhìn có-vẻ-ổn là cả một quá trình luyện tập và kiên trì lắm lắm à nghen.

Để được chia sẻ nhiều bí kíp và tuyệt kỹ màu nước hơn, các bạn hãy mau mau đăng ký khóa học HỌC VẼ MÀU NƯỚC tại PICS STUDIO. Và PICS sẽ gặp lại các bạn trong những bài viết chia sẻ sau, hãy chuẩn bị đón đọc nhé!

Học Vẽ Màu Nước Tại PICS Studio Học vẽ màu nước tại PICS Studio là khóa học rất phù hợp cho các bạn đang là họa sỹ xăm, họa sỹ minh họa do tính chất nhẹ nhàng và thuần khiết của nó!

Đừng quên like và share bài viết để ủng hộ PICS nếu các bạn thấy nó hay và hữu ích nha!

Liên hệ ngay với PICS qua các mạng xã hội khác nhé mọi người:

Facebook Youtube Pinterest

? Để đăng ký học vẽ, vui lòng liên hệ: ? HOTLINE: 070 592 1147 (Ms. Nhi) hoặc 085 850 7273 (Mr.Long) để được tư vấn miễn phí. ? Địa chỉ: 4/12 đường số 2, khu phố 3, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức

[mailmunch-form id=”813938″]

Từ khóa » Cách Vẽ Bình Thủy Tinh