Khái Niệm, đặc điểm Và Phân Loại Quyết định Quản Lý
Có thể bạn quan tâm
1. Khái niệm quyết định quản lý
Quyết định quản lý là nhân tố đặc biệt quan trọng của quy trình lập kế hoạch. Việc lựa chọn phương án tối ưu trong nhiều phương án đã được xây dựng là thời điểm đánh dấu kế hoạch được chấp nhận. Như vậy việc tìm hiểu những vấn đề liên quan tới quyết định quản lý ở đây là sự cụ thể hoá của một bước trong quá trình lập kế hoạch. Điều đó có nghĩa là quyết định quản lý được tiếp cận theo nghĩa hẹp.
Quyết định quản lý là việc ấn định hay tuyên bố lựa chọn của chủ thể quản lý về một hoặc một số phương án để thực hiện những công việc cụ thể trong điều kiện hoàn cảnh nhất định nhằm hoàn thành mục tiêu của tổ chức.
2. Đặc điểm của quyết định quản lý
* Quyết định quản lý là hạt nhân của hệ thống quản lý
Quyết định quản lý liên quan tới tất cả các yếu tố của hệ thống quản lý. Quyết định quản lý là nhân tố đặc biệt quan trọng của hoạt động quản lý. Bất cứ nhà quản lý nào cũng phải thông qua quyết định quản lý để thực hiện chức năng của mình. Nhiều nhà tư tưởng quản lý đồng nhất quản lý với việc ra quyết định. Điều đó là hợp lý ở chỗ khi thực hiện nguyên tắc quản lý, quy trình quản lý, phương pháp quản lý, phong cách quản lý… mục đích cuối cùng hướng tới là để có các quyết định quản lý đúng đắn. Tuy nhiên, ra quyết định chỉ mới là một điều kiện cần của hoạt động quản lý. Quản lý là một chỉnh thể bao gồm nhiều nhân tố trong đó ra quyết định và thực thi quyết định là hạt nhân quan trọng nhất của nó.
* Quyết định quản lý vừa có tính tối ưu vừa có tính hạn định
Tính tối ưu của quyết định quản lý thể hiện ở chỗ khi nhà quản lý đã ấn định và lựa chọn một phương án nào đó thì họ đã phải cân nhắc rất kỹ lưỡng để phân công đúng người đúng việc và cung cấp những điều kiện vật chất, tài chính phù hợp với hoàn cảnh cụ thể.
Tuy nhiên, khi hoàn cảnh thay đổi (mà điều này diễn ra thường xuyên) thì phương án đã lựa chọn có thể không còn phù hợp. Mặt khác, khi thực hiện tốt phương án đã lựa chọn có thể xảy ra tình trạng ảnh hưởng không tốt tới phương án khác hoặc công việc khác của tổ chức.
* Quyết định quản lý vừa mang tính chắc chắn vừa mang tính rủi ro
Quyết định quản lý là một hàm biến số, bao gồm: con người thực hiện, công việc, công cụ, phương tiện và hoàn cảnh.
Tính chắc chắn của quyết định quản lý chỉ có thể có được khi nhà quản lý nhận thức được bản chất của các biến số và kết hợp chúng một cách phù hợp.
Tính rủi ro của quyết định quản lý có thể xảy ra nếu như nhà quản lý không thấy được một hoặc một số biến số đã thay đổi hoặc lệch pha nhau mà vẫn kết hợp chúng lại một cách chủ quan.
Như vậy, quyết định quản lý với tư cách là những phương án lựa chọn tối ưu của chủ thể trong một điều kiện hoàn cảnh nhất định là biểu hiện rõ nét nhất của cái gọi là quản lý “theo tình huống”. Dưới góc nhìn khoa học và nhãn quan thực tiễn, chúng ta không nên phủ nhận hoàn toàn trường phái quản lý “theo tình huống” bởi vì nó vốn tồn tại thực sự trong thực tế. Chỉ có điều thực tiễn quản lý là hết sức đa dạng và phong phú mà quản lý theo tình huống là một trong những biểu hiện của sự đa dạng đó.
* Quyết định quản lý phản ánh quan hệ lợi ích nhất định
Quyết định quản lý có nhiều loại hình và tính chất khác nhau. Nhưng dưới góc độ lợi ích có thể thấy rằng việc ban hành và thực thi những quyết định quản lý cụ thể thường liên quan tới quan hệ lợi ích trong tổ chức. Có những quyết định mang lại lợi ích chung cho mọi người, cũng có thể có những quyết định mang lại lợi ích cho một nhóm người, có những quyết định mang lại lợi ích cho một cá nhân, hoặc có những quyết định chỉ có lợi cho chủ thể quản lý mà ảnh hưởng tới lợi ích của đối tượng quản lý. Rõ ràng các loại quyết định quản lý đó có ảnh hưởng khác nhau đối với sự phát triển của tổ chức.
Các nhà quản lý có vai trò quyết định đối với việc giải quyết các xung đột về lợi ích trong tổ chức thông qua việc xây dựng và thực thi các quyết định quản lý đúng đắn và phù hợp. Muốn vậy, họ phải tuân theo “quy luật hoàn cảnh” trong việc ra quyết định và tổ chức thực hiện quyết định quản lý. Chỉ có những quyết định quản lý mang lại lợi ích chung, lợi ích tập thể thì mới đảm bảo tính hiệu lực và hiệu quả cho tổ chức.
* Quyết định quản lý vừa mang dấu ấn của chủ thể, vừa phản ánh văn hoá tổ chức
Thông qua việc ra quyết định và thực thi quyết định, có thể nhận biết được chủ thể quản lý đang lựa chọn phương pháp và phong cách quản lý nào. Nói cách khác, quyết định quản lý là sản phẩm của cách thức sử dụng quyền lực của chủ thể. Quyết định quản lý có thể được tạo ra bởi một người, một nhóm người hay một tổ chức. Việc lựa chọn cách thức nào cho việc ra quyết định là biểu hiện của văn hoá tổ chức.
3. Phân loại quyết định
Tuỳ vào các căn cứ khác nhau mà có thể phân chia thành nhiều loại quyết định quản lý:
– Căn cứ vào phạm vi của quyết định:
+ Quyết định chiến lược: Đây là những quyết định mang tính định hướng phát triển trong thời gian tương đối dài và có liên quan đến nhiều đối tượng khác nhau trong hệ thống tổ chức.
+ Quyết định chiến thuật hay các quyết định tác nghiệp. Đây là những quyết định mang tính định lượng, liên quan tới nội dung và cách thức thực hiện những nhiệm vụ và công việc cụ thể. Những quyết định tác nghiệp thường căn cứ vào những quyết định chiến lược để triển khai.
– Theo mức độ ổn định hay không ổn định của quyết định
+ Quyết định chương trình hoá: Là dạng quyết định về một vấn đề thường xuyên nảy sinh, quy trình thực hiện rõ ràng, có tính ổn định và lặp lại. Đây là những quyết định dễ ban hành và thường tốn ít thời gian.
+ Quyết định phi chương trình hoá: Đây là loại quyết định về những vấn đề chưa có tiền lệ, hay là một vấn đề phức tạp và quan trọng. Nội dung của loại quyết định này thường là mới và không có cấu trúc.
– Theo chủ thể ra quyết định:
+ Quyết định cá nhân: Là quyết định do một cá nhân ban hành
+ Quyết định tập thể: Là quyết định do tập thể ban hành
+ Quyết định hỗn hợp: Là hình thức quyết định kết hợp cả hai phương thức ra quyết định tập thể và cá nhân
Hoặc là:
+ Quyết định của người quản lý cấp cao
+ Quyết định của người quản lý cấp trung
+ Quyết định của người quản lý cấp thấp
– Theo nội dung quyết định:
+ Quyết định về nhân sự
+ Quyết định về tài chính
+ Quyết định về cơ sở vật chất
+ Quyết định về lĩnh vực chuyên môn
– Theo hình thức ban hành quyết định:
+ Quyết định bằng văn bản: Là quyết định được ban hành dưới dạng văn bản
+ Quyết định bằng lời nói: Là quyết định được ban hành dưới dạng lời nói
– Theo cách thức tác động tới đối tượng thực hiện
+ Quyết định cưỡng chế
+ Quyết định hướng dẫn
+ Quyết định tuỳ nghi
Từ khóa » Các Loại Quyết định Lãnh đạo Quản Lý
-
Quyết định Quản Lý Là Gì? Đặc điểm, Phân Loại Quyết định Quản Lý?
-
[PDF] Phần II KỸ NĂNG LÃNH ĐẠO VÀ QUẢN LÝ ĐIỀU HÀNH Chuyên đề ...
-
Quyết định Là Gì? Các Loại Quyết định? - Luật Hoàng Phi
-
Kỹ Năng Ra Quyết Định - Khái Niệm Và Phân Loại
-
Liên Hệ Thực Tế Việc Ra Quyết định Và Tổ Chức Thực Hiện ... - 123doc
-
Chuyên đề 5: Ra Quyết định Lãnh đạo
-
Quyết định Quản Lý Là Gì? Gỉải đáp Thắc Mắc Chi Tiết Nhất
-
Quy Trình 5 Bước Ra Quyết định Của Một Nhà Lãnh đạo Tuyệt Vời
-
Bài Giảng Bài 3: Kỹ Năng Ra Quyết định Và Tổ Chức Thực Hiện Quyết ...
-
Quyết định Đánh Giá, Xếp Loại Chất Lượng Công Chức Lãnh đạo, Quản ...
-
NGƯỜI CÁN BỘ QUẢN LÝ LÃNH ĐẠO VÀ CÁC KỸ NĂNG QUẢN LÝ
-
[DOC] MỘT SỐ KỸ NĂNG CƠ BẢN TRONG LÃNH ĐẠO, QUẢN LÝ CỦA ...
-
7 Bước Quy Trình Ra Quyết Định Hiệu Quả - Kỹ Năng - Glints