KHÁI QUÁT CHUNG VỀ HỘI NHẬP QUỐC TẾ TRONG GIAI ĐOẠN ...
Có thể bạn quan tâm
Turn on more accessible mode Turn off more accessible mode
Thương mại & tài chính quốc tế
KHÁI QUÁT CHUNG VỀ HỘI NHẬP QUỐC TẾ TRONG GIAI ĐOẠN HIỆN NAY Hội nhập quốc tế là một quá trình tất yếu, có lịch sử phát triển lâu dài và có nguồn gốc, bản chất xã hội của lao động và sự phát triển văn minh của quan hệ giữa con người với con người. Trong xã hội, con người muốn tồn tại và phát triển phải có mối liên kết chặt chẽ với nhau. Rộng hơn, ở phạm vi quốc tế, một quốc gia muốn phát triển phải liên kết với các quốc gia khác. Trong một thế giới hiện đại, sự phát triển của kinh tế thị trường đòi hỏi các quốc gia phải mở rộng thị trường, hình thành thị trường khu vực và quốc tế. Đây chính là động lực chủ yếu thúc đẩy quá trình hội nhập quốc tế. Từ những thập niên cuối của thế kỷ XX cho đến nay, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học - kỹ thuật đã thúc đẩy sự phát triển vượt bậc các lĩnh vực của đời sống xã hội và xã hội hóa cao của lực lượng sản xuất. Quá trình xã hội hóa và phân công lao động ở mức độ cao đã vượt ra khỏi phạm vi biên giới quốc gia và được quốc tế hoá ngày một sâu sắc. Sự quốc tế hoá như vậy thông qua việc hợp tác ngày càng sâu giữa các quốc gia ở tầm song phương, tiểu khu vực, khu vực và toàn cầu. Về bản chất, hội nhập quốc tế chính là một hình thức phát triển cao của hợp tác quốc tế. Hội nhập quốc tế cũng như các hình thức hợp tác quốc tế khác đều vì lợi ích quốc gia, dân tộc. Các quốc gia tham gia quá trình này cơ bản vì lợi ích cho đất nước, vi sự phồn vinh của dân tộc mình. Mặc khác, các quốc gia thực hiện hội nhập quốc tế cũng góp phần thúc đẩy thế giới tiến nhanh trên con đường văn minh, thịnh vượng. Nhìn tổng thể thì hội nhập quốc tế có ba cấp độ chính là: Hội nhập toàn cầu, khu vực và song phương. Các phương thức hội nhập này được triển khai trên các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội. Cho đến nay, đối với Việt Nam, hội nhập quốc tế được triển khai trên 3 lĩnh vực chính gồm: Hội nhập trong lĩnh vực kinh tế (hội nhập kinh tế quốc tế), hội nhập trong lĩnh vực chính trị, quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế trong lĩnh vực văn hóa - xã hội, giáo dục, khoa học - công nghệ và các lĩnh vực khác. Tuy nhiên, hội nhập kinh tế quốc tế là trọng tâm của hội nhập quốc tế; hội nhập trong các lĩnh vực khác phải tạo thuận lợi cho hội nhập kinh tế quốc tế[1]. 1. Hội nhập kinh tế quốc tế Hội nhập kinh tế quốc tế manh nha từ cổ đại và ngày càng phát triển ở thời kỳ trung đại và hiện đại, văn minh như ngày nay. Thời La Mã cổ đại, khi đế quốc La Mã xâm chiếm thế giới đã mở mang mạng lưới giao thông, thúc đẩy lưu thông hàng hóa và áp đặt đồng tiền của họ trong toàn bộ các quốc gia, vùng lãnh thổ nơi bị họ chiếm đóng. Trong thời kỳ phong kiến hay cận đại thì các quốc gia cũng có những hành động mở mang giao thương, buôn bán thương mại với nhau. Sự thông thương trong thời cổ đại và trung đại được minh chứng rõ nét nhất bằng việc hình thành “Con đường tơ lụa” bắt đầu từ Phúc Châu, Hàng Châu, Bắc Kinh (Trung Quốc) qua Mông Cổ, Ấn Độ, Ápganixtan, Cadắcxtan, Iran, Irắc, Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp, chung quanh vùng Địa Trung Hải và đến tận châu Âu. Con đường này cũng đi đến cả Hàn Quốc và Nhật Bản có chiều dài khoảng 4.000 dặm (hay 6.437 km).[2] Với việc tồn tại hơn mười thế kỷ, “Con đường tơ lụa” giúp cho giao thương Đông – Tây phát triển rực rỡ được coi là điểm nhấn rõ nét trong lịch sử thương mại thế giới. Hình 1: Biểu đồ về hệ thống “Con đường tơ lụa” - một minh chứng về việc coi trọng phát triển hội nhập quốc tế của người xưa Ngày nay, hội nhập kinh tế quốc tế được các quốc gia/vùng lãnh thổ thực hiện bằng những phương thức chủ yếu và có thể phân biệt như sau: Thứ nhất, thỏa thuận thương mại ưu đãi: Đây là phương thức thấp nhất của hội nhập kinh tế quốc tế, nhưng có lịch sử hình thành lâu đời nhất so với các hình thức khác của hội nhập kinh tế quốc tế. Theo phương thức này, các quốc gia/vùng lãnh thổ tham gia các thoả thuận/hiệp định, trong đó cam kết dành cho nhau các ưu đãi về thuế quan và phi thuế quan đối với hàng hóa của nhau, tạo thành các ưu đãi thương mại, ví dụ: Hiệp định về thỏa thuận thương mại ưu đãi ASEAN năm 1977. Trong các thỏa thuận/hiệp định thương mại ưu đãi, thuế quan và hàng rào phi thuế quan có thể vẫn còn, nhưng thấp hơn so với khi áp dụng cho quốc gia không tham gia thoả thuận/hiệp định. Thứ hai, khu vực mậu dịch tự do: Khu vực mậu dịch tự do là một hình thức hội nhập kinh tế quốc tế ở mức độ tương đối cao do hai quốc gia (ví dụ: Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Chilê) hoặc một nhóm các quốc gia/vùng lãnh thổ (ví dụ: Hiệp định thành lập khu vực mậu dịch tự do ASEAN – Úc và Niu Dilân, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU) thiết lập. Việc thành lập khu vực mậu dịch tự do nhằm thúc đẩy thương mại giữa các nước thành viên. Theo đó, các thành viên đồng ý để loại trừ thuế quan, hạn ngạch và ưu đãi khác trong thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ và các lĩnh vực khác liên quan giữa các quốc gia/vùng lãnh thổ trong nhóm. Các thành viên tham gia khu vực mậu dịch tự do cam kết giảm thiểu thuế quan cho nhau, thậm chí có lĩnh vực loại bỏ hạn ngạch thuế quan (thuế bằng không). Hàng rào phi thuế quan (cấm nhập khẩu, cấm xuất khẩu, hạn ngạch – côta…) cũng được giảm bớt hoặc loại bỏ hoàn toàn. Hàng hoá và dịch vụ được di chuyển tự do giữa các quốc gia/vùng lãnh thổ của các thành viên. Xu thế thành lập khu vực mậu dịch tự do đang là phổ biến hiện nay. Thứ ba, hiệp định đối tác kinh tế: Hiệp định đối tác kinh tế là cấp độ hội nhập kinh tế sâu hơn hiệp định thương mại tự do. Mặc dù vậy, trong giai đoạn hiện nay, nếu xét về nội dung thì ranh giới để phân biệt giữa hiệp định đối tác kinh tế và hiệp định thương mại tự do cũng không thực sự rõ ràng (ví dụ: Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU). Tuy nhiên, về nguyên tắc, đối với hiệp định thương mại tự do, ngoài việc tự do hóa thương mại hàng hóa thông qua bãi bỏ thuế quan và hàng rào phi thuế quan, thì còn bao gồm cả tự do hóa ở mức độ cao về dịch vụ, đầu tư, thúc đẩy thương mại điện tử hoặc các lĩnh vực khác liên quan trực tiếp đến thương mại giữa các nước ký kết hiệp định. Hiệp định đối tác kinh tế cũng là một xu hướng mới nổi trong hợp tác kinh tế quốc tế hiện nay. Hiệp định đối tác kinh tế có thể là đối tác giữa một nhóm nước (khu vực), chẳng hạn: Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định đối tác toàn diện khu vực (RCEP) (các nước ASEAN và các đối tác đang đàm phán), Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện giữa các quốc gia thành viên ASEAN và Nhật Bản (AJCEP) hoặc hiệp định đối tác song phương, như: Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản (VJEPA). Thứ tư, thị trường chung: Thị trường chung có đầy đủ các yếu tố của hiệp định đối tác kinh tế và liên minh thuế quan, cộng thêm các yếu tố như tự do di chuyển các yếu tố sản xuất (vốn, lao động) giữa các nước thành viên. Một thị trường chung như vậy đã từng được thành lập ở châu Âu vào năm 1957 theo Hiệp ước Rôme (gồm Cộng hòa Liên bang Đức, I-ta-li-a, Pháp, Bỉ, Hà Lan, Lúcxămbua), có hiệu lực từ ngày 01/01/1958 và sau đó, thêm một số nước: Anh, Đan Mạch, Ailen (1973), Hy Lạp (1981), Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha (1986) hoặc Thị trường chung Đông và Nam Phi thành lập vào năm 1994. Khối ASEAN cũng đã tuyên bố hình thành Cộng đồng ASEAN dựa trên 3 trụ cột là Cộng đồng chính trị - an ninh, Cộng đồng kinh tế và Cộng đồng văn hóa – xã hội. Đối với Cộng đồng kinh tế ASEAN, mục tiêu chính là nhằm hình thành một khu vực kinh tế ASEAN ổn định, thịnh vượng và có khả năng cạnh tranh cao, trong đó hành hóa, dịch vụ, đầu tư sẽ được chu chuyển tự do và vốn được lưu chuyển tự do hơn, kinh tế phát triển đồng đều.... Thực chất, xét ở khía cạnh này, đây là những nội dung cơ bản của một thị trường chung. Thứ năm, liên minh thuế quan: Liên minh thuế quan là một hình thức của hội nhập kinh tế quốc tế, trong đó, thuế quan giữa những nước thành viên đều được loại bỏ, chính sách thương mại chung của liên minh đối với những nước không thành viên được thực hiện. Các thành viên của liên minh ngoài việc cắt giảm và loại bỏ thuế quan trong thương mại nội khối còn thống nhất thực hiện chính sách thuế quan chung đối với các nước bên ngoài khối. Ví dụ, Cộng đồng các quốc gia vùng Andes (CAN) - một liên minh thuế quan gồm các thành viên là: Bôlivia, Côlômbia, Êcuađo và Pêru hay Liên minh kinh tế Á – Âu (gồm Liên bang Nga - Bêlarút - Cadắcxtan - Tagikixtan - Ácmênia). Việc thành lập liên minh thuế quan cho phép tránh được những phức tạp liên quan đến quy tắc xuất xứ, nhưng lại làm nảy sinh những khó khăn trong phối hợp chính sách giữa các nước thành viên. Thứ sáu, liên minh kinh tế và tiền tệ: Liên minh kinh tế (Economic Union) là hình thức cao của hội nhập kinh tế quốc tế. Liên minh kinh tế được xây dựng trên cơ sở các quốc gia thành viên thống nhất thực hiện các chính sách thương mại, tiền tệ, tài chính và một số chính sách kinh tế - xã hội chung giữa các thành viên với nhau và với các nước ngoài khối. Như vậy, ở liên minh kinh tế, ngoài việc các luồng vốn, hàng hoá, lao động và dịch vụ được tự do lưu thông ở thị trường chung, các nước còn tiến tới thống nhất các chính sách quản lý kinh tế - xã hội, sử dụng chung một đồng tiền, ví dụ: EU, Cộng đồng kinh tế Tây Phi ((ECOWAS). Trong các liên minh kinh tế từng tồn tại nhưng nay không còn có Liên minh Bỉ - Lúcxămbua. Hội nhập kinh tế quốc tế ở cấp độ này tạo ra một thị trường chung giữa các nền kinh tế, không còn hàng rào kinh tế nào nữa. Liên minh tiền tệ (Moneytary Union) hình thành trên cơ sở các nước phối hợp các chính sách tiền tệ với nhau, thoả thuận về dự trữ tiền tệ cũng như phát hành đồng tiền chung. Trong liên minh tiền tệ, các nước thống nhất hoạt động của các ngân hàng trung ương, đồng thời thống nhất hoạt động của các giao dịch với các tổ chức tiền tệ và tài chính quốc tế như Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng thế giới (WB). Trong lịch sử đã từng có những khu vực dùng một đơn vị tiền tệ chung, như Liên minh tiền tệ Latinh thế kỷ XIX. Cùng với một đơn vị tiền tệ chung, các quốc gia thành viên sẽ phải từ bỏ quyền thực thi chính sách tiền tệ riêng của mình, mà thay vào đó là một chính sách tiền tệ chung của toàn khối do một ngân hàng trung ương chung của khối đó thực hiện (ví dụ: Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) của EU). Hình 2: Khu vực đồng tiền chung euro, hiện bao gồm 19 quốc gia thành viên sử dụng đồng euro như đồng tiền chính thức (Áo, Bỉ, Síp, Extônia, Phần Lan, Pháp, Đức, Hy Lạp, Ailen, I-ta-li-a, Lát-vi-a, Lít-va, Lúcxămbua, Manta, Hà Lan, Bồ Đào Nha, Xlôvakia, Xlôvênia, Tây Ban Nha) Khu vực Euro: Nguồn: vi.wikipedia.org/wiki/khu_vực_đồng_euro, truy cập ngày 28/9/2018 Thứ bảy, diễn đàn hợp tác kinh tế: Diễn đàn hợp tác kinh tế là hình thức hội nhập kinh tế quốc tế ra đời vào thập niên 80 thế kỷ XX, ví dụ: Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) và Diễn đàn hợp tác Á - Âu (ASEM). Các quốc gia tham gia diễn đàn hợp tác kinh tế không có những cam kết mang tính ràng buộc thực hiện, mà chủ yếu mang tính định hướng, khuyến nghị hành động đối với các quốc gia thành viên. Những nguyên tắc được xây dựng giữa các quốc gia tham gia diễn đàn là linh hoạt và tự nguyện để thực hiện tự do hoá và thuận lợi hoá thương mại, đầu tư. Tuy vậy, ngày nay, diễn đàn hợp tác kinh tế cũng có vai trò khá quan trọng trong định hướng phát triển kinh tế, thương mại cũng như giải quyết các vấn đề kinh tế-xã hội cùng quan tâm của các quốc gia trong một khu vực, duy trì, thúc đẩy quá trình hội nhập quốc tế, nhất là trong thời điểm xuất hiện những xu thế chống lại toàn cầu hóa gia tăng bảo hộ trong nước. Chẳng hạn, Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao - Kinh tế APEC tại Đà Nẵng năm 2017 đã thông qua 04 sáng kiến của Việt Nam, đó là: - Sáng kiến về “Khuôn khổ APEC về tạo thuận lợi cho thương mại điện tử xuyên biên giới" nhằm tạo môi trường thuận lợi và bình đẳng cho các giao dịch thương mại điện tử; tăng cường sự tham gia của các doanh nghiệp nhỏ và vừa vào hệ thống giao dịch thương mại điện tử khu vực và toàn cầu, cũng như góp phần tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư trong khu vực, hướng tới việc hoàn thành mục tiêu Bô-go[1] vào năm 2020; - Khuôn khổ giám sát việc thực hiện Kế hoạch hành động kết nối chuỗi cung ứng giai đoạn 2 (SCFAP 2) từ 2017- 2020, nhằm xác định và giải quyết các rào cản chính đối với chuỗi cung ứng, tạo thuận lợi cho sự lưu thông của hàng hóa và dịch vụ trong toàn khu vực châu Á - Thái Bình Dương. - "Chiến lược APEC về các doanh nghiệp nhỏ, vừa và siêu nhỏ, xanh, bền vững và sáng tạo", nhằm hỗ trợ cho sự phát triển của các doanh nghiệp nhỏ, vừa và siêu nhỏ. - “Bộ thông lệ tốt của APEC về thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương", đây là sáng kiến chung của Việt Nam và Nhật Bản nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình sản xuất, kinh doanh trong khu vực và "Sáng kiến về Thúc đẩy các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo" do Việt Nam chủ trì, nhằm thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo trong APEC. Hình 3: Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) Các nền kinh tế thành viên APEC có màu xanh lá cây. 2. Hội nhập trong lĩnh vực chính trị, quốc phòng, an ninh a) Hội nhập trong lĩnh vực chính trị Hội nhập quốc tế về chính trị mặc dù manh nha từ lâu, nhưng chỉ trong thời gian gần đây mới trở thành một trong những xu thế chung của thế giới và nó sẽ tiếp tục phát triển trong một thế giới hiện đại. Tuy nhiên, khác với các lĩnh vực hội nhập quốc tế khác, trong giai đoạn hiện nay, hội nhập quốc tế trong lĩnh vực này chỉ ở mức độ và phạm vi nhất định, chứ không sâu như hội nhập kinh tế. Đây có thể nói là một hình thức liên kết quốc tế đặc biệt trong hội nhập. Theo đó, hội nhập quốc tế về chính trị là quá trình các quốc gia tham gia vào các cơ chế quyền lực tập thể vì những mục tiêu, lợi ích của quốc gia mình. Quốc gia có thể hội nhập chính trị quốc tế thông qua ký điều ước quốc tế đa phương, khu vực, tiểu khu vực hoặc song phương để thiết lập các mối liên kết quyền lực (hiệp ước liên minh hay đồng minh) hoặc tham gia vào các tổ chức chính trị khu vực (ví dụ như: Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á - ASEAN, Liên minh châu Âu -EU) hay một tổ chức có quy mô toàn cầu (ví dụ như: Liên hợp quốc (UN)).[1] Hội nhập quốc tế về chính trị có nhiều hình thức khác nhau. Ở hình thức thấp của hội nhập quốc tế về chính trị là việc liên kết hạn chế giữa các quốc gia, mà trong đó các quốc gia vẫn cơ bản giữ thẩm quyền định đoạt chính sách riêng. Chẳng hạn, hội nhập về chính trị trong ASEAN vẫn còn tồn tại nhiều sự khác biệt, đa dạng. Hình thức hội nhập quốc tế về chính trị ở mức độ cao hơn, đòi hỏi sự tương đồng về thể chế chính trị và độ tin cậy hoàn toàn của các quốc gia. Về mặt tổ chức quyền lực, các quốc gia thành viên chỉ giữ lại một số thẩm quyền nhất định, còn trao các quyền lực còn lại cho một cơ cấu siêu quốc gia của mình, ví dụ: EU là một điển hình. Trong các lĩnh vực của hội nhập quốc tế, hội nhập chính trị là bước cuối cùng trên cơ sở các quốc gia đã đạt đến trình độ cao ở hội nhập kinh tế và văn hóa - xã hội. Trong lịch sử, Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, Ca-na-đa trước đây và EU hiện nay được thành lập theo phương thức này. Trên thực tế, trong những hoàn cảnh nhất định, ở các khu vực khác nhau, việc hội nhập quốc tế cũng không tuân theo tuần tự như đã nêu trên. Hội nhập quốc tế về chính trị có thể đi trước để mở đường, thúc đẩy hội nhập trong các lĩnh vực khác. Một minh chứng rõ ràng nhất là đối với trường hợp ASEAN, trong giai đoạn đầu là một cơ chế hợp tác khu vực về chính trị - ngoại giao nhằm đối phó với những thách thức đối với an ninh quốc gia của các quốc gia thành viên. Sau giai đoạn khởi đầu chủ yếu hội nhập về chính trị - an ninh, từ cuối thập niên 70 thế kỷ XX, ASEAN mới bắt đầu triển khai hợp tác về kinh tế và chỉ từ gần giữa thập niên 90 thế kỷ XX, ASEAN mới bắt đầu tiến trình hội nhập kinh tế. Đến khi có Hiến chương ASEAN vào năm 2007, ASEAN mới bắt đầu hội nhập toàn diện hơn trên cả ba lĩnh vực là: chính trị - an ninh, kinh tế và văn hoá - xã hội. Hình 4: Hình ảnh minh họa của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á - một mức độ thấp ở khía cạnh hội nhập chính trị b) Hội nhập trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh Hội nhập quốc tế về quốc phòng, an ninh là việc các quốc gia tham gia vào quá trình gắn kết cùng nhau trong mục tiêu tăng cường sức mạnh phòng thủ của quốc gia mình, duy trì hòa bình và an ninh của các quốc gia, khu vực và toàn cầu. Có nhiều phương thức hội nhập quốc phòng, an ninh khác nhau, nhưng chủ yếu gồm các phương thức như sau: Thứ nhất, hiệp ước liên minh quân sự song phương là hình thức có từ lâu đời nhất. Đây là thoả thuận giữa hai quốc gia trong đó có quy định về trợ giúp quân sự lẫn nhau trong những tình huống cần thiết đe dọa đến an ninh, hòa bình của mỗi nước. Ví dụ: giữa Việt Nam và Liên Xô cũ có Hiệp ước hữu nghị Xô-Việt năm 1978, trong đó có điều khoản về phòng thủ quân sự chung (hiện nay, Liên bang Nga không kế thừa Hiệp định này) hoặc Hoa Kỳ có hiệp ước liên minh quân sự song phương với Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Thái Lan và Philíppin. Bên cạnh đó, hiện nay hợp tác quân sự song phương để phát triển khoa học - kỹ thuật quân sự trong nước và tăng cường khả năng phòng thủ cũng là một xu hướng phát triển trên thế giới. Hiện tại, hầu hết các quốc gia trên thế giới đều có hình thức hợp tác này. Ví dụ: Hiệp định Hợp tác quân sự giữa Việt Nam và Ucraina năm 2002, Hiệp định hợp tác kỹ thuật quân sự giữa Việt Nam và Liên bang Nga năm 2013, Hiệp định hợp tác kỹ thuật quân sự giữa Campuchia và Bêlarút năm 2014, v.v.. Hợp tác quân sự song phương không nhằm để đối phó hoặc đề phòng một nguy cơ hiện hữu nào đó về quốc phòng, an ninh của quốc gia thành viên mà đơn thuần là để tăng cường khả năng quốc phòng, an ninh nói chung của các quốc gia tham gia ký kết. Thứ hai, hiệp ước phòng thủ chung hay hiệp định đa phương về hợp tác quân sự. Hiệp ước phòng thủ chung là hình thức khá phổ biến trong thời kỳ chiến tranh lạnh, khi mà thế giới được cơ bản chia thành hai hệ thống đối trọng nhau (hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa và hệ thống các nước tư bản chủ nghĩa). Trong thời kỳ này, nhiều hiệp ước phòng thủ chung được ký kết, như: Hiệp ước Vácsava năm 1955 của các nước thuộc Khối các nước xã hội chủ nghĩa, Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) năm 1949, Hiệp ước Đông Nam Á (SEATO) năm 1995, Hiệp ước an ninh Ôxtrâylia – Niu Dilân - Hoa Kỳ (ANZUS) năm 1951, v.v.. Trong giai đoạn hiện nay, bên cạnh các hiệp ước phòng thủ chung thì các hiệp ước hợp tác quân sự đa phương, khu vực cũng được hình thành, ví dụ: Hiệp ước thân thiện và hợp tác ASEAN (Hiệp ước TAC) năm 1976, Hiệp ước khu vực phi vũ khí hạt nhân Đông Nam Á (Hiệp ước SEANWFZ) năm 1995. Hình 5: Biểu đồ về các nước thuộc NATO ở châu Âu Thứ ba, phương thức dàn xếp an ninh tập thể là phương thức liên kết quốc phòng – an ninh lỏng lẻo hơn cả với các hình thức đa dạng như đối thoại, xây dựng lòng tin, phòng ngừa và các hình thức khác để xây dựng thói quen hợp tác, ràng buộc lẫn nhau, từ đó có thể hạn chế khả năng xảy ra xung đột giữa các thành viên. Các hình thức đối thoại, xây dựng niềm tin, như: Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị Bộ trưởng quốc phòng ASEAN (ADMM), Hội nghị Bộ trưởng quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+), Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS). Các hình thức phòng ngừa tập thể dựa trên nguyên tắc các thành viên cam kết không tấn công nhau, nếu có một thành viên vi phạm, sẽ dùng sức mạnh hợp tác của cả khối để ngăn chặn và giải quyết xung đột. Hội quốc liên và sau này là Liên hợp quốc (UN), Liên đoàn Ảrập (AL), Tổ chức thống nhất châu Mỹ (OAS), Tổ chức thống nhất châu Phi (OAU), Cộng đồng chính trị - an ninh mà ASEAN đang xây dựng là những mô hình cụ thể của phương thức liên kết an ninh tập thể. Đối với Việt Nam, hội nhập quốc tế về quốc phòng, an ninh được xác định trong các văn bản của Đảng và Nhà nước. Theo đó, phạm vi hội nhập quốc tế của Việt Nam ở lĩnh vực này là: Đẩy mạnh các hoạt động hợp tác song phương về quốc phòng, an ninh với các nước láng giềng, các nước ASEAN, các nước lớn, các nước bạn bè truyền thống; từng bước đưa hợp tác đi vào chiều sâu, hiệu quả. Chủ động phát hiện, đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch lợi dụng hội nhập quốc tế để xâm phạm an ninh quốc gia nước ta. Đẩy mạnh quan hệ hợp tác với các cơ quan an ninh, tình báo, cảnh sát các nước, trước hết là các nước láng giềng, các nước lớn; chủ động, tích cực tham gia các cơ chế hợp tác chống tội phạm xuyên quốc gia và đối phó với các thách thức về an ninh lương thực, an ninh nguồn nước, an ninh năng lượng, an ninh mạng, an ninh biển và các thách thức an ninh phi truyền thống khác. Chủ động và tích cực tham gia các cơ chế đa phương về quốc phòng, an ninh mà nước ta là thành viên, trước hết là các cơ chế trong khuôn khổ ASEAN và do ASEAN làm chủ đạo. Xây dựng và triển khai kế hoạch gia nhập các cơ chế đa phương khác; trong đó, có việc tham gia các hoạt động hợp tác ở mức cao hơn, như hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, kiểm soát phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, diễn tập chung và các hoạt động khác, đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc và góp phần đưa quan hệ với các đối tác đi vào chiều sâu ổn định, bền vững.[1] Ngày nay, mặc dù xu thế hợp tác, hội nhập là cơ bản, chủ đạo trong quan hệ quốc tế, nhưng cũng không có nghĩa là không tồn tại các nguy cơ bị xâm lược, đe dọa sự toàn vẹn lãnh thổ, an ninh quốc gia. Thực tế trong thời gian qua của Việt Nam và các quốc gia khác trên thế giới đã chứng minh điều này. Do đó, hội nhập quốc tế về quốc phòng, an ninh sẽ tăng cường sức mạnh của Việt Nam trong lĩnh vực này. Điều đó, trước hết nhằm bảo vệ vững chắc Tổ quốc, bảo đảm môi trường hoà bình, ổn định trong nước để phát triển; sau đó, nhằm có đủ năng lực, điều kiện là một thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế trong việc bảo vệ hoà bình, duy trì ổn định theo các quy định của Hiến chương Liên hợp quốc và pháp luật quốc tế. 3. Hội nhập quốc tế trong lĩnh vực văn hóa- xã hội, giáo dục, khoa học - công nghệ và các lĩnh vực khác Đây là lĩnh vực lớn bao quát nhiều mặt của đời sống xã hội, xét ở khía cạnh hội nhập quốc tế của lĩnh vực này, nó bao gồm: hội nhập quốc tế về văn hóa-xã hội, hội nhập quốc tế về giáo dục, hội nhập quốc tế về khoa học - công nghệ và hội nhập quốc tế trong các lĩnh vực khác. Hội nhập quốc tế về văn hoá, xã hội có nhiều vấn đề cần lưu tâm. Trước hết, trong lĩnh vực văn hoá, Việt Nam mở cửa, trao đổi văn hóa, chia sẻ các giá trị văn hóa, tinh thần với các quốc gia khác. Mục đích của hội nhập quốc tế về văn hoá là tiếp thu các giá trị văn hóa tiến bộ của thế giới để bổ sung và làm giàu nền văn hóa của dân tộc, quốc gia mình. Hội nhập quốc tế về văn hoá – xã hội có thể thông qua việc tham gia các tổ chức hợp tác và phát triển văn hóa, ví dụ: tham gia, thực hiện Cộng đồng văn hóa - xã hội ASEAN, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) hoặc ký kết, gia nhập điều ước quốc tế song phương, khu vực và đa phương về hợp tác, phát triển lĩnh vực văn hóa. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng có thể chủ động tích cực tham gia các hoạt động, giao lưu văn hoá, nghệ thuật, thể thao với hình thức song phương, khu vực và thế giới. Qua quá trình hội nhập quốc tế sẽ làm sâu sắc nội dung hợp tác, thực sự gắn kết bền vững giữa các quốc gia, thúc đẩy sự gần gũi hơn về văn hoá, trong khi vẫn giữ được bản sắc riêng về văn hoá của từng quốc gia. Hội nhập quốc tế về văn hoá cũng đồng thời tạo điều kiện để người dân mỗi nước được thụ hưởng tốt hơn các giá trị văn hóa của nhân loại. Bên cạnh đó, mặt thứ hai liên quan đến các vấn đề về xã hội như: Lao động, việc làm, bảo vệ môi trường, chăm sóc sức khoẻ cho người dân, cộng đồng, bảo trợ xã hội, chăm sóc và bảo vệ trẻ em, phòng chống tệ nạn xã hội, bảo đảm bình đẳng giới và các vấn đề khác thuộc lĩnh vực xã hội, Việt Nam hợp tác với quốc tế để phát triển, giải quyết tốt. Hội nhập quốc tế giúp Việt Nam nâng cao chất lượng trong việc thực hiện các vấn đề về xã hội. Hội nhập quốc tế về giáo dục là hiện đại hoá, quốc tế hoá nền giáo dục của quốc gia mình nhằm nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo. Giáo dục – đào tạo ở Việt Nam hiện nay là vấn đề tương đối bức xúc, yêu cầu cấp thiết phải cải cách cơ bản, tìm hướng đi mới để nâng cao chất lượng giáo dục – đào tạo ngang tầm quốc tế. Một trong những hướng đi của cải cách giáo dục – đào tạo là hội nhập quốc tế sâu sắc về vấn đề này. Đối với Việt Nam, hội nhập quốc tế về giáo dục và đào tạo theo hướng hiện đại, nhưng vẫn gìn giữ được bản sắc dân tộc trong giáo dục con người Việt Nam với những đặc trưng riêng. Do đó, trong hội nhập quốc tế về giáo dục – đào tạo phải tìm kênh tiếp cận thích hợp, lựa chọn lĩnh vực mũi nhọn, đột phá. Việc hội nhập quốc tế về giáo dục, đào tạo có thể thông qua nhiều kênh khác nhau, từ việc ký kết điều ước quốc tế thực hiện hợp tác giáo dục, đến việc trao đổi, tham gia các hoạt động quốc tế khác nhằm nâng cao chất lượng, tiêu chuẩn giáo dục, đào tạo trong nước. Việc hội nhập phải bảo đảm thực hiện trong tất cả các khâu của giáo dục và đào tạo, đồng thời kiểm tra, đánh giá theo chuẩn mực quốc tế và xây dựng cơ sở vật chất liên quan đến giáo dục, đào tạo theo tiêu chuẩn tốt của quốc tế. Đối với lĩnh vực khoa học – công nghệ, hội nhập quốc tế làm cho lĩnh vực khoa học - công nghệ trong nước tiếp cận, theo kịp trình độ tiên tiến của thế giới, thông qua đó nâng cao trình độ nghiên cứu, sử dụng thành tự khoa học – công nghệ ở trong nước, rút ngắn khoảng cách công nghệ của Việt Nam so với các quốc gia phát triển, cải thiện kết cấu hạ tầng kỹ thuật, tăng cường tiềm lực khoa học và công nghệ của Việt Nam. Hội nhập quốc tế về khoa học - công nghệ có thể thông qua phương thức phát triển quan hệ hợp tác khoa học và công nghệ với các quốc gia, tổ chức quốc tế và vùng lãnh thổ ở các hình thức khác nhau, trong đó có việc ký kết, thực hiện điều ước quốc tế trong lĩnh vực khoa học và công nghệ. Bên cạnh đó, cũng tăng cường ký kết, thực hiện các thỏa thuận, hợp đồng hợp tác quốc tế về nghiên cứu khoa học, công nghệ với các quốc gia, tổ chức, cá nhân nước ngoài. Ngoài các lĩnh vực trên, hội nhập quốc tế toàn diện bao gồm cả hội nhập ở các lĩnh vực khác của đời sống xã hội, như: Lao động, y tế, thể thao, v.v.. tạo nên một quá trình tổng thể, thống nhất trong sự mở cửa, hợp tác sâu với quốc tế nhằm tiếp thu những thành tựu, giá trị tốt đẹp trong quá trình phát triển của nhân loại trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội ở Việt Nam. Trần Anh Tuấn - Vụ Pháp luật quốc tế In bài viết Gửi phản hồi Gửi EmailCác tin khác
CÁC YẾU TỐ CẤU THÀNH HÀNH VI TRÁI PHÁP LUẬT QUỐC TẾ CỦA NHÀ NƯỚCThông báo
- Cập nhật thông tin về việc thực hiện ủy thác tư pháp tống đạt giấy tờ đi một số nước và hiệu lực của Công ước thu thập chứng cứ đối với Việt Nam (Công văn số 6382/BTP-PLQT ngày 05/11/2024)
- Cập nhật thông tin về việc thực hiện ủy thác tư pháp tống đạt giấy tờ đi một số nước và hiệu lực của Hiệp định tương trợ tư pháp về dân sự giữa Việt Nam với Thái Lan (Công văn số 3799/BTP-PLQT ngày 17/7/2024)
- Cập nhật thông tin về việc thực hiện ủy thác tư pháp tống đạt giấy tờ đi một số nước và hiệu lực của Công ước thu thập chứng cứ đối với Việt Nam (Công văn số 1779/BTP-PLQT ngày 09/4/2024)
Liên kết website
-- Liên kết website -- Bộ Tư pháp---Cục công nghệ thông tinBáo điện tử---VnExpress---Báo 24hThư viện ảnh Thư viện video
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ BỘ TƯ PHÁP
- RSS
- Sơ đồ website
- Thư viện file
Địa chỉ: 60 Trần Phú, Ba Đình, Hà Nội. Điện thoại: 04.62739718 - Fax: 04.62739359. Email: banbientap@moj.gov.vn; cntt@moj.gov.vn.
Giấy phép cung cấp thông tin trên internet số 28/GP-BC ngày 25/03/2005.
Trưởng Ban biên: Tạ Thành Trung - Phó Cục trưởng Cục CNTT
Ghi rõ nguồn Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp (www.moj.gov.vn) khi trích dẫn lại tin từ địa chỉ này.
134Từ khóa » Trình Bày Xã Hội Học Của Công Tơ
-
Auguste Comte – Wikipedia Tiếng Việt
-
Xã Hội Học – Wikipedia Tiếng Việt
-
[PDF] Tài Liệu Giảng Dạy Môn Xã Hội Học đại Cƣơng
-
đề Cương Môn Xã Hội Học - Tài Liệu Text - 123doc
-
Giáo Trình Xã Hội Học đại Cương - StuDocu
-
Xã Hội Học Là Gì? đối Tượng Nghiên Cứu Của Xã Hội Học
-
Xã Hội Học - Theo Quan Niệm Của Marx, Cơ Sở Của Sự Phân Chia Giai ...
-
HỎI ĐÁP XÃ HỘI HỌC ĐẠI CƯƠNG - DIỄN ĐÀN LỚP TV1
-
Vấn đề Của Môn Xã Hội Học Nhận Thức – Phần IV - CSCI INDOCHINA
-
[PDF] Chủ Nghĩa Xã Hội Và Thời Kỳ Quá độ
-
Phòng, Chống đại Dịch COVID-19: Một Số Vấn đề Từ Hướng Tiếp Cận ...
-
[PDF] 10. Bài Học Kinh Nghiệm
-
Thuyết Tĩnh Học Xã Hội Và động Học Xã Hội Của A. Comte | 2liv3