IAS 21 – Ảnh Hưởng Của Việc Thay đổi Tỷ Giá Hối đoái - IFRS.VN

Bản dịch tiếng Việt của IAS 21 được cập nhật theo Bản dự thảo dịch tiếng Việt xin ý kiến của Bộ Tài chính (2019)
IAS 21 - Ảnh hưởng của việc thay đổi tỷ giá hối đoái

Truy cập Trang thông tin tổng hợp về IAS 21 để xem Tóm tắt, Chuẩn mực tiếng Anh, bản dịch tiếng Việt và các bài viết liên quan

Mục tiêu

1. Một đơn vị có thể thực hiện các hoạt động nước ngoài theo hai cách. Đơn vị có thể có giao dịch bằng ngoại tệ hoặc nó có thể có hoạt động nước ngoài. Ngoài ra, một đơn vị có thể trình bày báo cáo tài chính của mình bằng ngoại tệ. Mục tiêu của Chuẩn mực này là quy định cách để trình bày (include) các giao dịch bằng ngoại tệ và hoạt động nước ngoài trong báo cáo tài chính của một tổ chức và cách chuyển đổi báo cáo tài chính sang đồng tiền báo cáo.

2. Các vấn đề chính là tỷ giá hối đoái sẽ sử dụng và cách báo cáo ảnh hưởng của việc thay đổi tỷ giá hối đoái trên báo cáo tài chính.

Phạm vi

3. Chuẩn mực này áp dụng (Xem thêm SIC 7 – Giới thiệu về Đồng Euro) :

(a) Trong kế toán các giao dịch và số dư bằng ngoại tệ, ngoại trừ các giao dịch và số dư của các công cụ tài chính phái sinh thuộc phạm vi của IFRS 9 Công cụ tài chính;

(b) Trong việc chuyển đổi kết quả và tình hình tài chính của hoạt động nước ngoài được gộp vào báo cáo tài chính của đơn vị khi hợp nhất hoặc bằng phương pháp vốn chủ sở hữu; và

(c) Trong việc chuyển đổi kết quả và tình hình tài chính của đơn vị sang đồng tiền báo cáo.

4. IFRS 9 áp dụng cho nhiều công cụ phái sinh bằng ngoại tệ và theo đó, chúng được loại trừ khỏi phạm vi của Chuẩn mực này. Tuy nhiên, các công cụ phái sinh bằng ngoại tệ không nằm trong phạm vi của IFRS 9 (ví dụ: một số công cụ phái sinh bằng ngoại tệ được gắn trong các hợp đồng khác) nằm trong phạm vi của Chuẩn mực này. Ngoài ra, Chuẩn mực này áp dụng khi một đơn vị quy đổi các khoản mục liên quan đến công cụ phái sinh từ đồng tiền chức năng sang đồng tiền báo cáo.

5. Chuẩn mực này không áp dụng cho kế toán phòng ngừa rủi ro đối với các khoản mục ngoại tệ, bao gồm phòng ngừa cho các khoản đầu tư thuần vào hoạt động nước ngoài. IFRS 9 áp dụng cho kế toán phòng ngừa rủi ro.

6. Chuẩn mực này áp dụng cho việc trình bày báo cáo tài chính của đơn vị bằng ngoại tệ và đưa ra các yêu cầu đối với báo cáo tài chính được lập là kết quả của việc áp dụng Hệ thống Chuẩn mực Lập báo cáo tài chính quốc tế (IFRSs)

7. Chuẩn mực này không áp dụng cho việc trình bày báo cáo lưu chuyển tiền tệ của dòng tiền phát sinh từ các giao dịch bằng ngoại tệ, hoặc quy đổi dòng tiền của hoạt động nước ngoài (xem IAS 7 Báo cáo lưu chuyển tiền tệ)

Các định nghĩa

8. Các thuật ngữ sau đây được sử dụng trong Chuẩn mực này với các nghĩa được hiểu như sau:

Tỷ giá hối đoái cuối kỳ: Tỷ giá hối đoái giao ngay tại ngày cuối kỳ báo cáo.

Chênh lệch tỷ giá hối đoái: Là chênh lệch phát sinh từ việc quy đổi cùng một số lượng tiền từ đơn vị tiền tệ này sang đơn vị tiền tệ khác theo các tỷ giá hối đoái khác nhau.

Tỷ giá hối đoái: Là tỷ giá quy đổi giữa hai đơn vị tiền tệ.

Giá trị hợp lý: Giá có thể nhận được khi bán một tài sản hoặc giá chuyển nhượng một khoản nợ phải trả trong một giao dịch tự nguyện có tổ chức giữa các bên tham gia thị trường tại ngày xác định giá trị. (Xem IFRS 13 Xác định Giá trị hợp lý.)

Ngoại tệ: Một loại tiền tệ không phải là đồng tiền chức năng của đơn vị.

Hoạt động nước ngoài: Một đơn vị là công ty con, công ty liên kết, liên doanh hoặc chi nhánh của đơn vị báo cáo, có các hoạt động tại một quốc gia khác hoặc sử dụng đơn vị tiền tệ khác với đơn vị báo cáo.

Đồng tiền chức năng: Là đơn vị tiền tệ của môi trường kinh tế chủ yếu mà đơn vị hoạt động.

Tập đoàn: Một công ty mẹ và các công ty con của nó.

Các khoản mục tiền tệ: Là tiền đang nắm giữ, tài sản sẽ nhận được và nợ phải trả phải thanh toán bằng một lượng tiền cố định hoặc có thể xác định được.

Đầu tư thuần vào hoạt động nước ngoài: Là phần lợi ích của đơn vị báo cáo trong tổng tài sản thuần của hoạt động nước ngoài đó.

Đồng tiền báo cáo: Là đơn vị tiền tệ được sử dụng để trình bày báo cáo tài chính.

Tỷ giá hối đoái giao ngay: Là tỷ giá hối đoái được giao dịch ngay lập tức.

Giải thích chi tiết các định nghĩa

Đồng tiền chức năng

9. Môi trường kinh tế chủ yếu mà đơn vị hoạt động thường là môi trường mà trong đó đơn vị phát sinh phần lớn các khoản thu, chi. Đơn vị xem xét các nhân tố sau đây trong việc xác định đồng tiền chức năng của mình:

(a) Đơn vị tiền tệ

(i) Mà ảnh hưởng chính đến giá bán hàng hóa và dịch vụ (thông thường sẽ là đơn vị tiền tệ mà giá bán hàng hóa và dịch vụ được niêm yết và thanh toán); và

(ii) Của đất nước mà những quy định về cạnh tranh của nó xác định chủ yếu đến giá bán của hàng hóa và dịch vụ.

(b) Đơn vị tiền tệ mà ảnh hưởng chính đến chi phí nhân công, nguyên vật liệu và các chi phí khác của quá trình cung cấp hàng hóa và dịch vụ (thông thường chính là đơn vị tiền tệ mà các khoản chi phí này được xác định và thanh toán)

10. Các nhân tố sau đây cũng có thể cung cấp bằng chứng về đồng tiền chức năng của đơn vị:

(a) Đơn vị tiền tệ sử dụng trong hoạt động tài trợ vốn (ví dụ phát hành công cụ nợ và vốn chủ sở hữu).

(b) Đơn vị tiền tệ trong khoản thu thường xuyên được giữ lại từ hoạt động kinh doanh.

11. Các nhân tố bổ sung sau đây cũng được xem xét trong việc xác định đồng tiền chức năng của hoạt động nước ngoài, và liệu hoạt động nước ngoài có cùng đồng tiền chức năng với đơn vị báo cáo hay không (đơn vị báo cáo trong trường hợp này là đơn vị mà có hoạt động nước ngoài là công ty con, chi nhánh, công ty liên kết hay thỏa thuận liên doanh của đơn vị):

(a) Liệu hoạt động nước ngoài có được thực hiện như là một sự mở rộng của đơn vị báo cáo, thay vì được thực hiện với mức độ tự chủ đáng kể. Ví dụ cho sự mở rộng của đơn vị báo cáo là trường hợp hoạt động nước ngoài chỉ bán hàng hóa nhập khẩu từ đơn vị báo cáo và chuyển tiền thu được cho đơn vị báo cáo. Ví dụ của mức độ tự chủ đáng kể là trường hợp hoạt động nước ngoài tích lũy tiền và các khoản mục tiền tệ khác, phát sinh chi phí, tạo ra thu nhập và sắp xếp các khoản vay, tất cả đều được thực hiện chủ yếu bởi đồng tiền của quốc gia đó.

(b) Liệu các giao dịch với đơn vị báo cáo chiếm tỷ trọng cao hay thấp trong các hoạt động nước ngoài

(c) Liệu dòng tiền từ hoạt động nước ngoài có ảnh hưởng trực tiếp đến dòng tiền của đơn vị báo cáo và khả năng sẵn sàng chuyển tiền về đơn vị báo cáo hay không

(d) Liệu dòng tiền từ hoạt động nước ngoài có đủ để để thanh toán các nghĩa vụ nợ hiện tại và các khoản nợ được dự kiến một cách thông thường mà không cần sự hỗ trợ tài chính bởi đơn vị báo cáo hay không.

12. Khi các nhân tố ở trên bị lẫn vào nhau và đồng tiền chức năng là không rõ ràng, Ban Giám đốc sẽ sử dụng xét đoán của mình để xác định đồng tiền chức năng mà phản ánh một cách tin cậy nhất các tác động kinh tế của các giao dịch, sự kiện và điều kiện chính của đơn vị. Là một phần của cách tiếp cận này, Ban Giám đốc ưu tiên xem xét các nhân tố chính của đoạn 9 trước khi xem xét các nhân tố của đoạn 10 và 11, mà được thiết kế để cung cấp thêm bằng chứng trong việc xác định đồng tiền chức năng của đơn vị.

13. Đồng tiền chức năng của đơn vị báo cáo phản ánh các giao dịch, sự kiện và điều kiện chính liên quan đến đơn vị. Theo đó, một khi đã được xác định, đồng tiền chức năng sẽ không được thay đổi trừ khi có sự thay đổi trong những giao dịch, sự kiện và điều kiện nền tảng của đơn vị.

14. Nếu đồng tiền chức năng là đồng tiền của nền kinh tế siêu lạm phát, thì báo cáo tài chính của đơn vị phải được trình bày lại theo quy định của IAS 29 Lập báo cáo tài chính trong điều kiện nền kinh tế siêu lạm phát. Ví dụ một đơn vị không thể tránh khỏi việc trình bày lại báo cáo tài chính theo IAS 29 bằng cách chấp nhận đồng tiền chức năng của đơn vị là loại tiền tệ không phải là đồng tiền chức năng được xác định theo Chuẩn mực này (ví dụ đồng tiền chức năng của công ty mẹ)

Đầu tư thuần vào hoạt động nước ngoài

15. Một đơn vị có thể có các khoản mục tiền tệ là khoản phải thu (từ) hoặc phải trả (cho) hoạt động nước ngoài. Một khoản mục mà việc thanh toán không được lên kế hoạch cũng như không có khả năng xảy ra trong tương lai gần, về bản chất, là một phần của khoản đầu tư thuần của đơn vị vào hoạt động nước ngoài, và được kế toán theo đoạn 32 và 33. Những khoản mục tiền tệ đó có thể bao gồm các khoản phải thu dài hạn hoặc các khoản vay. Chúng không bao gồm các khoản phải thu thương mại hoặc phải trả thương mại.

15A. Đơn vị có khoản mục tiền tệ là khoản phải thu (từ) hoặc khoản phải trả (cho) hoạt động nước ngoài được mô tả ở đoạn 15 có thể là một công ty con trong tập đoàn. Ví dụ, đơn vị có hai công ty con, A và B. Công ty con B là hoạt động nước ngoài. Công ty con A cấp một khoản vay cho Công ty con B. Khoản cho vay mà Công ty con A phải thu từ Công ty con B sẽ là một phần của khoản đầu tư thuần của đơn vị vào Công ty con B nếu việc thanh toán của khoản vay này không được lên kế hoạch cũng không có khả năng xảy ra trong tương lai gần. Điều này cũng đúng nếu bản thân Công ty con B là một hoạt động nước ngoài.

Khoản mục tiền tệ

16. Đặc điểm cơ bản của khoản mục tiền tệ là quyền nhận (hoặc nghĩa vụ phải trả) một lượng tiền cố định hoặc có thể xác định được. Ví dụ: lương hưu và các lợi ích khác của của người lao động được trả bằng tiền; các khoản dự phòng nợ phải trả được thanh toán bằng tiền; nợ thuê tài sản; và cổ tức bằng tiền mà được ghi nhận là một khoản nợ phải trả. Tương tự, một hợp đồng cam kết nhận (hoặc giao) một số lượng biến đổi (variable) các công cụ vốn chủ sở hữu của đơn vị hoặc một số lượng biến đổi tài sản trong đó giá trị hợp lý được nhận (hoặc được giao) là một lượng tiền cố định hoặc có thể xác định được là một khoản mục tiền tệ. Ngược lại, đặc tính cơ bản của khoản mục phi tiền tệ là không có quyền nhận (hoặc nghĩa vụ phải trả) một số tiền cố định hoặc có thể xác định được. Ví dụ: các khoản trả trước cho hàng hóa và dịch vụ; lợi thế thương mại; tài sản vô hình, hàng tồn kho; bất động sản, nhà xưởng và thiết bị; quyền sử dụng tài sản; và dự phòng phải trả mà sẽ được thanh toán bằng việc chuyển giao tài sản phi tiền tệ.

Tổng hợp phương pháp tiếp cận được yêu cầu bởi Chuẩn mực này

17. Trong quá trình lập báo cáo tài chính, mỗi đơn vị – dù là một thực thể độc lập, một đơn vị với các hoạt động nước ngoài (ví dụ công ty mẹ) hay một hoạt động nước ngoài (ví dụ một công ty con hoặc chi nhánh) – đều phải xác định đồng tiền chức năng của mình theo quy định từ đoạn 9 – 14. Đơn vị phải quy đổi các khoản mục có gốc ngoại tệ sang đồng tiền chức năng và báo cáo ảnh hưởng của việc chuyển đổi này theo quy định từ đoạn 20 – 37 và đoạn 50.

18. Nhiều đơn vị báo cáo bao gồm một số các thực thể riêng biệt (ví dụ một tập đoàn được lập nên bởi công ty mẹ và một hoặc nhiều công ty con). Nhiều loại thực thể, hay nói cách khác cho dù là thành viên của một tập đoàn, có thể có các khoản đầu tư vào công ty liên kết hoặc thỏa thuận chung. Họ có thể có các chi nhánh. Điều cần thiết là kết quả và tình hình tài chính của mỗi thực thể riêng biệt được gộp vào đơn vị báo cáo sẽ được quy đổi sang đơn vị tiền tệ mà đơn vị báo cáo trình bày báo cáo tài chính của mình. Chuẩn mực này cho phép đồng tiền báo cáo của đơn vị báo cáo là bất kỳ loại tiền tệ nào (hoặc các loại tiền tệ). Kết quả và tình hình tài chính của bất kỳ thực thể riêng lẻ nào trong đơn vị báo cáo mà đồng tiền chức năng của nó khác với đồng tiền báo cáo đều phải được quy đổi theo quy định từ đoạn 38 – 50.

19. Chuẩn mực này cho phép các đơn vị độc lập lập báo cáo tài chính hoặc một đơn vị lập báo cáo tài chính riêng theo quy định của IAS 27 Báo cáo tài chính riêng để trình bày báo cáo tài chính của mình theo bất kỳ đơn vị tiền tệ nào (hoặc các loại tiền tệ). Nếu đồng tiền báo cáo của đơn vị khác với đồng tiền chức năng, kết quả và tình hình tài chính của đơn vị cũng phải được quy đổi sang đồng tiền báo cáo theo quy định từ đoạn 38 – 50.

Báo cáo các giao dịch bằng ngoại tệ theo đồng tiền chức năng

Ghi nhận ban đầu

20. Một giao dịch bằng ngoại tệ là giao dịch được xác định hoặc yêu cầu thanh toán bằng ngoại tệ, bao gồm các giao dịch phát sinh khi một đơn vị:

(a) Mua hoặc bán hàng hóa hoặc dịch vụ mà giá của nó được niêm yết bằng đồng ngoại tệ;

(b) Vay hoặc cho vay các khoản tiền mà số phải trả hoặc phải thu được xác định bằng đồng ngoại tệ; hoặc

(c) Mua sắm hoặc thanh lý tài sản, phát sinh hoặc thanh toán các nghĩa vụ nợ, được xác định bằng đồng ngoại tệ

21. Giao dịch bằng ngoại tệ được ghi nhận ban đầu theo đồng tiền chức năng, giá trị được xác định bằng cách áp dụng tỷ giá hối đoái giao ngay giữa đồng tiền chức năng và đồng ngoại tệ tại ngày giao dịch

22. Ngày của giao dịch là ngày mà giao dịch lần đầu tiên thỏa mãn điều kiện ghi nhận theo quy định của IFRSs. Vì lý do thực tiễn, tỷ giá xấp xỉ tỷ giá thực tế tại ngày giao dịch thường được sử dụng, ví dụ tỷ giá trung bình trong một tuần hoặc một tháng có thể được sử dụng cho tất cả các giao dịch phát sinh trong kỳ cho mỗi loại ngoài tệ. Tuy nhiên, nếu tỷ giá hối đoái biến động đáng kể, thì việc sử dụng tỷ giá trung bình trong kỳ sẽ không phù hợp.

Báo cáo tại ngày kết thúc của kỳ báo cáo tiếp theo

23. Tại ngày kết thúc của mỗi kỳ báo cáo:

(a) Các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ phải được quy đổi theo tỷ giá hối đoái cuối kỳ;

(b) Các khoản mục phi tiền tệ mà được xác định theo nguyên tắc giá gốc bằng ngoại tệ sẽ được quy đổi theo tỷ giá hối đoái tại ngày giao dịch; và

(c) Các khoản mục phi tiền tệ mà được xác định theo giá trị hợp lý bằng ngoại tệ sẽ được quy đổi theo tỷ giá hối đoái tại ngày mà giá trị hợp lý được xác định.

24. Giá trị ghi sổ của một khoản mục được xác định kết hợp với quy định của các chuẩn mực có liên quan. Ví dụ, bất động sản, nhà xưởng và thiết bị có thể được xác định theo giá trị hợp lý hoặc giá gốc theo quy định của IAS 16 Bất động sản, Nhà xưởng và Thiết bị. Cho dù giá trị ghi sổ được xác định trên cơ sở giá gốc hay giá trị hợp lý, nếu giá trị được xác định bằng ngoại tệ thì phải chuyển đổi sang đồng tiền chức năng theo quy định của Chuẩn mực này.

25. Giá trị ghi sổ của một số khoản mục được xác định bằng cách so sánh hai hay nhiều giá trị. Ví dụ, giá trị ghi sổ của hàng tồn kho là giá trị thấp hơn giữa giá gốc và giá trị thuần có thể thực hiện được theo quy định của IAS 2 Hàng tồn kho. Tương tự, trong quy định của IAS 36 Suy giảm giá trị tài sản, giá trị ghi sổ của tài sản mà có dấu hiệu suy giảm là giá trị thấp hơn giữa giá trị còn lại trước khi xem xét các khoản lỗ do suy giảm giá trị và giá trị có thể thu hồi của tài sản đó. Nếu tài sản đó là phi tiền tệ và được xác định bằng ngoại tệ, giá trị còn lại được xác định bằng cách so sánh:

(a) Giá gốc hoặc giá trị ghi sổ, theo từng trường hợp phù hợp, được quy đổi tại ngày mà giá trị được xác định (ví dụ với khoản mục được xác định theo nguyên tắc giá gốc, tỷ giá được xác định tại ngày giao dịch); và

(b) Giá giá thuần có thể thực hiện được hoặc giá trị có thể thu hồi, theo từng trường hợp phù hợp, được quy đổi theo tỷ giá tại ngày mà giá trị được xác định (ví dụ tỷ giá hối đoái cuối kỳ của kỳ báo cáo).

Ảnh hưởng của việc so sánh này có thể dẫn đến một khoản lỗ do suy giảm giá trị được ghi nhận theo đồng tiền chức năng nhưng không được ghi nhận theo ngoại tệ hoặc ngược lại.

26. Khi có nhiều tỷ giá hối đối khác nhau, tỷ giá được sử dụng là tỷ giá mà các dòng tiền trong tương lai được phản ánh bởi các giao dịch hoặc số dư có thể được thanh toán nếu dòng tiền đó phát sinh tại ngày xác định giá trị. Nếu tạm thời thiếu các giao dịch hối đoái giữa hai đơn vị tiền tệ, tỷ giá hối đoái được sử dụng sẽ là tỷ giá giao dịch hối đoái đầu tiên phát sinh ngay sau giao dịch đó.

Ghi nhận chênh lệch tỷ giá hối đoái

27. Như đã lưu ý tại đoạn 3(a) và 5, IFRS 9 áp dụng cho kế toán phòng ngừa rủi ro đối với các khoản mục bằng ngoại tệ. Việc áp dụng kế toán phòng ngừa rủi ro yêu cầu đơn vị phải hạch toán các khoản chênh lệch tỷ giá hối đoái khác với việc xử lý các chênh lệch tỷ giá theo quy định của Chuẩn mực này. Ví dụ, IFRS 9 yêu cầu rằng chênh lệch tỷ giá hối đoái đối với các khoản mục tiền tệ mà thỏa mãn là các công cụ phòng ngừa rủi ro trong phòng ngừa rủi ro dòng tiền được ghi nhận ban đầu trên báo cáo thu nhập toàn diện khác trong phạm vi công cụ phòng ngừa rủi ro có hiệu lực.

28. Chênh lệch tỷ giá hối đoái phát sinh khi thanh toán các khoản mục tiền tệ hoặc khi quy đổi các khoản mục tiền tệ theo tỷ giá khác với tỷ giá được quy đổi theo ghi nhận ban đầu trong kỳ kế toán hoặc trên báo cáo tài chính kỳ trước sẽ được ghi nhận vào Báo cáo lãi hoặc lỗ trong kỳ phát sinh, ngoại trừ các quy định tại đoạn 32.

29. Chênh lệch tỷ giá hối đoái phát sinh khi có sự thay đổi trong tỷ giá hối đoái giữa ngày giao dịch và ngày thanh toán của các khoản mục tiền tệ phát sinh từ các giao dịch bằng ngoại tệ. Khi giao dịch được thanh toán trong cùng một kỳ kế toán mà nó phát sinh, tất cả chênh lệch tỷ giá hối đoái được ghi nhận ngay trong kỳ đó. Tuy nhiên, khi giao dịch được thanh toán trong kỳ kế toán tiếp theo, chênh lệch tỷ giá hối đoái được ghi nhận trong từng kỳ cho đến ngày thanh toán được xác định bằng sự thay đổi của tỷ giá hối đoái trong mỗi kỳ.

30. Khi lãi hoặc lỗ của khoản mục phi tiền tệ được ghi nhận trên báo cáo thu nhập toàn diện khác, thì bất kỳ thành phần chênh lệch tỷ giá hối đoái của khoản lãi hoặc lỗ đó cũng sẽ được ghi nhận vào báo cáo thu nhập toàn diện khác. Ngược lại, khi một khoản lãi hoặc lỗ từ khoản mục phi tiền tệ được ghi nhận trên báo cáo lãi hoặc lỗ, thì bất kỳ thành phần chênh lệch tỷ giá hối đoái của khoản đó cũng sẽ được ghi nhận trên báo cáo lãi hoặc lỗ

31. Các IFRS khác yêu cầu một số khoản lãi hoặc lỗ phải được ghi nhận vào báo cáo thu nhập toàn diện khác. Ví dụ IAS 16 yêu cầu một số khoản lãi hoặc lỗ phát sinh từ việc đánh giá lại bất động sản, nhà xưởng và thiết bị phải được ghi nhận trên báo cáo thu nhập toàn diện khác. Khi tài sản đó được xác định bằng ngoại tệ, đoạn 23(c) của Chuẩn mực này yêu cầu giá trị được đánh giá lại phải được quy đổi theo tỷ giá tại ngày giá trị được xác định, dẫn đến chênh lệch tỷ giá hối đoái cũng được ghi nhận trên báo cáo thu nhập toàn diện khác.

32. Chênh lệch tỷ giá phát sinh đối với khoản mục tiền tệ mà hình thành một phần của khoản đầu tư của đơn vị báo cáo vào hoạt động nước ngoài (xem đoạn 15) được ghi nhận vào báo cáo lãi hoặc lỗ trên báo cáo tài chính riêng của đơn vị báo cáo hoặc báo cáo tài chính của hoạt động nước ngoài, cho phù hợp. Trên báo cáo tài chính mà bao gồm cả hoạt động nươc ngoài và đơn vị báo cáo (ví dụ báo cáo tài chính hợp nhất khi hoạt động nước ngoài là một công ty con), khoản chênh lệch tỷ giá hối đoái đó sẽ được ghi nhận ban đầu trên báo cáo thu nhập toàn diện khác và được phân loại lại từ vốn chủ sở hữu sang lãi hoặc lỗ khi thanh lý các khoản đầu tư thuần theo quy định ở đoạn 48.

33. Khi một khoản mục tiền tệ hình thành nên một phần của khoản đầu tư thuần vào hoạt động nước ngoài và được xác định theo đồng tiền chức năng của đơn vị báo cáo, thì khoản chênh lệch tỷ giá hối đoái phát sinh trên báo cáo tài chính riêng của hoạt động nước ngoài theo quy định ở đoạn 28. Nếu khoản mục đó được xác định theo đồng tiền chức năng của hoạt động nước ngoài, thì khoản chênh lệch tỷ giá hối đoái phát sinh trên báo cáo tài chính riêng của đơn vị báo cáo theo quy định tại đoạn 28. Nếu khoản mục đó được xác định bằng đồng tiền không phải đồng tiên chức năng của đơn vị báo cáo hoặc hoạt động nước ngoài, chênh lệch tỷ giá phát sinh trên báo cáo tài chính riêng của đơn vị báo cáo và báo cáo tái chính của hoạt động nước ngoài theo quy định tại đoạn 28. Các khoản chênh lệch tỷ giá hối đoái này được ghi nhận trên báo cáo thu nhập toàn diện khác trong báo cáo tài chính mà bao gồm cả hoạt động nước ngoài và đơn vị báo cáo (ví dụ báo cáo tài chính mà hoạt động nước ngoài được hợp nhất hoặc kế toán sử dụng phương pháp vốn chủ sở hữu)

34. Khi một đơn vị lưu giữ và ghi sổ kế toán bằng đơn vị tiền tệ không phải là đồng tiền chức năng của nó, tại thời điểm mà đơn vị lập báo cáo tài chính tất cả các khoản mục được quy đổi sang đồng tiền chức năng theo quy định tại đoạn 20 – 26. Các khoản mục này sau khi quy đổi theo đồng tiền chức năng sẽ có giá trị tương đương như được ghi nhận ban đầu theo đồng tiền chức năng. Ví dụ, các khoản mục tiền tệ được quy đổi theo đồng tiền chức năng sử dụng tỷ giá hối đoái cuối kỳ, và khoản mục phi tiền tệ được xác định theo giá gốc được quy đổi theo tỷ giá hối đoái tại ngày phát sinh giao dịch.

Thay đổi đồng tiền chức năng

35. Khi có sự thay đổi đồng tiền chức năng của mình, đơn vị sẽ phải áp dụng phi hồi tố các thủ tục chuyển đổi sang đồng tiền chức năng mới kể từ ngày thay đổi.

36. Như đã lưu ý ở đoạn 13, đồng tiền chức năng của đơn vị phản ánh các giao dịch, sự kiện và điều kiện cơ bản liên quan đến đơn vị. Theo đó, một khi đồng tiền chức năng được xác định, nó có thể được thay đổi chỉ khi có sự thay đổi của các giao dịch, sự kiện và điều kiện cơ bản đó. Ví dụ, một sự thay đổi trong đơn vị tiền tệ mà ảnh hưởng chính đến giá hàng hóa và dịch vụ có thể dẫn đến sự thay đổi đồng tiền chức năng của đơn vị.

37. Ảnh hưởng của việc thay đổi đồng tiền chức năng được kế toán một cách phi hồi tố. Nói cách khác, đơn vị quy đổi tất cả các khoản mục sang đồng tiền chức năng mới theo tỷ giá hối đoái tại ngày thay đổi. Giá trị các khoản mục phi tiền tệ sau khi quy đổi được xử lý như là giá gốc của các khoản mục này. Chênh lệch tỷ giá phát sinh từ việc quy đổi báo cáo của hoạt động nước ngoài trước đó đã được ghi nhận trên báo cáo thu nhập toàn diện khác theo quy định tại đoạn 32 và đoạn 39(c) không được phân loại lại từ vốn chủ sở hữu sang báo cáo lãi hoặc lỗ cho đến khi thanh lý hoạt động đó.

Sử dụng đồng tiền báo cáo khác với đồng tiền chức năng

Quy đổi sang đồng tiền báo cáo

38. Đơn vị có thể trình bày báo cáo tài chính của mình bằng bất cứ một (hoặc các) đơn vị tiền tệ nào. Nếu đồng tiền báo cáo khác so với đồng tiền chức năng của đơn vị, đơn vị phải quy đổi kết quả và tình hình tài chính sang đồng tiền báo cáo. Ví dụ, khi một tập đoàn bao gồm nhiều đơn vị độc lập với các đồng tiền chức năng khác nhau, kết quả và tình hình tài chính của mỗi đơn vị được trình bày theo đồng tiền chung mà báo cáo tài chính hợp nhất được trình bày.

39. Kết quả và tình hình tài chính của một đơn vị mà đồng tiền chức năng của nó không phải là đồng tiền của nền kinh tế siêu lạm phát sẽ được quy đổi sang đồng tiền báo cáo khác theo các thủ tục sau:

(a) Tài sản và nợ phải trả trên báo cáo tình hình tài chính (bao gồm số liệu so sánh) sẽ được quy đổi theo tỷ giá hối đoái tại ngày lập báo cáo tình hình tài chính;

(b) Thu nhập và chi phí trên báo cáo lãi hoặc lỗ và báo cáo thu nhập toàn diện khác (bao gồm số liệu so sánh) sẽ được quy đổi theo tỷ giá hối đoái tại ngày giao dịch; và

(c) Tất cả các khoản chênh lệch tỷ giá hối đoái phát sinh khi quy đổi được ghi nhận vào báo cáo thu nhập toàn diện khác.

40. Vì lý do thực tiễn hoạt động, tỷ giá mà xấp xỉ tỷ giá hối đoái tại ngày giao dịch, ví dụ tỷ giá trung bình trong kỳ, thường được sử dụng để quy đổi các khoản mục thu nhập và chi phí. Tuy nhiên, nếu tỷ giá hối đoái biến động đáng kể, việc sử dụng tỷ giá trung bình trong kỳ không còn hợp lý.

41. Chênh lệch tỷ giá hối đoái được đề cập ở đoạn 39(c) phát sinh do:

(a) Quy đổi các khoản thu nhập và chi phí theo tỷ giá hối đoái tại ngày giao dịch, quy đổi tài sản và nợ phải trả theo tỷ giá hối đoái cuối kỳ.

(b) Quy đổi tài sản thuần đầu kỳ theo tỷ giá hối đoái cuối kỳ mà khác với tỷ giá hối đoái cuối kỳ trước.

Các khoản chênh lệch tỷ giá hối đoái này không được ghi nhận vào báo cáo lãi hoặc lỗ bởi vì những thay đổi trong tỷ giá hối đoái ít hoặc không ảnh hưởng trực tiếp đến dòng tiền hiện tại và tương lai phát sinh từ các hoạt động kinh doanh. Giá trị lũy kế của các khoản chênh lệch tỷ giá hối đoái được trình bày ở một chỉ tiêu riêng thuộc phần vốn chủ sở hữu cho đến khi thanh lý hoạt động nước ngoài. Khi chênh lệch tỷ giá liên quan đến hoạt động nước ngoài mà được hợp nhất nhưng không được sở hữu toàn bộ, chênh lệch tỷ giá hối đoái lũy kế phát sinh từ việc quy đổi tiền tệ và thuộc về lợi ích của cổ đông không kiểm soát được phân bổ và ghi nhận như một phần lợi ích của cổ đông không kiểm soát trên báo cáo tình hình tài chính hợp nhất.

42. Kết quả và tình hình tài chính của đơn vị mà đồng tiền chức năng là đồng tiền của nền kinh tế siêu lạm phát sẽ được quy đổi sang đồng tiền báo cáo khác theo các thủ tục sau đây:

(a) Tất cả các khoản mục (tài sản, nợ phải trả, vốn chủ sở hữu, thu nhập và chi phí, bao gồm cả số liệu so sánh) sẽ được quy đổi theo tỷ giá cuối kỳ tại ngày lập báo cáo tình hình tài chính gần nhất, ngoại trừ

(b) Khi các khoản mục được quy đổi sang đồng tiền của nền kinh tế không phải siêu lạm phát, các số liệu so sánh sẽ là những số được trình bày là số liệu năm hiện tại trên báo cáo tài chính năm trước có liên quan (nghĩa là không điều chỉnh cho những thay đổi tiếp theo về mức giá hoặc những thay đổi tiếp theo về tỷ giá hối đoái)

43. Khi đồng tiền chức năng của đơn vị là đồng tiền của nền kinh tế siêu lạm phát, đơn vị sẽ phải trình bày lại báo cáo tài chính của mình theo quy định của IAS 29 trước khi áp dụng phương pháp quy đổi được quy định ở đoạn 42, ngoại trừ các số liệu so sánh mà đã được quy đổi sang đồng tiền của nền kinh tế không phải siêu lạm phát (xem đoạn 42(b)). Khi nền kinh tế dừng siêu lạm phát và đơn vị không còn trình bày lại báo cáo tài chính của mình theo quy định của IAS 29, đơn vị sẽ sử dụng giá gốc để quy đổi sang đồng tiền báo cáo số tiền được trình bày lại theo (to the price level) mức giá tại ngày đơn vị dừng việc trình bày lại báo cáo tài chính của mình.

Quy đổi tiền tệ của hoạt động nước ngoài

44. Đoạn 45-47, bổ sung đoạn 38-43, áp dụng khi kết quả và tình hình tài chính của hoạt động nước ngoài được quy đổi sang đồng tiền báo cáo cho mục đích hợp nhất báo cáo tài chính hoặc áp dụng phương pháp vốn chủ sở hữu.

45. Việc hợp nhất kết quả và tình hình tài chính của hoạt động nước ngoài với báo cáo của đơn vị tuân theo các thủ tục hợp nhất thông thường, ví dụ như loại trừ các số dư nội bộ và các giao dịch nội bộ của công ty con (xem IFRS 10 Báo cáo tài chính hợp nhất). Tuy nhiên, tài sản tiền tệ nội bộ (nợ phải trả tiền tệ nội bộ), dù ngắn hạn hay dài hạn, không thể được loại trừ với khoản nợ phải trả nội bộ (tài sản nội bộ) tương ứng mà không chỉ ra kết quả của việc biến động tiền tệ trên báo cáo tài chính hợp nhất. Điều này là do khoản mục tiền tệ trình bày một cam kết chuyển đổi một loại tiền tệ này sang loại tiền tệ khác và phát sinh các khoản lãi hoặc lỗ của đơn vị báo cáo thông qua biến động tỷ giá hối đoái giữa các loại tiền tệ. Theo đó, trong báo cáo tài chính hợp nhất của đơn vị báo cáo, chênh lệch tỷ giá hối đoái từ các khoản mục này được ghi nhận trên báo cáo lãi hoặc lỗ, hoặc nếu chênh lệch tỷ giá phát sinh trong những trường hợp của đoạn 32 thì được ghi nhận trên báo cáo thu nhập toàn diện khác và được phản ánh lũy kế trên một chỉ tiêu riêng biệt của phần vốn chủ sỡ hữu cho đến khi thanh lý hoạt động nước ngoài.

46. Khi báo cáo tài chính của hoạt động nước ngoài tại ngày khác với ngày của đơn vị báo cáo, thông thường hoạt động nước ngoài sẽ lập báo cáo tài chính bổ sung cùng ngày với báo cáo tài chính của đơn vị báo cáo. Khi điều này không được thực hiện, IFRS 10 cho phép sử dụng một ngày khác với điều kiện chênh lệch không quá ba tháng và các điều chỉnh cho ảnh hưởng của bất kỳ giao dịch hay sự kiện trọng yếu nào xảy ra trong khoảng thời gian đó phải được thực hiện. Các điều chỉnh được lập cho những thay đổi đáng kể trong tỷ giá hối đoái tại ngày cuối kỳ báo cáo của đơn vị báo cáo áp dụng theo quy định của IFRS 10. Cách tiếp cận tương tự được sử dụng khi áp dụng phương pháp vốn chủ sở hữu đối với công ty liên kết, liên doanh theo IAS 28 (đã sử đổi vào năm 2011)

47. Bất kỳ khoản lợi thế thương mại nào phát sinh từ việc mua lại một hoạt động nước ngoài và bất kỳ khoản điều chỉnh giá trị hợp lý nào đối với giá trị ghi sổ của tài sản và nợ phải trả phát sinh từ việc mua lại hoạt động nước ngoài đó sẽ được xử lý là tài sản và nợ phải trả của hoạt động nước ngoài. Vì thế, chúng sẽ được trình bày bằng đồng tiền chức năng của hoạt động nước ngoài và được quy đổi theo tỷ giá hối đoái cuối kỳ theo quy định tại đoạn 39 và 42.

Thanh lý hoặc thanh lý một phần hoạt động nước ngoài

48. Khi thanh lý hoạt động nước ngoài, giá trị lũy kế của các khoản chênh lệch tỷ giá hối đoái liên quan đến hoạt động nước ngoài, mà được ghi nhận trên báo cáo thu nhập toàn diện khác và được lũy kế trên khoản mục riêng thuộc vốn chủ sở hữu, sẽ được phân loại lại từ vốn chủ sở hữu sang báo cáo lãi hoặc lỗ (như là việc điều chỉnh phân loại lại) vào kỳ mà khoản lãi hoặc lỗ từ việc thanh lý được ghi nhận (xem IAS 1 Trình bày Báo cáo tài chính (đã được chỉnh sửa vào năm 2007)).

48A. Ngoài trường hợp thanh lý toàn bộ lợi ích của đơn vị báo cáo vào hoạt động nước ngoài, các giao dịch thanh lý một phần sau đây được kế toán như là thanh lý toàn bộ:

(a) Khi việc thanh lý một phần bao gồm mất quyền kiểm soát công ty con có hoạt động nước ngoài, bất kể trường hợp sau thanh lý một phần đơn vị vẫn còn giữ lợi ích không kiểm soát đối với công ty con trước đây; và

(b) Khi lợi ích còn lại sau thanh lý một phần lợi ích trong thỏa thuận chung hoặc thanh lý một phần lợi ích trong công ty liên kết có hoạt động nước ngoài giảm xuống là tài sản tài chính mà có hoạt động nước ngoài.

48B. Khi thanh lý một công ty con mà có hoạt động nước ngoài, giá trị lũy kế của các khoản chênh lệch tỷ giá hối đoái liên quan đến hoạt động nước ngoài mà thuộc về lợi ích cổ đông không kiểm soát sẽ được dừng ghi nhận, nhưng không được phân loại lại sang báo cáo lãi hoặc lỗ.

48C. Khi thanh lý một phần công ty con mà có hoạt động nước ngoài, đơn vị sẽ quy lại/tính lại (re-attribute) tỷ lệ tương ứng của số lũy kế của các khoản chênh lệch tỷ giá hối đoái mà được ghi nhận trên báo cáo thu nhập toàn diện khác sang phần lợi ích cổ đông không kiểm soát trong hoạt động nước ngoài đó. Trong các trường hợp thanh lý một phần hoạt động nước ngoài khác, đơn vị sẽ phải phân loại lại sang báo cáo lãi hoặc lỗ chỉ phần tương ứng số lũy kế của các khoản chênh lệch tỷ giá được ghi nhận trên báo cáo thu nhập toàn diện khác.

48D. Giao dịch thanh lý một phần lợi ích của đơn vị trong hoạt động nước ngoài là bất kỳ việc giảm lợi ích chủ sở hữu trong hoạt động nước ngoài, ngoại trừ trường hợp giảm được quy định tại đoạn 48A mà được kế toán như thanh lý toàn bộ.

49. Một đơn vị có thể thanh lý toàn bộ hoặc thanh lý một phần lợi ích của mình trong hoạt động nước ngoài thông qua giao dịch bán, thanh lý, hoàn trả vốn cổ phần hoặc từ bỏ tất cả hoặc một phần lợi ích của đơn vị đó. Việc ghi giảm giá trị ghi sổ của hoạt động nước ngoài, vì lý do các khoản lỗ của chính hoạt động nước ngoài đó hoặc vì sự suy giảm giá trị được ghi nhận bởi nhà đầu tư, không cấu thành nên giao dịch thanh lý một phần. Theo đó, không có phần lãi hoặc lỗ chênh lệch tỷ giá nào được ghi nhận trên báo cáo thu nhập toàn diện khác được phân loại lại là lãi hoặc lỗ tại thời điểm ghi giảm.

Ảnh hưởng về thuế của tất cả các khoản chênh lệch tỷ giá hối đoái

50. Lãi hoặc lỗ từ các giao dịch có gốc ngoại tệ và chênh lệch tỷ giá hối đoái phát sinh từ việc quy đổi kết quả và tình hình tài chính của đơn vị (bao gồm hoạt động nước ngoài) sang đơn vị tiền tệ khác có thể có ảnh hưởng về thuế. IAS 12 Thuế thu nhập doanh nghiệp áp dụng đối với các ảnh hưởng này.

Trình bày công bố

51. Trong đoạn 53 và đoạn 55-57 đề cập đến “đồng tiền chức năng” áp dụng đồng tiền chức năng của công ty mẹ, trong trường hợp tập đoàn.

52. Một đơn vị sẽ phải công bố:

(a) Số chênh lệch tỷ giá hối đoái được ghi nhận trên báo cáo lãi hoặc lỗ ngoại trừ các khoản lãi, lỗ phát sinh từ công cụ tài chính được xác định theo giá trị hợp lý thông qua báo cáo lãi hoặc lỗ theo quy định của IFRS 9; và

(b) Chênh lệch tỷ giá hối đoái thuần được ghi nhận trên báo cáo thu nhập toàn diện khác và được lũy kế là một khoản riêng biệt thuộc vốn chủ sở hữu, và đối chiếu số tiền chênh lệch tỷ giá hối đoái đó vào đầu kỳ và cuối kỳ.

53. Khi đồng tiền báo cáo khác với đồng tiền chức năng, thực tế đó phải được trình bày đồng thời với việc thuyết minh đồng tiền chức năng và lý do sử dụng đồng tiền báo cáo khác.

54. Khi có sự thay đổi đồng tiền chức năng của đơn vị báo cáo hoặc hoạt động nước ngoài quan trọng, sự thay đổi này và lý do thay đổi đồng tiền chức năng phải được công bố.

55. Khi đơn vị trình bày báo cáo tài chính của mình theo đồng tiền khác với đồng tiền chức năng, đơn vị sẽ phải mô tả báo cáo tài chính tuân thủ theo các IFRS chỉ khi đơn vị tuân thủ tất cả các yêu cầu của các IFRS bao gồm phương pháp quy đổi tiền tệ được nêu ở các đoạn 39 và 42.

56. Một đơn vị đôi khi sẽ trình bày báo cáo tài chính hoặc thông tin tài chính theo đơn vị tiền tệ không phải là đồng tiền chức năng của mình mà không đáp ứng được các yêu cầu của đoạn 55. Ví dụ, một đơn vị có thể chuyển đổi sang đơn vị tiền tệ khác chỉ một số khoản mục được chọn từ báo cáo tài chính của mình. Hoặc, một đơn vị mà đồng tiền chức năng của nó không phải là đồng tiền của nền kinh tế siêu lạm phát có thể chuyển đổi báo cáo tài chính sang đồng tiền khác bằng cách quy đổi tất cả các khoản mục theo tỷ giá hối đoái cuối kỳ gần nhất. Những sự chuyển đổi như vậy không tuân thủ theo quy định của các IFRS và những công bố được nêu tại đoạn 57 phải được tuân thủ.

57. Khi đơn vị trình bày báo cáo tài chính hoặc thông tin tài chính theo một đơn vị tiền tệ khác với đồng tiền chức năng hoặc đồng tiền báo cáo của mình và những yêu cầu tại đoạn 55 không được đáp ứng, đơn vị sẽ phải:

(a) Xác định rõ ràng thông tin là thông tin bổ sung để phân biệt thông tin đó với thông tin tuân thủ theo IFRS;

(b) Thuyết minh đơn vị tiền tệ dùng để trình bày thông tin bổ sung; và

(c) Thuyết minh đồng tiền chức năng của đơn vị và phương pháp quy đổi tiền tệ được sử dụng để xác định thông tin bổ sung.

Ngày hiệu lực và chuyển đổi

58. Đơn vị sẽ áp dụng Chuẩn mực này cho kỳ báo cáo năm bắt đầu hoặc sau ngày 01 tháng 01 năm 2005. Việc áp dụng sớm hơn được khuyến khích. Nếu đơn vị áp dụng Chuẩn mực này cho kỳ bắt đầu trước ngày 01 tháng 01 năm 2005, đơn vị sẽ phải công bố vấn đề này.

58A. Đầu tư thuần vào hoạt động nước ngoài (sửa đổi IAS 21), được ban hành vào tháng 12 năm 2005, bổ sung thêm đoạn 15A và sửa đổi đoạn 33. Đơn vị phải áp dụng những thay đổi này cho kỳ báo cáo năm bắt đầu hoặc sau ngày 01 tháng 01 năm 2006. Việc áp dụng sớm hơn được khuyến khích.

59. Đơn vị sẽ phải áp dụng phi hồi tố đoạn 47 cho tất cả các giao dịch mua sắm hoạt động nước ngoài xảy ra ngay sau thời điểm bắt đầu kỳ báo cáo tài chính mà Chuẩn mực này áp dụng lần đầu tiên. Chuẩn mực này cũng cho phép việc áp dụng hồi tố đoạn 47 cho những giao dịch mua sắm hoạt động nước ngoài trước đó. Đối với giao dịch mua một hoạt động nước ngoài được xử lý phi hồi tố nhưng giao dịch xảy ra trước ngày mà Chuẩn mực này được áp dụng lần đầu tiên, đơn vị sẽ không phải trình bày lại những năm trước đó và theo đó có thể, khi phù hợp, xử lý lợi thế thương mại và các khoản điều chỉnh giá trị hợp lý phát sinh từ hoạt động mua đó là tài sản và nợ phải trả của đơn vị chứ không phải là tài sản và nợ phải trả của hoạt động nước ngoài. Vì vậy, lợi thế thương mại và các khoản điều chỉnh giá trị hợp lý đó hoặc được trình bày theo đồng tiền chức năng của đơn vị hoặc là các khoản mục phi tiền tệ có gốc ngoại tệ, được báo cáo theo tỷ giá giao dịch tại ngày phát sinh giao dịch mua.

60. Tất cả các thay đổi khác phát sinh từ việc áp dụng Chuẩn mực này sẽ được kế toán theo quy định của IAS 8 Chính sách kế toán, Những thay đổi trong ước tính kế toán và sai sót kế toán.

60A. IAS 1 (đã được chỉnh sửa vào năm 2007) đã sửa đổi thuật ngữ được sử dụng trong suốt IFRS. Ngoài ra Chuẩn mực này đã sửa đoạn 27, 30-33, 37, 39, 41, 45, 48 và 52. Đơn vị sẽ phải áp dụng những sửa đồi đó cho kỳ báo cáo năm bắt đầu hoặc sau ngày 01 tháng 01 năm 2009. Nếu đơn vị áp dụng IAS 1 (chỉnh sửa năm 2007) cho kỳ báo cáo sớm hơn, những sửa đổi sẽ được áp dụng cho kỳ sớm hơn đó.

60B. IAS27 (đã được chỉnh sửa vào năm 2008) bổ sung thêm đoạn 48A-48D và sửa đổi đoạn 49. Đơn vị sẽ phải áp dụng phi hồi tố những sửa đồi này cho kỳ báo cáo năm bắt đầu hoặc sau ngày 01 tháng 7 năm 2009. Nếu đơn vị áp dụng IAS 27 (sửa đổi năm 2008) cho kỳ báo cáo sớm hơn, thì những sửa đồi sẽ được áp dụng cho kỳ sớm hơn đó.

60C. Đã xóa bỏ.

60D. Đoạn 60B đã được sửa bằng Các cải tiến đối với IFRS được ban hành vào tháng 5 năm 2010. Đơn vị sẽ phải áp dụng những thay đổi này cho kỳ báo cáo năm bắt đầu hoặc sau ngày 01 tháng 7 năm 2010. Việc áp dụng sớm hơn được cho phép.

60E. Đã xóa bỏ.

60F. IFRS 10 và IFRS 11 Thỏa thuận chung, được ban hành vào tháng 5 năm 2011, đã chỉnh sửa các đoạn 3(b), 8, 11, 18, 19, 33, 44-46 và 48A. Đơn vị sẽ phải áp dụng những thay đổi này khi họ áp dụng IFRS 10 và IFRS 11.

60G. IFRS 13, được ban hành vào tháng 5 năm 2011, đã sửa đổi định nghĩa giá trị hợp lý tại đoạn 8 và sửa đổi đoạn 23. Đơn vị sẽ phải áp dụng những sửa đổi này khi họ áp dụng IFRS 13.

60H. Trình bày các khoản mục của Báo cáo thu nhập toàn diện khác (những sửa đổi đối với IAS 1), được ban hành vào tháng 6 năm 2011, đã chỉnh sửa đoạn 39. Đơn vị sẽ áp dụng sự sửa đổi này khi áp dụng IAS 1 đã được sửa đổi vào tháng 6 năm 2011.

60I. Đã xóa bỏ.

60J. IFRS 9, được ban hành vào tháng 7 năm 2014, sửa đổi các đoạn 3, 4, 5, 27 và 52 và xóa bỏ đoạn 60C, 60E và 60I. Đơn vị sẽ phải áp dụng những thay đổi này khi áp dụng IFRS 9.

60K. IFRS 16 Hợp đồng thuê, được sửa đổi vào tháng 1 năm 2016, đã chỉnh sửa đoạn 16. Đơn vị sẽ phải áp dụng sự sửa đổi này khi họ áp dụng IFRS 16.

Các quy định đã hết hiệu lực

61. Chuẩn mực này thay thế IAS 21 Ảnh hưởng của việc thay đổi tỷ giá hối đoái (sửa đổi năm 1993)

62. Chuẩn mực này thay thế cho một số hướng dẫn sau đây:

(a) SIC-11 Ngoại hối – Vốn hóa các khoản lỗ phát sinh từ mất giá tiền tệ nghiêm trọng

(b) SIC-9 Báo cáo về Xác định giá trị tiền tệ và Trình bày Báo cáo tài chính theo IAS 21 và IAS 29; và

(c) SIC-30 Báo cáo về Quy đổi tiền tệ từ đồng tiền đo lường sang đồng tiền báo cáo.

Phụ lục

Sửa đổi những quy định khác

Những sửa đổi trong phụ lục này được áp dụng cho kỳ báo cáo năm bắt đầu hoặc sau ngày 01 tháng 01 năm 2005. Nếu đơn vị áp dụng Chuẩn mực này cho kỳ báo cáo sớm hơn, những sửa đổi này sẽ được áp dụng cho kỳ sớm hơn đó.

*****

Những thay đổi trong phụ lục này khi Chuẩn mực này được ban hành vào năm 2003 đã được đưa vào những quy định có liên quan được công bố trong ấn phẩm này.

Phê chuẩn bởi Ủy ban Chuẩn mực kế toán quốc tế cho IAS 21 được ban hành vào năm 2003

Chuẩn mực Kế toán quốc tế Số 21 Ảnh hưởng của Việc thay đổi tỷ giá hối đoái (được sửa đổi vào năm 2003) được phê chuẩn ban hành bởi mười bốn thành viên của Ủy ban Chuẩn mực Kế toán quốc tế.

Phê chuẩn bởi Ủy ban Chuẩn mực kế toán quốc tế cho Các khoản đầu tư thuần vào Hoạt động nước ngoài được ban hành vào tháng 12 năm 2005

Đầu tư thuần vào Hoạt động nước ngoài (Sửa đổi IAS 21) được phê chuẩn ban hành bởi mười bốn thành viên của Ủy ban Chuẩn mực Kế toán quốc tế.

Từ khóa » Chênh Lệch Tỷ Giá Trong Tiếng Anh