Keo Kiết Kéo Kẹo Kẽo Kẹt... - Báo Công An Nhân Dân điện Tử

  • Người nhà quê
  • Giữ một bàn tay

Thế nhưng nó hay, đọc lên thì nhớ, thì thích, vì thế, cứ quay đi lộn lại với bài ca dao này. Nay, chép theo bản in từ “Thi ca bình dân” (NXB Văn học tái bản-1994, tập 1, tr.202) của nhà nghiên cứu Nguyễn Tấn Long - Phan Canh:

Cô thỉ cô thi,

Cô đang đương thì, cô kẹo với ai.

Cô tú kẽo kẹt cô cai,

Vợ chồng thuyền chài kẽo kẹt dưới sông.

Mâm cốm kẽo kẹt mâm hồng,

Bát bịt, mâm đồng kẽo kẹt một nơi.

Mâm thịt kẽo với mâm xôi,

Thịt bùi xôi dẻo, kẽo nơi bà già.

Cùi dừa kẽo kẹt bánh đa,

Cái dĩa thịt gà kẽo kẹt lá chanh.

Nồi cơm kẽo với nồi canh,

Quả bí trên nhành kẽo với tôm he.

Bánh rán kẽo với nước chè,

Cô kia cò kè kẽo với anh đây.

Bà cốt kẽo với ông thầy,

Con chim loan phượng kẽo cây ngô đồng.

Hay quá phải không nào? Trong lúc chưa thể xác định kẹo/ kẻo/ kẽo, thôi thì, ta hãy trò chuyện với kéo vậy. Một thú vui lành mạnh, đáng khuyến khích vẫn là cầm quyển sách trên tay, thỉnh thoảng lại đọc. Chẳng hạn, đọc lại “Hương rừng Cà Mau” (NXB Trẻ - 2012), trong một truyện ngắn, nhà văn Sơn Nam viết: “Kéo sống dai hơn kiếp người, và từ thuở cô gái mới về nhà chồng, đến khi có con cháu, chết vô hòm mà kéo vẫn chưa lụt” (T.2, tr.101).

Kéo trong ngữ cảnh này là gì? Ta sẽ biết, nếu giải thích được từ lụt chăng? Trước hết, thử khảo sát từ lời ăn tiếng nói: “Nước lụt thì lút cả làng/ Đắp đê chống lụt, cả làng cùng lo”; “Tháng bảy kiến bò, lại lo về lụt”… Rõ ràng, lụt ở đây nhằm chỉ về thời tiết do mưa lũ gây ra khiến ngập nước lênh láng, dâng cao cả một vùng. Vậy, lụt, lụt lội, lụt ngập không thể áp dụng trong trường hợp này.

Với từ kéo, hẳn nhiều người còn nhớ đến câu đồng dao: “Kéo cưa lừa xẻ/ Ông thợ nào khỏe/ Về ăn cơm vua/ Ông thợ nào thua/ Về bú tí mẹ”. “Kéo cưa” là động tác dùng lấy cái cưa kéo qua kéo lại ở một điểm nhất định nhằm xẻ gỗ; “lừa xẻ” ở đây thì chẳng có con lừa nào góp sức, hỗ trợ gì cả - dẫu nó thuộc loại “Thân lừa ưa nặng”, chỉ là từ nhằm chỉ cách sử dụng mưu mẹo theo kinh nghiệm để xẻ gỗ nhanh chóng. Nói cách khác, kéo trong ngữ cảnh này là động tác quen thuộc, thuần thục của thợ cưa xẻ gỗ.

“Ví dầu cậu giận mợ hờn/ Cháu đi theo cậu kéo đờn cậu nghe”. Không cần giải thích ai cũng rõ động tác kéo đờn cũng như: “Tới đây mượn chén ăn cơm/ Mượn ly uống rượu, mượn đờn kéo chơi”, tức là dùng cây chuyên dụng của đờn tác động vào dây đờn đã căng, đã thẳng bằng cách kéo qua, kéo lại nhằm phát ra âm thanh. Mà, kéo cũng là cái kéo, đồ dùng để cắt có hai lưỡi bắt chéo qua, giữa có đinh chốt, dùng để cắt vật dụng nào đó. Có câu “Làm ruộng sắm cày, đi may sắm kéo” là vậy.

Có từ kéo, theo nghĩa bóng nhằm chỉ sự nhùng nhằng, cù nhầy, rề rà. Chẳng hạn người nọ bảo: “Việc đó dễ như lật bàn tay mà cứ kéo co/ kéo cưa/ kéo dây kéo nhợ mãi không xong”. Tùy ngữ cảnh, có lúc kéo lại chỉ sự dứt khoát: “Ghe bầu dọn dẹp kéo neo/ Mấy chú bạn chèo bắt cái hò khoan”, kéo neo là rút hẳn cái mỏ neo lên, nó không còn trì lại, níu giữ cái ghe/ thuyền nữa. Đáng ghét nhất vẫn là anh chàng bạc tình kia, thề non hẹn biển: “Đưa em mà bỏ xuống gành/ Kéo neo mà chạy sao đành anh ôi”.

Tục ngữ có câu “Kéo áo người đắp bụng mình”, kéo ở đây hiểu theo nghĩa bóng là lấy của người khác vun vén, có lợi cho mình. Kéo chân vịt cho dài, thúc giò hạc cho ngắn, là làm một việc khó khăn gì đó, biết đâu sẽ thay đổi tình thế đã có, thế thì, kéo ở đây là từ cái ngắn cố định, người ta cố gắng làm cho nó dài ra nữa, bằng cách lấy sức mà rị, kéo. Hiểu theo nghĩa này, còn câu tương tự như “Kéo buồm ngược gió”, dù thiên hạ chấp nhận “Thời đã thế thế thời phải thế”, có người lại không, vẫn cố kéo ngược tình thế theo ý chủ quan của mình. Kéo cũng ngầm hiểu là kết, chẳng hạn “Kết bè kết phái/ Kéo bè kéo phái”, thường hàm ý chê bai, phê phán thói xấu.

Kéo còn là lôi tới, chẳng hạn kéo gỗ, kéo thuyền, kéo xe… Nhưng một người bảo: “Tài thật, anh ấy kéo gỗ sáng đêm”, chẳng phải phùng mang trợn mắt, cố hết sức kéo lôi súc gỗ nào, chỉ là… ngáy khò khò! Hoặc có câu nói: “Túng bấn quá, chỉ có nước kéo cày trả nợ”, chẳng có cái cày nào ở đây cả, cụm từ “kéo cày trả nợ” là chỉ ai đó nai lưng ra làm việc tất bật, tối mắt tối mũi để trả cho xong quách món nợ đã vay. Rồi, một người bảo: “Nào, mọi việc đã xong. Mời anh em kéo ghế”. Ai cũng hiểu kéo ghế ra để ngồi, nhưng kéo ghế còn hiểu ngầm là ngồi để ăn/ uống, chứ ngồi không chỉ là ngồi. Lại nữa, “Chiều chiều son phấn đong đưa/ Ra đường kéo khách không chừa một ai”, kéo khách từ câu ca dao này, nay vẫn còn trên phố xá thời @ chăng? Chưa chắc. Ăn theo thuở ở theo thời. Thời này có nhiều cách kéo khách mà không cần phải tiếp thị bằng cách chường mặt ra.

Đôi lúc dứt khoát là kéo nhưng người ta vẫn cố tình gọi là kẹo. Trong tập sách “Thú chơi câu đối” (in năm 1931), nhà nghiên cứu Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc có đưa ra chừng mươi “câu không đối được”, chẳng hạn: “Lên phố Mía gặp cô hàng mật, cầm tay kẹo lại, hỏi thăm đường”. Mía, mật, kẹo, đường đều ngọt. Thật ra, “kẹo” này không phải là “đồ ăn nấu bằng đường bằng bột: kẹo lạc, kẹo vừng” (“Việt Nam tự điển”, 1931), chỉ là biến âm của “kéo” như “Từ điển tiếng Nghệ” của Trần Hữu Thung, Thái Kim Đỉnh cho biết. Kẹo còn là keo/ keo kiết, ngoài Bắc lại dùng từ kiết nhằm chỉ thói keo kiệt, bủn xỉn, rít róng nhưng còn “đèo” thêm nghĩa thứ hai là nghèo túng, xơ xác đến cùng kiệt, chẳng hạn, Tú Xương viết: “Chẳng phong lưu cũng ba ngày tết/ Kiết cú như ai cũng rượu chè”. Kiết cú, kiết xác là mức độ cao hơn kiết.

Với bài ca dao liên quan đến “cô thỉ cô thi” vừa nêu, mấy từ kẹo/ kẽo ấy, có lẽ ta chọn kẹo chăng? Kẹo ở đây không liên quan gì các nghĩa trên, phải chăng nó chính là tiếng lóng (?), cách nói nhằm chỉ sự thân thiết, bồ bịch, bồ tèo, hợp gu, hợp cạ, ăn ý với nhau, thì, cứ xem nè: “… Nồi cơm kẽo với nồi canh/ Quả bí trên nhành kẽo với tôm he…”. Còn sự phối hợp nào “ngon lành cành đào” cho bằng? “Cô tú kẽo kẹt cô cai/ Vợ chồng thuyền chài kẽo kẹt dưới sông/ Mâm cốm kẽo kẹt mâm hồng/ Bát bịt, mâm đồng kẽo kẹt một nơi…”. Kẽo kẹt là tiếng nghiến, tiếng rít, là âm thanh đều đặn phát ra từ hai vật cứng cọ sát vào nhau tỷ như “Anh kia đi chợ bán gì?/ Đòn gánh kẽo kẹt, chân đi vội vàng”; “Gió đưa kẽo kẹt cành tre/ Mẹ ngồi tựa cửa bên hè quay tơ”… Trong ngữ cảnh này, kẽo kẹt lại có thể hiểu là tằng tịu, xà quần, xà nẹo, bám riết lấy nhau cỡ như “Ước gì anh được vô phòng/ Loan ôm lấy phụng, phụng bồng lấy loan”, còn gì sướng hơn, khoái hơn, tha hồ hú hí, hủ hỉ ngày đêm…

Còn kéo trong đoạn văn của Sơn Nam? Nói luôn cho nó vuông, nói nhanh cho nó lành chính là cái kéo - vật dụng dùng để cắt gồm hai lưỡi chéo nhau như kéo cắt vải, kéo cắt tóc… Kinh nghiệm cho biết, Dao thử trầu héo, kéo thử lụa là biết kéo có bén hay không? Trải qua thời gian dài sử dụng nhưng “kéo vẫn chưa lụt” thì lụt có nhiều cấp độ như lụt nhách/ lụt nhầy/ lụt nhây, tức là đã cùn, mòn, không còn sắc bén, nếu muốn sử dụng ngon lành, bén như thuở ban đầu thì phải mài.

Tuy nhiên, tùy vùng miền, từ lụt này, có thể thay thế bằng nhụt, kéo nhụt là kéo đã lụt; thú vị hơn, tùy vào sự vật, thí dụ, với tim đèn lụt bấc, người ta vẫn có thể thay thế bằng từ lụn như trong câu ca dao: “Đêm khuya thắp chút dầu dư/ Tim lan cháy lụn, sầu tư một mình”. Tim ở đây là bấc, là tim đèn đầu. Lụn này, ta hiểu là tàn lụi dần, tàn hết. Còn từ nào khác thay thế cho lụt/nhụt nữa không? Ở Quảng Nam, người ta dùng từ đùi như trong câu: “Chà, con dao này đùi nhây đùi nhách”. Mà, từ đùi này đi với quần/quần đùi, ta lại hiểu là quần tà lỏn/xà lỏn/quần cụt.

Tóm lại, câu văn trên nhằm khen cái kéo tốt, bền, có thể sử dụng lâu dài mà không cùn/mòn; vẫn sắc, bén.

Nếu chỉ dừng ở đây thì câu chuyện này chẳng có gì gây cười cả. Nhà văn Sơn Nam kể tiếp, vào ngày nọ, chiếc tàu của quan đại thần Toàn quyền Pháp đi trên kinh xáng để vào xã Tà Lốc, bỗng dưng bị trục trặc. Thế là dân chúng bị huy động kéo nhau ra kinh đặng kéo tàu: “Chiếc tàu quá nặng. Mấy sợi dây đỏi sắt cũng không nhẹ. Nước chảy ngược. Gió thổi ngược. Hơn năm mươi người nai lưng “hố hụi” đưa chiếc tàu liệt máy nọ về chợ Rạch Giá. Mệt và đói quá chừng. Kéo tàu sắt khác hẳn chèo ghe. Làm sao thảnh thơi mà ca vọng cổ” (tr.111). Kéo trong ngữ cảnh là dùng sức mà lôi một vật gì đó từ vị trí này sang vị trí khác, do đó phải dùng nhiều sức là lẽ tất nhiên. Sở dĩ như thế vì chiếc tàu “liệt máy”.

Liệt là gì?

Khi nhại bài thơ “Nhớ rừng” của Thế Lữ, chẳng hạn với câu: “Chịu ngang bầy cùng bọn gấu dở hơi/ Với cặp báo chuồng bên vô tư lự”, Tú Mỡ “cải biên”: “Liệt ngang hàng cùng với bác “lông tông”/ Ngồi đọc báo ở buồng bên, vô tư lự”, liệt này ta hiểu là bị xếp vào loại, vào hạng nào đó. Còn “lông tông” là vay mượn từ planton nhằm chỉ người tùy phái, người chạy giấy trong công sở, một chức danh cũng không gì lấy làm “vẻ vang” cho lắm. Còn liệt trong văn Sơn Nam, ai cũng hiểu là trạng thái mất khả năng hoạt động, trục trặc của một bộ phận, cơ quan máy móc nào đó khiến nó không thể hoạt động.

Đôi khi cũng rơi vào trạng thái liệt, tùy ngữ cảnh, vẫn có thể dùng từ khác thay thế, chẳng hạn, bác sĩ bảo bệnh nhân: “Cánh tay này của anh bị bại rồi”. Không những thế, còn có cả từ đồng nghĩa khác là xụi. Có điều, có những trường hợp ta thấy rằng, từ đó chỉ có thể đi chung với liệt, chứ không thể thay thế xui hoặc bại. Xin nêu một thí dụ khá “nhạy cảm” như liệt âm, liệt dương, liệt tử cung - nếu cố tình thay thế ắt sẽ tạo ra yếu tố hài hước, gây cười. Liệt còn chỉ trạng thái ốm đau, nằm một chỗ, chẳng hạn: “Tẩn mẩn tê mê vì cô bán rượu/ Liệt chiếu liệt giường bởi chị bán nem”.

Về chiếc tàu liệt máy được dân xóm Tà Lốc kéo đi, sau đó thì sao? À, dân làng ai nấy mình mẩy đau nhức, đêm ấy trở về nhà nằm xụi/ xụi lơ cán cuốc, thở không ra hơi. Đang ngủ, đột nhiên lúc “bình minh vừa ló dạng, từ đầu xóm vang lên tiếng mơ hồ: Kéo tàu!”. Ai nấy hoảng hồn, thất kinh hồn vía, cứ nghĩ ông Hương quản sai đi kéo tàu lần nữa nên tìm mọi cách tránh né, không mở cửa nhà, nằm im thin thít, không thèm lên tiếng. Bấy giờ, lén nhìn qua khe cửa, các bà vợ hiền bèn cười khanh khách, thì ra đó là: “Tiếng kéo tàu nọ xuất phát từ cổ họng của anh Huê kiều quen thuộc, bán kéo tàu, kim chỉ và tặng kẹo ngọt cho trẻ con”.

Sự hiểu nhầm này xảy ra cũng do từ “kéo tàu” đồng âm mà dị nghĩa. Một bên tưởng lại phải dùng sức kéo tàu; một bên cho biết mình đi bán kéo tàu, tức kéo do người Tàu làm ra, từ Tàu đem qua đây bán, cho dù nó do… người Việt “rèn tại chợ Rạch Giá”!

Từ khóa » Tiếng Kẽo Kẹt Là Gì