“KHÁI NIỆM, PHÁN ĐOÁN, SUY LUẬN, THUẬT NGỮ ... - TRI THỨC

Trang

  • PHƯƠNG PHÁP
  • TRANG CHỦ
  • BÀI NGHIÊN CỨU
  • TẠP BÚT
  • CHUYÊN LUẬN
  • DỊCH THUẬT
  • BỔ ÍCH-LÝ THÚ
  • THƯ VIỆN

Thứ Bảy, 10 tháng 8, 2013

“KHÁI NIỆM, PHÁN ĐOÁN, SUY LUẬN, THUẬT NGỮ” TRONG NGHIÊN CỨU KHOA HỌC

Khái niệm Khái niệm là một trong số những thuật ngữ được sử dụng rộng rãi trong sách báo khoa học. Khi sử dụng thuật ngữ khái niệm, người nghiên cứu cần phải hiểu "Khái niệm là gì?”. Câu hỏi “Khái niệm là gì?” trước hết là câu hỏi (vấn đề) của triết học. Vấn đề triết học này tuy đã được đặt ra và phân tích trong các sách giáo khoa về logic học, lý luận nhận thức, phép biện chứng, nhưng hiện nay vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau. Khái niệm là sản phẩm cao nhất của nhận thức, bởi vì khái niệm là sự hiểu biết đúng đắn, tương đối toàn diện và có hệ thống về bản chất của các hiện tượng (đối tượng), có thể chỉ đạo hoạt động thực tiễn của con người trong quan hệ với các đối tượng ấy. Nói đến khái niệm trước hết là nói đến sự hiểu biết (tri thức) về bản chất của các hiện tượng. Hiện tượng và bản chất tuy khác nhau song lại thống nhất với nhau, vì hiện tượng nào cũng được phát khởi từ bản chất của nó, còn bản chất nào cũng được biểu hiện qua các hiện tượng của mình. Khái niệm tồn tại trong đầu óc của con người, còn bản chất tồn tại trong thế giới. Bản chất là đối tượng của sự phản ánh, còn khái niệm là sự phản ánh. Mặc dù có sự khác nhau đó, song bản chất và khái niệm lại có sự thống nhất với nhau, vì nói đến khái niệm là nói đến sự hiểu biết đúng đắn, phù hợp, trùng hợp của bản chất. Cho rằng khái niệm là sự hiểu biết đúng đắn về bản chất của các hiện tượng, điều đó có nghĩa rằng, những hiểu biết (những quan điểm, quan niệm, lý thuyết...) không đúng đắn (hoặc chưa được xác nhận là đúng đắn) thì không phải là khái niệm. Thêm nữa, bất kỳ bản chất nào cũng đều có nhiều phương diện, bởi thế nếu con người chưa hiểu biết toàn diện và có hệ thống về một bản chất nào đó, thì sự hiểu biết ấy cũng chưa phải là khái niệm. Với tính cách là sự hiểu biết đúng đắn, tương đối toàn diện và có hệ thống về bản chất của các hiện tượng, khái niệm có thể chỉ đạo con người hoạt động thực tiễn cải tạo thế giới. Nếu không có được sự hiểu biết đúng đắn về bản chất của các hiện tượng thì nhất định con người không thể cải tạo được thế giới, bắt nó phục vụ cho cuộc sống của mình. Tóm lại, vì là sự hiểu biết đúng đắn, tương đối toàn diện và có hệ thống về bản chất của các hiện tượng, nên khái niệm chính là sản phẩm cao nhất của nhận thức,và trên nó chỉ có thể là hoạt động thực tiễn hiện thực hóa khái niệm. Một cách tổng quát, “Khái niệm” là quá trình nhận thức hay tư duy của con người bắt đầu từ những tri giác hay bằng những quan sát sự vật hiện thực tác động vào giác quan. Như vậy, “khái niệm” có thể hiểu là hình thức tư duy của con người về những thuộc tính, bản chất của sự vật và mối liên hệ của những đặc tính đó với nhau. Nhà khoa học hình thành các “khái niệm” để tìm hiểu mối quan hệ giữa các "khái niệm" với nhau, để phân biệt sự vật này với sự vật khác và để đo lường thuộc tính bản chất của sự vật hay hình thành "khái niệm" nhằm mục đích xây dựng cơ sở lý luận Phán đoán Trong nghiên cứu, nhà nghiên cứu thường vận dụng các khái niệm để phán đoán hay tiên đoán. Phán đoán là vận dụng các khái niệm để phân biệt, so sánh những đặc tính, bản chất của sự vật và tìm mối liên hệ giữa đặc tính chung và đặc tính riêng của các sự vật đó. Nói cách khác, phán đoán là tư tưởng (ý nghĩ, quan điểm, quan niệm...) đã định hình trong tư duy phản ánh các hiện tượng ở một phẩm chất xác định mà nhà nghiên cứu có thể xác nhận là đúng hay sai. Như vậy, phán đoán cũng là sự hiểu biết về bản chất của các hiện tượng như khái niệm, nhưng khác với khái niệm ờ chỗ, phán đoán nếu đúng chỉ là sự hiểu biết từng mặt, từng phần của bản chất, chứ không phải là sự hiểu biết tương đối toàn diện và có hệ thống về bản chất. Phán đoán bao giờ cũng được thể hiện dưới hình thức ngôn ngữ là câu trần thuật có chủ ngữ và vị ngữ; trong khi đó, khái niệm được thể hiện dưới dạng một hệ thống của nhiều câu, dĩ nhiên một hệ thống của nhiều câu có thể được rút gọn thành một từ hay một cụm từ .Quan hệ giữa phán đoán và khái niệm có nét giống với quan hệ giữa bản chất và quy luật, bởi vì nếu một bản chất gồm nhiều quy luật thì một khái niệm cũng gồm nhiều phán đoán đúng, và nếu khái niệm là sự phản ánh của bản chất, thì phán đoán đúng là sự phản ánh của quy luật. Thuật ngữ Khi sử dụng từ "khái niệm "và "thuật ngữ" cần chú ý phân biệt sự khác nhau giữa chúng. Nếu khái niệm là sự phản ánh của bản chất bởi con người, thì thuật ngữ là cái được con người sáng tạo ra dùng để chỉ khái niệm hoặc ý niệm. Có thể nói một cách hình ảnh rằng, thuật ngữ là vỏ vật chất của khái niệm hoặc ý niệm. Khái niệm lúc đầu được hình thành từ một người cụ thể, sau đó nó được lan truyền sang nhiều người khác thông qua quá trình giao tiếp. Quá trình giao tiếp về mặt này là quá trình lan truyền kiến thức con người không thể không sử dụng thuật ngữ như là công cụ vật chất định hình, ghi giữ và chuyển tải khái niệm từ người này sang người khác. Có thể hình dung sự khác nhau giữa khái niệm và thuật ngữ giống như sự khác nhau giữa thông tin và tín hiệu. Tín hiệu là phương tiện để truyền tải thông tin từ người này sang người khác, còn thông tin là ý nghĩ (sự nhận thức, sự hiểu biết, tri thức) được truyền tải từ người này sang người khác thông qua tín hiệu. Vì là phương tiện được con người sáng tạo ra dùng để chỉ khái niệm, nên thuật ngữ được con người sử dụng rất linh hoạt và mềm dẻo. Tuy cùng để chỉ một khái niệm, nhưng có thể những người ở các nước khác nhau, ở các vùng khác nhau, ở các thời đại khác nhau lại dùng các thuật ngữ khác nhau. Thậm chí những người khác nhau trong cùng một nước, một vùng, một thời điểm cĩmg có khi sử dụng các thuật ngữ khác nhau để chỉ một khái niệm. Một thuật ngữ có khi được dùng để chỉ nhiều niệm (từ đồng âm khác nghĩa). Nhiều thuật ngữ có khi lại cùng được dùng để chỉ một khái niệm (từ đồng nghĩa khác âm). Do việc sú dụng thuật ngữ linh hoạt và mềm dẻo như vậy, nên các từ điển dù có liên tục bổ sung cũng khó có thể liệt kê hết các nghĩa khác nhau của một tử và các từ khác nhau có cùng nghĩa. Việc truyền tải khái niệm từ người này sang người khác, do đó, cũng khó tránh khỏi sai lệch hoặc thiếu sót ít nhiều: người đọc hoặc người nghe có thể hiểu nhầm tư tưởng, ý nghĩ của người viết hoặc của người nói. Thuật ngữ tuy được con người sử dụng một cách mềm dẻo để chỉ khái niệm, song bản thản khái niệm lại cũng luôn biến đổi từ chưa sâu sắc đến sâu sắc, từ sâu sắc ít đến sâu sắc nhiều. Chẳng hạn, các nhà nghiên cứu đều sử dụng thuật ngữ "chủ nghĩa tư bản" đề chỉ khái niệm "chủ nghĩa tư bản", song khái niệm (sự hiểu biết) về "chủ nghĩa tư bản" là rất khác nhau ở những người khác nhau, ở những thời điểm khác nhau. Tình hình này lại càng làm tăng thêm khả năng sai lệch trong việc truyền tải khái niệm từ người này sang người khác. Định nghĩa khái niệm và định nghĩa thuật ngữ Để hạn chế sự sai lệch trong việc truyền tải khái niệm, c cần chú trọng việc định nghĩa các khái niệm và định nghĩa các thuật ngữ được sử dụng. Định nghĩa khái niệm là vạch ra phần cơ bản trong nội hàm khái niệm, tức là trình bày tóm tắt sự nhận thức (sự hiểu biết) của con người về bản chất của các đối tượng mà khái niệm phản ánh. Chẳng hạn, định nghĩa khái niệm "con người" là trình bày tóm tắt sự hiểu biết của chúng ta cho đến nay đã đạt tới về bản chất của con người: "Con người là động vật biết chế tạo và sử dụng công cụ lao động". Toàn bộ sự hiểu biết của con người về một khái niệm (dù đó là khái niệm đơn giản như cốc, chén, bàn, ghế...) là rất phong phú. Để trình bày toàn bộ sự hiểu biết ấy có khi phải cần tới hàng chục, hàng trăm... công trình nghiên cứu. Ví dụ số lượng sách viết về động vật (trình bày sự hiểu biết của con người về bản chất của động vật) cho đến nay tuy đã là rất lớn nhưng đó chưa phải là con số cuối cùng. Để trình bày tóm tắt sự hiểu biết của con người về một bản chất nào đó (để định nghĩa một khái niệm) thì tất nhiên không cần phải đến số lượng sách như vậy. Định nghĩa khái niệm là vạch ra phần cơ bản trong nội hàm khái niệm, cũng tức là chỉ ra các quy luật cơ bản nhất trong hệ thống các quy luật tạo thành bản chất được phản ánh trong nội hàm khái niệm. Như vậy, định nghĩa một khái niệm nào đó là một công việc khó khăn và phức tạp vì cần phải đạt được mục đích là qua đó người đọc hoặc người nghe có được sự hiểu biết về những quy luật cơ bản nhất trong hệ thống các quy luật tạo thành bản chất mà khái niệm phản ánh. Khác với định nghĩa khái niệm, định nghĩa thuật ngữ là tìm những thuật ngữ (hay những cụm thuật ngữ) khác đã biết có cùng nghĩa với thuật ngữ cần định nghĩa. Chẳng hạn, ở định nghĩa "ASEAN là hiệp hội các nước Đông Nam Á" thì "ASEAN" và "Hiệp hội các nước Đông Nam Á" là hai thuật ngữ có cùng nghĩa. Định nghĩa thuật ngữ tuy không phức tạp như định nghĩa khái niệm, song không phải là không quan trọng, bởi vì nếu không định nghĩa thuật ngữ thì người đọc hoặc người nghe có thể sẽ hiểu sai ý của người viết hoặc người nói. Các nhà nghiên cứu đều biết rằng, đã có nhiều cuộc tranh luận xảy ra không phải là do bất đồng về quan điềm, mà là do hiểu lầm nhau về thuật ngữ, là do hai bên tranh luận tuy sử dụng cùng một thuật ngữ nhưng với hai nghĩa khác nhau mà lại cứ tưởng rằng họ sử dụng thuật ngữ ấy theo cùng một nghĩa. Để tránh những sự hiểu lầm không đáng có như vậy, trong khoa học trước khi đính nói, hoặc viết gì đó (cho người khác nghe hoặc đọc), người ta phải tiến hành định nghĩa tất cả các thuật ngữ được sử dụng nếu như nghi ngờ người đọc hoặc người nghe hiểu lầm. Trong các tác phẩm của người xưa có rất nhiều thuật ngữ cần được định nghĩa nhưng lại không được định nghĩa, vì thế mà những người về sau khi đọc các tác phẩm của họ đã có sự hiểu lầm đáng tiếc. Cùng một câu nói của người xưa nhưng ngày nay có người thì giải thích theo kiểu này, có người lại giải thích theo kiểu kia, người nào cũng cho rằng chỉ mình mới hiểu đúng tư tưởng và ý nghĩ của người xưa. Dĩ nhiên không thể đòi hỏi rằng người xưa và cả hiện nay phải định nghĩa tất cả các thuật ngữ được sử dụng, phải viết rõ ràng đến mức để hậu thế không hiểu lầm; tuy nhiên, càng hạn chế sự hiểu lầm được bao nhiêu thì sẽ càng tốt bấy nhiêu, và do đó, đối với một số thuật ngữ quan trọng cần có sự giải thích, cần có sự định nghĩa. Nếu người nói hoặc người viết còn để cho người nghe hoặc người đọc hiểu lầm tư tưởng và ý nghĩ của mình thì bài nói hoặc bài viết ấy là đã mắc lỗi logic và như thế, ít nhiều là chưa thành công. Suy luận Có hai cách suy luận: suy luận “suy diễn” và suy luận “qui nạp" Cách suy luận suy diễn Theo Aristotle, kiến thức đạt được nhờ sự suy luận. Muốn suy luận phải có tiền đề và tiền đề đó đã được chấp nhận. Vì vậy, một tiền đề có mối quan hệ với kết luận rất rõ ràng. Suy luận, suy diễn theo Aristotle là suy luận đi từ cái chung tới cái riêng, về mối quan hệ đặc biệt. Thí dụ về suy luận suy diễn của Aristotle trong Bảng 2.1. Bảng 2.1
Tiền đề chính: Tất cả sinh viên đi học đều đặn
Tiền đề phụ: Lan là sinh viên
Kết luận: Lan đi học đều đặn
Suy luận qui nạp Vào đầu những năm 1600s, Francis Bacon đã đưa ra một phương pháp tiếp cận khác về kiến thức, khác với Aristotle. Ông cho rằng, để đạt được kiến thức mới phải đi từ thông tin riêng để đến kết luận chung, phương pháp này gọi là phương pháp qui nạp. Phương pháp nầy cho phép con người dùng những tiền đề riêng, là những kiến thức đã được chấp nhận, như là phương tiện để đạt được kiến thức mới. Thí dụ về suy luận qui nạp trong Bảng 2.2. Bảng 2.2
Tiền đề riêng: Lan, Hằng, Huệ và Vân tham dự lớp đều đặn
Tiền đề riêng: Lan, Hằng, Huệ và Vân đạt được điểm cao
Kết luận: Học viên tham dự lớp đều đặn thì đạt được điểm cao
Ngày nay, các nhà nghiên cứu đã kết hợp hai phương pháp trên hay còn gọi là “phương pháp khoa học”. Phương pháp khoa học cần phải xác định tiền đề chính (gọi là giả thuyết) và sau đó phân tích các kiến thức có được (nghiên cứu riêng) một cách logic để kết luận giả thuyết. Thí dụ về phương pháp khoa học trong Bảng 2.3 Bảng 2.3
* Tiền đề chính (giả thuyết): Sinh viên tham dự lớp đều đặn thì đạt được điểm cao
* Tham dự lớp(nguyên nhân còn nghi ngờ): Nhóm 1: Lan, Hằng, Huệ và Vân tham dự lớp đều đặn
Nhóm 2: Linh, Khánh, Vinh và Bình không tham dự lớp đều đặn
* Điểm(ảnh hưởng còn nghi ngờ): Nhóm 1: Lan, Hằng, Huệ và Vân đạt được điểm 9 và 10
Nhóm 2: Linh, Khánh, Vinh và Bình đạt được điểm 5 và 6
* Kết luận: Học viên tham dự lớp đều đặn thì đạt được điểm cao so với không tham dự lớp đều đặn (vì vậy, tiền đề chính hoặc giả thiết được công nhận là đúng)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng Mới hơn Bài đăng Cũ hơn Trang chủ Đăng ký: Đăng Nhận xét (Atom)

TRANG KHÁC CỦA BLOG

  • CHÉP SỬ
  • KIẾN THỨC LỊCH SỬ
  • SƯU TẬP KHÁC
  • KIẾN THỨC KHÁC
  • TIN TỨC

LƯỢT XEM TRANG

BÀI ĐĂNG PHỔ BIẾN

  • “KHÁI NIỆM, PHÁN ĐOÁN, SUY LUẬN, THUẬT NGỮ” TRONG NGHIÊN CỨU KHOA HỌC
  • NÂNG CAO NĂNG LỰC TƯ DUY LÝ LUẬN CHO GIẢNG VIÊN LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ Ở VIỆT NAM HIỆN NAY – MỘT VÀI KHUYẾN NGHỊ
  • TRIỂN KHAI MỘT CÔNG TRÌNH KHOA HỌC (Qua ví dụ của Luận văn, luận án)
  • GIẢNG DẠY CÁC MÔN LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ GẮN VỚI THỰC TIỄN – MỘT VÀI KHUYẾN NGHỊ
  • PHƯƠNG PHÁP PHAN TÍCH - PHÊ KHẢO SỬ LIỆU TRONG NGHIÊN CỨU LỊCH SỬ (Qua nghiên cứu quan hệ Việt Nam - Trung Quốc thời kỳ hiện đại)
  • NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG, HIỆU QUẢ TIẾN HÀNH XEMINA TRONG GIẢNG DẠY MÔN LỊCH SỬ
  • THỦ THUẬT TRA CỨU TRÊN GOOGLE SEARCH
  • HÌNH THỨC, BÚT PHÁP THỂ HIỆN MỘT CÔNG TRÌNH KHOA HỌC
  • CÁCH VIẾT BÀI BÁO KHOA HỌC
  • MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ NGHIÊN CỨU KHOA HỌC

Tìm kiếm

Translate

LƯU TRỮ BLOG

  • ▼  2013 (12)
    • ▼  tháng 8 (12)
      • QUAN HỆ GIỮA NGHIÊN CỨU KHOA HỌC VÀ NÂNG CAO CHẤT ...
      • NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG, HIỆU QUẢ TIẾN HÀNH XEMINA TRO...
      • THỦ THUẬT TRA CỨU TRÊN GOOGLE SEARCH
      • PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU ĐỊNH TÍNH
      • HÌNH THỨC, BÚT PHÁP THỂ HIỆN MỘT CÔNG TRÌNH KHOA HỌC
      • “KHÁI NIỆM, PHÁN ĐOÁN, SUY LUẬN, THUẬT NGỮ” TRONG ...
      • TRIỂN KHAI MỘT CÔNG TRÌNH KHOA HỌC (Qua ví dụ của...
      • MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ NGHIÊN CỨU KHOA HỌC
      • CÁCH VIẾT BÀI BÁO KHOA HỌC
      • MỘT SỐ YÊU CẦU ĐỐI VỚI BÀI BÁO KHOA HỌC NGÀNH LỊ...
      • NHẬN THỨC LỊCH SỬ - MỘT SỐ VẤN ĐỀ CƠ BẢN
      • PHƯƠNG PHÁP PHAN TÍCH - PHÊ KHẢO SỬ LIỆU TRONG NG...

Từ khóa » Suy Lý Là Gì Triết Học