Kể Chuyện đã Nghe, đã đọc Trang 82 | Tiếng Việt 5 Tập 2

Thông qua tiết kể chuyện: Kể chuyện đã nghe, đã đọc trang 82 tuần 26 Tiếng Việt 5 tập 2, các em sẽ được hướng dẫn để nắm được cách làm một bài kể lại chuyện đã nghe, đã đọc, qua đó có thể thực hành tốt và hoàn thành bài kể chuyện của mình. Cùng tham khảo hướng dẫn chi tiết dưới đây của Đọc tài liệu em nhé!

Kể chuyện: Kể chuyện đã nghe, đã đọc tuần 26 Tiếng Việt 5 tập 2

I. Các bước làm bài kể chuyện đã nghe, đã đọc

* Bước 1: Đọc lại/ nhớ lại lại nội dung câu chuyện em sẽ kể. Chú ý nhớ kĩ những sự việc chính, những chi tiết quan trọng để có thể kể lại đúng và đủ theo thứ tự nội dung cốt chuyện.

* Bước 2: Tóm tắt nội dung chuyện theo ý lớn của từng đoạn (trong 5-7 câu).

* Bước 3: Ghi vào vở nháp dàn ý vắn tắt của chuyện (các nhân vật chính, các tình tiết chính trong phần mở đầu, diễn biến và kết thúc câu chuyện).

* Bước 4: Dựa vào dàn ý vắn tắt, dùng lời văn của mình kể lại từ đầu đến cuối câu chuyện một cách rõ ràng, rành mạch và đầy đủ.

II. Dàn bài chung cho bài kể chuyện đã nghe, đã đọc

* Mở bài: Giới thiệu hoàn cảnh và nhân vật (chuyện xảy ra ở đâu? Bao giờ? Có những nhân vật nào?…).

* Thân bài: Kể lại toàn bộ diễn biến của câu chuyện theo cốt chuyện đã thấy hoặc đã nghe hoặc do mình tưởng tượng ra. * Kết bài: Nêu phần kết của câu chuyện (Câu chuyện kết thúc ra sao? Có chiều hướng tốt hay xấu? gợi cho em cảm giác gì? Bài học rút ra từ câu chuyện là gì?)

III. Hướng dẫn làm bài tập SGK

Đề bài: Hãy kể lại một câu chuyện em đã nghe hoặc đã đọc nói về truyền thống hiếu học hoặc truyền thống đoàn kết của dân tộc Việt Nam.

Gợi ý làm bài:

Dàn ý tham khảo:

1. Nội dung:

a) Ví dụ về truyện ca ngợi truyền thống hiếu học: Ông tổ nghề thêu (Tiếng Việt 3, tập hai), Văn hay chữ tốt (Tiếng Việt 4, tập một), Bông sen trong giếng ngọc (Truyện đọc lớp 4).

b)  Ví dụ về truyện ca ngợi truyền thống đoàn kết: Câu chuyện bó đũa (Tiếng Việt 2, tập một), Đôi bạn (Tiếng Việt 3, tập một), Vì muôn dân (Tiếng Việt 5, tập hai).

2. Tìm câu chuyện ở đâu ?

- Những câu chuyện em đã được nghe.

- Báo, truyện đọc xưa và nay. Chú ý truyện của Nhà xuất bản Kim Đồng, sách Truyện đọc lớp 5 của Nhà xuất bản Giáo dục.

3. Giới thiệu tên câu chuyện và kể lại nội dung câu chuyện đã nghe (hoặc đã đọc).

- Mở đầu câu chuyện thế nào ?

- Diễn biến của câu chuyện ra sao ? (Kể rõ trình tự các việc xảy ra, hành động của nhân vật; chú ý nhấn mạnh những chi tiết liên quan đến đức tính hiếu học hoặc tinh thần đoàn kết.)

4. Trao đổi với các bạn về ý nghĩa của câu chuyện.

Tham khảo một số bài làm mẫu sau đây:

(1) Câu chuyện tôi kể các bạn nghe nói về một cô bé ham học và học giỏi, cạo hạt điều để kiệm tiền đi học.

Cạo hạt điều là công việc thường xuyên của gia đình Bùi Thị Ngọc Bích, sinh năm 1995, học sinh giỏi lớp Năm trường tiểu học Hòa Phú, huyện Củ Chi, thành phố Hồ Chí Minh. Nhà Bích có năm anh em, anh trai của Bích đang học lớp Bảy, dưới Bích có ba người em, bé út mới bốn tuổi nhưng cũng đã biết cạo hạt điều cùng anh chị.

Giá cạo hạt điều là 3000/kg. Trung bình mỗi ngày cả nhà Bích cạo được 7 – 8 kg.

Bích kể, khi ở lớp, Bích luôn phải cố gắng tập trung nghe thầy giảng để hiểu và cũng để nhẩm thuộc bài được phần nào hay phần ấy. Về đến nhà, vừa ăn cơm xong, Bích lại miệt mài bên thúng hạt điều. Tuy không được rong chơi, nghỉ ngơi nhưng đối với Bích khoảng thời gian có hạt điều để cạo là vui nhất. Bởi những lúc đó nhà mới có đủ cơm ăn, mấy anh em mới có tiền mua sách vở, đóng tiền trường.

Tối đến, Bích mới có thời gian để học tập. Mùa hè này, Bích được mẹ cho đi học thêm để về dạy lại cho các em, vì mẹ gom góp, tằn tiện lắm thì cũng chỉ đủ lo cho Bích và anh trai, dù số tiền đóng trọn kì hè này chỉ có 50.000đ. Cuộc sống gia đình rất bấp bênh, luôn thiếu trước hụt sau, vậy mà trong đôi mắt của Bích vẫn ánh lên khát vọng: "Con thích môn Tiếng Việt. Con mong sau này được làm cô giáo". Bích nói khẽ khàng, tiếng Bích như muốn chìm lấp giữa âm thanh của tiếng mũi dao đang cạo mạnh vào vỏ hạt điều.

(2) Từ xa xưa, nhân dân ta đã coi trọng tinh thần đoàn kết, đại đoàn kết. Đoàn kết để sống, để tồn tại và vượt qua mọi thử thách to lớn trong cuộc đời. Đoàn kết đã trở thành niềm tin và đạo lí của nhân dân ta từ bao đời nay. Chính vì thế, ông bà, cha mẹ luôn nhắc nhở con cháu ghi nhớ câu tục ngữ:

"Một cây làm chẳng nên non

Ba cây chụm lại nên hòn núi cao".

Tôi sẽ kể cho các bạn nghe chuyện có tựa đề là "Câu chuyện bó đũa", ca ngợi sức mạnh của tinh thần đoàn kết. Chuyện như sau:

"Ngày xưa ở một gia đình, có hai anh em. Lúc còn nhỏ hai anh em rất thương yêu nhau, có cái gì ngon, anh em thường nhường nhịn cho nhau, nhưng khi lớn lên anh có vợ, em có chồng, tuy mỗi người một nhà nhưng vẫn thường hay va chạm.

Thấy các con không thương yêu nhau, người cha rất buồn phiền. Một hôm, ông đặt một bó đũa và một túi tiền trên bàn, rồi gọi các con, cả trai, gái, dâu, rể lại và bảo:

- Ai bẻ gãy được bó đũa này thì cha thưởng cho túi tiền. Bốn người con lần lượt bẻ bó đũa. Ai cũng cố gắng hết sức mà không sao bẻ gãy được. Người cha bèn cởi bó đũa ra rồi thong thả bẻ gãy từng chiếc một cách dễ dàng.

Thấy vậy, bốn người con cùng nói:

- Thưa cha, lấy từng chiếc mà bẻ thì có khó gì!

Người cha liền bảo:

- Đúng. Như thế là các con đều thấy rằng chia lẻ ra thì yếu, hợp lại thì mạnh. Vậy các con phải biết yêu thương, đùm bọc lẫn nhau. Có đoàn kết thì mới có sức mạnh.

Câu chuyện khuyên chúng ta: anh chị em trong gia đình phải biết yêu thương, giúp đỡ, cưu mang nhau. Đoàn kết sẽ tạo nên sức mạnh.

(3) Là một thương binh nặng được gia đình đón về chăm sóc, anh Quang đã phấn đấu trở thành một kĩ sư nông nghiệp của xã An Bình. Anh bị thương tại chiến trường biên giới Tây Nam, mất hẳn một chân phải và tay phải; ngực, bụng, lưng còn nhiều mảnh đạn. Năm đó, anh mới 18 tuổi đang học dở lớp 10 cấp Ba. Anh nói: “Có thời kì nằm ở trại thương binh, mấy lần anh định tự tử vì thấy buồn và thất vọng quá”. Nhưng rồi, các bạn thương binh cùng cảnh ngộ, một số bác sĩ ân cần chăm sóc, an ủi động viên, cuối cùng anh đã tìm ra ánh sáng cuộc đời mình. “Tàn mà không phế”, anh nhớ nhất lời dạy của Bác Hồ. Trở về quê, anh vẫn buồn, nhất là những khi bạn bè cũ đi công tác xa trở về thăm gia đình, đến thăm anh. Nhiều đêm cứ thao thức trằn trọc mãi. Thầy giáo cũ năm học lớp 10 đã đến thăm anh. Rồi được lắp thêm chân giả. Anh chủ động đi lại dễ dàng hơn. Thầy giáo cũ đã giúp Quang ôn tập, anh đã thi đỗ bằng Trung học bổ túc văn hóa. Đọc báo, Quang biết trường Đại học tại chức tỉnh đang chiêu sinh lớp đào tạo kĩ sư Nông nghiệp. Anh viết thư cho Ban giám hiệu nhà trường nói rõ hoàn cảnh và nguyện vọng tha thiết của một thương binh. Chỉ 5 ngày sau, một cán bộ của trường đã đến tận gia đình giúp Quang hoàn chỉnh hồ sơ. Và anh đã xin theo học khoa chăn nuôi. Với chiếc túi vải khoác vai đựng sách vở, tài liệu, có mũ tai bèo Giải phóng quân, dù mưa hay nắng, Quang lặn lội đến trường học tập. Anh vẫn tham gia đầy đủ các đợt thực tập. Có những ngày tháng mùa đông rét buốt, những vết thương cũ đau nhức nhối ê ẩm, nhưng quyển sách, cây bút không rời tay. Đúng là “Không có việc gì khó - Chỉ sợ lòng không bền”, sau 6 năm học tập, Quang đã tốt nghiệp loại Khá, trở thành kĩ sư chăn nuôi duy nhất của xã nhà. Xã An Bình phát triển nghề chăn nuôi đứng đầu huyện. Nhiều trại chăn nuôi lợn quy mô trăm con, nhiều hộ nuôi gà đến mấy trăm con. Mọi việc như chọn giống, kĩ thuật, chăn nuôi, phòng dịch... chỉ một mình anh lo toan tất cả. Danh tiếng “Anh kĩ sư chân gỗ” nức tiếng gần xa. Anh được bầu là Chiến sĩ thi đua toàn tỉnh. Gương sáng học tập và vươn lên sống đẹp của anh Quang thương binh được nhiều người nhắc đến với bao cảm phục tự hào.

************

Hy vọng hướng dẫn soạn bài Kể chuyện: Kể chuyện đã nghe, đã đọc trang 82 SGK Tiếng Việt tập 2 trên đây của Đọc tài liệu sẽ giúp các em chuẩn bị bài tốt hơn, qua đó tiếp thu kiến thức và hoàn thành các bài tập. Chúc các em luôn học tốt và đạt kết quả cao!

Từ khóa » Kể Chuyện Trang 82