Khải Huyền - PetroTimes

Học giả An Chi: “Khải huyền” là một cấu trúc gồm hai yếu tố Hán Việt mà nhiều bản Kinh Thánh bằng tiếng Việt đã dùng để dịch tên sách Apocalypse (tiếng Anh, tiếng Pháp), quyển cuối cùng của Tân Ước. Còn người Trung Quốc thì dùng “khải thị” – và chỉ dùng cấu trúc này mà thôi – chứ không dùng “khải huyền”. Vậy Apocalypse trong Kinh Thánh tiếng Hoa là Khải thị lục 啟示錄. Dĩ nhiên là cũng có bản tiếng Việt dùng “khải thị”, chẳng hạn như Kinh Thánh Tân Ước (bản nhuận - chánh) của Hội Ghi-đê-ôn Quốc tế 1965.

Apocalypse là dạng tiếng Pháp và tiếng Anh của tiếng Hy Lạp apokalupsis, có nghĩa là vén màn, gỡ màn che ra, mà hai thứ tiếng này còn dịch thành révélation (Pháp), revelation (Anh). Một số nguồn và tác giả tiếng Việt đã dịch révélation/revelation thành mặc thị, mặc khải, hoặc khải thị. Danh từ thần học và triết học của Ban Giáo sư Đại chủng viện Bùi Chu do Trí - đức - thư - xã (Hà Nội) xuất bản năm 1952 đã dịch như sau:“Révélation: Mặc khải. Révélation divine: Mặc - khải Thiên - Chúa. Révélation formelle: Mặc - khải mô - thức. Révélation primitive: Mặc - khải sơ - khai (...)”. Nhưng chính quyển từ vựng này thì cũng dịch tên quyển Apocalypse thành “Khải huyền thư”. Xem thế đủ thấy xu hướng chung của thư tịch Công giáo bằng tiếng Việt là chỉ dùng hai tiếng “khải huyền” để chỉ tên quyển cuối cùng của Tân Ước mà thôi. Nhưng xin lưu ý rằng, nguồn thư tịch mới nhất là “Từ điển Công giáo 500 mục từ” của Hội đồng Giám mục Việt Nam (NXB Tôn giáo), phát hành trong quý III/2011, không hề ghi nhận hai tiếng “khải huyền”. “Từ điển Công giáo Anh - Việt” của Nguyễn Đình Diễn (NXB Tôn giáo, Hà Nội, 2002) có hai mục hữu quan như sau:

“Apocalypse: Sách Khải Huyền – như Revelation” (tr.47) và “Revelation: Sách Khải Huyền (của Thánh Gio-an Tông đồ [St. John the Apostle]), sách cuối cùng của bộ Kinh Thánh và là sách duy nhất của Kinh Thánh dùng toàn một thể văn ẩn dụ mà Công giáo gọi là văn phong khải huyền. Sách được viết ra để khích lệ các Kitô hữu bị bách hại bằng cách tiên báo Roma sẽ sụp đổ và cuối cùng Đức Kitô sẽ chiến thắng. Đó cũng là một sách tiên tri vì cho thấy trước nhiều thử thách mà những người theo Đức Kitô phải chịu, cũng như báo trước chiến thắng cuối cùng của họ trên (= trước – AC) Satan và lực lượng của Phản Kitô. Sách còn có ý nghĩa cánh chung khi tiên báo những vinh quang của Jerusalem trên trời. Khải Huyền là sách chứa nhiều hình ảnh nhất trong Tân Ước, giàu ẩn dụ và có thể được giải thích bằng nhiều cách khác nhau” (tr.582).

Nhưng có lẽ điều quan trọng không thể bỏ qua về sách Khải Huyền là nó đã đề cập đến trận chiến cuối cùng trên đỉnh đồi Armageddon nhìn xuống đồng bằng Megiddo ở Israel. Tại đây sẽ xảy ra trận đánh kết thúc mọi trận đánh giữa một bên là những người thuận theo Chúa Jesus và bên kia thì không. Sau trận chiến cực kỳ khủng khiếp đó, sẽ xảy ra một trận đại hồng thủy mà kết quả là… tận thế. Do đặc điểm này của sách Khải Huyền mà tên của nó trong tiếng Anh và tiếng Pháp là apocalypse còn có nghĩa là… tận thế.

Về chuyện tận thế này, trong bài “Ngày tận thế của Kitô giáo” (đưa lên mạng ngày 26/5/2008), tác giả Trần Chung Ngọc đã đặt vấn đề như sau:

“Không thiếu gì tín đồ Kitô giáo ngày nay vẫn mơ tưởng đến “ngày tận thế” để Chúa Giê-su của họ có thể làm cho phần hồn của họ nhập với xác chết của họ, bất kể là họ đã chết từ bao giờ, ở đâu, chết trên giường hay tan xác ngoài mặt trận v.v... và cho họ lên “thiên đường” ở trên các tầng mây, hưởng nhan thánh Chúa. Đó là tín ngưỡng, là quyền tin của mọi người, nhưng trong vấn đề học thuật, tôi tự hỏi: “Thực ra thì các tín đồ Việt Nam theo Kitô giáo có được Chúa “cứu rỗi” hay không? Căn cứ vào đâu? Và thực ra thì những gì sẽ xảy (sic) ra trong “ngày tận thế”? Chúng ta không có cách nào khác là tìm hiểu về “ngày tận thế” trong Thánh Kinh của Kitô giáo. Thực ra thì chúng ta không cần tìm hiểu về “ngày tận thế” cũng có thể khẳng định là theo huyền thoại của dân Do Thái về Giê-su thì Giê-su xuống trần chỉ để cứu người Do Thái mà thôi. Trong Tân Ước, chính Giê-su đã khẳng định như vậy và còn coi người phi Do Thái là chó. Vậy thì, dựa theo Thánh Kinh thì những lời các “bề trên” dạy cho tín đồ Việt Nam về một sự “cứu rỗi” của Giê-su chỉ là những lời lừa dối để khuyến dụ những kẻ nhẹ dạ cả tin”.

Ở một đoạn dưới, Trần Chung Ngọc còn nói rõ thêm:

“Chúa chỉ chọn 144.000 người trong 12 bộ lạc Do Thái (…) Dân Do Thái là dân được Chúa chọn (chosen people) nhưng Chúa cũng chỉ chọn có 144.000 người mà thôi. Đối với số người trên thế giới, chúng ta hãy làm một con tính nhỏ. Trong thời John viết sách Khải Huyền, dân số trên thế giới được ước tính là khoảng 200 triệu, ngày nay là khoảng 6,1 tỉ. Vậy tỉ lệ mà các tín đồ Kitô hy vọng được Chúa chọn ngày nay đã giảm từ 1 trên 1.387 (thời John) xuống còn 1 trên 42.300 (ngày nay). Việt Nam có khoảng 7 triệu tín đồ Ca-tô và Tin Lành, vậy trong 165 người Việt Kitô chỉ có 1 người được Chúa chọn, nếu Chúa chọn tất cả 144.000 người được “cứu rỗi” đều là người Việt Nam. Hy vọng này có một xác suất gần bằng 0 (con số không) vì Chúa đã tỏ ra là rất ghét những người không phải là Do Thái, coi người không Do Thái như chó (…)”.

A.C

Từ khóa » Khải Trong Tiếng Trung Là Gì