Judo - Bộ Môn Võ Thuật Nổi Tiếng ở Nhật Bản

Judo (hay: Nhu đạo) là một trong những bộ môn võ thuật nổi tiếng ở Nhật Bản. Với các đòn đánh dứt khoát có thể hạ gục đối thủ nhanh chóng, việc luyện tập Judo giúp người học có thể tự vệ, rèn luyện thể lực cũng như xây dựng tinh thần thượng võ cho bản thân.

Judo được dạy khắp mọi nơi trên đất nước Nhật Bản. Đây không chỉ là bộ môn võ thuật rèn luyện khả năng tự vệ mà còn là một hình thức nghệ thuật, hoạt động thể thao rèn luyện sức khỏe và tinh thần cho con người Nhật Bản nói riêng và của cả những người đang theo học bộ môn võ thuật này nói chung.

Japanese kodokan Judo là một trong những trường phái nổi tiếng và phổ biến nhất của bộ môn võ thuật Judo Nhật Bản.

Lịch sử Judo

Rất khó để xác định chính xác nguồn gốc của Judo nhưng về cơ bản võ thuật được sinh ra trong xã hội Samurai, và Judo là một trong số đó.

Ngày xưa, giới võ sĩ Sumuari phải thường xuyên rèn luyện sức khỏe để tham gia chiến trận và bảo vệ lâu đài, lãnh thổ của lãnh chúa. Võ thuật là lựa chọn hàng đầu để tăng cường sức mạnh và sự dẻo dai của các võ sĩ Samurai. Trong đó, phổ biến nhất là môn võ hay còn gọi là “Nhu thuật” (Jūjitsu – môn võ chiến đấu với những đòn như bẻ tay, bẻ cổ,…).

Đến thời Edo, Nhu thuật được phát triển mạnh mẽ, trở thành một môn võ có hệ thống và được nhiều người theo học. Cùng với sự phát triển này, các võ sư cũng đã sáng tạo ra nhiều đòn đánh mới. Tuy nhiên, đến thời Minh Trị, thế kỷ XIX, Nhật Bản bước vào công cuộc hiện đại hóa, tăng cường tiếp cận văn minh phương Tây. Đây là lúc tầng lớp Samurai suy yếu, Nhu thuật bị thất sủng vì nhiều người cho rằng, môn võ này đầy tính bạo lực và nguy hiểm.

Về sau, các yếu tố nguy hiểm trong Nhu đạo được loại trừ để cho ra đời môn võ Judo và cũng vào thời điểm đó, thế giới võ thuật Nhật Bản chứng kiến sự ra đời của một môn võ mới thay thế Nhu thuật – môn võ Judo. Người sáng lập ra môn võ này là Kano Jigoro (1860-1938). Ông đã sáng lập ra Judo vào năm 1882 trên nền tảng môn võ cổ truyền Jūjitsu (Nhu thuật).

Môn Judo không dùng binh khí mà các đòn tấn công chủ yếu là quật ngã, đè, siết cổ và khóa tay, chân. Các đòn chém và đâm dùng bàn tay và bàn chân cũng như vũ khí phòng thủ là một phần của Judo, nhưng chỉ trong các hình thức sắp xếp trước (Kata) và không được phép trong các cuộc thi Judo hoặc tập luyện (Randori). Một học viên Judo được gọi là một Judoka.

Judo là bộ môn thể thao thể hiện tính năng động và mạnh mẽ

Được xem là một trong những bộ môn thể thao thể hiện sức mạnh và tính kỷ luật cao trong quá trình luyện tập cũng như thi đấu nên Judo tượng trưng cho sức mạnh cũng như tinh thần thép của những người tập võ.

Bộ môn võ thuật Judo có các động tác luyện tập có thể giúp người học quật ngã đối thủ, ghìm và khống chế các khớp chi của đối thủ một cách dễ dàng nhất.

Các đòn thế trong nhu đạo Judo

Trong Judo, người ta chia ra nhiều nhóm đòn, trong đó có hai nhóm đòn chính là “Katame waza” và “Nage waza”.

Katame waza là kỹ thuật khống chế/khoá siết khiến cơ thể đối phương không thể động đậy. Katame waza gồm: Nhóm đòn đè (Osaekomi waza) và Nhóm đòn xiết cổ (Shime waza).

Nage waza là kỹ thuật quật ngã đối phương. Trong trận đấu, võ sĩ giành thắng lợi tuyệt đối với điểm Ippon khi anh ta quật ngã đối phương, khiến lưng đối phương chạm mặt chiếu Tatami bằng một đòn Nage waza có sức mạnh và tốc độ. Có tổng cộng trên 60 đòn đánh thuộc nhóm đòn Nage waza.

Trong các đòn ném Nage waza (hay đòn vật, đòn quật) được chia ra thành 2 nhóm: nhóm đòn đứng và nhóm đòn hi sinh. Trong nhóm đòn đứng (Ta’ichi waza) có các bộ đòn: Nhóm đòn chân (Ashi waza), Nhóm đòn hông (Koshi waza), Nhóm đòn tay (Te waza).  Trong nhóm đòn hi sinh (Sutemi waza) có các bộ đòn: Nhóm đòn hi sinh ngã sau (Matsuemi waza), Nhóm đòn hi sinh ngã nghiêng (Yokotsutemi waza).

Đẳng cấp, thứ bậc

Đẳng cấp, thứ bậc trong Judo là tượng trưng cho trình độ kỹ thuật của người luyện tập võ thuật. Xét theo thứ bậc Judo được phân thành 10 cấp bậc, với mỗi cấp bậc sẽ thể hiện bằng màu của đai đeo khác nhau: Cấp 1 trong Judo là đai màu nâu, Cấp 2 trong Judo là đai màu xanh lam, Cấp 3 trong Judo là đai màu xanh lá cây, Cấp 4 trong Judo là đai màu cam, Cấp 5 trong Judo là đai màu vàng, Cấp 6 trong Judo là đai màu trắng. Đây cũng là cấp bậc thấp nhất thường dành cho những ai mới bắt đầu học bộ môn võ thuật này.

Đối với hệ đẳng thì từ 1 đẳng đến 5 đẳng sẽ là đai màu đen có các vạch màu trắng. Từ 6 đẳng đến 8 đẳng sẽ là đai màu đen có các vạch màu đoạn đỏ và trắng. Từ 9 đẳng đến 10 đẳng thì đai sẽ có màu đỏ.

Từ đai vàng đến đai nâu, cuộc thi đấu tổ chức ở phòng tập và do võ sư trực tiếp dạy mình thăng cấp cho. Từ đai nâu đến đai đen võ sĩ phải thi đấu trước một hội đồng có uy tín. Việc thăng đẳng cấp này có quy định về quốc tế.

Võ phục

Trong bộ môn Judo võ phục hay còn được gọi với tên gọi là “Judogi” sẽ bao gồm 3 yếu tố chính là quần, áo và đai thắt. Tùy từng cấp bậc luyện tập khác nhau mà người võ sĩ sẽ sử dụng đai thắt có màu sắc khác nhau, chiều dài của đai thắt là khoảng 2,5m. Còn quần áo được quy định là màu trắng – thể hiện sự tinh khiết của tâm hồn võ sĩ. Ngoài ra, để phân biệt giữa hai đối thủ khi thi đấu cho dễ dàng, Liên đoàn Judo Thế giới ban hành thêm màu xanh dương.

Phòng tập Judo

Phòng tập Judo hay còn được gọi là “Dojo”. Thông thường phòng này thường được thiết kế với diện tích rộng rãi, sáng sủa và thường được lót bằng loại chiếu Tatami để giúp các võ sĩ không bị chấn thương khi ngã trong quá trình luyện tập.

Phòng tập Judo thường được thiết kế mang tính trang nghiêm thể hiện đúng tinh thần và khí chất của người luyện tập võ thuật.

Nhu đạo thực chiến thế nào?

​Đặc trưng của võ Judo là các thế ném, quăng, quật, quét, đè, siết cổ, khóa bẻ tay đối thủ. Ngoài ra, Judo còn có các kỹ thuật khác như kỹ thuật tự vệ trong quá trình chiến đấu.

Các trận đấu của Judo diễn ra trên sàn bằng chiếu, hình vuông có bề rộng 9.1m. Phân thắng bại dựa vào số điểm đạt được khi hết thời gian trận đấu, hoặc trong trận đấu, ai có được điểm đầu tiên sẽ thắng.

Đấu thủ sẽ nhận được 1 điểm khi ném ngã đối thủ nằm ngửa hoặc khống chế thành công, buộc đối thủ phải đầu hàng bằng Katame-waza, kìm giữ đối thủ trong 30s bằng thế Osae-waza, siết cổ bằng thế Shime-waza, bẻ khớp khủy tay bằng thế Kansetsu-waza có hiệu quả trong 1 phút.

Một đòn ném đối thủ đẹp mắt đạt được 1 điểm hoặc khống chế đối thủ được hơn 25s bằng thế Katame-waza.

Hai lần ra được đòn có kỹ thuật sẽ giành được 1 điểm. Có hiệu quả là khi ra đòn ném chưa đạt tới mức có kỹ thuật hoặc khi khống chế được đối thủ bằng thế Katame-waza trong 20s. Dù ra được đòn có hiệu quả bao nhiêu lần đi nữa thì vẫn không được tính điểm.

Ngoài ra, còn có trường phái Judo tập trung vào Ne-waza gọi là Kosen Judo (hay Nanatei Jūdō). Luật của trường phái này hoàn toàn khác với Japanese Kodokan Judo.

Mười điều tâm niệm của Judo

Khi tập bộ môn võ thuật Judo, người tập võ phải luôn ghi nhớ và tâm niệm 10 điều: Luôn tôn trọng kỷ luật và nội quy mà bộ môn võ thuật này đặt ra; Luôn tôn trọng thầy, cô giáo và đồng môn của mình, không sử dụng bộ môn võ này để ức hiếp kẻ yếu; Không được sử dụng võ judo để đi thách đấu với bất kỳ ai khác, ngoại trừ các trận thi đấu giao hữu; Luôn có tâm thế bình tĩnh trước mọi vấn đề, dù thắng không kêu, dù bại không nản; Sử dụng Judo để tự vệ trong các tình huống bị người khác tấn công; Không được làm những điều bất công và hèn nhát; Hướng đến mục tiêu cuối cùng của võ thuật là nhân trí dũng.

Nhật Bản vốn được biết đến là một quốc gia giàu bản sắc dân tộc và sở hữu một nền văn hóa mang nhiều nét độc đáo riêng biệt. Đặc biệt trong đó, Võ đạo Nhật Bản nói chung và Nhu đạo nói riêng vẫn giữ được những đặc trưng và tinh hoa vốn có từ thời xưa, trở thành biểu tượng đại diện cho tinh thần và văn hóa “xứ Phù Tang”. Du lịch Nhật Bản sẽ là cơ hội cho du khách khám phá và trải nghiệm với môn võ thuật tinh hoa này.

Post Views: 1.009

Từ khóa » Các Màu đai Trong Judo