Huyện Long Mỹ: Kỹ Thuật Nuôi Vỗ, Sinh Sản Và ương Cá Sặc Rằn

Phần I: KỸ THUẬT NUÔI VỖ VÀ SINH SẢN

1 Quy trình nuôi vỗ cá bố mẹ

1.1. Thiết kế ao nuôi vổ

Ao nuôi :1.000 - 1.500 m2; mực nước sâu 1,2 – 1,5m.

Cải tạo ao: Tát cạn ao, diệt tạp, phơi đáy, bón vôi (7-10kg/ 100 m2). Cấp nước vào ao qua lưới lọc.

Nuôi trên bể xi măng nuôi vổ 10-15con/ 1m2.

1.2 Tuyển chọn cá bố mẹ và bố trí nuôi vỗ

Cá sặc rằn nặng trên 70 -200gam/con. Cá bố mẹ phải có cơ thể hoàn chỉnh, không bị dị tật, không bị rách vây. Cá bơi lội nhanh hoạt bát, không bị xây xát hay bệnh tật.

Sau khi lựa xong tiến hành tắm muối (3 – 5%) + thuốc tím (15 – 20 ppm) cho cá.

Cá đực:

+ Vây lưng kéo dài vượt khỏi gốc vây đuôi.

+ Trên thân cá nhìn thấy rất rõ các sọc màu đen chạy xiên từ lưng xuống bụng.

Cá cái:

+ Vây lưng không kéo dài tới gốc vây đuôi.

+ Không thấy rõ các sọc màu đen chạy xiên từ lưng xuống bụng.

Cứ 1m2 ao nuôi vỗ 4-6 con cá bố mẹ. Ghép 1 cá đực với 1 cá cái.

1.3. Chăm sóc và cho ăn

Cho ăn thức ăn công nghiệp 30 – 40% đạm. Khẩu phần 2-3 % mỗi ngày cho cá ăn 2 lần (vào lúc sáng và chiều mát) và bổ sung Vitamin A,D,E. Có thể cho cá ăn bằng cá tap xay. Thường xuyên quan sát màu nước, duy trì màu nước tốt (xanh đọt chuối) và theo dõi hoạt động của cá để có biện pháp xử lý kịp thời.

Định kỳ xử lý nguồn nước ao (có thể dùng zeolite hoặc một số chế phẩm có trên thị trường).

Thời gian từ 1,5 – 2 tháng nuôi vỗ kéo kiểm tra cho sinh sản.

Thời gian nuôi tái thành thục sau 2 tháng, cho ăn thức ăn độ đạm từ 30 – 35%.

2. Kỹ thuật sinh sản cá sặc rằn

2.1. Chuẩn bị bể đẻ

Bể cho cá đẻ là bể composite diện tích từ 500 – 1m3 . Mực nước trong bể từ 0,2 - 0,3 m. Để tránh gây cho cá sợ hãi khi đẻ cần chọn nơi yên tĩnh để bố trí bể cá đẻ. Thả nổi một số lá môn, lá sen úp trên mặt nước để làm tổ cho cá đẻ. (bể 1 m3 thường bố trí 10 – 15 cặp cá, 15 lá môn + 10 tàu lá chuối khô).

Có thể bố trí cá đẻ trong những bể chứa nhỏ như thao nhựa,… rửa sạch dụng cụ và xử lý nước trước khi cho cá vào sinh sản.

Nước cho sinh sản phải xử lý trong bằng keo lắng, chỉ tiêu môi trường đạt (pH: 7-7,5; nhiệt độ 28-300C, Oxy hòa tan trong nước (DO) >3mg/lít).

2.2. Chọn lựa cá sinh sản

Cá cái có bụng to, mềm, trứng màu vàng nhạt.

Cá đực khỏe mạnh, vuốt nhẹ vào lỗ sinh dục có tinh dịch nhú ra.

2.3. Tiêm kích thích tố và bố trí sinh sản

Tiêm kích dục tố: HCG liều 2500-3000UI/kg cá cái. Liều cá đực bằng 1/3 -1/2 của cá cái. Tiêm vào gốc vi ngực. Sau khi tiêm thả ghép 1 đực : 1 cá cái vào bể đẻ đã bố trí sẳn. Sau khoảng 18 – 24 giờ thì cá đẻ.

Sức sinh sản cá sặc rằn khoảng 200.000- 250.000/ kg cá cái.

Chú ý: Cá bố trí đẻ cần không gian yên tĩnh tốt nhất cá đẻ ban đêm, do vậy cần phải tiêm và bố trí sinh sản sao cho cá đẻ khoảng thời gian thích hợp.

2.4. Thu trứng và bố trí bể ấp

Cá bắt đầu đẻ sau khi tiêm kích dục tố 18-24 giờ. Cá có thể đẻ kéo dài trong 2-3 giờ. Cá đực dùng miệng để gom trứng đưa vào đám bọt nổi trên mặt nước. Trứng cá sặc rằn màu vàng nhạt nổi trên mặt nước. Chuyển nhẹ nhàng trứng cá vào các chậu, hoặc bể ấp composite (có sục khí nhẹ).

Mật độ ấp:

+ Ấp tĩnh: 600 ngàn trứng/bể 1,5m2.

+ Ấp có sục khí: 1,2 – 1,8 triệu trứng/bể 1m3 .

Sau 24 h trứng sẽ nở. Khi cá bột được 2 ngày tuổi (48 h sau nở) thì có thể xuất bán hoặc bố trí ương trong ao.

Cá bố mẹ sau khi sinh sản phải được tắm muối hoặc thuốc tím trước khi chuyển xuống ao hoặc bể nuôi vỗ tái thành thục.

Phần II. KỸ THUẬT ƯƠNG GIỐNG

1. Thiết kế bể, ao ương

Ao phải được tháo cạn và phơi đáy, bón vôi trước khi thả cá bột (7-10kg/100m2). Cấp nước vào ao phải qua túi lọc, mức nước từ 0,8 – 1m.

Gây thức ăn tự nhiên: 2 kg Maxloom + 2 kg cám/1000 m2. Sau 1 ngày gây thức ăn tự nhiên thì tiến hành thả bột. Sau 4 ngày tạt lại Maxloom + cám liều lượng giống đợt 1.

2. Mật độ bố trí ương

Thả cá bột xuống ao với mật độ 500 – 1000 con/m2. Thả cá vào chiều mát để tránh sốc cá, thao tác vận chuyển, thả cá phải nhẹ nhàng.

3. Thức ăn và cách cho ăn

10 ngày đầu: 0,4 kg sữa cá /1 triệu cá bột/ ngày. Thức ăn tạt đều khắp ao, ngày ăn 2 lần (tùy vào lượng thức ăn tự nhiên trong ao ta điều chỉnh lượng sữa cho phù hợp.

Sau 10 ngày – ngày 20: 2 kg thức ăn bột/1 triệu cá bột/ngày.

Sau 3 tuần cho ăn thức ăn bột + thức ăn viên < 1mm, lượng thức ăn phụ thuộc vào mật độ cá lên mặt.

Bổ sung Vitamin C (40mg/kg thức ăn) cho cá ăn

4. Chăm sóc và quản lý

Thả bột được 10 ngày tuổi xử lý 20kg muối + 1 kg thuốc tím/1000m2. Định kỳ 10 – 15 ngày xử lý bằng thuốc tím + muối hoặc Iodine 1 lần

Trong quá trình ương, theo dõi hoạt động của cá (hoạt bơi lội, bắt mồi) để có thể xử lý kịp thời, duy trì màu nước ao (xanh đọt chuối), đảm bảo đủ thức ăn cho cá.

5. Thu hoạch

Sau 50- 60 ngày ương: Cá đạt kích cỡ 300-400 con /kg, tiến hành thu hoạch.

Thu hoạch cá: Trước khi thu hoạch 4-5 ngày phải luyện cá cho thật kỹ. Thao tác đánh bắt vận chuyển cá phải nhẹ nhàng tránh làm cá bị xây xát

Phần III. CÁC BỆNH THƯỜNG GẶP VÀ CÁCH PHÒNG TRỊ

1 Bệnh sình bụng

Nguyên nhân: Do sức khỏe cá kém, cho cá ăn thức ăn không đảm bảo chất lượng làm cá không tiêu hóa được thức ăn, bụng cá trương to, ruột chứa nhiều hơi. Cá bơi lờ đờ và chết rải rác.

Phòng trị bệnh: Kiểm tra chất lượng và thành phần thức ăn để điều chỉnh lại cho thích hợp. Nếu trường hợp nặng, thường xuyên có thể thay đổi thức ăn.

Trong thức ăn nên bổ sung men tiêu hóa và giảm lượng thức ăn xuống khi nào cá khỏe lại thì tăng lượng thức ăn lên.

2 Bệnh đen thân

Bệnh được xem như một hội chứng, gây hao hụt rất cao ở cá giống và cá nuôi thương phẩm. Để điều trị bệnh này cần phải đưa ra phát đồ điều trị ở từng môi trường nuôi và độ tuổi cá.

Điều trị: Xử lý bằng Iodine với liều 1-2ml/ m3 hoặc CuSO4 với liều 0,2-0,4ppm,… Cần bổ sung thêm các sản phẩm thuốc bồ gan cho cá, kích thích dinh dưỡng. Sau 2 ngày xử lý lại môi trường bằng các loại sản phẩm vi sinh Bacillus, Lactobacillus, Saccaromicet…

3 Bệnh xuất huyết

Bệnh do vi khuẩn Aeromomas hydrophilla hoặc Edwardsiella tarda gây ra. Cá nhiễm bệnh này toàn thân bị xuất huyết, hậu môn sưng lồi, bụng trương to, có dịch vàng hoặc hồng, đầu và mắt cá sưng và lồi ra.

Phòng trị bệnh: Khử trùng nước và đáy ao bằng cách bón vôi (CaCO3) với liều 2kg/100m3 (ngâm vôi vào nước, sau đó lấy nước tạt xuống ao) kết hợp với rải muối hột với liều 5kg/100m3 (để nguyên hột và rải xuống đáy ao). Trộn thuốc kháng sinh vào thức ăn cá Vimero, Flocol…

4 Bệnh nấm.

Bệnh này do nấm thủy mi gây ra, còn gọi là bông gòn hay nấm da, nấm mốc. Khi cá phát bệnh đang bơi trong nước trên thân cá có những đốm trắng giống như bông gòn và da cá tiết nhiều nhớt.

Nguyên nhân gây bệnh: Do tiết trời trở lạnh, môi trường nước ao nuôi bị ô nhiễm, tạo điều kiện cho nấm thủy mi phát triển.

Điều trị: Dùng Formalin với liều lượng 20-25ppm (20-25ml/ m3) tạt vao trong môi trường nước ao nuôi.

5 Bệnh do ký sinh trùng

Các bệnh do ngoại ký sinh trùng có tác động đến cá con trong quá trình ương. Cá bị nhiễm bệnh có tỷ lệ hao hụt từ 50-70% chủ yếu là do cá con bị bệnh đóm trắng (trùng quả dưa tấn công), bệnh sàn lá đơn chủ, bệnh do giáp xác ký sinh (Argulus và Ergasilus).

Trị bệnh: Khi phát hiện cá bị bệnh dùng Formol nồng độ 25-30ml/ m3 trị thời gian dài và nồng độ từ 100-150 ml/ m3 nếu trị trong 15-30 phút; CuSO4 nồng độ 2-5g/10 m3 trị trong thời gian dài và từ 20-50g/10 m3 trị trong 15-30 phút, cách này trị một lần. Sau đó thay nước sạch và xử lý môi trường bằng các sản phẩm vi sinh để tăng nguồn Bacillus, Lactobacillus, Saccaromicet…

Từ khóa » Cách Nuôi Cá Sặc Bổi