Hướng Dẫn Viết CV Cho Game Designer

Ngành Game nói chung và nghề Game Designer nói riêng vẫn đang là một trong những lựa chọn sáng giá cho những bạn trẻ có đam mê với Game và công nghệ. Thế nhưng, trước khi tiến hành bất cứ động thái nào để tìm việc. Thứ đầu tiên bạn cần làm tốt là: Viết CV.

Viết CV dĩ nhiên không phải là tất cả. Nó là “miếng trầu đầu câu chuyện”. Là thứ đưa bạn vượt qua các ứng viên nặng ký khác để có thể tiếp tục ngồi trước mặt Nhà Tuyển Dụng và thảo luận về tương lai của mình.

Đối với những bạn đang có ý định trở thành Game Designer, những bạn đang là Game Designer và cả những bạn đã là những Game Designer có kinh nghiệm. Viết CV chưa bao giờ là một vấn đề bạn được phép xem thường. Đương nhiên, trừ trường hợp bạn quá nổi tiếng và cái tên của bạn đã bay đến tai người tuyển dụng trước khi họ nhận được CV.

Từ khi Thiết kế Game được thành lập. Mình đã nhận được sự tin tưởng của khá nhiều bạn. Thể hiện bằng việc review và đọc rất nhiều CV của các bạn nhờ giúp đỡ. Có những bản CV được đầu tư khá bài bản, đương nhiên cũng không thiếu những bản hồ sơ được viết rất sơ sài.

Thế nên, cùng với việc ra mắt hệ thống Tìm Việc và Tuyển Dụng. Bạn có thể tham khảo TẠI ĐÂY

Bài viết này ra đời như một sự hỗ trợ cần thiết đối với những bạn đang có nhu cầu viết CV một cách chỉn chu và chuyên nghiệp.

Hãy tin mình! Riêng với vị trí Game Designer, vốn đặc thù có yêu cầu rất cao về kĩ năng viết. Thể hiện qua việc thường xuyên phải viết Game Design Document. Nếu không có những sự đầu tư đúng đắn cho CV. Bạn sẽ “rớt” từ vòng gửi xe trước khi kịp thể hiện bất cứ điều gì.

[Tìm hiểu thêm]. Game Design Document là gì?

Nào chúng ta cùng bắt đầu!

1. CV LÀ GÌ?

CV là gì?

CV là viết tắt của cụm từ Curriculum Vitae. Được dịch sát nghĩa là Sơ yếu lý lịch.

Tuy dịch ra là vậy. Nhưng bạn cần hiểu, CV bản chất là một bản tóm tắt về kinh nghiệm làm việc, trình độ học vấn và những kĩ năng có liên quan đến vị trí bạn muốn tham gia ứng tuyển.

CV không phải tờ khai lý lịch tự thuật. Thế nên, đừng bao giờ nghĩ đến việc cầm 5K (giờ thì chắc lên giá 10K rồi) ra tiệm photocopy để mua một bộ hồ sơ xin việc có bìa màu hồng. Và nộp nó cho nhà tuyển dụng nhé! Hành động này sẽ kết thúc công cuộc tìm việc của bạn ngay lập tức.

2. TẦM QUAN TRỌNG CỦA VIỆC VIẾT CV

Viết CV là việc đầu tiên bạn cần làm trước khi tiến hành tìm việc. Hiện nay, CV là yếu tố rất quan trọng để nhà tuyển dụng cân nhắc, xem xét trong việc lựa chọn những ứng viên.

Đặc biệt, đối với vị trí Game Designer, CV có thể sẽ là bài test đầu tiên để họ loại trước những ứng viên không phù hợp.

3. CẤU TRÚC CHUNG CỦA MỘT CV CHO GAME DESIGNER

Cấu trúc của một CV cho Game Designer sẽ khá linh động. Điều này tùy thuộc vào vị trí bạn muốn ứng tuyển (Junior Game Designer, Lead Game Designer,…). Và phụ thuộc vào cả công ty bạn muốn ứng tuyển.

Nhưng khi bỏ qua các yếu tố linh động đó. Một CV cho Game Designer sẽ cần có những phần cơ bản như sau:

  • Thông tin cá nhân
  • Kinh nghiệm làm việc
  • Kĩ năng nổi bật
  • Thành tựu và giáo dục
  • Những phần khác

Nếu bạn có ít hơn 5 năm kinh nghiệm. Thì mình khuyên bạn nên trình bày tất cả những chi tiết này trên một mặt giấy. Mình khuyến khích các bạn trình bày bằng Tiếng Anh. Và hạn chế đến tối đa các lỗi chính tả và ngữ pháp có thể mắc phải.

a. Thông tin cá nhân

Thông tin cá nhân trên CV

Thông tin cá nhân là phần cần được trình bày thật ngắn gọn và vừa đủ nổi bật. Bạn chỉ cần để lại những thông tin thật cần thiết.

Với tiêu chí:

  • Bạn là ai?
  • Làm cách nào để liên lạc với bạn?

Thông tin tương ứng:

  • Họ và tên đầy đủ.
  • Các kênh liên lạc (email, số điện thoại, LinkedIn nếu có, Link Portfolio nếu có…).
  • Một dòng mô tả ngắn gọn để định vị bạn là ai (tùy chọn).

Lưu ý:

  • Hãy sử dụng tên thật (không phải nickname).
  • Địa chỉ email nghiêm túc (nên dùng tên thật làm địa chỉ mail) và dùng thường xuyên. VD: nguyenvana@gmail.com.
  • Nếu địa chỉ mail đã được đăng ký thì cần biến tấu nó theo cách ít gây ảnh hưởng nhất (nên sử dụng ngày sinh). VD: nguyenvana0530@gmail.com.
  • Số điện thoại thật và là số thường trực bạn đang dùng để đảm bảo không bỏ lỡ bất kì cuộc gọi nào từ Nhà Tuyển Dụng.

b. Kinh nghiệm làm việc

Kinh nghiệm làm việc

Kinh nghiệm làm việc là phần cực kì quan trọng trong CV của một Game Designer. Thế nên, bạn cần rất đầu tư vào phần này.

Với tiêu chí:

  • Kinh nghiệm làm việc liên quan đến vị trí bạn đang ứng tuyển.
  • Sử dụng công thức: Hoàn thành (X) -> được đo lường bởi (Y) -> bằng cách làm (Z).

Với thông tin tương ứng:

Phần thông tin này là không cố định đối với từng ứng viên. Nhưng gần như bắt buộc bạn cần tuân theo các tiêu chí trên nếu muốn gây ấn tượng với Nhà Tuyển Dụng.

Sẽ có rất ít sự liên quan nếu bạn sử dụng quá nhiều không gian quý giá của một mặt giấy để mô tả về một công việc phổ thông, part-time bạn làm trước đây khi ứng tuyển vào vị trí một Game Designer.

Nếu thực sự đã từng làm qua rất nhiều công việc. Bạn chỉ cần liệt kê những việc quan trọng và có liên quan nhất đến vị trí của bạn. Và để dành phần còn lại và lồng ghép khéo léo vào cuộc phỏng vấn sắp tới.

Với mỗi kinh nghiệm, bạn nên sử dụng công thức:

Hoàn thành (X) -> Được đo lường bởi (Y) -> Bằng cách làm (Z)

Hãy bắt đầu với một hành động mà bạn đã làm (X). Sau đó, nêu một tiêu chí đáng tin tưởng để đo lường nó (Y). Và cuối cùng, hãy nói về cách tại sao bạn làm được nó (Z).

CV số 1: 2 năm kinh nghiệm với vị trí Junior Game Designer.

CV số 2: Trong 2 năm, tại vị trí Junior Game Designer, đã tham gia vào 3 dự án đã ra mắt trên Google Play Store. 2 trong 3 games đã có trên 5M downloads. Đóng góp vào thành công này qua việc tự tìm hiểu cách tối ưu nhất trong quy trình Level Design cho Game.

Với CV số 1 chẳng ai biết bạn đã làm gì và điều gì có thể chứng minh bạn đã làm tốt và xứng đáng đạt đến vị trí cao hơn (như Senior Game Designer chẳng hạn). Nhưng với CV số 2, kết quả được đo lường bởi những con số từ các nguồn đáng tin cậy. Thế nên, chúng là bằng chứng cho hiệu suất làm việc của bạn. Và nhà tuyển dụng sẽ rất ấn tượng với điều này.

c. Kĩ năng nổi bật

Kĩ năng nổi bật

Nếu như phần kinh nghiệm làm việc là phần nền tảng cho quá trình viết CV của bạn. Các kĩ năng nổi bật sẽ là các điểm cộng kèm theo khiến cho hồ sơ của bạn trở nên sáng giá hơn.

Thông thường, nếu đủ khéo léo, bạn có thể “lồng ghép” phần này chung với Kinh nghiệm làm việc. Nếu không, hãy tách nó ra như một giải pháp an toàn.

Các kĩ năng nổi bật dĩ nhiên cũng cần liên quan đến vị trí bạn đang ứng tuyển.

Nếu là Game Designer chuyên về cân bằng, vận hành. Kĩ năng về MS Excel, xác suất thống kê,… sẽ là lợi thế đối với bạn.

Nếu là Lead Game Designer, ngoài kĩ năng chuyên môn, bạn cần có hiểu biết về quy trình làm việc, quản lí con người, quản lí dự án. Thậm chí, cần có kiến thức về các mảng khác của một đơn vị làm game (lập trình, đồ họa, marketing,…)

Bất cứ thứ gì bạn viết xuống trên CV cũng cần có lí do. Và trong trường hợp này, sự liên quan mật thiết đến vị trí bạn đang ứng tuyển là lí do quan trọng nhất.

d. Thành tựu và giáo dục

Đây cũng là một trong những phần ghi điểm quan trọng đối với Nhà Tuyển Dụng. Nói nôm na, đây có thể xem như bảng thành tích rút gọn của bạn.

  • Bạn tốt nghiệp hay đang theo học Đại Học, Cao Đẳng nào?
  • Bạn có thành tích gì nổi bật từ các cuộc thi, hay các hoạt động ngoại khóa khác không?
  • Các bằng cấp, chứng chỉ nào đặc biệt bạn đang sở hữu?

Đôi khi, giữa những CV mà các phần quan trọng kể trên không có quá nhiều chênh lệch. Đây sẽ là chi tiết để khiến bạn nổi bật và tăng cơ hội chiến thắng của bạn trước những ứng viên khác.

e. Những phần khác

Đây là phần tự chọn và không bắt buộc bạn phải đưa vào CV. Thế nhưng, nếu qua quá trình tìm hiểu, bạn đã tham khảo khá nhiều về văn hóa công ty, sở thích chung của những thành viên. Bạn vẫn có thể dành một phần không gian nhỏ trên CV của mình cho phần này. Nó có thể là: Sở thích, Phong cách sống, Tài năng đặc biệt khác…

Tuy nhiên, bạn cần lựa chọn thật cẩn trọng để không làm dư thừa bất cứ chi tiết nào.

4. PHONG CÁCH TRÌNH BÀY CV CHO GAME DESIGNER

Với sự phát triển của công nghệ hiện tại, không quá khó để bạn có thể tạo cho mình một CV nhanh chóng và đẹp mắt. Phong cách trình bày về cơ bản sẽ có 2 hướng như sau:

  • Trình bày theo hướng tối giản.
  • Trình bày theo hướng sáng tạo.

a. Trình bày theo hướng tối giản

Giải pháp này hướng sự chú ý của Nhà Tuyển Dụng vào phương thức tối giản. Tập trung chủ yếu vào kết cấu câu chữ, từ ngữ và không sử dụng nhiều màu sắc.

Ưu điểm:

  • Là giải pháp an toàn.
  • Các thông tin được trình bày rõ ràng, bố cục rành mạch và dễ tiếp cận thông tin.
  • Dễ tạo được cảm tình đối với những Nhà Tuyển Dụng thường xuyên phải đọc quá nhiều CV.

Nhược điểm:

  • Bề ngoài không có gì “đặc biệt” và trông nhàm chán.

b. Trình bày theo hướng sáng tạo

Giải pháp này sẽ tìm cách gây ấn tượng với Nhà Tuyển Dụng bằng các mảng khối, màu sắc, bố cục mới lạ và sáng tạo.

Ưu điểm:

  • Màu sắc tươi mới.
  • Có khá nhiều công cụ hỗ trợ.
  • Nếu đầu tư sẽ tạo được điểm nhấn riêng.

Nhược điểm:

  • Khó tạo được cảm tình đối với những Nhà Tuyển Dụng đang phải duyệt quá nhiều CV. Điều này khiến họ hoa mắt khi phải tìm đọc những thông tin quan trọng trong những bố cục “quá sáng tạo”.

Qua quan sát của mình, trình bày theo phương pháp thứ 2 được khá nhiều bạn trẻ và “chưa có nhiều kinh nghiệm” lựa chọn. Phương pháp thứ 1 có ưu thế hơn ở những bạn đã một cơ số kinh nghiệm.

Lí do cũng khá đơn giản!

  • Phương pháp thứ 2 hiện tại có khá nhiều công cụ hỗ trợ, và ở góc nhìn của cá nhân bạn, nó “độc” và rất ấn tượng. Nhưng cứ tưởng tượng một ngày bạn phải đọc và duyệt hơn 50 CV loại này. Đó sẽ là điều ác mộng. Cách trình bày này sẽ chiếm ưu thế đối với những công ty nhỏ và trung bình vì số CV họ phải duyệt là ít hơn.
  • Phương pháp thứ 1 được các bạn có nhiều kinh nghiệm tin dùng hơn. Đơn giản vì họ có quá nhiều thứ cần phải thể hiện. Khoảng không gian cần được tối ưu một cách tỉ mỉ và tinh tế. Ngoài ra, cách trình bày này cũng phù hợp với các định dạng in hơn (Printable). Nói về quy trình này thì hơi phức tạp. Nôm na là đối với các vị trí cấp cao, sẽ có khá nhiều ứng viên cạnh tranh. Thế nên, sau khi phỏng vấn, rất có thể CV của bạn sẽ được review thêm một lần nữa với kết quả interview. Lúc này, việc trình bày mạch lạc và đơn giản có thể sẽ trở thành ưu thế của bạn.

Đương nhiên, những điều trên chỉ mang tính chất tương đối. Lựa chọn vẫn là của bạn. Hãy nghiên cứu thật kĩ công ty để chọn cách trình bày phù hợp và làm nổi bật được những ưu điểm của mình nhé!

LỜI KẾT

Việc viết CV cho Game Designer hoàn toàn không có bất cứ một khuôn mẫu hoàn hảo nào. Điều này tùy thuộc vào từng công ty, từng vị trí mà bạn ứng tuyển.

Mình đã chia sẻ với các bạn những quy tắc cơ bản và không thể thiếu đối với một bản CV có chất lượng.

Phần còn lại sẽ là nhiệm vụ của các bạn. Hãy tham khảo chúng và để lại bình luận nếu có bất cứ thắc mắc nào nhé!

Nếu cảm thấy bài viết có ích, hãy giúp mình chia sẻ nhé:

Từ khóa » Cv Trong Game Là Gì