I - ốt Với Sức Khỏe Trẻ Em - Bệnh Viện Nhi Đồng Thành Phố

I-ốt (Iodine)là một trong những vi chất dinh dưỡng quan trọng đối với sức khỏe con người, nhất là trẻ em. Thiếu hụt I-ốt ở trẻ em có thể gây nhiều tác động xấu đến sự phát triển và sức khỏe của trẻ trong tương lai. Theo tổng kết từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hiện nay trên thế giới có khoảng một tỷ rưỡi người sống trong vùng thiếu I-ốt và có nguy cơ bị các rối loạn do thiếu I-ốt. Trong đó 655 triệu người có tổn thương não và 11,2 triệu người bị đần độn. Hiểu được tầm quan trọng của việc bổ sung lượng I-ốt cần thiết hàng ngày cho trẻ sẽ giúp phụ huynh nuôi dưỡng trẻ toàn diện hơn.

Ở trẻ, thiếu hụt I-ốt được nhận biết thông qua những dấu hiệu sau đây

Là một trong những vi chất rất quan trọng đối với cơ thể, I-ốt giúp tuyến giáp tổng hợp các hormon điều chỉnh quá trình phát triển của hệ thần kinh trung ương, phát triển hệ sinh dục và các bộ phận trong cơ thể như tim mạch, tiêu hóa, da – lông – tóc – móng, duy trì năng lượng cho cơ thể hoạt động… tham gia tạo hormon tuyến giáp trạng T3 (tri-iodothyronin) và T4 (thyroxin) bằng các liên kết đồng hóa trị. Các hormon này đóng vai trò quan trọng trong việc điều hòa phát triển cơ thể, kích thích tăng quá trình chuyển hóa tới 30%, tăng sử dụng ôxy và làm tăng nhịp tim. Ngoài ra, I-ốt còn có vai trò trong việc chuyển hóa Beta – caroten thành vitamin A, tổng hợp protein cho cơ thể hoặc hấp thụ đường trong ruột non.

Theo các chuyên gia dinh dưỡng lượng I-ốt cần thiết hàng ngày cho trẻ khác nhau tùy theo từng lứa tuổi. Đối với trẻ còn bú từ sơ sinh đến 6 tháng cần 40 mcg, trẻ còn bú từ 6 đến 12 tháng cần 50mcg, trẻ từ 1 đến 3 tuổi cần 70mcg, trẻ từ 4 đến 9 tuổi cần 120 mcg, từ 10 đến 12 tuổi cần 140 mcg, đối với người trưởng thành là 150 – 200 mcg.

Khi bị thiếu I-ốt trẻ sẽ có những biểu hiện như chậm phát triển trí tuệ, chậm lớn, nói ngọng, nghễnh ngãng, giảm năng lực học tập, lùn, đần độn… Ngoài ra thiếu I-ốt còn gây ra bướu cổ, thiểu năng tuyến giáp ảnh hưởng lớn đến sự phát triển và hoạt động của cơ thể, giảm khả năng lao động – sáng tạo của trẻ, trẻ thường xuyên mệt mỏi, kém tập trung…

Tác hại của tình trạng thiếu I- ốt đối với sức khỏe con người, đặc biệt là trẻ em

Trẻ em và phụ nữ mang thai là những đối tượng rất dễ bị thiếu I-ốt do nhu cầu thường tăng cao. Ở phụ nữ mang thai, nếu thiếu I-ốt người mẹ có nguy cơ sảy thai, sanh non, thai chết lưu trong bụng mẹ. Nếu tình trạng thiếu I-ốt nặng có thể làm cho não bộ bào thai kém phát triển, trẻ ra đời sẽ chậm phát triển trí tuệ, đần độn và thường có những khuyết tật bẩm sinh như điếc, lác mắt, liệt, cận thị… Đối với trẻ em thiếu I-ốt sẽ gây chậm phát triển trí tuệ, chậm lớn, nói ngọng, dễ gây bệnh bướu cổ, thiểu năng tuyến giáp ảnh hưởng lớn đến sự phát triển và hoạt động của toàn cơ thể.

Đối với xã hội, thiếu I-ốt sẽ giảm thể lực, giảm sức lao động và trí thông minh của con người dẫn đến nền kinh tế bị trì trệ, xã hội chậm phát triển. Hậu quả của việc thiếu I-ốt đối với con người và xã hội là rất quan trọng.

Phòng tránh tình trạng thiếu I-ốt sẽ giúp trẻ phát triển toàn diện hơn, phòng tránh bướu cổ và đần độn

Việc phòng ngừa tình trạng thiếu I-ốt ở trẻ thật sự rất dễ thực hiện, vì trên thực tế chỉ cần chú ý bổ sung lượng I-ốt cần thiết hàng ngày cho cơ thể bằng những loại thực phầm giàu chất I-ốt như các loại hải sản (tôm-cua-cá-ghẹ..), rong biển, tảo biển, các loại rau xanh đậm (rau dề, rau đay, mồng tơi, bồ ngát…), I-ốt cũng hiện diện trong các lại trái cây tươi, trong thịt và trong sữa. Đặc biệt hiện nay người dân được khuyến cáo sử dụng muối I-ốt thường xuyên trong việc chế biến thức ăn để phòng tránh hiệu quả tình trạng cơ thể bị thiếu hụt lượng I-ốt, nhất là trẻ em đang tuổi tăng trưởng.

Phòng ngừa tình trạng thiếu I-ốt ở trẻ có thể áp những từ chính chế độ ăn uống hàng ngày của trẻ, cụ thể:

Với trẻ từ 0-6 tháng tuổi được bú mẹ hoàn toàn thì người mẹ nên ăn nhiều hải sản và dùng muối I-ốt hoặc nước mắm có pha chất I-ốt để nguồn dưỡng chất quan trọng này tiết qua sữa mẹ bổ sung lượng I-ốt cần cho bé.

Với trẻ đã ăn dặm thì cần bổ sung I-ốt qua chế độ ăn uống hàng ngày của trẻ. I-ốt thường có rất nhiều trong các loại hải sản như cá, tôm, cua, ghẹ… và có nhiều trong các loại rau như rong, tảo biển, rau câu, rau xanh, cải bắp… Trứng và các thực phẩm từ sữa cũng là một nguồn cung cấp I-ốt khá phổ biến và phong phú cho trẻ. Vì vậy người mẹ nên chú ý thêm các loại thực phẩm chứa nhiều chất I-ốt này vào thực đơn hàng ngày cho trẻ.

Bổ sung các thực phẩm giàu I-ốt, như: Các loại hải sản: tôm, cua, cá, ghẹ… rong biển, tảo biển; các loại rau: rau xanh đậm, rau dền, rau đay, mồng tơi,… Các loại trái cây tươi, thịt và sữa.

Có thể thêm chút muối I-ốt hoặc nêm nước mắm có chứa chất I-ốt nhưng người mẹ cần chú ý chỉ nêm nhạt thôi để tránh những tổn hại cho thận của trẻ.

Sử dụng muối I-ốt thay cho muối thường trong ăn uống và chế biến thức ăn hàng ngày là đủ nhu cầu I-ốt cho cơ thể và phòng được các rối loạn do thiếu I-ốt. Dùng muối I-ốt thường xuyên hàng ngày không ảnh hưởng đến sức khỏe vì lượng I-ốt dư sẽ được thải ra ngoài theo nước tiểu.

PHÒNG ĐIỀU DƯỠNG BỆNH VIỆN NHI ĐỒNG THÀNH PHỐ

Từ khóa » Thiếu I ốt Sẽ Gây Bệnh Gì