Kể Lại đoạn Trích Uy-lít-xơ Trở Về Trích Ô-đi-xê - Sử Thi Hi Lạp Theo ...

Kể lại đoạn trích Uy-lít-xơ trở về trích Ô-đi-xê - sử thi Hi Lạp theo nhân vật Uy-lít-xơBài văn mẫu lớp 10Nâng cấp gói Pro để trải nghiệm website VnDoc.com KHÔNG quảng cáo, và tải file cực nhanh không chờ đợi. Mua ngay Từ 79.000đ Tìm hiểu thêm

Văn mẫu lớp 10: Kể lại đoạn trích Uy-lít-xơ trở về trích Ô-đi-xê sử thi Hi Lạp theo nhân vật Uy-lít-xơ gồm các bài văn mẫu hay được VnDoc sưu tầm và giới thiệu cho các em học sinh tham khảo, củng cố kỹ năng cần thiết cho bài kiểm tra viết sắp tới đây của mình. Mời các em học sinh cùng tham khảo.

Kể lại đoạn trích Uy-lít-xơ trở về theo nhân vật Uy-lít-xơ

Cuộc chiến thành Tơ-roa đã kết thúc. Suốt hai mươi năm mải mê chinh chiến, niềm vui của những chiến công chưa bao giờ làm tội nguôi nỗi nhớ quê hương, nhớ người vợ hiền thảo Pê-nê-lốp và cậu con trai Tê-lê-mác của mình. Trớ trêu thay, sau bao nhiêu gian khổ, trở về chính ngôi nhà thân quen, được nhìn thấy những người yêu dấu, trừng trị những kẻ phá hoại gia đình của mình rồi mà tôi vẫn còn phải vượt qua một cửa ải khác- cửa ải do chính người vợ chung thuỷ của tôi dựng lên. Vẫn với bộ dạng hành khất, trong bộ quần áo rách mướp, tôi và Tê-lê-mác - cậu con trai yêu quý ngồi dưới nhà dưới, đợi nhũ mẫu ơ-ri-clê lên lầu mời Pê-nê- lốp xuống. Nhũ mẫu vẫn chẳng có gì khác xưa, lúc nào cũng ân cần, chu đáo. Khi rửa chân cho tôi, nhìn thấy vết sẹo do nanh trắng của con lợn lòi húc ngày xưa, nhũ mẫu toan la toáng lên vì tôi đã trở về, nhưng tôi kịp thời đưa tay bịt miệng già lại. Tôi cảm nhận được sự bất ngờ và niềm vui sướng vô bờ trong ánh mắt đầy trìu mến khi nhũ mẫu nhìn tôi. Tôi cất tiếng hỏi han nhũ mẫu trước:

Hai mươi năm nay, giả sống thế nào?

Chao ôi, già vui quá! Con đã trở về thật ư? Tại sao bây giờ con mới trở về? Con có biết Pê-nê-lốp, Tê-lê-mác và ta mong mỏi con thế nào không? Tại sao con không lên gặp Pê-nê-lốp ngay bây giờ? Lẽ nào con không nóng lòng gặp lại người vợ con rất mực yêu thượng, người vợ rất mực chung thuỷ của con?

Con đã xa nàng hai mươi năm nay. - Tôi đáp - Giờ con đợi thêm chút nữa cũng có sao đâu già? Già thừa hiểu con yêu nàng đến nhường nào mà? Già hãy lên trên đó, mời nàng xuống đây, để xem nàng có nhận ra con trong bộ dạng này không?

Nhũ mẫu ơ-ri-clê nhìn lại tôi và cuống quýt:

- Lại còn bộ dạng này nữa chứ! Tại sao con phải đóng, vai người hành khất như thế này? Để chính ta cũng không nhận ra con nếu không nhìn thấy vết sẹo trên chân con kia. Ta sẽ đi lấy quần áo thật đẹp để con thay ngay bây giờ.

- Không, không. - Tôi phản đối ngay lập tức. - Xin già đừng làm như vậy. Già chưa hiểu hết tất cả những gì con đang làm đâu.

Nhũ mẫu vẫn nhìn tôi với ánh mắt đầy thắc mắc nhưng tôi không giải thích thêm điều gì nữa. Thực lòng, tôi rất muốn chạy lên gặp Pê-nê-lốp để ôm chầm lấy nàng. Đã hai mươi năm nay chúng tôi biền biệt xa nhau. Nhưng lúc nào trong trái tim tôi, hình bóng nàng cũng hiển hiện. Tôi không sao quên được đôi mắt xanh biếc, luôn nhìn tôi đầy âu yếm và vòng tay trắng muốt luôn quàng lên vai tôi từ phía sau. Hai mươi năm nay, chắc hẳn nỗi nhớ nhung tôi đã giày vò nàng khủng khiếp. Ấy thế mà nàng còn phải đương đầu với lũ cầu hôn hám sắc, hám của kia nữa chứ? Sao tôi lại không thấu hiểu những nỗi khổ tâm nàng phải chịu đựng một mình? Nàng sẽ đón tôi trở về thế nào đây? Nàng sẽ chạy đến, ôm chầm lấy tôi ngay chứ (ngay cả khi tôi ở trong bộ dạng này)? Tim tôi hồi hộp đến nghẹt thở trong giây phút chờ đợi nàng bước xuống.

Cuối cùng thì nàng cũng xuống lầu dưới. Tôi ngồi tựa vào một cái cột cao, mắt nhìn xuống đất. Nhưng tôi vẫn cảm thấy rất rõ bước chân nàng đang bước qua ngưỡng cửa bằng đá và ngồi trước mặt tôi. Những tưởng tận mắt trông thấy tôi rồi, người vợ cao quý của tôi sẽ ôm chầm lấy tôi, sẽ nức nở thốt lên những lời yêu thương... Nhưng kỳ lạ thay, nàng vẫn cứ ngồi lặng thinh trên ghế, khi thì âu yếm nhìn tôi, lúc lại tỏ ra không nhận ra tôi trong bộ quần áo rách mướp. Có lẽ không chỉ có tôi ngạc nhiên mà con trai tôi - Tê-lê-mác cũng rất bất ngờ và sốt ruột trước thái độ của mẹ nó. Tê-lê-mác đã cất lời trách mẹ nó là người có lòng dạ cũng sắt hơn cả đá.

Trước lời trách cứ của con trai Tê-lê-mác, Pê-nê-lôp của tôi vẫn hết sức bình thản. Nàng thận trọng đáp lại con và cũng là đáp lại chính tôi rằng nàng kinh ngạc quá chừng. Nàng không thế hỏi han, cũng không thể nhìn thẳng mặt tôi. Nếu quả thực tôi đúng là Uy-lít-xơ thì trước sau gì nàng cũng nhận ra tôi vì giữa nàng và tôi có những dấu hiệu riêng, chỉ hai chúng tôi biết với nhau.

Tôi hiểu tất cả những gì Pê-nê-lốp yêu dấu của tôi đang nói. Tôi hiểu tại sao nàng lại chưa muốn nhận ra tôi ngay. Hai mươi năm qua, bao kẻ đã giả danh tôi hòng chiếm đoạt nàng. Nếu không thận trọng như vậy, chắc chắn nàng đã mắc lừa chúng, đã không thể một lòng chờ đợi tôi trở về đoàn tụ. Tôi trân trọng sự thuỷ chung cũng như vô cùng nể phục sự sắt đá của nàng. Tôi biết rằng Pê-nê-lốp của tôi luôn yêu tôi hơn bất cứ ai trên đời. Tê-lê-mác - cậu con thơ dại nóng lòng muốn mẹ của nó nhận ra tôi nên đã không hiểu tâm tư của mẹ nó. Tôi đành lên tiếng nói với con trai:

Tê-lê-mác con! Đừng làm rầy mẹ, mẹ còn muốn thử thách cha ở tại nhà này. Thế nào rồi mẹ con cũng sẽ nhận ra, chắc chắn như vậy. Hiện giờ cha còn bẩn thỉu, áo quần rách rưới, nên mẹ con khinh cha, chưa nói: “Đích thị là chàng rồi!”. Nhưng về phần cha con ta, ta hãy bàn xem nên xử trí thế nào cho ổn thỏa nhất.

Nếu có ai giết chết một người trong xứ sở, chỉ một người thôi, và dù kẻ bị giết chẳng có ai báo thù cho nữa, thì người ấy cũng phải rời bỏ cha mẹ, đất nước, trốn đi. Huống hồ chúng ta đã hạ cả thành luỹ bảo vệ đô thị này, giết các chàng trai của những gia đình quyền quý nhất; tình huống ấy cha khuyên con nên suy nghĩ.

Nghe tôi nói, con tôi bình tĩnh lại. Bằng ánh mắt cảm phục, nó nhìn tôi và hứa sẽ hết lòng phù tá tôi.

Tôi bảo mọi người đi tắm rửa rồi mặc quần áo đẹp, ca múa cho người ngoài lầm tưởng trong nhà làm lễ cưới. Tôi dặn gia nhân giữ kín chuyện cho đến khi cha con tôi lui về trang trại của tôi để bàn tính lại mọi việc. Tất nhiên, tôi cũng sẽ đi tắm và trút bỏ bộ dạng hành khất này.

Từ phòng tắm tôi bước ra với bộ cánh mới, trở về chỗ ngồi cũ, đối diện với Pê-nê-lốp. Thực sự tôi nóng lòng muốn nàng nhận ngay ra tôi lắm rồi. Tôi hiểu nỗi lòng của nàng nhưng lẽ nào nàng không chịu hiểu cho nỗi lòng của tôi. Tôi vờ trách nàng mang trái tim sắt đá và giả bộ mệt mỏi, nhờ nhũ mẫu ơ-ri-clê kể cho một chiếc giường, để nghỉ. Và Pê-nê-lốp của tôi mới thông minh làm sao. Nàng đưa tôi vào thử thách tự lúc nào mà tôi không hề hay biết. Nàng nói với nhũ mẫu rằng hãy khiêng chiếc giường chắc chắn ra khỏi gian phòng vách tường kiên cố do chính tay tôi xây lên để tôi nghỉ trên đó. Tôi ngạc nhiên vô cùng. Tôi bỗng giật mình thảng thốt. Không thể kìm chế nỗi ngạc nhiên hơn được nữa, tôi đành hỏi nàng rằng ai đã xê dịch chiếc giường đi chỗ khác. Nguyên trong nhà có một cây ô-liu lá dài, mọc lên khoẻ, xanh tốt và to như cái cột. Tôi đã kẻ vạch gian phòng của hai vợ chồng quanh cây ô-liu ấy rồi xây lên với đá tảng đặt thật khít nhau. Tôi lợp kĩ gian phòng, rồi lây những cánh cửa bằng gỗ liền, đóng rất chắc. Sau đó tôi chặt hết cành lá của cây ô-liu dài, cố đẽo từ gốc lên đến thân cây cho thật vuông rồi nảy đường mực, làm thành một cái chân giường và lấy khoan khoan lỗ khắp xung quanh. Tôi bảo tất cả các bộ phận đặt trên chân giường đó, lấy vàng bào và ngà nạm vào trang trí và cuối cùng căng lên mặt giường một tấm da màu đỏ thật đẹp. Chiếc giường đó kiên cố đến mức nếu không có thần linh giúp đỡ thì không một ai có thể xê dịch nó được.

Bí mật về chiếc giường chỉ có tôi, Pê-nê-lấp và Ác-tô-rít - một người thị tì của nàng biết. Giờ đây, khi chính tôi nói ra điều đó, Pê-nê-lốp của tôi đã mười mươi tin rằng tôi chính Ịà Uy-lít-xơ của nàng. Tôi thấy nàng bủn rủn cả chân tay. Nàng chạy ngay lại, nước mắt chan hoà. Đôi cánh tay trắng muốt của nàng ôm lấy cổ tôi. Nàng hôn lên trán tôi và bắt đầu nói với tôi những lời yêu thương tha thiết nhất. Nàng xin tôi đừng giận nàng. Và đúng như tôi nghĩ, sở dĩ nàng cố tình chưa nhận ra tôi ngay vì nàng sợ có kẻ nào đó dùng lời đường mật đánh lừa nàng. Thực lòng, tôi không hề giận nàng một chút nào. Làm sao tôi có thể giận người vợ rất mực thuỷ chung với tôi. Tôi thầm cảm phục nàng, cảm phục trí tuệ và sự thận trọng của nàng. Chính những điều đó đã mang đến chúng tôi hạnh phúc trọn vẹn ngày hôm nay. Tôi ôm lấy nàng. Tôi thấy mắt mình cay cay. Hình như là tôi đang khóc. Có sao đâu, tôi khóc vì quá hạnh phúc đấy mà. Tôi mặc sức cho nước mắt rơi đẫm ướt vai nàng. Pê-nê-lốp cũng nhìn tôi không chán mắt. Dường như chúng tôi đang được hồi sinh, y như những người đi biển bị Pô-dê-i- đông đánh tan thuyền trong sóng cả gió to, họ bơi và mừng rỡ khi sống sót và bước lên đất liền đầy mong đợi.

Cuối cùng, sau hai mươi năm đằng đẵng biệt ly, gia đình chúng tôi đã được đoàn tụ. Trải qua bao sóng gió, chúng tôi càng thấy trân trọng niềm hạnh phúc hơn bao giờ hết. Tôi sẽ chẳng bao giờ xa Pê-nê-lốp, Tê-lê-mác của tôi nữa, nhất định là sẽ chẳng bao giờ nữa.

Trên đây VnDoc đã tổng hợp các bài văn mẫu Kể lại đoạn trích Uy-lít-xơ trở về trích Ô-đi-xê - sử thi Hi Lạp theo nhân vật Uy-lít-xơ cho các bạn tham khảo ý tưởng khi viết bài. Ngoài ra các bạn có thể xem thêm chuyên mục Soạn văn 10 mà VnDoc đã chuẩn bị để học tốt hơn môn Ngữ văn lớp 10 và biết cách soạn bài lớp 10 các bài trong sách Văn tập 1 và tập 2. Đồng thời các dạng đề thi học kì 1 lớp 10, đề thi học kì 2 lớp 10 mới nhất cũng sẽ được chúng tôi cập nhật. Mời các em học sinh, các thầy cô cùng các bậc phụ huynh tham khảo.

Các bài liên quan đến tác phẩm:

  • Soạn bài lớp 10: Uy-Lít-Xơ trở về
  • Soạn văn 10 bài: Uy-lít-xơ trở về
  • Phân tích vẻ đẹp của nhân vật Pê-nê-lôp trong đoạn trích “Uy-lít-xơ trở về”

Từ khóa » Kể Chuyện Uy Lít Xơ Trở Về