Kế Hoạch Phát Triển Ngành Nghề Nông Thôn Trên địa Bàn Tỉnh Bà Rịa

UBND tỉnh vừa ban hành Quyết định phê duyệt Kế hoạch phát triển ngành nghề nông thôn trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giai đoạn 2021 - 2025.

Phát triển ngành nghề nông thôn nhằm hướng tới bảo tồn, phát triển các nghề truyền thống gắn với du lịch, tạo hiệu quả kép vừa góp phần nâng cao thu nhập cho người sản xuất vừa khẳng định sự đa dạng, phong phú, chất lượng và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc với nét riêng của du lịch tỉnh; khuyến khích phát triển những nghề mới phù hợp nhu cầu thị trường, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở nông thôn, tạo việc làm, giảm nghèo, tăng thu nhập hướng tới xây dựng nông thôn mới nâng cao trên địa bàn tỉnh; đồng thời phát triển một số sản phẩm ngành nghề nông thôn chủ lực của tỉnh tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm.

Theo đó, Kế hoạch đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 giải quyết việc làm cho 13.000 đến 13.500 lao động; công nhận thêm 04 nghề truyền thống nâng tổng số là 10 nghề truyền thống và 01 làng nghề truyền thống; hỗ trợ phát triển nghề truyền thống; triển khai các Dự án phát triển ngành nghề nông thôn trên cơ sở ứng dụng khoa học công nghệ, xử lý môi trường, đồng thời, khuyến khích hỗ trợ các nghề mới phát triển tại địa phương; hỗ trợ thành lập hợp tác xã trong lĩnh vực ngành nghề nông thôn tham gia liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm hướng đến xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu gắn với du lịch; xây dựng trang thông tin điện tử giới thiệu sản phẩm, bán hàng trực tuyển; thiết kế mẫu mã, bao bì đóng gói hướng đến Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) gắn với du lịch.

Để thực hiện hiệu quả và hoàn thành các mục tiêu trên, Tỉnh triển khai một số giải pháp về cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn như: mặt bằng sản xuất; xúc tiến thương mại; đào tạo nguồn nhân lực; hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn; hỗ trợ nguyên vật liệu, máy móc, thiết bị, dây chuyền sản xuất; tập huấn chuyển giao công nghệ cho các dự án; hỗ trợ lập, thẩm định, tổ chức Lễ công nhận nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống hướng đến xây dựng sản phẩm OCOP; xây dựng hệ thống xử lý môi trường, cơ sở vật chất ngành nghề nông thôn; khoa học công nghệ; lồng ghép phát triển du lịch nông nghiệp, ngành nghề nông thôn và huy động nguồn vốn, đầu tư tín dụng.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh yêu cầu ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các Phòng, ban, đơn vị triển khai thực hiện các nội dung của Kế hoạch; chủ động bố trí, cân đối kinh phí hoặc lồng ghép từ các chương trình, dự án khác để thực hiện hỗ trợ phát triến ngành nghề nông thôn trên địa bàn; củng cố, kiện toàn lại chức năng nhiệm vụ, nhân sự quản lý nhà nước đối với lĩnh vực ngành nghề nông thôn trên địa bàn; kiểm tra, rà soát, lập hồ sơ đề nghị ủy ban nhân dân tỉnh xét công nhận nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống đảm bảo các tiêu chí theo quy định; Rà soát lại quy hoạch sản xuất vùng nguyên liệu phục vụ phát triển ngành nghề gắn với bảo vệ môi trường; kiểm tra tiến độ di dời các cơ sở sản xuất ngành nghề ô nhiễm môi trường vào khu, cụm công nghiệp tập trung; hỗ trợ đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng ngành nghề nông thôn gắn với phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới trên cơ sở lồng ghép các chương trình, đề án, dự án của địa phương; tăng cường công tác thanh, kiểm tra xử lý vi phạm về môi trường, đất đai theo quy định; đồng thời thực hiện đảm bảo các nội dung theo Kế hoạch bảo vệ môi trường làng nghề trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã được phê duyệt; báo cáo định kỳ hoặc đột xuất theo yêu cầu gửi về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp báo cáo ủy ban nhân dân tỉnh theo quy định.

Trong quá trình triển khai thực hiện nếu có khó khăn vướng mắc các sở, ngành, đơn vị và ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố kịp thời phản ánh về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp, báo cáo ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, điều chỉnh cho phù hợp.

Nguồn: Quyết định 3904/QĐ-UBND

Từ khóa » Kế Hoạch Phát Triển Ngành Nghề Nông Thôn