Huyết áp ở Trẻ Em: Thông Tin Phụ Huynh Nên Biết!

Nội dung bài viết

  • Chỉ số huyết áp ở trẻ em
  • Các nguyên nhân gây ra vấn đề huyết áp ở trẻ em
  • Khi nào cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ
  • Phương pháp điều trị và ngăn ngừa rối loạn huyết áp ở trẻ

Thông thường chúng ta vẫn hay đề cập vấn đề tăng hay hạ huyết áp ở người lớn. Nhưng thực tế những vấn đề này vẫn có thể xuất hiện ở bất kỳ độ tuổi, giới tính, thể trạng nào. Những rối loạn về huyết áp ở trẻ em thường đi kèm những vấn đề bệnh lý tiềm ẩn. Bài viết sau của ThS.BS Vũ Thành Đô sẽ giúp chúng ta có thêm thông tin và sự quan tâm đúng về vấn đề huyết áp ở trẻ em. 

Chỉ số huyết áp ở trẻ em

Huyết áp bình thường

Đối với người lớn, việc kiểm tra huyết áp để đưa ra chẩn đoán dễ dàng hơn. Tuy nhiên việc đưa ra chẩn đoán đối với trẻ em phức tạp hơn. Bác sĩ phải xem xét trên các biểu đồ dựa trên giới tính, chiều cao và chỉ số huyết áp của trẻ để đưa ra kết luận. Đối với trẻ nhỏ và vị thành niên, huyết áp thường tăng theo tuổi và chiều cao. Vì vậy giá trị huyết áp bình thường của con bạn sẽ thay đổi mỗi năm.

Sau đây là bảng thông tin về trị số huyết áp bình thường ở trẻ theo từng độ tuổi:

Hình 1: Các tham số tim mạch ở trẻ em theo độ tuổi
Các tham số tim mạch ở trẻ em theo độ tuổi

Tăng huyết áp

Trẻ được chẩn đoán là tăng huyết áp khi huyết áp trung bình bằng hoặc cao hơn bách phân vị 95 của trẻ có cùng giới tính, tuổi và chiều cao ở ít nhất 3 lần đo khác nhau.

Huyết áp bình thường

Huyết áp tâm thu (HATT) và tâm trương (HATTr) < bách phân vị 90 theo tuổi, giới, chiều cao

Huyết áp bình thường – cao (được coi như tiền tăng huyết áp)

HATT trung bình và/hoặc HATTr trung bình ≥ 90th nhưng < 95th bách phân vị

Tăng huyết áp

HATT trung bình và/hoặc HATTr trung bình ≥ 95th bách phân vị theo tuổi, giới, chiều cao ở ít nhất 3 lần đo khác nhau

Hạ huyết áp

Nhiều hướng dẫn chẩn đoán đưa ra định nghĩa hạ huyết áp ở trẻ em là khi huyết áp đo được của trẻ thấp hơn bách phân vị 5 của trẻ có cùng giới tính, tuổi và chiều cao ở ít nhất 3 lần đo khác nhau. Hoặc dưới 90/50 mmHg đối với trẻ em từ 10 tuổi trở lên.

Các nguyên nhân gây ra vấn đề huyết áp ở trẻ em

1. Tăng huyết áp

Tăng huyết áp nguyên phát

Thường tự xảy ra mà không xác định được nguyên nhân. Loại tăng huyết áp này xảy ra thường xuyên hơn ở trẻ em từ 6 tuổi trở lên. Các yếu tố nguy cơ bao gồm:

  • Thừa cân/béo phì.
  • Tiền sử gia đình cao huyết áp.
  • Đái tháo đường type 2.
  • Cholesterol cao.
  • Chế độ ăn nhiều muối.
  • Ít vận động.

Tăng huyết áp thứ phát

Thường do bệnh lý tiềm ẩn gây ra. Phổ biến hơn ở trẻ nhỏ. Các nguyên nhân gây tăng huyết áp bao gồm:

  • Bệnh thận.
  • Các vấn đề về tim.
  • Rối loạn tuyến thượng thận.
  • Cường giáp.
  • Hẹp động mạch thận.
  • Rối loạn giấc ngủ: chứng ngưng thở khi ngủ.
  • Sử dụng một số loại thuốc và chất kích thích.

2. Hạ huyết áp

  • Mất nước: Mất nước sẽ dẫn đến mất cân bằng huyết áp trong cơ thể, có thể khiến trẻ hạ huyết áp từ nhẹ đến nặng. Mất nước trầm trọng và kéo dài có thể gây nguy hiểm tính mạng.
  • Dị ứng: Khi xuất hiện vật thể hoặc đối lượng lạ, hệ thống miễn dịch sẽ tấn công và gây ra phản ứng dị ứng. Trường hợp dị ứng nghiêm trọng có thể dẫn đến sốc phản vệ, gây hạ huyết áp nghiêm trọng.
  • Nhiễm trùng: hạ huyết áp có thể xảy ra khi nhiễm trùng nặng.
  • Thiếu máu do thiếu sắt: hạ huyết áp có thể là một trong những triệu chứng của bệnh lý này ở trẻ em.
  • Bệnh lý tim mạch: Hạ huyết áp cũng xảy ra khi trẻ có những vấn đề về tim mạch. Một số triệu chứng đi kèm bao gồm: khó thở, đổ mồ hôi nhiều, trẻ kém phát triển…
  • Chấn thương: dẫn đến mất máu, gây hạ huyết áp.
  • Thiếu hụt dinh dưỡng và các vấn đề về chuyển hóa: Những trẻ thiếu hụt các chất dinh dưỡng như: axit folic, vitamin B12,.. có thể gây hạ huyết áp. Rối loạn của hệ thống nội tiết cũng là một trong những lý do gây ra hạ huyết áp.
  • Căng thẳng về mặt thể chất/cảm xúc: Các tình huống như: ngồi hoặc đứng quá lâu; tiếp xúc lâu với ánh mặt trời; tập thể dục cường độ cao hoặc stress về cảm xúc.. cũng gây ra hạ huyết áp.

Xem thêm: Thiếu máu thiếu sắt ở trẻ em: Từ chẩn đoán đến điều trị

Khi nào cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ

Từ 3 tuổi trở lên, trẻ có thể được kiểm tra huyết áp trong các buổi khám sức khỏe định kỳ. Nếu trẻ được phát hiện bất thường về tình trạng huyết áp thì có thể được kiểm tra thường xuyên hơn.

Trẻ có các tình trạng sức khỏe như: sinh non, nhẹ cân, tim bẩm sinh, bệnh thận,… thì huyết áp có thể được kiểm tra ngay sau sinh.

Nếu phụ huynh lo lắng về việc trẻ có những yếu tố nguy cơ gây rối loạn huyết áp thì hãy đưa trẻ đến kiểm tra tại bác sĩ chuyên gia.

Hình 2: Nên kiểm tra sức khỏe thường xuyên để sớm phát hiện các vấn đề về sức khỏe ở trẻ trong đó có rối loạn huyết áp
Nên kiểm tra sức khỏe thường xuyên để sớm phát hiện các vấn đề về sức khỏe ở trẻ

Phương pháp điều trị và ngăn ngừa rối loạn huyết áp ở trẻ

Điều trị thuốc

Tùy vào từng trường hợp và các bệnh lý liên quan, bác sĩ sẽ chỉ định các loại thuốc phù hợp với trẻ. Một số thuốc được chỉ định để hạ áp bao gồm:

  • Thuốc ức chế men chuyển (ACE).
  • Thuốc chẹn thụ thể angiotensin II.
  • Thuốc chặn Canxi.
  • Thuốc lợi tiểu.

Bác sĩ sẽ cho biết con bạn sẽ cần dùng thuốc trong bao lâu. Nếu huyết áp cao của con bạn là do béo phì, thì việc giảm cân có thể khiến thuốc không cần thiết. Bên cạnh đó, việc điều trị huyết áp cần phải kết hợp với điều trị các bệnh lý liên quan. Mặc dù hiện vẫn còn ít thông tin về tác dụng lâu dài của thuốc huyết áp đối với sự tăng trưởng và phát triển của trẻ, nhưng đa số các loại thuốc này thường được coi là an toàn với trẻ.

Thay đổi chế độ ăn và lối sống

Việc thay đổi chế độ ăn và lối sống có ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, đặc biệt là những rối loạn huyết áp. Tương tự như điều trị huyết áp ở người lớn, việc điều trị ở trẻ cũng bắt đầu bằng thay đổi lối sống. Thay đổi lối sống cũng giúp việc điều trị thuốc phát huy tác dụng tốt hơn.

Đối với trẻ tăng huyết áp

  • Kiểm soát cân nặng của trẻ. Nếu trẻ bị thừa cân, việc đạt được cân nặng hợp lý hoặc duy trì cân nặng như cũ trong khi tăng chiều cao lên có thể làm giảm huyết áp.
  • Cung cấp chế độ ăn uống lành mạnh cho trẻ.  Khuyến khích trẻ ăn uống lành mạnh với các loại : rau củ, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt, các sản phẩm từ sữa ít béo và các nguồn protein nạc, chẳng hạn như cá và đậu. Đồng thời cần hạn chế các thực phẩm chế biến sẵn, chứa nhiều chất béo và đường.
  • Giảm lượng muối trong chế độ ăn của trẻ. Trẻ từ 2-3 tuổi, không nên tiêu thụ quá 1200 mg natri mỗi ngày. Trẻ lớn hơn nên sử dụng ít hơn 1500mg natri mỗi ngày.
  • Khuyến khích trẻ tăng cường hoạt động thể chất. Hạn chế trẻ sử dụng các thiết bị điện tử như: ti vi, điện thoại, máy tính,…
  • Khuyến khích cả gia đình cùng trẻ xây dựng lối sống lành mạnh. Việc này sẽ giúp động viên trẻ trong quá trình thay đổi lối sống để có sức khỏe tốt hơn.
Hình 3: Chế độ ăn dinh dưỡng cân bằng và lành mạnh sẽ giúp trẻ có một sức khỏe tốt hơn
Chế độ ăn dinh dưỡng cân bằng và lành mạnh sẽ giúp trẻ có một sức khỏe tốt hơn

Đối với trẻ huyết áp thấp

Thói quen chăm sóc tại nhà có thể giúp kiểm soát huyết áp thấp và thậm chí có thể giúp phục hồi huyết áp bình thường.

  • Đối với những trẻ có huyết áp thấp, thực phẩm chứa natri có thể giúp duy trì huyết áp. Tuy nhiên về hàm lượng cần thiết cho mỗi trẻ sẽ thay đổi tùy thể trạng, bạn cần tham khảo bác sĩ để đưa ra chế độ ăn phù hợp. Một số thực phẩm có thể cho trẻ sử dụng như: pho mát, thịt gà, súp, bánh mì,… có natri.
  • Chế độ ăn uống cân bằng cũng rất cần thiết để duy trì huyết áp ổn định cho trẻ. Bữa ăn hằng ngày nên cung cấp đủ các loại dưỡng chất, rau xanh, protein, chất béo.
  • Các thực phẩm giàu axit folic và vitamin B12 cũng nên được bổ sung trong các bữa ăn thường ngày.
  • Uống nước đầy đủ giúp ngăn ngừa tình trạng mất nước, là một trong những nguyên nhân gây huyết áp thấp ở trẻ em
  • Trẻ nên được hướng dẫn vận động nhẹ nhàng, tránh quá sức và kéo dài.

Đa số những rối loạn huyết áp ở trẻ em thường đi kèm các vấn đề sức khỏe. Do đó, cha mẹ cần quan tâm và theo dõi các dấu hiệu sức khỏe của trẻ để có thể phát hiện và điều trị sớm các bệnh lý. Việc giúp trẻ có lối sống lành mạnh, chế độ ăn hợp lý và điều trị phù hợp sẽ tạo điều kiện cho trẻ phát triển bình thường.

Xem thêm: Béo phì ở trẻ em: Những điều bố mẹ hiện đại cần biết!

Từ khóa » Chỉ Số Huyết áp Bình Thường Của Trẻ Em