Huyện Biên Giới Quan Sơn được Thiên Nhiên Ban Tặng Cho Diện Tích ...

Cây xóa đói, giảm nghèo ở huyện biên giới Quan Sơn

Huyện biên giới Quan Sơn được thiên nhiên ban tặng cho diện tích rừng vầu rộng lớn với hơn 26.000 ha. Khoảng 10 năm trở lại đây vầu đã trở thành “cây xóa đói, giảm nghèo” cho đồng bào các dân tộc nơi thuợng nguồn sông Lò.

 

Diện tích rừng vầu có ở hầu khắp các xã, thị trấn ở huyện biên giới Quan Sơn.

Tuy nhiên, diện tích rừng tập trung nhiều nhất ở các xã khu vực biên giới như: Tam Thanh, Mường Mìn, Na Mèo, Tam Lư...

Khi ngành chế biên lâm sản ở các tỉnh, thành trong cả nước phát triển, rừng vầu của huyện biên giới Quan Sơn đã trở thành vùng nguyên liệu lớn cung cấp cho nhà máy, cơ sở sản xuất.

Đây cũng chính là nguyên nhân đưa cây vầu lên ngôi so với cây luồng, cây nứa ở khu vực miền núi trong tỉnh.

 

Dọc Quốc lộ 217 từ cầu Pà Lò lên đến Cửa khẩu Quốc tế Na Mèo, đâu đâu cũng bắt gặp hình ảnh người dân địa phương đang khai thác, vận chuyển vầu, cũng như chẻ thành nan thanh để bán cho thương lái.

Một ngày, 1 lao động địa phương có thể khai thác từ 30 đến 40 cây vầu trở lên, tương đương từ 2 đến 3 tạ nan thanh.

 

Hiện tại, 1 kg nan thanh có giá thu mua khoảng 1.700 đồng. Như vậy, trung bình mỗi ngày vào rừng khai thác vầu, người dân địa phương có thu nhập từ 340.000 đến hơn 500.000 đồng.

Đối với những người có sức khỏe có thể khai thác vầu được nhiều hơn, thu nhập cũng sẽ cao hơn.

Sau khi khai thác, chẻ thành nan, người dân dùng xe máy vận chuyển tập kết dọc Quốc lộ 217 để chờ thương lái đến thu mua. Với thu nhập ổn định từ khai thác cây vầu tự nhiên, nhiều hộ dân trong huyện Quan Sơn đã thoát được nghèo, đời sống nâng lên.

Để rừng “vàng xanh” không rơi vào tình trạng suy kiệt, hàng năm khi cây vầu vào mùa sinh măng (tháng 9 và tháng 10), UBND huyện Quan Sơn đều có văn bản chỉ đạo các xã, thị trấn nghiêm cấm người dân vào rừng khai thác loại cây này.

Từ năm 2014 đến năm 2016, huyện đã triển khai Đề án “phục tráng và chăm sóc rừng vầu”. Trong giai đoạn này, người dân trong huyện trồng mới hơn 1.000 ha. Đến thời điểm này, toàn huyện đã trồng được hơn 2.000 ha rừng vầu. Đây được xem là giải pháp hữu hiệu góp phần nâng cao giá trị bền vững của rừng vào trên địa bàn huyện. (Trong ảnh là vườn ươm giống vầu ở xã Tam Lư)

 

Là loại cây tự nhiên có chu kỳ khai thác kéo dài khoảng 50 năm và hàng năm mang nguồn thu nhập ổn định cho hàng nghìn hộ gia đình trên địa bàn huyện Quan Sơn, cây vầu được đồng bào các dân tộc ở huyện biên giới Quan Sơn ví như “vàng xanh”.

PVHTT (Theo BTH)

Từ khóa » Hinh Anh Cay Vầu