Hủy Phán Quyết Trọng Tài Vì Vi Phạm Thủ Tục Tố Tụng - VIAC

Tại sao trình tự, tố tụng trọng tài cần được tuân thủ?

Với ý nghĩa là một phương thức giải quyết tranh chấp linh hoạt, tối đa hóa quyền lựa chọn luật áp dụng và tính bảo mật đối với nội dung tranh chấp mà kết quả giải quyết tranh chấp có khả năng được công nhận, thi hành trên phạm vi quốc tế theo cơ chế đa phương, trọng tài thương mại và/hoặc trọng tài đầu tư càng ngày càng được sử dụng phổ biến mặc dù các bên tranh chấp không được quyền kháng cáo phán quyết trọng tài lên cơ quan trọng tài cấp cao hơn hay là tòa án (tính chung thẩm của phán quyết trọng tài). Trên thực tế, pháp luật trọng tài của các quốc gia và các điều ước quốc tế chỉ cho phép các bên tranh chấp yêu cầu hủy phán quyết trọng tài khi xuất hiện một số tiêu chí, trong đó có tiêu chí về vi phạm trình tự, thủ tục tố tụng (ví dụ Điều V.1.b của Công ước New York hay Điều 52.1.d của Công ước ICSID).

Đây chính là điều khác biệt hoàn toàn giữa phương thức giải quyết tranh chấp thương mại, đầu tư bằng trọng tài so với phương thức tòa án. Cụ thể, phương thức giải quyết tranh chấp thương mại, đầu tư bằng tòa án cho phép các bên kháng cáo phán quyết của tòa án sơ thẩm (cấp đầu tiên) lên cấp cao hơn nếu các bên phát hiện tòa sơ thẩm vi phạm về nội dung và/hoặc trình tự, thủ tục làm ảnh hưởng đến tính khách quan của phán quyết của tòa án để yêu cầu xem xét lại nội dung giải quyết tranh chấp và cách giải thích pháp luật của tòa án cấp sơ thẩm. Trên cơ đó, tòa án cấp trên giữ nguyên, sửa đổi hoặc hủy bỏ phán quyết của tòa án cấp sơ thẩm, tùy thuộc vào tình tiết chi tiết của vụ việc và pháp luật quốc gia điều chỉnh hoạt động của tòa án.

Về chức năng, trọng tài hay thẩm phán đều căn cứ vào pháp luật (điều ước quốc tế, pháp luật quốc gia, tập quán hay án lệ) để giải quyết tranh chấp thương mại, đầu tư. Tuy nhiên, pháp luật các nước nhìn chung đều thừa nhận thẩm phán là người của nhà nước, ăn lương nhà nước, hoạt động nhân danh nhà nước. Ngược lại, trọng tài viên lại hoạt động với tư cách cá nhân, hoàn toàn không nhận được lương từ ngân sách nhà nước, không được xếp ngạch bậc công chức, viên chức, cán bộ nhà nước như thẩm phán. Trong khi đó, phán quyết của tòa án lại được công nhận và thi hành trong phạm vi hạn chế hơn bởi vì chủ yếu dựa vào nguyên tắc có đi có lại theo các điều ước quốc tế song phương so với phán quyết của trọng tài được công nhận rộng theo nguyên tắc đa phương như Công ước New York (đã có 164 quốc gia thành viên)[2] và, thậm chí công nhận tự động theo Công ước ICSID (tại 163 quốc gia thành viên).[3] Do đó, trình tự, tố tụng trọng tài cần được tuân thủ chặt chẽ và, ngược lại, phán quyết trọng tài vi phạm trình tự thủ tục sẽ bị hủy.

Công ước New York: điểm mờ về mức độ vi phạm thủ tục tố tụng cơ bản để hủy phán quyết trọng tài

Công ước New York không hề có sự phân định rõ ràng về thế nào là tranh chấp thương mại hoặc là tranh chấp đầu tư. Trên thực tế, công ước New York được áp dụng để công nhận và thi hành cả phán quyết trọng tài thương mại và phán quyết trọng tài đầu tư. Đặc biệt, đối với các quốc gia chưa phải là thành viên của Công ước ICSID (như Việt Nam) thì việc công nhận và thi hành phán quyết trọng tài thương mại, đầu tư quốc tế chỉ được thực hiện theo Công ước New York.

Về nội dung, khác với Công ước ICSID, Công ước New York không quy định về trình tự thủ tục mà hội đồng của trọng tài phải tuân thủ khi giải quyết tranh chấp. Thay vào đó, như tên gọi, Công ước New York chỉ quy định về các vấn đề có liên quan đến việc công nhận và thi hành phán quyết trọng tài nước ngoài và, lúc này, trình tự, thủ tục tố tụng sẽ được tuân thủ theo pháp luật của nước nơi hội đồng trọng tài được thành lập hoặc nước nơi công nhận và cho thi hành phán quyết trọng tài (Điều V.1.a). Công ước New York cho phép các bên, có thể là bên có quyền lợi hoặc bên có nghĩa vụ thi hành phán quyết trọng tài, có quyền yêu cầu tòa án quốc gia, có thể là tòa án của quốc gia mình hoặc tòa án của quốc gia khác hủy phán quyết trọng tài hủy phán quyết trọng tài nếu hội đồng trọng tài vi phạm thủ tục tố tụng trọng tài; “việc công nhận và thi hành quyết định có thể bị từ chối, theo yêu cầu của bên phải thi hành, chỉ khi nào bên đó chuyển tới cơ quan có thẩm quyền nơi việc công nhận và thi hành được yêu cầu, bằng chứng rằng: (b) Nếu bên phải thi hành quyết định không được thông báo phù hợp về việc chỉ định trọng tài viên hay không được thông báo về tố tụng trọng tài hoặc bị không thể trình bày vụ việc của mình (Điều V.1.b). Sự vi phạm tố tụng này gây ảnh hưởng đến quyền được lắng nghe, quyền được tham gia các phiên giải quyết tranh chấp, quyền bảo vệ chính mình trước các chứng cứ bất lợi cho mình.

Theo Công ước New York, nghĩa vụ tuân thủ tuyệt đối trình tự, thủ tục tố tụng trọng tài không được quy định cụ thể. Thay vào đó, Công ước New York cho phép tòa án quốc gia của các nước “can thiệp” vào việc công nhận, cho thi hành hoặc hủy phán quyết trọng tài. Cụ thể, Công ước New York không quy định về mức độ vi phạm các thủ tục tố tụng của hội đồng trọng tài để cơ quan có thẩm quyền hủy phán quyết trọng tài. Trên thực tế, qua hơn 60 năm thi hành, có vụ kiện bên có nghĩa vụ thi hành phán quyết yêu cầu tòa án quốc gia hủy phán quyết trọng tài để cố tình kéo dài thi hành và/hoặc từ chối công nhận và thi hành phán quyết trọng tài bởi vì vi phạm tố tụng rất nhỏ.[4] Trong vụ Brasoil kiện Great Man River, tòa tối cao Thụy Sĩ đã hủy phán quyết trọng tài bởi vì quyền được tham gia xét xử để bảo vệ quyền lợi của các bên đã bị vi phạm.[5]

Công ước ICSID: sai lệch nghiêm trọng các nguyên tắc cơ bản của tố tụng trọng tài mới hủy phán quyết trọng tài đầu tư quốc tế

Thứ hai, đối với trọng tài đầu tư, Công ước ICSID quy định phán quyết của hội đồng trọng tài được thành lập theo Công ước ICSID được các quốc gia thành viên công ước này công nhận và thi hành như thể đó là phán quyết cuối cùng của tòa án quốc gia mình và phán quyết này ràng buộc đối với các bên (Điều 52 đến 55 Công ước ICSID). Khi các bên không đồng ý với phán quyết trọng tài, các bên chỉ có quyền nộp đơn yêu cầu hủy phán quyết một cách rất hạn chế nếu phán quyết trọng tài thuộc vào một hoặc một vài trong số 05 trường hợp được quy định tại Điều 52 Công ước ICSID như hội đồng trọng tài không được thành lập đúng thủ tục, hội đồng trọng tài rõ ràng vượt quá thẩm quyền, một thành viên của hội đồng trọng tài tham nhũng, có sự sai lệch nghiêm trọng so với các quy tắc cơ bản của thủ tục tố tụng hoặc phán quyết không chỉ rõ căn cứ mà dựa vào đó phán quyết được ban hành. Hay nói cách khác, các bên trong tranh chấp đầu tư cũng không có quyền kháng cáo phán quyết trọng tài, không có quyền yêu cầu sửa đổi nội dung tranh chấp hay sửa đổi cách giải thích luật áp dụng của hội đồng trọng tài trong quá trình giải quyết tranh chấp đầu tư trước đó.

Bên cạnh đó, cần lưu ý rằng, trong và sau quá trình hội đồng trọng tài đầu tư giải quyết tranh chấp, Công ước ICSID không cho phép tòa án quốc gia của các bên tranh chấp tham gia. Đặc biệt, đối với quy trình hủy phán quyết trọng tài, tòa án quốc gia lại càng không thể tham gia giống như Công ước New York cho phép chính tòa án của các quốc gia nơi phán quyết có nghĩa vụ được thi hành (Điều V.1.a Công ước New York). Hay nói cách khác, tòa án quốc gia của bất kỳ quốc gia nào không có bất kỳ vai trò gì trong toàn bộ quy trình tố tụng của ICSID nói chung và công nhận, thi hành phán quyết trọng tài nói riêng.[6] Thay vào đó, Công ước ICSID lại sử dụng cơ chế hoàn toàn đặc biệt, “thiết chế nội bộ của Công ước ICSID”, Ủy ban hủy phán quyết trọng tài, theo Điều 52.3 Công ước ICSID. Theo thống kê của Ban thư ký Công ước ICSID, tính đến năm 2016, tổng số đơn yêu cầu hủy phán quyết trọng tài là 87 vụ.[7] Trong đó, một trong những nguyên nhân sử dụng thường xuyên nhất đó là “một trong các bên tranh chấp có thể yêu cầu hủy phán quyết trọng tài bằng đơn yêu cầu hủy phán quyết trọng tài bằng văn bản gửi đến Tổng thư ký khi có căn cứ (d) khi có sự sai lệch nghiêm trọng so với các nguyên tắc cơ bản của thủ tục tố tụng” (Điều 52.1.d Công ước ICSID). Trong đó, những tiêu chí thể hiện sự sai lệch nghiêm trọng so với các quy tắc cơ bản của thủ tục tố tụng có thể kể đến như các trường hợp làm ảnh hưởng đến quyền được tham gia xét xử, quyền được tạo cơ hội để trình bày chứng cứ, xác minh chứng cứ và phản tố đối với vụ kiện của các bên tranh chấp.[8]

Nói tóm lại, không phải bất kỳ sự khác biệt về nguyên tắc tố tụng mà hội đồng trọng tài đã thực hiện cũng đều dẫn đến kết quả là Ủy ban hủy phán quyết sẽ chấp nhận yêu cầu hủy phán quyết trọng tài đầu tư quốc tế. Thay vào đó, Ủy ban hủy phán quyết trọng tài sẽ chỉ hủy những phán quyết nào được ban hành vi phạm 02 yêu cầu song song sau: (i) thủ tục tố tụng phải cơ bản và (ii) sai lêch phải nghiêm trọng.[9] Trên thực tế, số lượng phán quyết trọng tài đầu tư quốc tế được thành lập theo Công ước ICSID bị Ủy ban hủy phán quyết trọng tài của Công ước ICSID hủy rất hạn chế. Tính đến hiện nay, Ủy ban hủy phán quyết trọng tài chỉ mới hủy 01 phán quyết vì lý do vi phạm nghiêm trọng trình tự tố tụng.[10] Ví dụ, vụ Fraport AG kiện Phillipines, ngày 6/12/2007, Fraport AG đã gửi cho Tổng thư ký ICSID đơn yêu cầu hủy phán quyết trọng tài, trong đó có lý do sai lệch nghiêm trọng so với các nguyên tắc cơ bản của thủ tục tố tụng trọng tài. Ngày 14/4/2008, Ủy ban hủy phán quyết trọng tài này đã được thành lập và, ngày 23/12/2010, Ủy ban hủy phán quyết trọng tài đã quyết định hủy phán quyết hội đồng trọng tài bởi vì đã không tạo cơ hội cho Fraport AG tham gia vào quy trình xác minh chứng cứ do Phillippines cung cấp. Cụ thể, Ủy ban hủy phán quyết trọng tài cho rằng Hội đồng trọng tài vi phạm Điều 52.1.d Công ước ICSID bởi vì hội đồng trọng tài có thể sẽ đưa ra kết luận khác nếu như hội đồng trọng tài biết được tài liệu mà phía Phillipines đã tiếp cận là bất hợp pháp vào thời điểm sau khi hội đồng trọng tài giải quyết tranh chấp. Đây là điều mà Fraport không thể thực hiện được bởi vì Fraport không có cơ hội tiếp cận tài liệu và, do đó, không thể phản tố để bảo vệ mình.[11]

Nói tóm lại, vi phạm tố tụng trong trọng tài đầu tư quốc tế để bị hủy phán quyết phải là vi phạm mà căn cứ vào vi phạm đó hội đồng trọng tài đã ban hành phán quyết giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế khác biệt cơ bản so với phán quyết mà lẽ ra hội đồng trọng tài sẽ ban hành nếu áp dụng đúng quy tắc tố tụng.[12]Như vậy, mức độ vi phạm trình tự tố tụng của Công ước ICSID chặt chẽ hơn và nghiêm ngặt hơn mức độ vi phạm của Công ước New York. Đây có thể là giải pháp nhằm hạn chế tình trạng các tòa án của quốc gia can thiệp và lạm dụng quy trình tố tụng tòa án theo pháp luật nước mình để cản trở việc công nhận và thi hành phán quyết trọng tài quốc tế.

[1] Thuật ngữ được dịch từ “privatization of justice”. Xem thêm Some benefits and Risks of Privitization of Justice through ADR, The Ohio State Journal on Dispute Resolution, tập 11, số 2 năm 1996, https://core.ac.uk/download/pdf/159609087.pdf, cập nhật ngày 20/7/2020.

[2] http://www.newyorkconvention.org/countries, cập nhật gần nhất 23/7/2020.

[3] https://icsid.worldbank.org/en/Pages/about/Database-of-Member-States.aspx, cập nhật gần nhất 23/7/2020.

[4] Susan Choi, Note, Judicial Enforcement of Arbitration Awards Under the ICSID and New York, 1997, trang 175.

[5] https://www.lalive.law/wp-content/uploads/2019/10/tgi_what_are_the_grounds.pdf, cập nhật ngày 20/7/2020.

[6] Updated Background Paper on Annulment for the Administrative Council of ICSID, 5/2016, https://icsid.worldbank.org/en/Documents/resources/Background%20Paper%20on%20Annulment%20April%202016%20ENG.pdf, cập nhật ngày 19/7/2020.

[7] https://icsid.worldbank.org/en/Documents/resources/Background%20Paper%20on%20Annulment%20April%202016%20ENG.pdf, cập nhật ngày 20/7/2020.

[8] Xem phần Lịch sử đàm phán Công ước ICSID trích Fraport AG v Philippines, Quyết định hủy phán quyết trọng tài, đoạn 185.

[9] Fraport AG v Philippines, Quyết định hủy phán quyết trọng tài, đoạn 180.

[10] ICSID Annulment Bassed on Departure from Rule of Procedure, https://www.lalive.law/wp-content/uploads/2019/10/ICSID_Annulment_Based_on_Departure_from_Rule_of_Procedure.pdf, cập nhật ngày 20/7/2020.

[11] Fraport AG v Philippines, Quyết định hủy phán quyết trọng tài, đoạn 218 - 227.

[12] Wena Hotels kiện Ai Cập, Quyết định hủy phán quyết trọng tài, đoạn 65.

TS. Lê Thị Ánh Nguyệt

Thành viên của Hội đồng Khoa học VIAC

Luật sư cao cấp Công ty Luật Phuoc & Partners

Từ khóa » Trọng Tài Icsid