Kê Huyết đằng: Dây Thuốc đỏ Màu Máu - YouMed

Nội dung bài viết

  • 1. Đặc điểm cây thuốc Kê huyết đằng
  • 2. Bộ phận dùng, thu hái, chế biến, bảo quản
  • 3. Thành phần hóa học trong Kê huyết đằng
  • 4. Tác dụng dược lý của Kê huyết đằng
  • 5. Công dụng của Kê huyết đằng
  • 6. Liều dùng – Cách dùng
  • 7. Một số bài thuốc có chứa Kê huyết đằng
  • 8. Lưu ý

Từ xa xưa, Kê huyết đằng đã được biết đến là một vị thuốc có tác dụng chữa đau nhức, chữa các tổn thương do té ngã, chấn thương, làm mạnh gân xương… Đặc biệt, nó rất hiệu quả trong việc điều chế thuốc quân nhu. Sở dĩ tác giả nói đây là dây thuốc đỏ màu máu vì khi chặt dây thuốc, nhựa cây chảy ra đỏ như máu. Do đó, nó còn được gọi bằng những tên khác như Dây cỏ máu, Dây máu người, Hồng đằng…

1. Đặc điểm cây thuốc Kê huyết đằng

1.1. Mô tả

Kê huyết đằng (Caulis Spatholobi) là dây leo dạng gỗ, thân to khỏe. Vỏ ngoài màu hơi nâu, hình trụ tròn hoặc dẹt, mặt cắt có 2, 3 vòng tròn đồng tâm hoặc không đồng tâm. Khi chặt ra có nhựa màu đỏ chảy ra.

Thân và lá non có lông tơ mịn. Lá mọc so le nhau, lá kép gồm 5 – 7 hoặc 9 lá chét, dài khoảng 7 – 15cm, rộng 5 – 10cm. Cuống lá kép dài 4 – 10cm. Lá chét ở giữa có cuống ngắn, lá chét 2 bên gần như không có cuống. Phiến lá chét ở giữa hình trứng, lá chét 2 bên hơi hình thận. Lá có màu xanh, mặt dưới nhạt hơn mặt trên.

Hoa đơn tính, mọc ở nách lá. Cụm hoa hình chùy ở ngọn dài 15 – 20cm, mọc thõng xuống. Cây có hoa màu tím điểm vàng, xếp rất sít nhau. Hoa đực có 6 lá đài, có 6 cánh tràng thoái hóa thành hình sợi và 6 nhị. Hoa cái gần giống như hoa đực, nhiều lá noãn và bầu thượng.

Để chat, gọi điện và đặt khám bác sĩ chuyên về Dược liệu, tải ngay ứng dụng YouMed.

Kê huyết đằng có hoa màu tím điểm vàng bắt mắt
Kê huyết đằng có hoa màu tím điểm vàng bắt mắt

Quả hình trứng dài 8 – 12mm, khi chín có màu lam đen, có 36 hạt.

Cây ra hoa vào tháng 3 – 4, đậu quả vào tháng 7 – 8.

1.2. Phân bố

Kê huyết đằng mọc nhiều ở các tỉnh miền núi phía Bắc nước ta, như: Hòa Bình, Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn…

2. Bộ phận dùng, thu hái, chế biến, bảo quản

2.1. Bộ phận dùng

Phần dùng làm thuốc chính là thứ dây leo.

Chú ý lựa dây có vỏ mịn màng, khi tươi cắt thấy chảy nước đỏ như máu, khi khô có nhiều vòng đen. Nên dùng thứ dây to, chắc, không mốc là tốt.

2.2. Thu hái

Dược liệu này có thể thu hái quanh năm nhưng tốt nhất vào tháng 8 – 10.

2.3. Chế biến

Chọn thứ dây bé và lớn để riêng, ngâm thứ lớn độ 3 ngày, thứ bé 12 giờ cho mềm. Thái lát dày tầm 2 – 3mm, phơi khô.

2.4. Bảo quản

Cất giữ nơi khô ráo, thoáng mát. Mùa mưa nên chú ý phơi sấy, tránh tình trạng mối mọt.

>> Đọc thêm: Hồng hoa: Vị thuốc từ loài hoa giúp lưu thông máu.

Bên trong cây Kê huyết đằng có màu đỏ như máu
Bên trong cây có màu đỏ như máu

3. Thành phần hóa học trong Kê huyết đằng

Theo nghiên cứu, trong Kê huyết đằng chứa:

  • Milletol.
  • Trong rễ, vỏ và hạt có chứa Glycosid, Tannin, chất nhựa.
  • Ngoài ra còn có Salidroid, Leriodendrin, Emodin, Physcion chrysophanol, Rosamulin. Dược liệu còn chứa Catechin, Acid protocatechic, Acid vanilic, Acid stearic daucosterol, β sitosterol…

4. Tác dụng dược lý của Kê huyết đằng

  • Kháng viêm: Thử nghiệm trên chuột thấy Kê huyết đằng có tác dụng làm giảm viêm khớp gây ra bởi formaldehyde.
  • Tác dụng đối với tim mạch: Nước sắc Kê huyết đằng ức chế lên tim ếch và hạ huyết áp ở chó.
  • Đối với hệ thần kinh trung ương: Tiêm Kê huyết đằng vào màng bụng chuột thấy có tác dụng giảm đau và an thần.
  • Trên sự chuyển hóa Phosphate: Thử nghiệm trên chuột nhắt thấy vị thuốc này có tác dụng làm tăng sự chuyển hóa Phosphate trên thận và tử cung chuột.
  • Độc tính: Tiêm tĩnh mạch lượng tương đương 4,25g/kg vào súc vật sẽ gây chết.

5. Công dụng của Kê huyết đằng

Đây là vị thuốc đắng, tính ấm:

  • Vị thuốc ấy vừa có tác dụng thông, lại vừa bổ khí huyết, trị khí suy huyết kém.
  • Trị thiếu máu não, cơ thể suy nhược.
  • Làm mạnh gân xương.
  • Chữa các chứng đau mỏi lưng gối, té ngã chấn thương.
  • Điều trị phong thấp, hư lao, mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt.
  • Trị di tinh, bạch đới, kinh nguyệt không đều.
Dược liệu Kê huyết đằng
Dược liệu Kê huyết đằng

6. Liều dùng – Cách dùng

6.1. Liều dùng

Có thể sử dụng 10 – 30g/ngày.

6.2. Cách dùng

Kê huyết đằng có thể dùng sắc uống, ngâm rượu hoặc nấu cao.

7. Một số bài thuốc có chứa Kê huyết đằng

7.1. Điều trị đau mỏi lưng gối

Tục đoạn 16g, Kê huyết đằng 16g, Hương thảo 12g, Cẩu tích 12g, Dây đau xương 12g. Sắc uống.

7.2. Chữa phong thấp, gân xương đau nhức, tê bại hoặc sưng nề

Kê huyết đằng (20 – 40g). Cẩu tích, Cốt toái bổ, Ngưu tất, Tỳ giải, mỗi vị 20g. Bạch chỉ 4g, Thiên niên kiện 6g. Sắc uống.

7.3. Chữa thiếu máu, hư lao

Kê huyết đằng 200 – 300g, tán nhỏ, ngâm với 1 lít rượu trong 7 – 10  ngày. Ngày uống 2 lần, mỗi lần 25ml. Dùng riêng hoặc phối hợp với các vị thuốc khác như Thục địa, Đan sâm, Hà thủ ô (liều lượng bằng nhau). Có thể dùng cao đặc cô từ nhựa, mỗi ngày uống 2 – 4g, pha với ít rượu.

7.4. Chữa huyết hư gây đau đầu, xây xẩm, chóng mặt, đau nhói vùng tim, tim đập không đều, các khớp xương đau mỏi

Kê huyết đằng 20g. Huyền sâm, Mạch môn, Ngưu tất, hạt Muồng sao, mỗi vị 15g. Tâm Sen 4g. Sắc uống.

7.5. Bài thuốc chữa rối loạn kinh nguyệt

Kê huyết đằng 16g, Ích mẫu 16g, Nghệ 8g, Đào nhân 8g, Xuyên khung 8g, Sinh địa 12g. Sắc uống.

8. Lưu ý

  • Đây là vị thuốc tính ấm, nếu dùng lâu ngày với liều cao có thể gây táo bón, khô họng, khô miệng, nóng trong người.
  • Phụ nữ có thai và cho con bú nên có sự tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng.
  • Theo sách Đông Dược Học Thiết Yếu, những người huyết không hư, thiên về huyết ứ, khí trệ không được dùng.

Hy vọng bài viết trên đây đã cho quý độc giả cái nhìn sơ lược về Kê huyết đằng, một vị thuốc quý trong kho tàng thuốc Nam. Vị thuốc có nhiều công dụng và cách sử dụng đa dạng. Tuy nhiên, cũng như các vị thuốc khác, người đọc nên có sự tham vấn từ y bác sĩ trước khi sử dụng. Rất mong nhận được phản hồi cũng như sự đồng hành của các bạn ở những bài viết kế tiếp. YouMed luôn sẵn sàng hỗ trợ bạn!

Từ khóa » Công Dụng Kê Huyết đắng