Khái Niệm Và Chức Năng Của Thị Trường Chứng Khoán Sơ Cấp
Có thể bạn quan tâm
Khái niệm và chức năng của thị trường chứng khoán sơ cấp được VnDoc sưu tầm và giới thiệu nhằm giúp các bạn nắm bắt kiến thức lý thuyết môn Thị trường chứng khoán để hoàn thành học phần của mình một cách hiệu quả.
Lưu ý: Nếu bạn muốn Tải bài viết này về máy tính hoặc điện thoại, vui lòng kéo xuống cuối bài viết.
Bài: Khái niệm và chức năng của thị trường chứng khoán sơ cấp
- 1. Khái niệm
- 2. Chức năng
- 2.1. Đối với nền kinh tế quốc dân
- 2.2. Đối với chính phủ
- 2.3. Đối với các doanh nghiệp
1. Khái niệm
Nói đến thị trường chứng khoán, người ta thường nghĩ ngay đến thị trường thứ cấp - sở giao dịch chứng khoán, mà rất ít khi đả động đến thị trường sơ cấp. Tuy nhiên, trên thực tế, thị trường sơ cấp lại là một bộ phận không thể tách rời của thị trường chứng khoán. Hơn thế nữa, nó là tiền đề cho sự ra đời và phát triển của thị trường chứng khoán. Chính vì vậy, để phát triển thị trường chứng khoán, công việc đầu tiên và vô cùng quan trọng là xây dựng và phát triển thị trường sơ cấp.
Khác với thị trường thứ cấp là nơi các chứng khoán được mua đi bán lại, thì thị trường sơ cấp là thị trường mua bán lần đầu các chứng khoán mới phát hành.
Thị trường sơ cấp còn có tên gọi là thị trường cấp một hay thị trường phát hành.
Điểm khác biệt dễ nhận thấy nhất giữa thị trường sơ cấp và thị trường thứ cấp đó là: ở thị trường sơ cấp, tổ chức phát hành thu được tiền từ đợt phát hành còn ở thị trường thứ cấp thì không.
2. Chức năng
Với hai bộ phận cấu thành là thị trường chứng khoán sơ cấp và thị trường chứng khoán thứ cấp, thị trường chứng khoán trở thành một kênh chủ yếu huy động các nguồn vốn trung và dài hạn cho chính phủ và các doanh nghiệp. Nếu không có thị trường chứng khoán, thị trường tài chính không thể hoàn chỉnh và phát triển để cấu thành nên nền kinh tế thị trường theo đúng nghĩa của nó. Trong thị trường chứng khoán, thị trường sơ cấp là tiền đề của thị trường thứ cấp. Tính chất và quy mô của thị trường sơ cấp sẽ quy định phạm và tính chất của thị trường thứ cấp. Thị trường sơ cấp có các vai trò và chức năng chủ yếu sau:
2.1. Đối với nền kinh tế quốc dân
Thị trường sơ cấp đóng vai trò rất quan trọng đối với nền kinh tế. Thứ nhất thị trường sơ cấp đóng vai trò huy động vốn cho nền kinh tế bằng việc tạo ra nhiều cơ hội đầu tư cho những người có tiền nhàn rỗi. Không những thế, thị trường sơ cấp còn là một kênh phân bổ vốn vô cùng hiệu quả. Dựa trên cơ chế thị trường, các nguồn vốn sẽ được phân bổ cho những dự án đầu tư có hiệu quả nhất, tạo ra nhiều giá trị kinh tế nhất. Do đó, có thể nói thị trường sơ cấp không chỉ đóng vai trò tập hợp các nguồn vốn mà nó còn là một công cụ mà tất cả các nền kinh tế thị trường đều sử dụng nhằm tăng cường hiệu quả hoạt động của nền kinh tế.
Đối với Việt Nam, thị trường sơ cấp có một ý nghĩa rất lớn lao trong công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Thị trường sơ cấp trước hết sẽ giải bài toán về huy động và phân bổ vốn có hiệu quả cho nền kinh tế Việt Nam. Các chuyên gia trong nước và quốc tế đều cho rằng để có thể duy trì tốc độ phát triển kinh tế lớn hơn 7%/năm, trong 10 năm tới Việt Nam cần một lượng vốn 40 - 50 tỷ đôla Mỹ. Lượng vốn này có thể được huy động từ trong và ngoài nước. Tuy nhiên, ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế và tài chính 1997 vừa qua tại châu Á cho thấy nguồn vốn bên ngoài là một nguồn vốn tuy lớn nhưng rất không ổn định. Trong khi đó, theo đánh giá của các chuyên gia thuộc Ngân hàng Thế giới, hiện nay số tiền nhàn rỗi trong dân dưới dạng vàng bạc và các loại ngoại tệ mạnh cũng lên đến trên dưới 20 tỷ đôla Mỹ. Nếu chúng ta có thể xây dựng được một thị trường chứng khoán sơ cấp có hiệu quả trong việc huy động vốn trong nước, nền kinh tế Việt Nam sẽ có sự độc lập cao hơn về vốn và sẽ ít chịu ảnh hưởng bởi các cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính quốc tế trong tương lai.
Ngoài ra, thông qua quy chế về công bố thông tin trên thị trường, các nhà đầu tư Việt Nam có cơ hội đánh giá được công ty nào tốt để đầu tư. Do đó, các công ty được quản lý tốt, hoạt động có hiệu quả sẽ dễ dàng thu hút được vốn cho việc mở rộng sản xuất, tạo ra nhiều của cải xã hội và việc làm hơn và những công ty hoạt động không có hiệu quả sẽ bị giải thể hay phá sản. Việc này giúp cho các nguồn lực xã hội được phân bổ và sử dụng có hiệu quả, tạo ra nhiều giá trị mới cho đất nước.
2.2. Đối với chính phủ
Do thu hút được nguồn vốn khổng lồ của toàn nền kinh tế và nguồn vốn từ nước ngoài qua việc phát hành trái phiếu, thị trường sơ cấp giúp chính phủ giải quyết được các vấn đề thiếu hụt ngân sách, có thêm vốn để thực hiện các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng mà không phải phát hành thêm tiền tạo ra sức ép về lạm phát. Chính vì lẽ đó, ngày nay, ở hầu hết các quốc gia, việc chính phủ phát hành trái phiếu qua thị trường sơ cấp để vay tiền của dân là hoạt động diễn ra rất thường xuyên, theo một kế hoạch xác định nằm trong kế hoạch tổng thể của chiến lược huy động vốn của quốc gia.
Hiện tại trên thế giới, ngoài một số ít các nước và lãnh thổ như Hồng Kông hoặc Singapore, phần lớn các quốc gia đều phải đối mặt với vấn đề thâm hụt ngân sách. Ví dụ như Hoa Kỳ, từ năm 1931 đến 1988 mới chỉ có 3 năm có thặng dư ngân sách. Trong thập kỷ 1990, mặc dù trải qua 9 năm kinh tế phát triển liên tục ở tốc độ khá cao nhưng cũng phải đến tận năm 1999, ngân sách của chính quyền liên bang Mỹ mới cân đối được thu chi ngân sách.
Tại Việt Nam, theo báo cáo của Bộ Tài chính, giá trị trái phiếu chính phủ phát hành trong những năm qua khá lớn. bình quân từ 5.000 đến 6.000 tỷ đồng/năm. Số dư nợ trái phiếu chính phủ đến hết năm 1998 đạt 8.600 tỷ đồng, trong đó dư nợ trái phiếu kho bạc 1 năm phát hành qua đấu thầu là 3.365 tỷ đồng, dư nợ trái phiếu kho bạc loại kỳ hạn 2 năm bán lẻ là 5.235 tỷ đồng. Trong năm 1999 tổng số trái phiếu chính phủ phát hành cũng vào khoảng 10.000 tỷ đồng. Năm 2000, tổng số trái phiếu kho bạc phát hành lên đến 15.000 tỷ đồng, đặc biệt trong số đó số có 6000 tỷ đồng được phát hành qua trung tâm giao dịch chứng khoán và lần đầu tiên niêm yết và giao dịch trên thị trường sơ cấp.
Tuy nhiên, việc phát hành trái phiếu của chính phủ không dừng lại ở mức bù đắp thâm hụt ngân sách. Việc phát hành trái phiếu chính phủ còn là một biện pháp bình ổn kinh tế. Do lãi suất của trái phiếu chính phủ có ảnh hưởng vô cùng lớn đối với lãi suất trên thị trường nên việc phát hành trái phiếu sẽ ảnh hưởng lớn đến khả năng tiết kiệm, đầu tư và tổng cung tiền tệ của nền kinh tế. Ví dụ như, nếu kinh tế đang trong thời kỳ suy thoái, chính phủ có thể kích thích đầu tư bằng cách hạ lãi suất trái phiếu dài hạn, còn trong trường hợp nền kinh tế quá nóng, lạm phát cao, chính phủ có thể tăng lãi suất trái phiếu và qua đó giảm nhịp độ đầu tư và tiêu dùng quá cao. Chính vì lý do này mà các nước và lãnh thổ như Hồng Kông và Singapore, mặc dù luôn có thặng dư ngân sách 1 vụ Quản lý phát hành chứng khoán. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước: Cơ sở lý luận và thực tiễn phát triển thị trường chứng khoán sơ cấp ở Việt Nam và chính phủ ít có nhu cầu vay vốn trong dân vẫn phát hành trái phiếu ra thị trường theo định kỳ.
2.3. Đối với các doanh nghiệp
Đối tượng quan trọng nhất của thị trường sơ cấp là các doanh nghiệp. Thị trường này mang lại sự chủ động và linh hoạt rõ ràng trong hoạt động. Khi chưa có thị trường sơ cấp, các doanh nghiệp lệ thuộc rất nhiều vào hệ thống ngân hàng để có nguồn vốn hoạt động. Thị trường sơ cấp ra đời đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận với một kênh huy động vốn linh hoạt và có hiệu quả hơn. Khi một doanh nghiệp có nhu cầu về vốn để mở rộng sản xuất kinh doanh thì doanh nghiệp đó có thể phát hành cổ phiếu hoặc trái phiếu trên thị trường sơ cấp để huy động vốn. Đây là những nguồn vốn dài hạn và ổn định do vậy khi huy động vốn trên thị trường chứng khoán sơ cấp các doanh nghiệp không phải quá lo lắng về thời gian hoàn trả như khi đi vay vốn ngân hàng. Khác với các khoản vay vốn ngân hàng là những khoản vay ngắn hạn, các khoản huy động trên thị trường sơ cấp đều là những khoản huy động dài hạn (thường là từ 5 năm trở lên).
Ngược lại, khi các doanh nghiệp ở trong tình trạng dư thừa vốn nhưng chưa có cơ hội sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp có thể mua chứng khoán như là một tài sản kinh doanh và các chứng khoán đó sẽ được chuyển đổi thành tiền mặt khi cần thiết thông qua thị trường thứ cấp.
Trong trường hợp của Việt Nam là một nền kinh tế đang trong giai đoạn chuyển đổi từ cơ chế kế hoạch hoá tập trung quan liêu, bao cấp sang cơ chế thị trường nhiều doanh nghiệp và các nhà quản lý doanh nghiệp vẫn chưa tiếp cận được với phương thức quản lý mới và hiệu quả. Sự ra đời thị trường chứng khoán sơ cấp nói riêng và thị trường chứng khoán nói chung với các định chế về tổ chức và pháp luật đi kèm còn giúp cho các doanh nghiệp làm quen với các phương thức quản lý hiện đại và hoạt động có hiệu quả hơn.
---------------------------------------
Chúng tôi đã giới thiệu nội dung bài Khái niệm và chức năng của thị trường chứng khoán sơ cấp về thị trường chứng khoán sơ cấp và thị trường chứng khoán thứ cấp, thị trường chứng khoán trở thành một kênh chủ yếu huy động các nguồn vốn trung và dài hạn cho chính phủ và các doanh nghiệp...
Trên đây, VnDoc đã giới thiệu tới các bạn lý thuyết bài Khái niệm và chức năng của thị trường chứng khoán sơ cấp. Ngoài ra, các bạn có thể tham khảo thêm một số tài liệu thuộc các chuyên ngành khác trong Cao đẳng - Đại học cũng như Cao học để phục vụ quá trình nghiên cứu hiệu quả hơn.
Từ khóa » Thị Trường Sơ Cấp Có Chức Năng
-
Phân Biệt Thị Trường Sơ Cấp Và Thị Trường Thứ Cấp - Công Ty Luật ACC
-
Phân Biệt Thị Trường Chứng Khoán Sơ Cấp - PineTree Securities
-
Thị Trường Chứng Khoán Sơ Cấp – Wikipedia Tiếng Việt
-
Sơ Lược Về Thị Trường Sơ Cấp Và Thị Trường Thứ Cấp - HSC Online
-
Chức Năng Của Thị Trường Sơ Cấp Là Gì ? | Vatgia Hỏi & Đáp
-
Thị Trường Chứng Khoán Sơ Cấp Và Thứ Cấp Là Gì? - TakeProfit
-
Phân Biệt Thị Trường Chứng Khoán Sơ Cấp Và Thị Trường Thứ Cấp
-
Tìm Hiểu Về Khái Niệm Và Chức Năng Của Thị Trường Sơ Cấp.DOC
-
Thị Trường Sơ Cấp - Dân Kinh Tế
-
Thị Trường Sơ Cấp Và Thị Trường Thứ Cấp Khác Nhau Thế Nào? - DNSE
-
Sự Khác Biệt Giữa Thị Trường Sơ Cấp Và Thị Trường Thứ Cấp
-
Tài Chính - TIẾNG ANH CHỨNG KHOÁN THỊ TRƯỜNG ... - Facebook
-
Thông Tin Hỗ Trợ! - Công Ty Cổ Phần Chứng Khoán Tân Việt (TVSI)