Hưởng Hoa Lợi, Chịu Thiệt Hại Về Gia Súc Thuê Khoán? - Luật Hoàng Anh

1.Căn cứ pháp lý

Đối tượng của hợp đồng thuê khoán tài sản có thể là gia súc. Đây là đối tượng đặc biệt của hợp đồng thuê khoán tài sản mà theo đó, bên thuê khoán được hưởng hoa lợi từ tài sản nhưng đồng thời cũng phải chịu thiệt hại xảy ra. Điều 491 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về hưởng hoa lợi và chịu thiệt hại về gia súc thuê khoán như sau:

Điều 491. Hưởng hoa lợi, chịu thiệt hại về gia súc thuê khoán Trong thời hạn thuê khoán gia súc, bên thuê khoán được hưởng một nửa số gia súc sinh ra và phải chịu một nửa thiệt hại về gia súc thuê khoán do sự kiện bất khả kháng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác”

2.Nội dung

Khoản 1 Điều 109 BLDS năm 2015 quy định: “Hoa lợi là sản vật tự nhiên mà tài sản mang lại”. Đối với gia súc, sản vật tự nhiên có thể xác định là các tài sản được gia súc sinh ra dựa trên quy luật tự nhiên như gia súc con được sinh ra, sữa,…Pháp luật quy định về việc hưởng hoa lợi, chịu thiệt hại về gia súc thuê khoán như sau: -Một là, hưởng hoa lợi sinh ra từ gia súc. Đây là điểm khác biệt giữa hợp đồng cho thuê thông thường và hợp đồng cho thuê khoán. Bởi vì, trong hợp đồng cho thuê thông thường, bên thuê có nghĩa vụ trả lại cho bên cho thuê gia súc đã thuê và cả gia súc được sinh ra trong thời gian thuê. Như vậy, trong hợp đồng cho thuê thông thường bên thuê không được hưởng gia súc con sinh ra trong thời hạn thuê, trong khi đối với hợp đồng thuê khoán, bên thuê khoán lại được quyền hưởng hoa lợi của gia súc thuê trong thời hạn thuê. Theo đó, bên thuê khoán được hưởng một nửa gia súc con sinh ra trong thời hạn thuê. “Một nửa” theo quy định của pháp luật không đồng nghĩa với việc nhất định phải chia đôi số gia súc con cho hai bên. Mà dựa theo phương thức thanh toán, một nửa gia súc con có thể được định giá thành tiền hoặc hiện vật và giao cho bên cho thuê, nếu các bên có thỏa thuận. Có sự khác biệt trong việc hưởng gia súc con trong thời hạn thuê, giữa hợp đồng thuê khoán và hợp đồng cho thuê thông thường vì, hưởng hoa lợi, lợi tức là mục đích của hợp đồng thuê khoán tài sản. Bên cạnh đó, hợp đồng thuê khoán diễn ra trong thời hạn dài, công sức mà bên thuê bỏ ra để bảo quản, chăm sóc gia súc thường có giá trị lớn. Vì vậy, quy định này vừa phù hợp với bản chất của hợp đồng thuê khoán vừa bảo vệ được quyền lợi hợp pháp của của bên thuê khoán. -Hai là, chịu thiệt hại về gia súc. Pháp luật buộc bên thuê khoán phải gánh chịu thiệt hại một nửa về gia súc thuê khoán, nếu như số tài sản này bị thiệt hại do sự kiện bất khả kháng như dịch bệnh, thiên tai,…Để cân bằng lợi ích giữa các bên, bên thuê có quyền hưởng một nửa gia súc con sinh ra trong thời hạn thuê, thì bên cho thuê cũng có quyền được bên thuê chịu một nửa thiệt hại xảy ra với gia súc thuê. Quy định này, nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm của bên thuê trong việc bảo quản tài sản thuê khoán, chia sẻ rủi ro cho bên có tài sản cho thuê. Trường hợp chính bên thuê gây ra thiệt hại cho gia súc thì phải chịu trách nhiệm toàn bộ, bởi đây là lỗi của bên thuê khoán gây ra. Trong trường hợp các bên có thỏa thuận khác về việc hưởng hoa lợi và chịu thiệt hại về gia súc thuê khoán, thì pháp luật cũng tôn trọng và bảo vệ.

Xem thêm: Tổng hợp các bài viết hỏi đáp Luật Dân sự

Luật Hoàng Anh

Từ khóa » Hoa Lợi Có được Từ Tài Sản Thuê Khoán Thuộc Sở Hữu Của Bên Thuê Khoán