Vấn đề Của Môn Xã Hội Học Nhận Thức – Phần IV - CSCI INDOCHINA
Có thể bạn quan tâm
Nhà xã hội học quan trọng nhất của Mỹ từng chú ý nghiêm túc đến môn xã hội học nhận thức là Robert Merton. Việc bàn luận của ông về bộ môn này, nằm trong hai chương của công trình của ông, đã được sử dụng như một bài nhập môn hữu ích vào lĩnh vực này cho những nhà xã hội học Mỹ nào có quan tâm đến nó. Merton đã xây dựng một hệ hình cho môn xã hội học nhận thức, bằng cách trình bày lại các chủ đề chính của bộ môn này dưới một hình thức súc tích và mạch lạc. Công trình này [của Merton] rất đáng quan tâm vì nó tìm cách kết hợp lối tiếp cận xã hội học nhận thức với lối tiếp cận của lý thuyết chức năng luận cấu trúc. Các khái niệm của riêng Merton về chức năng “hiển lộ” [manifest] và chức năng “tiềm ẩn” [latent] đã được áp dụng vào lĩnh vực hình thành ý tưởng [ideation] – đó là sự phân biệt giữa các chức năng được nhắm đến và không có ý thức. Khi Merton quan tâm đến sự nghiệp của Mannheim, người mà ông coi là nhà xã hội học nhận thức par excellence [thượng thặng], ông cũng đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng của trường phái Durkheim và sự nghiệp của Pitirim Sorokin. Điều đáng chú ý là rõ ràng Merton không nhận ra rằng một số bước tiến quan trọng trong môn tâm lý học xã hội Mỹ, chẳng hạn như lý thuyết về nhóm quy chiếu [reference-group] mà ông bàn luận ở một phần khác của chính công trình ấy, cũng có liên quan thiết thân với môn xã hội học nhận thức.
Talcott Parsons cũng từng bình luận về xã hội học nhận thức. Tuy nhiên, sự bình luận này chủ yếu giới hạn vào việc phê phán Mannheim chứ không nhằm tìm cách hội nhập bộ môn này vào hệ thống lý thuyết riêng của Parsons. Lẽ dĩ nhiên, trong hệ thống lý thuyết này, vấn đề vai trò của các ý tưởng được Parsons phân tích tỉ mỉ, nhưng trong một khung qui chiếu hoàn toàn khác với khung qui chiếu của môn xã hội học nhận thức của Scheler hay của Mannheim Do đó, chúng ta có thể mạo muội nói rằng cả Merton lẫn Parsons đều đã không dứt khoát vượt ra khỏi [khuôn khổ] xã hội học nhận thức mà Mannheim đã diễn đạt. Chúng ta cũng có thể nói như vậy về những người phê phán họ. Chỉ cần kể ra người phê phán mạnh miệng nhất, C. Wright Mills: ông đã bàn đến xã hội học nhận thức trong một số công trình buổi đầu của mình, nhưng chủ yếu chỉ trình bày chứ không đóng góp gì vào sự phát triển lý thuyết của bộ môn này.
Một nỗ lực đáng chú ý nhằm hợp nhất môn xã hội học nhận thức với một lối tiếp cận xã hội học tân thực chứng nói chung là nỗ lực của Theodor Geiger, người có ảnh hưởng rất lớn đến nền xã hội học khối Scandinavia sau khi ông di cư ra khỏi nước Đức. Geiger đã trở lại với một khái niệm hẹp hơn về ý thức hệ – ông coi đây là một thứ tư duy bị méo mó về mặt xã hội, và ông nhấn mạnh đến khả năng vượt qua ý thức hệ bằng cách cẩn thận bám chặt lấy các quy tắc trình tự khoa học. Cách tiếp cận tân thực chứng đối với việc phân tích ý thức hệ gần đây hơn đã được tiếp nối trong nền xã hội học khối Đức ngữ qua công trình của Ernst Topitsch, người đã từng nhấn mạnh đến những gốc rễ ý thức hệ của các lập trường triết học khác nhau. Trong chừng mực mà sự phân tích xã hội học về các ý thức hệ cấu thành một bộ phận quan trọng của môn xã hội học nhận thức hiểu theo cách định nghĩa của Mannheim, người ta đã quan tâm nhiều đến bộ môn này cả trong giới xã hội học Âu châu lẫn giới xã hội học Mỹ kể từ Chiến tranh thế giới thứ hai.
Có lẽ, nỗ lực mạnh mẽ nhất nhằm vượt qua Mannheim trong việc xây dựng một bộ môn xã hội học nhận thức toàn diện chính là nỗ lực của Werner Stark, một học giả khác cũng từng phải đi tỵ nạn chính trị khỏi lục địa châu Âu và giảng dạy ở Anh và Mỹ. Stark đã đi xa hơn hết khi bỏ lại phía sau vấn đề ý thức hệ mà Mannheim coi là tiêu điểm [của bộ môn này]. Nhiệm vụ của môn xã hội học nhận thức không phải là lật tẩy hay vạch trần những xuyên tạc nảy sinh trong xã hội, mà là khảo cứu một cách có hệ thống các điều kiện xã hội của bản thân sự nhận thức. Nói một cách đơn giản, vấn đề trọng tâm [ở đây] là xã hội học về sự thật, chứ không phải là xã hội học về sai lầm. Mặc dù có một lối tiếp cận khác biệt, Stark có lẽ vẫn gần với Scheler hơn là Mannheim trong quan niệm của mình về mối liên hệ giữa các ý tưởng với bối cảnh xã hội của chúng.
Một lần nữa [cần nhắc lại rằng] hiển nhiên là chúng tôi không cố gắng đưa ra một bản tổng quan lịch sử đầy đủ về lịch sử của môn xã hội học nhận thức. Hơn nữa, cho đến giờ, chúng tôi đã bỏ qua không nói đến những bước tiến triển có thể liên quan về mặt lý thuyết đến môn xã hội học nhận thức nhưng lại không được những người chống đối chúng coi là như vậy. Nói cách khác, chúng tôi đã chỉ đề cập đến những bước tiến triển phải nói là chỉ mang trực tiếp nhãn hiệu “xã hội học nhận thức” (vốn coi lý thuyết về ý thức hệ là một phần của môn xã hội học nhận thức). Việc này đã làm nổi bật một sự kiện [sau đây]. Bên cạnh mối quan tâm nhận thức luận nơi một số nhà xã hội học nhận thức, tiêu điểm chú ý về mặt thực nghiệm [của bộ môn này] cho đến nay hầu như chỉ hạn hẹp vào lĩnh vực các ý tưởng, tức là lĩnh vực tư tưởng lý thuyết. Điều này cũng đúng đối với Stark, người từng đặt nhan đề phụ cho công trình chính của mình về xã hội học nhận thức là “Một tiểu luận nhằm giúp hiểu biết sâu hơn về lịch sử của các ý tưởng”. Nói cách khác, mối quan tâm của môn xã hội học nhận thức [cho đến nay] là bàn về các vấn đề nhận thức luận xét trên bình diện lý thuyết, và về các vấn đề của lịch sử tư tưởng xét trên bình diện thực nghiệm.
Chúng tôi muốn nhấn mạnh rằng chúng tôi không hề nghi ngại gì về tính hiệu lực và tầm quan trọng của hai nhóm vấn đề nêu trên. Tuy nhiên, chúng tôi thấy đáng tiếc là cụm [vấn đề] cá biệt này đã thống trị môn xã hội học nhận thức cho tới tận ngày nay. Chúng tôi muốn khẳng định rằng, vì thế, tầm quan trọng đầy đủ về mặt lý thuyết của môn xã hội học nhận thức đã bị khỏa lấp.
Nếu đưa các vấn đề nhận thức luận liên quan đến tính hiệu lực của nhận thức/kiến thức xã hội học vào trong bộ môn xã hội học nhận thức thì cũng phần nào giống như cố đẩy một chiếc xe buýt mà mình đang đi trên đó. Lẽ tất nhiên, cũng tương tự như một ngành khoa học thực nghiệm [empirical sciences] vốn chuyên đi tìm các bằng chứng về tính tương đối của tư duy con người và những nhân tố định đoạt tư duy con người, môn xã hội học nhận thức cũng đi đến những vấn đề nhận thức luận liên quan tới bản thân môn xã hội học, giống như bất cứ bộ môn khoa học nào khác về nhận thức. Như chúng tôi đã nhận xét ở phần trên, môn xã hội học nhận thức ảnh hưởng tới chuyện ấy cũng giống như môn sử học, môn tâm lý học và môn sinh học nếu chỉ kể ra ba ngành khoa học thực nghiệm quan trọng nhất vốn đã làm cho môn nhận thức luận phải nhức đầu. Cái cấu trúc logic của sự nhức đầu này về căn bản là giống nhau trong tất cả những ngành ấy: Làm thế nào mà tôi có thể đoan chắc, chẳng hạn, rằng cách phân tích xã hội học của tôi về mores [tập tục] của tầng lớp trung lưu Mỹ là đúng đắn, một khi biết rằng các phạm trù mà tôi sử dụng để phân tích đã bị điều kiện hóa bởi các hình thái tư duy mang tính tương đối về mặt lịch sử, rằng bản thân tôi và bất cứ những gì tôi nghĩ đến đều bị định đoạt bởi các gen của tôi và bởi thái độ thù địch ăn sâu trong tôi đối với những người đồng loại, và rằng cuối cùng chính tôi cũng là một thành viên của tầng lớp trung lưu Mỹ?
Không đời nào chúng tôi lại gạt ra ngoài những câu hỏi như thế. Ở đây chúng tôi chỉ đoan chắc một điều là các câu hỏi này tự chúng không thuộc về ngành xã hội học thực nghiệm. Đúng ra chúng thuộc về môn phương pháp luận của các ngành khoa học xã hội, vốn là một lãnh vực thuộc ngành triết học và theo định nghĩa thì đây là cái gì đó khác với xã hội học – thực ra ngành xã hội học cũng là một trong những đố tượng nghiên cứu của môn phương pháp luận. Xã hội học nhận thức, cùng với những ngành khoa học thực nghiệm khác vốn thường gây nhức đầu cho môn phương pháp luận, sẽ “cung cấp” các vấn đề cho hoạt động nghiên cứu phương pháp luận này. Môn xã hội học nhận thức không thể giải quyết các vấn đề ấy bên trong khuôn khổ quy chiếu của chính nó.
Do đó, chúng tôi đã loại trừ ra khỏi môn xã hội học nhận thức các vấn đề nhận thức luận và phương pháp luận mà cả hai nhà sáng lập chủ yếu của nó luôn bận tâm. Thông qua việc loại trừ này, chúng tôi tự tách mình khỏi các quan niệm của cả Scheler lẫn của Mannheim về bộ môn này, và cũng tự tách mình khỏi các nhà xã hội học nhận thức sau này (nhất là những người theo định hướng tân thực chứng) vốn tán thành những quan niệm ấy trong lĩnh vực này. Trong suốt công trình này, chúng tôi đã cương quyết đưa vào trong dấu ngoặc đơn bất cứ vấn đề nhận thức luận hay phương pháp luận nào về tính hiệu lực của sự phân tích xã hội học, trong bản thân môn xã hội học nhận thức hay trong bất cứ lĩnh vực nào. Chúng tôi coi môn xã hội học nhận thức là một phần của ngành xã hội học thực nghiệm. Chủ đích của chúng tôi ở đây, dĩ nhiên, là một chủ đích mang tính lý thuyết. Nhưng việc lý thuyết hóa của chúng tôi có liên quan đến ngành khoa học thực nghiệm trong các vấn đề cụ thể của nó, chứ không liên quan đến việc khảo cứu triết học và những nền tảng của ngành khoa học thực nghiệm này. Tóm lại, công việc của chúng tôi là bàn về lý thuyết xã hội học, chứ không phải về phương pháp luận xã hội học. Chỉ trong duy một phần của tập khảo luận này, chúng tôi vượt ra khỏi khuôn khổ lý thuyết xã hội học, nhưng chúng tôi làm điều này vì những lý do không liên quan bao nhiêu đến môn nhận thức luận, như chúng tôi sẽ giải thích vào lúc ấy.
(còn tiếp)
TH: T.Giang – SCDRC
Nguồn tham khảo: Peter L. Berger, Thomas Luckmann – Sự kiến tạo xã hội về thực tại – NXB TT 2015.
Chia sẻ:
Có liên quan
Từ khóa » Trình Bày Xã Hội Học Của Công Tơ
-
Auguste Comte – Wikipedia Tiếng Việt
-
Xã Hội Học – Wikipedia Tiếng Việt
-
[PDF] Tài Liệu Giảng Dạy Môn Xã Hội Học đại Cƣơng
-
đề Cương Môn Xã Hội Học - Tài Liệu Text - 123doc
-
Giáo Trình Xã Hội Học đại Cương - StuDocu
-
Xã Hội Học Là Gì? đối Tượng Nghiên Cứu Của Xã Hội Học
-
Xã Hội Học - Theo Quan Niệm Của Marx, Cơ Sở Của Sự Phân Chia Giai ...
-
HỎI ĐÁP XÃ HỘI HỌC ĐẠI CƯƠNG - DIỄN ĐÀN LỚP TV1
-
[PDF] Chủ Nghĩa Xã Hội Và Thời Kỳ Quá độ
-
Phòng, Chống đại Dịch COVID-19: Một Số Vấn đề Từ Hướng Tiếp Cận ...
-
[PDF] 10. Bài Học Kinh Nghiệm
-
KHÁI QUÁT CHUNG VỀ HỘI NHẬP QUỐC TẾ TRONG GIAI ĐOẠN ...
-
Thuyết Tĩnh Học Xã Hội Và động Học Xã Hội Của A. Comte | 2liv3