Thiếu Iốt Gây ảnh Hưởng Gì?

Thiếu iốt gây ảnh hưởng gì?Ngày đăng: 02/11/2021 - Lượt xem: 29611

Iốt là một nguyên tố vi lượng cần thiết cho con người. Nhưng cơ thể chúng ta không thể tự tổng hợp được nên cần phải bổ sung iốt từ nguồn thức ăn bên ngoài.

Nhu cầu iốt của cơ thể không nhiều nhưng khi bị thiếu hụt sẽ gây nhiều nguy cơ cho sức khỏe.

Iốt và vai trò với cơ thể

Iốt là vi chất quan trọng để tuyến giáp tổng hợp các hormon điều chỉnh quá trình phát triển của hệ thần kinh trung ương, phát triển hệ sinh dục và các bộ phận trong cơ thể như tim mạch, tiêu hóa, da - lông - tóc - móng, duy trì năng lượng cho cơ thể hoạt động.

Khi thiếu iốt, việc sản xuất thyroxin (hormone thyroxin cần thiết cho sự phát triển thể chất và tinh thần, nhất là với trẻ em và giúp điều hòa chuyển hóa năng lượng) bị giảm sút, tuyến giáp phải hoạt động bù dưới sự kích thích của hormon tuyến yên nên phì to dần. Tuy nhiên, nếu thiếu iốt quá trầm trọng thì có thể gây thiểu năng tuyến giáp. Ngoài ra, iốt còn có vai trò trong việc chuyển hóa beta - caroten thành vitamin A, tổng hợp protein hay hấp thụ đường trong ruột non.

Nhu cầu iốt của cơ thể

Người lớn: Trung bình cần khoảng 150mcg/ngày.

Phụ nữ có thai: Cần nhiều hơn người bình thường, khoảng: 200mcg/ngày.

Phụ nữ cho con bú: Cần lượng iốt nhiều nhất so với những trường hợp khác, khoảng 209mcg/ngày.

Nhu cầu iốt của trẻ em: Trẻ từ 0-6 tháng tuổi cần 40mcg/ngày, với trẻ bú mẹ hoàn toàn thì mẹ nên ăn nhiều hải sản và dùng muối iốt hoặc nước mắm có iốt để nguồn dưỡng chất quan trọng này tiết qua sữa bổ sung cho bé. Với trẻ đã ăn dặm (6-12 tháng), cần 50mcg, có thể bổ sung iốt qua ăn uống hàng ngày.

Trẻ từ 1-3 tuổi cần 70mcg; trẻ từ 4-9 tuổi cần 120mcg; trẻ từ 10-12 tuổi cần 140mcg; từ 14 tuổi đến khi trưởng thành là 150mcg.

Các thực phẩm giàu iốt

Cách đơn giản để có đủ iốt là dùng muối iốt trong các bữa ăn hàng ngày. Những thực phẩm giàu iốt gồm:

Rong biển: 1 tấm rong biển sấy khô cung cấp 11-19,89% lượng khuyến cáo mỗi ngày.

Cá tuyết: Chỉ 85g cung cấp 66% lượng khuyến cáo mỗi ngày.

Sữa chua: Ăn khoảng 250mg sữa chua cung cấp 50% lượng khuyến cáo mỗi ngày.

Muối iot: Dùng 1,5g muối cung cấp 47% lượng khuyến cáo mỗi ngày.

Tôm: Ăn 85g tôm cung cấp 23% lượng khuyến cáo mỗi ngày.

Trứng: 1 quả trứng lớn cung cấp 16% lượng khuyến cáo mỗi ngày.

Cá ngừ đóng hộp: Chỉ 85g cá ngừ cung cấp 11% lượng khuyến cáo mỗi ngày.

Mận khô: 5 trái mận khô cung cấp 9% lượng khuyến cáo mỗi ngày.

Thiếu iốt ảnh hưởng thế nào?

Trẻ em và phụ nữ độ tuổi sinh đẻ là đối tượng nguy cơ cao dễ bị thiếu hụt iốt. Khi cơ thể bị thiếu iốt sẽ dẫn đến mắc bệnh bướu cổ và tình trạng đần độn. Với bệnh bướu cổ, có thể xảy ra ở bất kỳ giai đoạn nào trong cuộc đời. Còn tình trạng đần độn có thể xảy ra ngay từ khi em bé còn nằm trong bụng mẹ (nếu người mẹ mang thai bị thiếu hụt iốt trầm trọng). Với trẻ em, những ảnh hưởng sức khỏe có thể xảy ra khi cơ thể thiếu hụt iốt như: làm chậm phát triển trí tuệ, chậm lớn, kém linh hoạt, các khuyết tật về thần kinh, suy giảm hoạt động chức năng hệ thần kinh, tâm thần...

Theo Báo Sức khoẻ đời sống

Từ khóa » Thiếu I ốt Sẽ Gây Bệnh Gì