Kê Phong Tục Diệm - Chuavanhanh

Trang chủ En français Tin tức Hình ảnh Thơ Văn Âm nhạc
Kê Phong Tục Diệm
Nếu như dãy Himalaya (Hy mã lạp sơn) hùng vĩ với hơn 40 ngọn núi cao trên 7000m, được người ta biết đến với cái tên gọi nên thơ là “Lâu đài tuyết trắng” hay “Bông sen trắng vĩ đại”, bởi nó sừng sững giữa ngàn mây, quanh năm băng tuyết phủ trắng ngần, án ngữ theo một vòng cung dài suốt 2.600km về phía Bắc tạo nên bức tường thành đồ sộ, một pháo đài kiên cố, ngăn cách Ấn Độ với phần còn lại của Á châu lục địa, thì dãy Kukkutapada (Kê Túc sơn), nằm ở niềm Trung Ấn Độ, lãnh thổ của quốc gia Magadha (Ma kiệt đà) xa xưa, có thành Vương Xá ở đó, được người Phật tử biết đến với nhiều truyền thuyết ly kỳ về sự truyền thừa mạng mạch Phật pháp, nơi ẩn chứa y bát cho vị Phật tương lai mà người gìn giữ nó là sơ Tổ Ma ha Ca Diếp. Theo Đại đường tây vực ký, quyển 9, thì: “Sông Mạc-ha chảy về phía đông, xuyên vào rừng sâu, qua hơn trăm dặm, đến núi Quật-quật-tra-bàn-đà, người dân địa phương gọi núi ấy là Kê Túc, hoặc núi Quật-lô-đá-bà” (ĐCT 51, kinh số 2087, [0919b24], bản điện tử). Sở dĩ núi mang tên ấy vì có ba ngọn núi hình dáng như chân gà nên được gọi là Kê Túc sơn hay Kê Phong. Tương truyền, Kê Phong là chỗ ẩn thân của sơ Tổ Ma ha Ca Diếp. Cảnh đức truyền đăng lục, quyển 1 (ĐCT 51, kinh số 2076, [0206b05], bản điện tử), Ngũ đăng toàn thư, quyển 1 (Tục tạng chữ Vạn 81, kinh số 1571, [0405c21], bản điện tử) ghi: “Nói xong kệ, Ngài bèn cầm Tăng già lê vào núi Kê Túc". Đó là bài kệ truyền pháp cho nhị Tổ A Nan, diễn ra ngay sau khi kết thúc đại hội kiết tập kinh điển lần thứ nhất tại thành Vương Xá, trong hang Pippala (Thất diệp). Bài kệ đó là: Pháp pháp bổn lai pháp Vô pháp vô phi pháp Hà ư nhất pháp trung Hữu pháp hữu bất pháp. Tạm dịch: Vạn pháp xưa nay vậy Chẳng có cũng chẳng không Vì sao trong pháp ấy Lại phân biệt có, không? Nói xong bài kệ ấy Tôn giả Ma ha Ca Diếp cầm y bát của ba đời chư Phật đi vào núi Kê Túc. Từ đó, nhân vật lịch sử đại Đầu đà Ca Diếp hiện hữu trong lòng người Phật tử như một nhân vật huyền thoại. Người ta nói rằng, Ngài nhập diệt trong núi ấy. Nhưng cũng có người tin rằng, Ngài chỉ vào đó ẩn thân để chờ đức Di Lặc ra đời, nhằm hoàn thành sứ mạng cao cả của ba đời chư Phật giao phó, là trao y bát cho vị Phật tương lai. Rất nhiều truyền thuyết kể rằng đã có người tận mắt nhìn thấy Tôn giả mình hạc xương mai chóng gậy lướt gió dạo chơi trong núi! Hơn thế nữa, có người còn được Tôn giả khai thị. Chẳng ai phủ định vấn đề ấy, vì ai cũng tin rằng trong cõi mênh mông hư thực này, không có chuyện gì là không xảy ra. Người ta tin chắc rằng, chuyện Tôn giả vào núi là có thực. Vì vậy, để tỏ lòng tôn kính, triều đại nhà Đường đã gọi núi ấy là Tôn Túc. Chưa hết, người dân Trung Quốc còn “đem” luôn ngọn núi ấy về xứ mình. Đó là ngọn núi thuộc huyện Tân Xuyên, tỉnh Vân Nam, nằm cách trung tâm huyện hơn 50km về phía tây bắc. Núi non nhấp nhô giống như 9 cánh hoa sen, nên gọi là “cửu trùng nham sơn”. Đỉnh bằng hướng về nam, 3 hướng còn lại mỗi hướng đều có một nhánh núi giống như bàn chân gà các ngón toẻ ra nên gọi là Kê Túc sơn. Trên đỉnh núi có “Ca Diếp thạch môn động thiên”, tương truyền là nơi Ma ha Ca Diếp giữ gìn y bát của Phật để chờ đức Phật Di Lặc, nên núi này cũng được xem là đạo tràng của Tổ Ma ha Ca Diếp, là trung tâm Phật giáo Vân Nam nên chư tăng tụ tập rất đông. Thời Tam Quốc có dựng am nhỏ, đến đời Đường mở rộng thêm. Lúc hưng thịnh có hơn trăm ngôi tự viện lớn nhỏ, trong ấy có năm ngôi lớn nhất là Thạch Tông, Tất Đàn, Đại Giác, Hoa Nghiêm, và Truyền Y. Ngoài ra các chùa khác như Tịch Quang, Chúc Thánh, cũng khá quy mô (theo Phật Quang từ điển). Cho dù Kê Túc ở tận miền trung Ấn Độ hay đã “dời” về Trung Hoa, thì đối với lịch sử Phật giáo, nó vẫn là ngọn “Kê phong tục diệm”, truyền thừa ngọn đèn thiền, khởi đầu là Ca Diếp, cho đến Đạt Ma. Rồi từ Đạt Ma đến Huệ Năng. Rừng thiền từ Huệ Năng trở đi là một minh chứng hùng hồn cho sự truyền thừa bắt đầu từ ngọn Kê Túc ấy. Ngũ Đăng Hội Nguyên, quyển 18, Tuyền Châu Nam Phong Vĩnh Trình thiền sư, ghi: “Bắt đầu từ Ca Diếp, thiếu thất để lại tiếng thơm, trải khắp đám mây từ bi, mở rộng mặt trời trí tuệ”. [thỉ tự kê phong tục diệm, thiếu thất lưu phương, đại bố từ vân, hoằng khai tuệ nhật] (Tục tạng chữ Vạn 80, số 1565, [0370a18], bản điện tử). Quả vậy, Kê Túc đã nở ra 28 con “gà”, mà con “gà” thứ hai mươi tám lại là con “gà vàng” (Kim kê). Cảnh đức truyền đăng lục, quyển 6, Hoài Nhượng thiền sư, đời thứ nhất: “Tây thiên Bát Nhã Đa La, ghi về Đạt Ma rằng: ‘Chấn Đán tuy rộng, nhưng không có con đường nào khác, phải đi dưới chân con cháu. Gà vàng thả xuống một hạt thóc, cúng dường La hán tăng mười phương”. (Đại chính tạng 51, Sử truyện bộ 3, kinh số 2076, [0245c23], bản điện tử). Chấn Đán chính là Trung Hoa. Tổ Bát Nhã Đa La đã tiên liệu, sau này con “gà vàng” Đạt Ma mang hạt thóc từ ngọn Kê Phong sang Trung Hoa, tuy đất rộng mà chẳng có lối đi, phải quay mặt diện bích suốt chín năm trời! Vậy mà hạt thóc ấy không hề hư hao, lại còn sinh sôi nảy nở, đơm bông cúng dường mười phương La Hán tăng không hết. Học trò của Lục tổ Huệ Năng có hai thiền sư là Nam Nhạc và Thanh Nguyên. Từ Nam Nhạc lại có Mã Tổ ở Giang Tây. Từ Thanh Nguyên lại có Thạch Đầu ở Hồ Nam. Nhờ hai sư này, thiền pháp tràn đầy thiên hạ. Đó là con cháu của Ngài sô tổ Đạt Ma. Và gọi đó là con gà Tây Thiên ngậm tới một hạt thóc cúng dường La Hán tăng mười phương. Từ “Gà vàng” vốn được lấy từ truyền thuyết “Kim kê tinh”, một ngôi sao ở trên trời, sau này nó biến thành thuật ngữ nhà thiền. Tương truyền, mỗi khi con gà này ở trên thiên đình báo sáng, thì những con gà ở hạ giới cũng gáy theo. Tổ đình sự uyển, quyển 5 (Tục tạng chữ Vạn 113, 67 trên), ghi: “Nhân gian vốn chẳng có từ gà vàng, vì đó là một loài gà ở trên trời! Mỗi khi gà vàng trên trời báo sáng, thì mấy chú gà dưới nhân gian cũng gáy theo” (Phật Quang từ điển). Chẳng biết con “gà vàng” trên thượng giới còn nhớ báo thưùc hay không, nhưng trong rừng thiền, từ khi con “gà vàng” mang theo hạt thóc từ đỉnh Kê Phong sang Đông độ, không biết bao nhiêu lần trong rừng thiền ấy đã cất tiếng gáy vang, chấn động cả thiên giới! Hỏi: Không tu giới định tuệ, làm sao thành Phật? Đáp: Gà vàng chuyên báo thức. (Đại chính tạng 51, kinh số 2076, Sử truyện bộ 3, Cảnh đức truyền đăng lục, q.13, [0302b02]) Hỏi: Lúc gà vàng chưa gáy thì như thế nào? Đáp: Chẳng nghe âm thanh gì cả. Hỏi: Sau khi gà gáy thì sao? Đáp: Ai cũng biết giờ. (Đại chính tạng 51, kinh số 2076, Sử truyện bộ 3, Truyền đăng lục q.15, [0319a02]) Thật là: Từ đỉnh Kê Phong Gà vàng ngậm thóc Nhảy vào phương Đông Đơm hoa “năm cánh”.
Văn học Phật giáo
  • Thần chú trừ rắn độc
  • Kê Phong Tục Diệm
  • Tiểu Diễm Thi
  • Tiếng Thét Giữa Hư Không
Xuân Tuỳ bút Truyện ngắn Nhật ký Khảo luận
CU TÝ ĐI TU MƯA THÁNG NĂM RƠI NẾU NHƯ ... Mùa xuân, Di-lặc, từ thực tại đến ước mơ Gió Xuân 2013 Nụ cười Hoa mùa Xuân CHUYỆN CỦA RỒNG Vòng tròn cuộc đời Ca sa ơi rộng mở ! Tôi đi hành hương Tôi quyết định đi theo đoàn hành hương do chùa Vạn Hạnh ở Nantes tổ chức từ cuối tháng 8, 2010. Làm các thủ tục vé máy bay, passport và visas xong xuôi từ cuối tháng mười. (Các bạn nên nhớ rằng passport của bạn phải còn có giá trị tối thiểu 3 tháng sau ngày rời Ấn Độ trở về... Tâm sự Xuân 2011 HƯƠNG VỊ NGÀY TẾT Tâm sự Xuân 2010 MỘT CHUYẾN ĐI TRỞ VỀ NĂM DẦN NÓI CHUYỆN CỌP
Website: http://chuavanhanh.free.fr Email: chuavanhanh@free.fr

Từ khóa » Núi Kê Túc ấn độ