Kết Tử Nghịch Hướng Trong Lập Luận Tiếng Việt

Vào những năm 70 của thế kỷ XX, hai nhà ngôn ngữ học Pháp là O. Ducrot và Anscombre đã phát triển hệ thống lý thuyết lập luận mang tên “Radical Argumentativism”. Những nội dung chính của lý thuyết này đã được giới thiệu qua một số công trình tiêu biểu như: Les échelles argumentatives (1980), L'argumentation dans la langue (1983), Le dire et le dit (1984) và tập bài giảng “Slovenian lectures” (Introduction into Argumentative semantics) của Ducrot do Ed. Igor và Ž. Žagar giới thiệu năm 2009.

Trong những nghiên cứu của Ducrot và Ascombre, kết tử lập luận đã được quan tâm đặc biệt. Hai tác giả đã dùng ngữ liệu tiếng Pháp để miêu tả làm thế nào các kết tử lập luận có thể chỉ dẫn lực lập luận (argumentative power) và hướng lập luận (argumentative direction) dựa trên sự kích hoạt của các lẽ thường (topos).

Thí dụ cho hai phát ngôn: (1) “There are seats in the room” (Có ghế ở trong phòng) và (2) “They are uncomfortable” (Chúng không được tiện nghi). Giả định rằng để nối hai phát ngôn này chúng ta phải chọn giữa hai dạng từ nối gồm: and moreover (hơn nữa), and furthermore (thêm vào đó), and besides (bên cạnh đó) và but (nhưng). Theo Ducrot, trong trường hợp này, chắc chắn but là từ được chọn bởi but luôn luôn nối hai phát ngôn có định hướng lập luận trái ngược nhau (two counter-oriented utterances). Thực tế là “There are seats in the room” có một hướng chuyển động về phía xảy ra việc ngồi xuống ghế còn “They are uncomfortable” có một hướng chuyển động ngược lại là không xảy ra việc ngồi xuống ghế. Theo luận giải đó, and moreover sẽ được chọn để nối phát ngôn (1) “There are seats in the room” với phát ngôn (3) “They are comfortable” (Chúng đều tiện nghi) bởi từ này luôn nối hai phát ngôn có cùng định hướng (co-oriented utterances)… Từ những phân tích tương tự như trên, Ducrot đã đưa ra một luận điểm cơ bản mà sau này ông đã khẳng định lại trong nhiều công trình và bài giảng của mình là: “Từ thay đổi giá trị theo định hướng lập luận của chúng” [76; 118].

Hai tác giả cũng là những người đầu tiên đề cập đến hiện tượng đa thanh (many-voicedness) hay phức điệu (polyphony) trong lập luận. Trong lý thuyết đa thanh, bằng việc tạo ra giọng thứ hai câm lặng (a silent second voice), các kết tử lập luận như mais - tiếng Pháp chính là nguyên nhân gây ra một hướng lập luận trái chiều, có vai trò chỉ ra sự hiện diện trên bề mặt cấu trúc hai kết luận đối nghịch nhau… [78; 8].

Sau O. Ducrot và Anscombre, Moeschler (1995) là người có đóng góp quan trọng trong việc phát triển lý thuyết về kết tử lập luận bằng việc đề xuất các tiêu chí phân loại kết tử. Theo đó, dựa trên tiêu chí cấu trúc, kết tử có thể chia thành kết tử hai vị trí và kết tử ba vị trí. Trong đó, kết tử hai vị trí đòi hỏi hai phát ngôn - một nêu LC, một nêu KL - mới tạo thành một lập luận hoàn chỉnh, còn kết tử ba vị trí đòi hỏi phải có phát ngôn thứ ba mới tạo thành một lập luận. Dựa trên tiêu chí chức năng, kết tử được chia thành kết tử dẫn nhập LC và kết tử dẫn nhập KL. Các kết tử đồng thời cũng là các từ định hướng lập luận cho nên nhóm các kết tử ba vị trí được tiếp tục phân chia thành kết tử đồng hướng và kết tử nghịch hướng. Theo tác giả Trần Thế Hùng [29; 3], có thể tóm tắt sự kết hợp các tiêu chí phân chia của Moeschler qua bảng sau:

Valence

Fonction

Kết tử hai

vị trí

Kết tử ba vị trí

luận cứ đồng hướng

luận cứ

nghịch hướng

kết tử dẫn nhập luận cứ

car, puisque, parce que

d’ailleurs

meme

mais

kết tử dẫn nhập kết luận

donc, alors,

par conséquent

décidément

quand meme, pourtant, finalement

Những nội dung lý thuyết cơ bản nêu trên đã được nhiều nhà ngôn ngữ học trên thế giới đưa vào trong các công trình dẫn luận về ngữ dụng học hay nghiên cứu về lập luận trong ngôn ngữ. Ở Việt Nam, lý thuyết chung về kết tử lập luận đã được trình bày trong một số công trình nghiên cứu của các tác giả như: Đỗ Hữu Châu, Nguyễn Đức Dân, Trần Thế Hùng, Đỗ Việt Hùng… Trên cơ sở lý thuyết chung về kết tử, các tác giả đã có những giới thuyết căn bản về kết tử tiếng Việt, mở đường cho nhiều công trình nghiên cứu chuyên sâu tiếp theo về lập luận trong tiếng Việt.

Nghiên cứu kết tử, kết tử nghịch hướng tiếng Việt ở mức độ chuyên sâu phải để đến một số luận văn thạc sĩ do Đỗ Hữu Châu hướng dẫn tại trường Đại học Sư phạm Hà Nội trong khoảng thời gian từ năm 1994 đến năm 2000.

Năm 1994, tác giả Trần Thị Lan trong luận văn Tìm hiểu kết tử đồng hướng lập luận trong tiếng Việt [36], đã tập trung tìm hiểu nhóm các kết tử đồng hướng như: vả, vả lại, huống, huống hồ, ngoài ra, lại, lại nữa, … Tác giả tập trung làm rõ đặc điểm chung của cả nhóm và của từng tiểu nhóm KTĐH thông qua việc phân tích lập luận sử dụng kết tử trên hai phương diện cơ bản là: 1/đặc điểm của thành phần LC (luận cứ là phát ngôn có hiệu lực ở lời chân thực hay phái sinh); 2/cấu trúc lập luận sử dụng KTĐH ở các dạng văn bản khác nhau như miêu tả, tự sự, nghị luận và hội thoại.

Cùng năm 1994, Nguyễn Minh Lộc đã thực hiện đề tài Tìm hiểu kết tử lập luận nhưng trong tiếng Việt [38]. Tác giả đã làm rõ bản chất của nhưng thông qua việc phân tích đặc điểm của lập luận sử dụng kết tử trên hai phương diện cơ bản là: 1/đặc điểm của các thành phần LC và KL (luận cứ và kết luận là hành vi ngôn ngữ xác tín hay hành vi ngôn ngữ có hiệu lực ở lời) ; 2/cấu trúc lập luận sử dụng kết tử nhưngở tất cả các dạng (dạng chuẩn và biến thể) trong các loại hình văn bản miêu tả, tự sự, nghị luận hay hội thoại.

Năm 1996, tác giả Kiều Tập quan tâm tìm hiểu Các kết tử lập luận nhưng, tuy…nhưng, thế mà/ vậy mà và các topoi – cơ sở của lập luận [62]. Để làm rõ bản chất của các kết tử trên, luận văn đã tập trung phân tích đặc điểm của lập luận sử dụng các kết tử trên ba phương diện cơ bản là: 1/đặc điểm LC và KL (luận cứ và kết luận là hành vi ngôn ngữ xác tín hay không phải xác tín); 2/cấu trúc lập luận ở các loại hình văn bản; 3/quan hệ ngữ nghĩa giữa các thành phần lập luận. Luận văn cũng đã tiến hành so sánh nhằm chỉ ra đặc điểm chung và riêng của nhóm các kết tử nhưng, tuy…nhưng, thế mà/vậy mà trên trong lập luận tiếng Việt. Một điểm rất đáng chú ý trong luận văn là việc xác lập các lẽ thường xuất hiện trong lập luận sử dụng KTNH, phân loại chúng thành các nhóm dựa trên hai tiêu chí là ngữ nghĩa và phạm vi sử dụng.

Năm 2000, kết tử nghịch hướng tiếp tục được quan tâm nghiên cứu trong luận văn Các kết tử lập luận thật ra/ thực ra, mà và quan hệ lập luận [63] của Kiều Tuấn. Trên cơ sở khảo sát các văn bản thuộc dạng nghị luận và miêu tả, tác giả đã tập trung miêu tả quan hệ lập luận và cấu trúc hình thức của lập luận sử dụng các kết tử mà, thật ra/ thực ra. Đóng góp quan trọng của đề tài là việc nhận diện mà ở cả hai tư cách: mà - kết tử đồng hướng và mà - kết tử nghịch hướng. Bên cạnh đó, luận văn còn trình bày cách đưa phản lập luận thông qua các kết tử thật ra/ thực ra. Đây là một điểm mới và gợi ý quan trọng cho những nghiên cứu tiếp theo về KTNH trong tiếng Việt.

Ngoài ra, các kết tử, kết tử nghịch hướng trong tiếng Việt cũng được quan tâm tìm hiểu trong nhiều bài báo khoa học được đăng tải trên các tạp chí chuyên ngành, kỷ yếu hội nghị, hội thảo và website.

Năm 2011, trong bài viết Ngữ nghĩa ngữ dụng của quán ngữ tình thái nhận thức thảo nào, hóa ra, tác giả Ngũ Thiện Hùng đã nghiên cứu chức năng ngữ dụng của các nhóm từ thảo nào, hóa ra và khẳng định: “có thể nhìn nhận vai trò của thảo nàohóa ra như các kết tử lập luận đồng hướng và nghịch hướng. Ta có thể thay các QNTTNT thảo nào/ hèn nào bằng các kết tử như cho nên/vì thếhóa ra/ té ra bằng các kết tử thế nhưng/kì thực mà không làm biến đổi ý nghĩa liên kết logic giữa các nhận định.” [27; 10]. Tuy bài viết chỉ bàn đến một số trường hợp cụ thể nhưng có đóng góp quan trọng trong việc mở rộng hình dung về nhóm kết tử lập luận là các tình thái từ/ tổ hợp từ tình thái, trong đó thảo nào/hèn chi/ hèn nào mang bản chất của kết tử đồng hướng, thì ra/ hóa ra mang bản chất của kết tử nghịch hướng.

Năm 2013, trong bài viết “Liên từ đối lập trong quan hệ với nhưng” [23], tác giả Võ Thị Ánh Ngọc có phân tích và so sánh hai liên từ mà và nhưng trên các bình diện ngữ pháp, nghĩa nghĩa và ngữ dụng. Tác giả có một số nhận xét cơ bản như: “ thường được người thoại sử dụng cho nhiều luận cứ cùng hướng trong một lập luận”. Ngược lại, “nhưng xuất hiện khi dẫn vào những luận cứ nghịch hướng, dù cho những luận cứ đó do một hay hai người thoại thực hiện”. Từ đó có thể nhìn nhận nhưng là một kết tử đối nghịch thể hiện sự tương phản ở mức khái quát cao nhất, nên nhưng dễ dàng đảm trách chuyển đề giữa các đoạn văn trong văn bản; còn mà - cũng là kết tử đối lập - lại diễn tả ý nghĩa tương phản ở mức độ cao hơn. Nhìn chung, bài viết đã tiến hành phân tích, so sánh hai liên từ mà và nhưng ở nhiều phương diện, trong đó, trên bình diện ngữ dụng, kết tử nhưng có những điểm đồng nhất và đối lập với mà.

Ngoài những bài báo tiêu biểu nêu trên, từ năm 2010 đến 2013, chúng tôi cũng đóng góp một số bài viết chuyên sâu về kết tử lập luận tiếng Việt như: “Kết tử lập luận vả lại trong tiếng Việt” [65]; Vai trò của kết tử với việc tổ chức lập luận trong tiếng Việt [66]; Kết tử nghịch hướng tuy vậy/tuy thế trong tiếng Việt [67]; Kết tử là hư từ chỉ điều kiện/ giả thiết trong lập luận [68]; Kết tử trong lập luận tiếng Việt [69]; Kết tử đồng hướng với việc tổ chức lập luận trong tiếng Việt [70]; Lập luận qua đoạn văn miêu tả nhân vật Thị Nở trong truyện ngắn Chí Phèo của Nam Cao [71], Các kết tử vì, nên, vì…nên trong lập luận tiếng Việt [72]. Dựa trên những tiền đề lý thuyết căn bản về lập luận của O. Ducrot và Anscombre, thông qua việc khảo sát và phân tích các lập luận sử dụng kết tử trong tiếng Việt, các bài viết đã phân tích và chỉ rõ giá trị của một/ nhóm kết tử trên các phương diện cơ bản gồm chỉ dẫn cấu trúc hình thức và chỉ dẫn quan hệ lập luận.

Qua tìm hiểu lịch sử nghiên cứu vấn đề, chúng tôi có một số nhận xét cơ bản mang ý nghĩa định hướng cho việc lựa chọn và triển khai đề tài như sau:

(i) Cho đến nay vẫn chưa có công trình nghiên cứu chuyên sâu và toàn diện về nhóm KTNH trong tiếng Việt. Việc nghiên cứu một/ một số KTNH chưa cho phép rút ra kết luận khái quát về đặc điểm chung của nhóm cũng như đặc trưng của từng kết tử/ tiểu nhóm kết tử;

(ii) Về cơ bản, các KTNH được tìm hiểu gián tiếp thông qua việc phân tích các lập luận sử dụng KTNH trên các phương diện như: cấu trúc hình thức, quan hệ ý nghĩa giữa các thành phần lập luận, sự tham gia của các kiểu hành vi ngôn ngữ hay đặc trưng văn bản. Theo chúng tôi, cần phân biệt rõ việc nghiên cứu lập luận và kết tử lập luận. Việc tìm hiểu kết tử cần tập trung vào những đặc trưng của lập luận thể hiện rõ nét dấu ấn của loại kết tử được sử dụng;

(iii) Đa thanh và phản lập luận là những hiện tượng gắn liền với lập luận nghịch hướng, thể hiện rõ bản chất và đặc trưng của dạng lập luận này. Đây là những vấn đề phức tạp nhưng rất thú vị, cần được quan tâm nghiên cứu thêm trong những công trình chuyên sâu về nhóm KTNH trong tiếng Việt.

Từ khóa » Ví Dụ Về Tác Tử Lập Luận