Kageyama Tobio, Suy Nghĩ Và Những Thứ đại Loại Thế

C__Data_Users_DefApps_AppData_INTERNETEXPLORER_Temp_Saved Images__haikyuu__king_of_the_court___coloring_by_yakumo_yaku-d6krjlm

“Thể thao là thứ mà em chỉ có một cách duy nhất để nâng cao khả năng của mình: Đó là luyện tập.” Cô giáo dạy Văn của tôi đã bảo thế với cả lớp trong tiết học nói về Nghị lực. Nó làm tôi nghĩ đến Kageyama Tobio, một thằng nhóc giỏi thể thao mà tôi đã đồng cảm…

Tôi không thường đặt bản thân vào vị trí của người khác để hiểu lý do vì sao họ nói thế này hay hành động thế kia. Vậy nên khi vô thức tự đặt mình ở góc độ của thằng nhóc, hiểu vì sao cậu lại có những tính cách, suy nghĩ và hành động dễ khiến người ta hiểu lầm đến thế, đồng thời nhờ đó thấy sự trưởng thành đã dần dần bộc lộ ở cậu, tôi muốn viết lại những suy nghĩ của mình.

Kageyama là một thiên tài kiệt xuất. Tài năng nổi bật ở cậu là sự đơn giản đến mức tối giản trong lối suy nghĩ và kinh nghiệm sống ít thảm thương: sống tận mười lăm năm trời mà không biết đập tay là cái gì! Đùa thôi. Hẳn ai cũng biết khả năng thần thánh của Kageyama bộc lộ ở bóng chuyền. Không chỉ là một tài năng nở sớm với tình yêu quả bóng điên cuồng, sở hữu thể lực vượt trội và giác quan nhạy bén, cậu còn mài dũa chúng thành những vũ khí sắc bén giúp cậu đảm nhận khá tốt mọi vị trí trong môn thể thao này. Song, tài năng thiên bẩm của cậu vẫn là ở vai trò chuyền hai. Với bất kỳ tay đập nào, Kageyama cũng có thể đẩy bóng tới vị trí mong muốn của họ. Đặc biệt khi chuyền bóng cho Hinata Shoyo, trăm phần trăm cú chuyền sẽ hướng thẳng đến điểm đập cao nhất của nhóc ấy với tốc độ đáng kinh ngạc và thời gian cực chuẩn. Sau này, được huấn luyện viên Ukai chỉ dẫn, cậu còn nâng cấp nó thành cú chuyền dừng – bóng mất lực ngay khi đến điểm đập, khựng tại đó và rơi xuống. Tất nhiên phải tập như điên trong bốn tháng mới gần như thành thục. Bản chất của những cú chuyền ấy không khác gì việc khai thác được mọi tiềm năng của tất cả các tay đập. Kageyama và Oikawa Toru – đàn anh của nhóc – đều đáp ứng được điều đó. Tuy vậy, mọi người (cả các huấn luyện viên) thường nói rằng Chuyền hai giỏi hơn là Oikawa, vì cú chuyền của anh giúp đội phát huy tất cả sức mạnh. Nhưng Kageyama cũng làm được thế mà. Nói đúng ra, khiếm khuyết thật sự khiến cậu bị đánh giá thấp là bởi kỹ năng mềm. Không giỏi giao tiếp, quá kín đáo, hay cộc cằn lại ham chiến thắng đến ích kỷ khiến cậu mất đi tính đoàn kết với đồng đội, chỉ nghĩ đến lợi ích chính mình nên cậu đã thực hiện những đường bóng nhanh đến vô lý. Mọi người cũng khó chịu trước thái độ quá quắt ấy nhưng lại giữ sự bất mãn trong lòng mà không nói. Kageyama, thằng nhóc ngu ngốc thảm thương luôn, cậu ta không hiểu mình sai cái gì. Chỉ tới khi được anh Sugawara Koushi, bằng cách dễ hiểu nhất, trực tiếp bảo cậu nên làm cái này, nên hỏi cái kia thì cậu mới nhận ra. Thiết nghĩ nếu hồi cấp hai có ai đó trong đội bóng nhắc nhở cậu như thế thì hiện tại chuyền hai được đánh giá giỏi hơn hẳn là Kageyama, vì tài năng của cậu đủ để bù đắp lổ hổng kinh nghiệm mà đàn anh tích lũy. Nghe thật bất công. Nhưng đâu dễ vậy, Kageyama phải chịu một cú sốc thật nặng mới biết lỗi, thậm chí đến lúc đó cậu còn không rõ làm sao sửa chữa. Được ban cho tài năng hơn người thế cũng phải đánh đổi lại vài thứ, đã giỏi thì phải chấp nhận số phận long đong thôi.

Thật ra ở Kageyama còn một thiên tài khác, thể hiện trong vài chi tiết nhỏ. Đó là niềm đam mê bất tận. Tôi ngưỡng mộ cậu cũng vì thế. Niềm đam mê thì ai chẳng có, sao phải gọi là thiên tài? Nhưng Kageyama đã biết đam mê khi cậu học lớp Hai. Lúc bảy tuổi, chúng ta biết gì? Ăn chơi ngủ nghỉ, học hành, cũng có khi là nỗi khổ cực để bươn chải mưu sinh. Còn cậu, cậu học bóng chuyền, rồi say sưa theo đuổi đến tận hôm nay. Tám năm: ngày ngày miệt mài luyện tập, nâng cao thể lực, học hỏi, thi đấu, trải nghiệm chiến thắng và thất bại. Và chắc chắn quá trình ấy sẽ còn kéo dài mãi về sau. Đó không phải niềm yêu thích thuần túy, ngắn ngủi và không vững vàng. Đó là mê say, là hi sinh mồ hôi nước mắt và sức khỏe, là tương lai của cả một đời người. Không chịu luyện tập thì thiên tài thể thao cũng có thể thua bất kỳ người bình thường chăm chỉ nào đó. Kageyama biết mình giỏi, vì thế cậu càng khổ luyện nhiều hơn bất kỳ ai: năm giờ thức dậy chạy bộ; luôn là người đầu tiên (đôi khi còn là duy nhất) đều đặn tham gia các buổi tập luyện buổi sáng, cũng là (một trong những) người cuối cùng rời khỏi nhà thi đấu. Năm cậu học lớp Bảy, khi chỉ vừa vào trường cấp hai Kitagawa Daiichi, cậu có khả năng thay thế Oikawa trong trận đấu, đàn anh hơn cậu những hai năm kinh nghiệm. Đội bóng chuyền Kitagawa Daiichi là đội đẳng cấp quốc gia, không thiếu những tuyển thủ dự bị xuất sắc, nhưng huấn luyện viên lại chỉ định cậu – một đứa mới vào đội, thay Oikawa ra sân. Việc đó không chỉ khẳng định tài năng ở Kageyama, nó còn ghi nhận nỗ lực không ngơi nghỉ của cậu suốt năm năm qua (chỉ trong bóng chuyền thôi). Thậm chí khi đã bị tổn thương nặng nề vì sự chối bỏ của đồng đội mà khi đặt bản thân vào trải nghiệm đau đớn đó tôi chắc chắn dù có mạnh mẽ đến đâu cũng sẽ sốc nặng và từ bỏ, Kageyama lại đứng lên và tiếp tục tiến bước.

Nhiệt huyết tuổi trẻ. Tôi thấy được điều đó không phải từ những con người xung quanh tôi, không phải từ những tấm gương đã quá mức quen thuộc, mà là từ cậu ta – Kageyama Tobio. Killua dạy tôi biết yêu thương và hy sinh, còn Kageyama, cậu truyền cho tôi sức sống. Dù chỉ ngắn ngủi thôi, nhưng tôi biết ơn rất nhiều.

Tôi nhớ cậu từng bảo, sau khi thi rớt trường Shiratorizawa, lý do cậu thi vào trường Trung học Phổ thông Karasuno là bởi ở đó có huấn luyện viên Ukai nức tiếng gần xa vì “tài chăn quạ dữ”, đem một đội bóng chuyền vô danh tiểu tốt bước tới giải đấu quốc gia. Tôi đã ngẩn ra: Không phải vì sợ gặp mặt đồng đội cũ ở trường THPT Aoba Jousai (Seijou) – những người đã tổn thương cậu, nói xấu cậu sao? Khi ấy tôi mới biết, nếu ông Ukai là huấn luyện viên của đội Seijou, Kageyama sẽ vào trường Aoba Jousai chứ không phải Karasuno. Cậu sẽ mặc kệ mọi chỉ trích, giễu cợt, vì hoài bão và tương lai mà không ngại ngần gì. Tình yêu cậu dành cho bóng chuyền – cho khát vọng, cho tương lai của bản thân – thật đáng ngưỡng mộ. Tôi, tôi không bao giờ có được điều đó.

Tài năng thiên bẩm không phải vì may mắn hay nhờ thiên vị mà có được. Nó cần đánh đổi bằng cái giá tương đương. “Tháp chỉ huy” càng thông minh, nhạy bén trong bóng chuyền bao nhiêu thì càng ngốc nghếch, chậm chạp trong học tập bấy nhiêu. Có vẻ ngược đời, nhưng thật ra lại hợp lý. Kageyama cống hiến mọi thứ của cuộc đời mình cho bóng chuyền, vậy nên những thứ khác cậu đều không màng tới. Nếu được phép tôi nghĩ cậu sẽ không ngần ngại nghỉ học chính thức để tập luyện suốt ngày. Bóng chuyền đối với cậu không phải là sinh hoạt câu lạc bộ, không phải đơn giản là thể thao. Đó là tuổi thanh xuân, là cuộc sống của cậu. Bỏ bê học hành quả là không đúng, nhưng có gì sai khi cậu tạm gác những điều không quan trọng sang một bên để tập trung vào niềm đam mê, cũng là tương lai và lẽ sống của mình. Trong mắt Kageyama chỉ có mỗi bóng chuyền, nhỡ cậu dính chấn thương, thì với thành tích học tập tệ hại đó, kỹ năng giao tiếp kém cỏi đó, cậu có thể làm gì? Đứng trước nguy cơ mất tất cả, cậu đã đánh cược, dù chỉ là trong vô thức. Đó là bản năng của con người.

Ngu ngốc là một phần con người cậu. Đã vậy, cậu ta còn vênh váo, cộc cằn, ích kỷ, kém giao tiếp, lại tự kiêu. Mỗi lần Kageyama quát lên thì một đứa chỉ ngồi nghe tiếng cậu như tôi còn thấy hãi, tự nhủ Thằng này mắc gì nó sừng sộ lên thế, hung dữ quá đi! Tuy có đồng đội tốt nhưng tôi không thấy cậu có ai là bạn bè thân thiết. Chắc không chỉ vì tính Kageyama khó gần mà còn bởi gương mặt cậu lúc nào cũng u ám hầm hầm như căm hận cả thế giới! Nếu chỉ biết cậu ta qua mấy mặt xấu “nổi như cồn” kia, tôi chắc chắn không bao giờ nói chuyện với cậu, thậm chí cảm thấy cậu có phần đáng ghét. Và thật vậy, người ta không thích Kageyama, thậm chí còn sợ và tránh xa cậu. Nhưng từ sự nóng nảy ấy, từ mấy câu mắng chửi quá đáng cậu dành cho Hinata, tôi thấy sự thẳng tính tốt đẹp ở cậu. Cậu bất mãn cái gì thì đều nói thẳng mặt người ta, nếu không nói cậu cũng không bàn tán gì sau lưng người đó. Kageyama không căm giận thù hằn ai bao giờ, dù đó có là người đã nói xấu cậu, chế giễu cậu. Kageyama được giáo dục tốt, có lẽ chịu ảnh hưởng từ xã hội và gia đình nên cậu rất lễ phép. Đối với thầy cô và các đàn anh, cậu đều cúi đầu chào hỏi, xưng hô kính trọng, gọi dạ thưa vâng (đúng kiểu con ngoan, chỉ tiếc không phải trò giỏi). Tôi chắc chỉ được phân nửa sự lễ phép của cậu. Và tôi nghĩ, Kageyama tài giỏi như thế, bỏ nhiều công sức cho bóng chuyền như thế thì cậu cũng có quyền tự hào chứ, hơi kênh kiệu một chút cũng không sao. Nói thế thôi, thiết nghĩ nếu tôi là Hinata chắc cũng tức sôi máu khi nghe mấy lời Kageyama thường mắng: Đồ đần, đồ vô dụng, đồ đần (nói những hai lần!!!). Thằng nhóc không biết mấy từ mình nói là quá đáng đâu, thật đấy. Một đứa ngu ngốc thế này, đầu óc cậu ta như một tờ giấy trắng tinh (có lẽ là một cái hộp trống rỗng thì đúng hơn)… sao nỡ trách. Nếu được uốn nắn hợp lý, tính tình cậu sẽ tốt lên thôi. Mà chuyện đó chắc chẳng bao giờ xảy ra đâu, giang sơn dễ đổi, bản tính khó dời mà. Huống chi đây còn là Kageyama – nít ranh cứng đầu ngoan cố.

Ai cũng có mặt tốt và mặt xấu, làm sao đòi hỏi người khác hoàn hảo trong khi mình cũng đầy khuyết điểm. Tôi quý mến Kageyama bởi ngọn lửa lòng luôn hừng hực trong cậu, bởi một thiên tài được người người công nhận và khen ngợi. Cả tính tình cộc cằn hung dữ, thái độ tự đắc, cái ngốc nghếch trong “đối nhân xử thế” của cậu tôi cũng quý luôn. Kageyama Tobio – một đứa trẻ xốc nổi, đầy tiềm năng, một đại diện của thế hệ hôm nay – mong quá trình nỗ lực của cậu chóng đơm hoa kết trái. Mong sớm được thấy dấu chân cậu trên đỉnh đài vinh quang.

Chia sẻ:

  • Twitter
  • Facebook
Thích Đang tải...

Có liên quan

Từ khóa » Tobio Cao Bao Nhiêu