Huyện Vụ Bản

Huyện Vụ Bản

Đăng ngày 03-11-2020 100%

Vị trí: Phía bắc huyện Vụ Bản giáp tỉnh Hà Nam và huyện Mỹ Lộc, phía đông giáp thành phố Nam Định và Nam Trực, phía đông và nam giáp huyện Ý Yên. Quốc lộ 10, đường sắt xuyên Việt, tỉnh lộ 56, 486 chạy qua địa bàn huyện. Diện tích:           148 km2   Dân số:           133830 người (2008) Hành chính: thị trấn Gôi- huyện lỵ và 17 xã: Hiển Khánh, Minh Thuận, Tân Khánh, Hợp Hưng, Trung Thành, Quang Trung, Đại An, Kim Thái, Minh Tân, Tam Thanh, Liên Minh, Thành Lợi, Liên Bảo, Vĩnh Hào, Tân Thành, Cộng Hoà, Đại Thắng. Lịch sử: Thời Hùng Vương, huyện có tên là Bình Chương thuộc bộ Lục Hải, thời Hán thuộc quận Giao Chỉ. Trước thời Lý - Trần, đất này nằm trong huyện Hiển Khánh. Thời Lý, huyện Thiên Bản nằm trong phủ Ứng Phong; đời Trần huyện Thiên Bản thuộc phủ Kiến Hưng. Năm Vĩnh Lạc thứ năm (1407), nhà Minh đổi làm huyện Yên Bản thuộc phủ Kiến Bình. Năm Vĩnh Lạc thứ mười ba (1415), nhà Minh đổi huyện Độc Lập thành Bình Lập cho sáp nhập vào huyện Yên Bản. Đến đời Lê Thánh Tông lại đổi thành huyện Thiên Bản. Cũng dưới thời Lê Hồng Đức, huyện Thiên Bản thuộc phủ Nghĩa Hưng. Đến thời Nguyễn, Tự Đức năm thứ 14 (1861) đổi tên thành huyện Vụ Bản. Đặc điểm: Huyện Vụ Bản nằm về phía bắc tỉnh, thuộc vùng đất cổ, đất đai tương đối ổn định. Dọc phía tây huyện có các dãy núi đất lẫn đá chạy từ bắc xuống nam với sáu ngọn: núi Ngăm, núi Tiên Hương, núi Báng, núi Lê, núi Gôi và núi Hổ. Dấu vết người nguyên thuỷ tìm thấy tại các khu vực núi này minh chứng Vụ Bản là một trong những cái nôi sinh ngụ của người Việt cổ. Vụ Bản nằm kẹp giữa sông Đào và sông Sắt. Sông Đào một đầu nối với Sông Hồng, đầu kia đổ ra sông Đáy. Sông Sắt nối liền sông Châu với sông Đáy. Mảnh đất này chính là do phù sa sông Hồng và sông Đáy bồi tụ nên. Huyện Vụ Bản là vùng đất có truyền thống hiếu học, nhiều người đã đỗ đạt cao, có danh vọng, đóng góp vào kho tàng văn hoá của dân tộc. Trong suốt thời kỳ khoa cử của chế độ phong kiến Việt Nam, Vụ Bản có 16 vị đỗ Tiến sĩ, Thám hoa, Bảng nhãn, Trạng nguyên. Danh nhân tiêu biểu phải kể đến Trạng nguyên Lương Thế Vinh, nhà sử học Trần Huy Liệu, nhà thơ Nguyễn Bính, nhạc sĩ Văn Cao, giáo sư nông học Bùi Huy Đáp...   Khu điểm tham quan du lịch: Khu di tích lịch sử văn hoá Phủ Dầy (xã Kim Thái), đền thờ trạng nguyên Lương Thế Vinh (xã Liên Bảo), đền Giáp Nhất (xã Quang Trung), đền Đông (xã Thành Lợi), đền chùa Vĩnh Lại (xã Vĩnh Hào), đền Vụ Nữ (xã Hợp Hưng), khu du lịch sinh thái Núi Ngăm (xã Minh Tân, Kim Thái), làng nghề mây tre đan Vĩnh Hào, làng nghề sơn mài Liên Minh… Lễ hội tiêu biểu: lễ hội Phủ Dầy, hội chợ Viềng, hội đền Giáp Nhất, hội đền Đông…   Nghệ thuật dân gian đặc sắc: hát chầu văn, hát ví, hát giao duyên...

Từ khóa » Hang Hồ Núi Lê Thuộc Huyện Nào