Hướng Dẫn Xử Trí Ngưng Tim, Ngưng Thở Ngoài Bệnh Viện

Hướng dẫn xử trí ngưng tim, ngưng thở ngoài bệnh viện - Ảnh 1.

Ngưng tim, ngưng thở thường gặp trong những tình huống: cơn đau tim, điện giật, ngộ độc, tai nạn, đột quỵ, chết đuối, động kinh, ngạt khói…

Khoảng 50% nạn nhân bị ngưng tim không được sơ cứu vì nhiều lý do như: khó khăn trong việc mở và cấp cứu đường thở, sợ lây nhiễm chéo khi thổi miệng qua miệng. Vì vậy, sẽ dễ dàng hơn nếu bắt đầu bằng ép tim.

Nhận diện người bệnh ngưng tim, ngưng thở

Người cấp cứu đầu tiên phải nhanh chóng kiểm tra hiện trường cấp cứu có an toàn không. Nếu hiện trường không an toàn, tiến hành di chuyển người bệnh đến nơi an toàn.

Tiến hành đánh giá người bệnh, cần vỗ mạnh vào vai người bệnh và gọi to để đánh giá người bệnh có đáp ứng hay không, đồng thời quan sát nhanh người bệnh còn thở hay không. Nếu người bệnh không thở hoặc thở không bình thường (thở ngáp cá), kích hoạt hệ thống cấp cứu.

Nếu chỉ có một mình và phát hiện thấy người bệnh bất tỉnh, không thở… cần gọi lớn tìm hỗ trợ. Nếu không có ai trợ giúp, cần khẩn cấp liên lạc hệ thống cấp cứu (gọi 115).

Kiểm tra mạch: dùng 2 ngón tay xác định khí quản, từ khí quản kéo trượt ngón tay về phía mình, đến bên cạnh khối cơ ức đòn chũm của người bệnh, có thể sờ thấy động mạch cảnh.

Sờ mạch cảnh không quá 10 giây. Nếu không thấy mạch cảnh, ngay lập tức bắt đầu hồi sức tim phổi theo trình tự C-A-B (A = Airway, B = Breathing, C = Circulation).

Ép tim ngoài lồng ngực (Circulation)

Đặt người bệnh nằm ngửa trên một mặt phẳng cứng, nếu đang nằm sấp thì cẩn thận lật người bệnh lại. Nếu nghi ngờ người bệnh có chấn thương cột sống cổ, cố gắng lật cả người: đầu, cổ, thân, chân cùng lúc.

Đan xen hai bàn tay lại và đặt vào nửa dưới xương ức, duỗi thẳng khuỷu tay sao cho vai, khuỷu và bàn tay tạo thành đường thẳng.

Tiến hành ép mạnh (ép sâu xuống ít nhất 5cm), ép nhanh với tốc độ ít nhất là 100 lần/phút, hạn chế tối đa việc ngưng ép.

Nếu chỉ có 1 người cấp cứu, tiến hành ép tim và thổi ngạt với tỉ lệ là 30:2.

Mỗi lần ép tim quan trọng là ép đủ sâu (khoảng 5cm) và đảm bảo lồng ngực nở ra hoàn toàn sau mỗi lần ép tim. Điều này sẽ giúp tim đổ đầy máu sau mỗi lần ép.

Mở thông đường thở (Airway)

Kĩ thuật ấn trán-nâng cằm: dùng lòng bàn tay đặt lên trán và ấn ra sau làm ngửa đầu người bệnh, dùng tay còn lại nhấc hàm dưới lên đưa cằm ra trước.

Kĩ thuật đẩy hàm dưới được sử dụng khi nghi ngờ có chấn thương cột sống cổ.

Thông khí nhân tạo (Breathing)

Có thể thổi ngạt trực tiếp kiểu miệng-miệng, mặt nạ thổi ngạt.

Thổi ngạt: người cấp cứu dùng miệng thổi khí vào phổi người bệnh qua màng lọc, mặt nạ hoặc trực tiếp, thổi chậm trong vòng 1 giây đủ để thấy lồng ngực nhô lên.

Đầu tiên cần thổi 2 nhịp liên tiếp để đánh giá xem đường thở của người bệnh có thông suốt không, nếu không thấy lồng ngực nâng lên nhẹ nhàng thì cần mở miệng để phát hiện có dị vật hay không.

Nếu thông suốt thì chuyển sang ép tim ngay theo tỉ lệ 30 lần ép tim và 2 lần thổi ngạt.

Hồi sinh tim phổi cơ bản

Tiếp tục hồi sinh tim phổi và nhanh chóng đưa người bệnh đến bệnh viện gần nhất, hoặc đợi cấp cứu 115 đến (nếu đã liên lạc được cấp cứu 115).

Tỷ lệ hồi sinh thành công giảm từ 7-10% sau mỗi phút. Tổn thương não sẽ không hồi phục sau 3-4 phút ngưng tuần hoàn mặc dù tim có thể còn tiếp tục đập sau 2- 3 giờ trong tình trạng thiếu oxy.

Từ khóa » Tốc độ ép Tim Là Bao Nhiêu