Khám Phá Hệ Sinh Thái Rừng Ngập Mặn Rừng Tràm Trà Sư
Có thể bạn quan tâm
Rừng tràm Trà Sư là khu rừng ngập nước tiêu biểu cho vùng miền Tây sông nước. Nhiều năm qua, rừng tràm Trà Sư đã trở thành điểm đến thú vị để khám phá hệ sinh thái rừng ngập mặn của khách du lịch trong và ngoài nước khi đến An Giang.
Du khách tham quan rừng tràm Trà Sư bằng xuồng ba lá. |
Sau khi rời miếu bà chúa Xứ, từ TP.Châu Đốc chúng tôi theo Tân lộ Kiều Lương qua QL.91 và men theo con đường nhỏ ven kênh Trà Sư để đến KDL sinh thái rừng tràm Trà Sư. Con đường ven kênh Trà Sư chỉ rộng khoảng 1,5m, một bên là tràm, một bên là dòng kênh hiền hòa khiến du khách từ nơi xa đến thích thú.
Cổng chào của KDL sinh thái rừng tràm Trà Sư rực rỡ sắc hoa giấy đã hiện ra trước mắt chúng tôi. Bước qua cánh cổng chào là một vùng sông nước mênh mông với một màu xanh bạt ngàn. Gia đình chúng tôi đã chọn mua vé sử dụng trọn dịch vụ tại KDL để thỏa thích khám phá rừng tràm. Theo lời giới thiệu của nhân viên KDL, rừng tràm Trà Sư được hình thành vào năm 1983, từ một vùng trũng hoang hóa, bị nhiễm phèn nặng đã được Lâm trường Tịnh Biên trồng tràm thử nghiệm để góp phần cải tạo đất và ngăn lũ đầu nguồn. Rừng tràm Trà Sư rộng 845ha, nằm trên địa bàn 3 xã gồm Vĩnh Trung, Văn Giáo của huyện Tịnh Biên và một phần giáp xã Ô Long Vỹ của huyện Châu Phú (An Giang). Rừng tràm Trà Sư có tác dụng rất quan trọng đối với môi trường nước và điều hòa khí hậu cho cả vùng Bảy Núi, là nơi sinh sống của nhiều loài động, thực vật quý thuộc hệ thống rừng đặc dụng Việt Nam.
KDL sinh thái rừng tràm Trà Sư có các tài nguyên du lịch sinh thái tiêu biểu như: Cảnh quan thiên nhiên hệ sinh thái đất ngập nước; sinh cảnh rừng tràm ngập nước; sinh cảnh kênh, mương và các loài thực vật sen, súng, bèo; sinh cảnh đồng cỏ, đầm lầy ngập nước theo mùa; các loài chim nước, thủy sản và động vật hoang dã vùng đất ngập nước... Do đó, rừng tràm Trà Sư có rất nhiều hạng mục cho du khách tham quan. Một trong những điểm không thể bỏ lỡ chính là việc du ngoạn trên sông bằng tắc ráng. Tắc ráng là tên gọi của xuồng máy, hay còn gọi là võ lãi, là phương tiện sinh sống gắn liền với người dân miền sông nước. Chiếc tắc ráng lướt nhẹ trên sông đưa chúng tôi tham quan rừng tràm xanh mát. Phía dưới sông những dãi bèo cám xanh mướt khiến khách du lịch thích thú vừa ngắm cảnh, vừa chụp ảnh lưu niệm.
Từ bến tắc ráng, du khách men theo một cồn đất để lên tháp vọng cảnh. Từ đây, có thể chiêm ngưỡng sự hùng vĩ của thiên nhiên, nhìn thấy nếp sinh hoạt của cộng đồng dân cư người Chăm ven rừng tràm, cũng như cảm nhận được sự bao la, rộng lớn của rừng tràm Trà Sư. Gần tháp vọng cảnh là cầu tre vạn bước - cây cầu dài 10 km được khánh thành vào đầu năm 2020. Với kiến trúc độc đáo là những thanh tre ghép lại với nhau, mới đây, cầu tre đã được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam ghi nhận là “Cầu tre dài nhất Việt Nam trong rừng tràm đẹp và nổi tiếng nhất Việt Nam”.
Kết thúc “tour nhanh” với tắc ráng, chúng tôi di chuyển ra bến thuyền để đi tiếp “tour chậm” với thuyền chèo ba lá trên sông. Chị Phạm Thị Phượng, nhân viên chèo thuyền cho biết, du khách thích đi thuyền chèo ba lá vì thuyền chèo có thể len lỏi vào những khu vực nhỏ trên sông, có thể đi chầm chậm ngắm chim, cò bay qua lại với chiều dài khoảng 2km mỗi chuyến. Vừa chở khách tham quan chị Phượng giới thiệu thêm, rừng tràm Trà Sư là nơi cư trú của 70 loài chim, cò, trong đó có 2 loài có tên trong “Sách đỏ Việt Nam” là cò lạo Ấn Độ (giang sen) và cò cổ rắn (điêng điểng).
Hệ sinh thái cũng rất phong phú với 22 loài bò sát, 11 loài thú, 23 loài thủy sản, trong đó có 2 loài có giá trị khoa học và đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng là cá trê trắng và cá còm. Không chỉ phong phú về động vật, rừng tràm Trà Sư còn rất đa dạng về thực vật với 140 loài thuộc 52 họ và 102 chi, trong đó có gần 80 loài dược liệu. “Rừng tràm Trà Sư mùa nào cũng đẹp nhưng có lẽ xanh nhất và lãng mạn nhất vào mùa nước nổi từ tháng 8 đến tháng 11 hằng năm. Vào mùa này, du khách sẽ được du ngoạn trên những chiếc xuồng ba lá bồng bềnh trên dòng nước và bèo đặc biệt tươi xanh”, chị Phượng nói.
Theo UBND tỉnh An Giang, mục tiêu phát triển chính của khu bảo vệ cảnh quan rừng tràm Trà Sư phải theo cách tiếp cận hệ sinh thái, sử dụng một cách bền vững, khôn khéo tài nguyên đất ngập nước, đồng thời vẫn duy trì được các chức năng, giá trị, đặc điểm của hệ sinh thái và tài nguyên đất ngập nước. Đặc biệt là rừng tràm, thủy sản, các loài chim nước và cảnh quan thiên nhiên.
Bài, ảnh: LINH ĐAN
Rừng tràm Trà Sư mở cửa vào lúc 7 giờ sáng và đóng cửa vào lúc 5 giờ chiều. Vé tham quan trọn gói là 200.000 đồng/khách. Nếu không mua vé trọn gói, du khách có thể mua lẻ với vé vào cổng 100.000 đồng/khách; vé chèo xuồng hoặc tắc ráng là 50.000 đồng/khách. Để tham quan cầu gỗ tình yêu thì giá vé sẽ là 15.000 đồng/khách. Chi phí cho việc sử dụng kính viễn vọng là 5.000 đồng/lần. |
Từ khóa » Cây Tràm Rừng Ngập Mặn
-
Tất Tần Tật Kiến Thức Về Cây Tràm Cừ - Hoàng Vân Funiture
-
Tài Nguyên Rừng - Trang Chủ
-
Tìm Hiểu Về Các Loại Cây Tràm Và Cách Phân Biệt
-
Cùng Khám Phá Rừng Tràm U Minh Hạ Và Thưởng Thức Sản Vật Nơi đây
-
Về Rừng Ngập Mặn Cà Mau - Tạp Chí Môi Trường
-
Đúng, đó Là Rừng Ngập Mặn - VnExpress
-
Cây Tràm Ngập Nước Và Kỹ Thuật Trồng
-
Du Ngoạn Rừng Ngập Mặn Ðồng Nai - Báo Đồng Nai điện Tử
-
Xuyên Rừng đước Ngập Mặn đất Mũi Cà Mau - Báo Nhân Dân
-
Nghiên Cứu Tại Rừng Tràm Mỹ Phước, Tỉnh Sóc Trăng - ResearchGate
-
[PDF] Nghiên Cứu Các Giải Pháp Kinh Tế, Kỹ Thuật Tổng Hợp Nhằm Khôi Phục ...
-
VTC14_Rừng Tràm Của Hệ Sinh Thái Ngập Nước - YouTube