Hương Phụ Giải Uất Cho Phái đẹp - Báo Sức Khỏe & Đời Sống

Sở dĩ gọi là hương phụ, vì chỉ khi bẻ vị thuốc ra, nó mới tỏa ra mùi hương thơm dịu: hương = mùi thơm; phụ = theo sau).

Hương phụ còn gọi là cỏ gấu, cỏ cú. Vì thường dùng củ cho nên trong đơn thuốc còn ghi là củ gấu (hương phụ tử). Tên khoa học là Cyperus rotundus L. Thuộc họ Cói (Cyperaccae).

Vị hương phụ là thân rễ phơi hay sấy khô của cây củ gấu hay cỏ cú.

Cây cỏ gấu là một loại cỏ khó tiêu diệt đối với nhà nông, nhưng là một vị thuốc quý nếu biết sử dụng.

Sau khi đào toàn cây, người ta phơi cho khô, vun thành đống để đốt, lá và rễ con cháy hết, còn lại củ lấy riêng rửa sạch, phơi hay sấy khô.

Khi dùng có thể dùng sống (nghĩa là củ chế biến như trên, dùng ngay), sắc hay ngâm rượu tán bột. Có thể chế biến thêm nữa. Thường trong đơn thuốc xưa, người ta dùng hương phụ tứ chế. Cách chế như sau:

Cân 1kg hương phụ, chia làm 4 phần: một phần 250g ngâm với 200ml dấm (có độ acid axetic 5%), một phần ngâm rượu 40%, một phần ngâm nước tiểu trẻ em (nước tiểu của trẻ khỏe mạnh, bỏ phần đầu và cuối, chỉ lấy phần giữa), một phần ngâm nước muối 15%. Thời gian ngâm thay đổi tùy theo mùa: 1 ngày 1 đêm nếu là mùa hè, 3 ngày 3 đêm nếu mùa thu, 7 ngày 7 đêm nếu mùa đông. Cuối cùng lấy ra sao hay phơi khô rồi trộn đều 4 phần với nhau. Theo Đông y, ngâm dấm vị chua là để thuốc vào gan, muối vị mặn sẽ dẫn thuốc vào thận, rượu bốc lên cho nên dẫn thuốc đi lên trên, nước tiểu thêm tác dụng bổ.

Về mặt dược lý, tác dụng chủ yếu của Hương phụ đã được nghiên cứu:

Tác dụng đối với tử cung: một số nghiên cứu trên tử cung cô lập của thỏ, mèo, chó và chuột bạch đã chứng minh hương phụ có khả năng ức chế sự co bóp của tử cung, làm dịu sự căng thẳng của tử cung dù con vật có thai hay không có thai đều như nhau, gần như có tác dụng trực tiếp làm cơ tử cung dịu lại. So sánh tác dụng của cao lỏng hương phụ và cao lỏng đương quy thì tác dụng giống nhau, nhưng tác dụng của đương quy mạnh hơn.

Đối với kinh nguyệt: tinh dầu có hoạt tính nhẹ của kích thích tố nữ, vì vậy, Hương phụ thường được dùng làm thuốc điều kinh (Trung dược học).

Giảm đau, an thần kinh: cồn chiết xuất hương phụ có tác dụng kháng viêm, giảm đau, giải nhiệt nhẹ. Có tác dụng an thần đối với trung khu thần kinh (Trung dược học).

Kinh nghiệm điều trị bằng hương phụ

Trị nhiệt khí bốc lên đầu mắt làm xây xẩm, các chứng đau ở giữa đầu hoặc một bên đầu: hương phụ cạo sạch vỏ, cho nước vào nấu qua một lát, giã dập, phơi khô rồi sao vàng tán bột, hoàn với mật, to bằng viên đạn. Mỗi lần uống 1 viên với nước nóng, đàn bà thì uống với giấm.

Trị đầu đau do khí uất: hương phụ (sao) 160g, xuyên khung 80g, cam thảo 40g, thạch cao 10g. Tán bột, mỗi lần uống 8g với nước chè (trà).

Trị đau dạ dày do thần kinh, giúp sự tiêu hóa, ăn không tiêu, chữa nôn mửa, đau bụng, kiết lỵ: ngày dùng 6 - 12g dưới dạng thuốc sắc, thuốc bột hay thuốc viên hoặc rượu thuốc.

Hương phụ (sao) 12g, vỏ quýt (sao) 12g, vỏ vối (sao) 12g, vỏ rụt (sao) 16g, chỉ xác 12g. Sắc nước uống; nếu có kèm tiêu chảy, thêm củ riềng 8g, búp ổi 12g. Sắc uống.

Trị ngực sườn đau, đầy tức: hương phụ 10g, diên hồ sách 8g, sắc uống

Trị đau sườn ngực và đau dạ dày cơ năng: hương phụ 8g, ô dược 10g, cam thảo 4g, sắc uống.

Trị bụng đau, dạ dày đau do hàn (vị hàn khí thống): hương phụ, lương khương đều 10g, sắc uống, trị.

Trị tỳ vị hư nhược, rối loạn tiêu hóa, ăn không biết ngon, nôn mửa, tiêu chảy, bụng đầy: hương phụ 6g, sa nhân 3g, mộc hương 5g, chỉ thực 6g, đậu khấu nhân 5g, hậu phác 10g, hoắc hương 5g, bạch truật 10g, trần bì 10g, phục linh 10g, bán hạ 10g, cam thảo 3g, sinh khương 10g, táo 5 quả sắc uống trị, ăn kém ngon. Đây là bài Hương sa dưỡng vị hoàn được đưa vào dược điển của Trung y.

Trị bụng đầy trướng: hương phụ 8g, hải tảo 4g, nấu với rượu, rồi lấy nước mà uống và ăn luôn cả hải tảo.

Trị phụ nữ có thai nôn khan, nôn ra nước chua, thai động, ăn uống không ngon và nằm ngồi không được: hương phụ 80g, hoắc hương 8g, cam thảo 8g. Tán bột, mỗi lần uống 8g với nước sôi và ít muối.

Trị sa trực trường: hương phụ, kinh giới tuệ, hai vị bằng nhau, tán bột. Mỗi lần uống 8g, bên ngoài nấu hương phụ và kinh giới để ngâm rửa.

Trị mộng tinh lâu ngày không khỏi: hương phụ 500g, phục thần (hoặc phục linh) 180g. Hương phụ ngâm với nước vo gạo 1 đêm, vớt ra, bỏ rễ. Lại ngâm với rượu, đồng tiện, nước muối, sữa bò, nước đậu đen 1 đêm. Lấy ra sấy khô, cho phục thần vào, tất cả tán thành bột, trộn với mật ong làm thành hoàn 10g. mỗi ngày, vào buổi tối uống 1 hoàn với nước muối pha loãng.

Khai uất, điều kinh: hương phụ chia làm 4 phần, ngâm riêng mỗi phần với muối, dấm, rượu, nước tiểu trẻ em. Sao khô, nghiền thành bột mịn làm hoàn. Dùng khi tinh thần uất ức gây nên kinh nguyệt không đều, đau bụng kinh, vú trướng đau, đây cũng là tác dụng “đặc biệt” của hương phụ, đến nỗi người xưa đã có câu: “Nam bất thiểu trần bì, nữ bất ly hương phụ”, người phụ nữ do tâm tính riêng biệt, dễ bị uất ức dẫn đến rối loạn kinh nguyệt, vú trướng đau… rất cần vị hương phụ (tẩm dấm - để đi vào can khí) để giải các uất ức. Đây có lẽ do hương phụ có tác dụng an thần đối với trung khu thần kinh (YHHĐ) và sơ can giải uất (YHCT).

Trị kinh nguyệt không đều: hương phụ (sao) 9g, ích mẫu thảo 20g, đường đỏ (hồng đường) 20g. Hương phụ và ích mẫu nấu trước, khi sôi đều, lọc bỏ bã, thêm đường vào uống. Liên tục 3 - 5 ngày.

Trị rong kinh, trĩ bị chảy máu rỉ rả: hương phụ sao qua tán mịn, mỗi lần uống 6g với nước cháo hoặc nước hồ nếp.

Trị đau bụng kinh:

- Hương phụ, ngải diệp, trần bì đều 15g, nguyệt qùy hoa 2 đóa, sắc uống.

- Hương phụ 20g, ích mẫu thảo 10g, sắc uống.

Trị kinh nguyệt không đều, thấy kinh đau bụng, viêm tử cung mãn tính, các bệnh phụ nữ trước và sau khi sinh nở:

- Hương phụ 20g, ích mẫu 15g, ngải diệp 10g, nhân trần 15g, đỗ 500ml nước sắc còn 150ml nước, uống ngày một thang.

- Hương phụ 20g, ích mẫu 15g, ngải cứu 6g, bạch đồng nữ 8g, thêm 300ml nước, đun sôi và giữ sôi trong nửa giờ. Thêm đường vào cho ngọt mà uống trong ngày. Muốn cho kinh nguyệt đều, uống đón kinh 10 ngày trước ngày dự đoán có kinh. Đây là bài thuốc cao hương ngải đã được tin dùng từ nhiều năm qua.

Cách chế cao hương ngải: hương phụ, ngải cứu, ích mẫu, lá bạch đồng nữ mỗi thứ 1g, thêm nước vào sắc kỹ, cô đến còn 10ml, thêm đường vào cho đủ ngọt. Đóng vào ống 10ml, hàn và hấp tiệt trùng (đun sôi và giữ sôi trong 1 giờ). Thuốc có thể bảo quản trong nhiều năm không hỏng. Chữa kinh nguyệt không đều, thấy kinh, đau bụng, khó sinh nở, khí hư bạch đới. Ngày uống từ 3 - 6 ống. Muốn cho kinh nguyệt đều uống đón kinh, 10 ngày trước ngày dự đoán co kinh. Uống luôn như vậy trong 2 hay 3 tháng. có thể dùng lâu hơn. Theo báo cáo của bệnh viện Việt - Tiệp Hải phòng (Y học thực hành 5/1965) trên 90% bệnh nhân dùng thuốc đều phát biểu có cảm giác dễ chịu khi uống thuốc. Người bệnh cho biết uống thuốc này không nóng như các loại tân dược. So với thuốc HA 1 giảm nhức đầu chậm hơn resecpin nhưng êm dịu hơn, khoan khoái dễ chịu vì ăn ngủ được và thậm chí, tiếng kêu chim chíp trong đầu mất hẳn.

Đường Huyền Tông trong “Thiên bửu đơn phương đồ” ghi rằng: “Hễ đàn bà bị chứng khách nhiệt trong tim, khí kết ở bàng quang và dưới sườn, ngày thường buồn bực không được vui vẻ, dùng hương phụ 300g, quế tâm 150g, vu di 90g, tán bột, trộn mật, quết cho được ngàn chầy. Làm thành viên to bằng hạt đậu lớn. Ngày uống 2 lần, mỗi lần 20 viên với rượu hoặc nước Gừng sắc lúc đói, cho đến khi hết bệnh (Trung Quốc Dược học đại từ điển).

Món ăn chữa bệnh có hương phụ

Canh bí đao hương phụ: hương phụ 12g, bí đao 500g. Bí đao gọt vỏ thái lát cùng hương phụ đem nấu canh, thêm gia vị thích hợp. Ăn ngày 1 lần, liên tục 5 - 10 ngày. Dùng cho trường hợp nhiễm độc thai nghén, phù nề.

Thịt bò hầm ngải cứu, hương phụ: thịt bò 250g, ngải cứu 12g, diên hồ sách 12g, hương phụ 10g. Thịt bò làm sạch thái lát. Ba thứ dược liệu cho vào túi vải xô; thêm gừng tươi 20g gọt vỏ ngoài, đập giập. Tất cả cho vào nồi thêm nước, đun nhỏ lửa cho chín nhừ, bỏ túi bã thuốc, thêm gia vị thích hợp. Ăn trong ngày, liên tục 5 - 7 ngày. Dùng cho các trường hợp rối loạn kinh nguyệt, kinh kéo dài 5 - 7 ngày hoặc 10 ngày, lượng ít, đau bụng dưới.

Lương y HOÀNG DUY TÂN

Từ khóa » Cây Hương Phụ Có Tác Dụng Gì