KHÁI QUÁT MỘT SỐ NÉT CƠ BẢN GIỐNG VÀ KHÁC NHAU GIỮA ...

Công giáo và Tin lành là hai trong bốn dòng chính của đạo Kitô (gồm có Công giáo, Chính thống giáo, Tin lành và Anh giáo). Đạo Công giáo là dòng gốc, có trung tâm tại Rô Ma (I-ta-ly-a), nay là Tòa thánh và cũng là nhà nước Vatican. Đến thế kỷ thứ XVI, sau cuộc cải cách tôn giáo do linh mục Martin Luther (người Đức) khởi xướng, đạo Tin lành ra đời. Cùng là những dòng của đạo Kitô, bên cạnh việc có một số nét giống nhau (như cả đạo Công giáo và Tin lành đều lấy kinh Cựu ước, Tân ước làm nền tảng giáo lý; cả hai tôn giáo đều có hệ thống giáo sỹ, hàng giáo phẩm làm công tác mục vụ; cả hai tôn giáo đều có phép bí tích rửa tội xong việc quy định phép bí tích rủa tội trong hai tôn giáo lại được thực hiện một cách khác nhau...) thì giữa đạo Công giáo và Tin lành lại có một số điểm khác biệt căn bản như sau:

Thứ nhất, về kinh thánh

Cả đạo Công giáo và Tin lành đều lấy kinh Cựu ước, Tân ước làm nền tảng giáo lý. Song đối với kinh Cựu ước, nếu đạo Công giáo tin nhận cả 46 quyển thì đạo Tin lành chỉ công nhận 39 quyển. Đạo Công giáo coi các nghị quyết cộng đồng chung (các quyết định của Hội đồng Giám mục) và quyết định, sắc chỉ, thông điệp của Giáo hoàng cũng có giá trị như giáo lý thì đạo Tin lành lại cho rằng kinh thánh là chuẩn mực, là căn bản và duy nhất của giáo lý và đức tin.

Mặc dù đề cao kinh thánh một cách tuyệt đối nhưng đạo Tin lành không coi đó là cuốn sách chỉ có các giáo sỹ mới được quyền giảng giải như đạo Công giáo mà cho rằng tất cả tín đồ đạo Tin lành đều có thể sử dụng kinh thánh, nói và làm theo kinh thánh, không cần phải thông qua các giáo sỹ. Về kinh sách sử dụng trong sinh hoạt tôn giáo, trong khi Đạo Công giáo chủ yếu sử dụng kinh nguyện và kinh bổn (sách giáo lý) trong sinh hoạt tôn giáo thì đạo Tin lành chỉ sử dụng kinh thánh trong sinh hoạt tôn giáo.

Thứ hai, về vai trò của đức mẹ Maria và các thánh

Nếu đạo Công giáo cho rằng bà Maria đồng trinh trọn đời và đề cao, tôn sùng bà, coi bà Maria là Mẹ Thiên chúa thì đạo Tin lành lại cho rằng bà Maria chỉ đồng trinh cho đến khi sinh Chúa Giê Su mà thôi nên đạo Tin lành chỉ kính trọng mà không tôn sùng, thờ lạy và chỉ coi bà là mẹ trần thế của chúa Ki -tô.

Với các Thánh, đạo Công giáo đề cao, tôn sùng các thánh và chủ trương đi viếng các thánh để được ơn phúc nhưng đạo Tin lành chỉ kính trọng các thánh mà không đề cao, tôn sùng và cũng không chủ trương việc đi hành hương để viếng các thánh.

Thứ ba, về các phép thánh

Trong khi đạo Công giáo quy định có 07 phép Bí tích (gồm rửa tội, thêm sức, giải tội, thánh thế, xức dầu thánh, truyền chức thánh, hôn phối) thì đạo Tin lành chỉ tin và thực hiện phép rửa tội (hay còn gọi là Bắp tem), phép tiệc thánh và thực hiện các lễ khác như: lễ hôn phối, lễ dâng con trẻ cho Thiên chúa...Đi sâu vào tìm hiểu các phép thánh, giữa đạo Công giáo và Tin lành cũng có sự khác biệt, như:

Nếu đạo Công giáo thực hiện phép rửa tội cho trẻ sơ sinh bằng cách vẩy nước và đặt tên thánh cho người được rửa tội thì đạo Tin lành chỉ thực hiện phép rửa tội (hay còn gọi là Bắp tem) cho người từ 15 tuổi trở lên, chủ yếu bằng cách dìm mình xuống nước và không đặt tên thánh cho người chịu phép Bắp têm.

Hay trong phép thánh thể, nếu đạo Công giáo công nhận thuyết biến thể trong lễ thánh thể (bánh mì, rượu nho biến thành mình Chúa, máu Chúa) thì đạo Tin lành lại không công nhận thuyết biến thể trong phép tiệc thánh vì cho rằng đó chỉ là kỷ niệm về cái chết của chúa Giê- Su, bánh và rượu chỉ tượng trưng cho mình Chúa và Máu chúa.

Thứ tư: về hình thức cầu nguyện.

Đạo Công giáo quy định tín đồ xưng tội với Thiên chúa thông qua Linh mục còn đạo Tin lành quy định tín đồ tự xưng tội với Thiên chúa. Về hình thức cầu nguyện, nếu tín đồ đạo Công giáo sử dụng các bài kinh đã soạn sẵn, sử dụng tràng hạt, quỳ lạy và làm dấu thánh để cầu nguyện thì tín đồ đạo Tin lành lại tự cầu nguyện bằng cách bày tỏ nguyện vọng của mình với Thiên chúa, không sử dụng tràng hạt, quỳ lạy và làm dấu thánh.

Thứ năm: về kiến trúc của công trình nhà thờ - nơi thờ phượng Thiên chúa

Đạo Công giáo thường xây dựng nhà thờ theo kiến trúc Gô- tích, nhiều hoa văn, họa tiết cầu kỳ; trong không gian thờ phượng có hình tượng và tranh ảnh. Song nhà thờ của đạo Tin lành lại xây dựng theo lối kiến trúc hiện đại; trong và ngoài nhà thờ không có tranh, tượng mà chỉ đặt thập giá biểu tượng chúa Giê Su chịu nạn.

(hình ảnh nhà thờ đạo Công giáo)

(hình ảnh nhà thờ đạo Tin lành)

Thứ sáu: về cơ cấu tổ chức giáo hội và các hàng giáo phẩm

Nói về tổ chức giáo hội, đạo Công giáo xây dựng một giáo hội thống nhất, có cơ quan trung ương là giáo triều Vatican; đạo Công giáo điều hành giáo hội theo cơ chế phong kiến, quyền lực thuộc về Giáo hoàng. Trong khi đó, đạo Tin lành lại không có giáo hội thống nhất mà chia thành nhiều hệ phái khác nhau, mỗi hệ phái có một giáo hội độc lập riêng; đạo Tin lành điều hành giáo hội theo cơ chế dân chủ, tín đồ được tham dự các hoạt động của giáo hội một cách trực tiếp hoặc theo chế độ đại cử tri.

Về giáo phẩm: nếu Đạo Công giáo có hàng giáo phẩm với thứ tự trên, dưới khác nhau (gồm Giáo hoàng, Hồng y, Giám mục, Linh mục) và hàng giáo phẩm có thần quyền rất lớn và phải duy trì chế độ độc thân thì đạo Tin lành lại quy định hàng giáo phẩm theo kinh thánh (Mục sư, Trưởng lão, chấp sự) và hàng giáo phẩm của đạo Tin lành không có thần quyền và được lập gia đình riêng.

Bên cạnh đó, đạo Công giáo còn hình thành hệ thống các dòng tu nam, dòng tu nữ và được chia thành hai loại dòng khác nhau, một loại dòng tu hoạt động theo quy chế của Tòa Thánh và một loại dòng tu hoạt động theo quy chế địa phận. Tuy nhiên, đạo Tin lành lại không có hệ thống các dòng tu.

Với một số nét khác nhau căn bản như trên cho thấy mặc dù cùng ra đời trên một nền tảng giáo lý nhưng Đạo Tin lành đã có những điều chỉnh, thay đổi từ nội dung giáo lý, giáo luật, lễ nghi đến cơ cấu tổ chức, cách thức sinh hoạt so với đạo Công giáo nên trở thành tôn giáo có màu sắc mới mẻ, đơn giản, dễ được các đối tượng là thị dân trong xã hội công nghiệp hoặc quần chúng trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số tiếp nhận.

Từ khóa » Công Giáo Và Tin Lành Khác Nhau Như Thế Nào