Kha Tử: Giải Pháp Cho Người Bệnh Viêm Họng Mạn Tính - YouMed

Nội dung bài viết

  • Mô tả
  • Thu hái và bào chế
  • Thành phần hoá học
  • Tác dụng dược lý
  • Công dụng, liều dùng
  • Đơn thuốc kinh nghiệm

Viêm họng mạn là một bệnh tuy không gây nguy hiểm nhưng lại ảnh hưởng tới chất lượng sống của bệnh nhân. Việc tái đi tái lại của bệnh này gây nhiều phiền toái trong việc điều trị. Trong Đông Y có một vị thuốc công hiệu chữa bệnh viêm họng mạn mà ít người biết tới, đó chính là Kha tử. Theo Y học cổ truyền, đây là một vị thuốc chuyên dùng chữa đi tiêu lỏng lâu ngày, chữa đi tiêu mót rặn kinh niên, còn dùng chữa ho mất tiếng. Hãy cùng tìm hiểu công dụng, cách dùng và những điều cần biết về Kha tử trong bài viết này của Thạc sĩ, Bác sĩ Y học cổ truyền Nguyễn Trần Anh Thư.

Mô tả

Kha tử còn gọi là Chiêu liêu. Là quả chín phơi hay sấy khô của cây Chiêu liêu, tên khoa học là Terminalia chebula Retz., thuộc họ Bàng (Combretaceae).

1. Cây Chiêu liêu

Chiêu liêu là một cây to cao chừng 15 – 20 m, có vỏ màu đen nhạt trên có những vạch nứt dọc. Lá mọc đối cuống rất ngắn, hình trứng, phía cuống tròn hơi thon, đầu nhọn. Hoa mọc thành bông, nhỏ, màu trắng, lưỡng tính, mùi thơm, mọc ờ đầu cành hay ở kẽ lá, cuống ngắn, trên có phủ lông màu vàng nhạt.

Quả hình trứng thon, hai đầu tù. Hạch cứng, hơi hình 5 cạnh, 1 hạt, lá mầm cuốn.

Quả Kha tử tươi
Quả Kha tử tươi

2. Vị thuốc Kha tử

Dược liệu hình quả trám hoặc hình trứng thuôn, dài 2 cm đển 4 cm, đường kính 2 cm đến 2,5 cm. Mặt ngoài màu nâu hơi vàng hoặc màu nâu thẫm, hơi sáng bóng; có 5 đến 6 cạnh dọc và vân nhăn không đều. Chất chắc, thịt quả dày 0,2 cm đến 0,4 cm, màu nâu hơi vàng, hoặc vàng nâu thẫm. Không mùi, vị chua, chát, sau ngọt.

Bên trong quả Kha tử
Bên trong quả Kha tử

Thu hái và bào chế

Thu hái

Thu hái lấy quả chín vào mùa thu, đông, loại bỏ tạp chất, phơi khô.

Bào chế

Kha tử đã loại bỏ tạp chất, rửa sạch, phơi khô, khi dùng đập nát.

Thịt quả Kha tử: Lấy Kha tử sạch, ngâm qua nước, ủ mềm, bỏ hạch, phơi thịt quả đến khô.

Vị thuốc Kha tử
Vị thuốc Kha tử

Thành phần hoá học

Quả Kha tử chứa một lượng lớn Tannin, khoảng 32 – 34%. Một nhóm các nhà nghiên cứu đã tìm thấy 14 thành phần của tannin thủy phân (axit gallic, axit chebulagic, Punicalagin, chebulanin, corilagin, axit neochebulinic, axit ellagic, axit chebulinic, 1,2,3,4,6-penta-O-galloylβ- glucose, 1,6-di-o-galloyl-D-glucose, casuarinin, 3,4,6-tri-o-glloyl-D-glucose, terchebulin).

Các thành phần khác bao gồm phenolics như axit chebulinic, axit ellagic và anthraquinone. Bên cạnh đó, fructose, axit amin, axit succinic, betasitosterol, nhựa và dẫn xuất của anthraquinone cũng có mặt. Flavonol, glycoside, triterpenoids, coumarin kết hợp với axit gallic gọi là chebulin cũng như các hợp chất phenolic khác cũng được phân lập.

Mười hai axit béo được phân lập từ Kha tử trong đó axit palmitic, axit linoleic và axit oleic là thành phần chính.

Tác dụng dược lý

  • Chống oxy hóa và gốc tự do: Trong chiết xuất của Kha tử có nhiều hoạt chất chống lại các chất tự do. Và do đó chứng minh tác dụng chống oxy hoá của Kha tử.
  • Chống ung thư: Chiết xuất cồn của Kha tử ức chế tăng sinh và chết tế bào gây trong một số dòng tế bào ác tính bao gồm tế bào ung thư vú ở cả người và chuột, dòng tế bào ung thư xương ở người, thế bào ung thư tuyến tiền liệt ở người.
  • Hoạt động chống vi trùng, xạ trị và hoá trị: Hoạt tính chống vi trùng của dịch chiết nước và tannin thủy phân trong Salmonella typhimurium đã được ghi nhận. Nó cũng bảo vệ các tế bào lympho của con người khỏi trải qua thiệt hại do bức xạ gamma gây ra đối với DNA trong ống nghiệm.
  • Bảo vệ gan, bảo vệ tim mạch, bảo vệ tế bào, chống lại bệnh đái tháo đường, và rất nhiều tác dụng khác cũng đã được tìm thấy.

Công dụng, liều dùng

Công dụng

Cầm tiêu chảy, bổ phế trị ho, lợi hầu họng.

Chủ trị: Tiêu chảy lâu ngày, đại tiện ra máu, lòi dom; hen suyễn khó thở, ho lâu ngày không khỏi, khàn tiếng.

Liều dùng

Ngày dùng từ 3 g đến 6 g, dạng thuốc sắc hay thuốc viên.

Đơn thuốc kinh nghiệm

1. Tiêu chảy lâu ngày

Kha tử 12 quả, 6 quả để sống, 6 quả nướng bỏ hạt sao vàng tán nhỏ. Nếu tiêu mót rặn ra máu dùng nước sắc cam thảo uống thuốc. Nếu tiêu ra nhày nhớt dùng uống với nước chích thảo. Ngoài ra, bạn có thể đọc thêm ở bài viết: Một số thuốc dùng cho tiêu chảy cấp.

2. Ho lâu ngày, mất tiếng

Kha tử, Đảng sâm đều 4 g sắc với 400 ml nước cô đặc còn 200 ml chia 3 lần uống trong ngày.

Tóm lại, Kha tử có công dụng trị tiêu chảy lâu ngày, trị ho lâu ngày, mất tiếng (hay viêm họng mạn). Những thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Tốt nhất, bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng các vị thuốc!

Từ khóa » Tác Dụng Của Hạt Kha Tử