Khẳng định Cơ Sở Pháp Lý Của Mô Hình Tự Quản ở Cộng đồng

Quang cảnh Hội thảo

Ngày 18/10, tại Hà Nội, Ban Thường trực Uỷ ban Trung ương (UBTƯ) Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam tổ chức Hội thảo về đề án thực hiện mô hình tự quản ở cộng đồng dân cư thôn, tổ dân phố.

Các đồng chí: Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam; Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam chủ trì Hội thảo.

Phát huy quyền làm chủ của Nhân dân tham gia quản lý xã hội

Phát biểu đề dẫn khai mạc Hội thảo, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng nhấn mạnh, hoạt động tự quản của Nhân dân luôn là vấn đề được quan tâm tổ chức thực hiện ở nhiều quốc gia trên thế giới. Tổ chức hoạt động tự quản chính là hình thức phát huy quyền làm chủ của Nhân dân tham gia quản lý xã hội. Từ đó phát huy tinh thần đoàn kết, gắn bó Nhân dân trong cộng đồng dân cư, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống;….

Tuy nhiên, ở nước ta hiện nay chưa có nghiên cứu toàn diện dựa trên cơ sở lý luận và thực tiễn về vấn đề hoạt động tự quản, chưa có sự lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất trong toàn quốc về tổ chức xây dựng và phát huy vai trò của các mô hình tự quản ở cộng đồng dân cư thôn, tổ dân phố. Nhiều mô hình tự quản ở cộng đồng dân cư được thành lập từ các phong trào, cuộc vận động do MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và tổ chức khác trong hệ thống chính trị triển khai, đang có sự trùng lắp về nội dung hoạt động; trên cùng một địa bàn nhiều mô hình, nhiều chủ thể tham gia hoặc một chủ thể tham gia nhiều mô hình do đó hiệu quả, chất lượng chưa cao, hoạt động còn phụ thuộc vào sự hỗ trợ ngân sách.

Thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị Trung ương 6, khóa XII “về một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”, Bộ Chính trị đã ban hành Kế hoạch số 07- KH/TW Ngày 27/11/2017, thực hiện về “Một số vấn đề tiếp tục đổi mới sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”, trong đó giao nhiệm vụ cho Đảng đoàn MTTQ Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan chỉ đạo xây dựng “Đề án thực hiện mô hình tự quản ở cộng đồng dân cư thôn, tổ dân phố trên phạm vi cả nước”; các tỉnh, thành ủy sơ kết và tiếp tục thực hiện mô hình tự quản ở cộng đồng dân cư thôn, tổ dân phố.

Phó Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng phát biểu tại Hội thảo.

Thời gian qua, Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án đã phối hợp với Đảng đoàn MTTQ Việt Nam triển khai nghiên cứu xây dựng đề án. Nội dung của Đề án được kết cấu làm 4 phần: phần I nhắc tới sự cần thiết, phạm vi, nội dung và căn cứ xây dựng Đề án; phần II thực trạng về tổ chức và hoạt động tự quản ở cộng đồng dân cư thôn, tổ dân phố; phần III quan điểm, nguyên tắc tổ chức hoạt động, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp thực hiện mô hình tự quản ở cộng đồng dân cư thôn, tổ dân phố.

Mô hình tự quản góp phần nâng cao ý thức công dân ở khu dân cư

Tại Hội thảo, các đại biểu cùng thảo luận, trao đổi để bổ sung thêm những căn cứ lý luận và thực tiễn xây dựng các mô hình tự quản ở cộng đồng dân cư thôn, tổ dân phố; đánh giá làm rõ những ưu điểm, hạn chế và nguyên nhân trong tổ chức thực hiện mô hình tự quản ở cộng đồng dân cư giai đoạn hiện nay; xây dựng nguyên tắc tổ chức và hoạt động của mô hình tự quản; mối quan hệ mô hình tự quản với các chủ thể ở thôn, tổ dân phố. Từ đó đề xuất các nhiệm vụ và giải pháp để tổ chức thực hiện nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động mô hình tự quản góp phần giúp cấp ủy đảng, chính quyền ở cơ sở nâng cao chất lượng quản lý xã hội.

Ông Đỗ Duy Thường, Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam cho rằng, có ba nguyên tắc quan trọng để thực hiện các mô hình tự quản ở cộng đồng dân cư thôn, tổ dân phố. Các mô hình tự quản cần đảm bảo nguyên tắc tự nguyện, tự chịu trách nhiệm; đảm bảo dân chủ, công khai minh bạch, đoàn kết và hoạt động trong khuôn khổ của pháp luật, hương ước, quy ước. Do đó, việc xây dựng các mô hình tự quản phải góp phần nâng cao ý thức công dân ở khu dân cư, đoàn kết giúp đỡ nhau, chấp hành pháp luật, xây dựng cộng đồng dân cư văn hóa, văn minh, an toàn vì lợi ích của công dân và cộng đồng.

Từ việc xây dựng đề án, ông Đỗ Duy Thường kiến nghị trong thời gian tới cần xây dựng thành một cơ chế chính sách pháp luật cho hình thức tự quản ở cộng đồng dân cư, xây dựng luật tự quản của cộng đồng dân cư, xây dựng quy ước của các mô hình tự quản. Cần xác định mối quan hệ giữa mô hình tự quản với trưởng thôn, tổ dân phố với Ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư, với các tổ chức chính trị - xã hội.

Bà Hà Thị Liên, nguyên Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam nhấn mạnh việc xây dựng mô hình tự quản ở cộng đồng dân cư thôn, tổ dân phố là một nội dung thiết thực gắn với hoạt động của Mặt trận nhằm phát huy dân chủ ở cộng đồng dân cư để lấy sức dân chăm để chăm lo cuộc sống cho nhân dân. Tuy nhiên về cơ sở pháp lý, chưa có văn bản của cơ quan có thẩm quyền quy định về tổ chức và hoạt động đối với mô hình tự quản ở thôn, tổ dân phố để thực hiện thống nhất trong toàn quốc. Chính bởi vậy việc xây dựng và hoàn thiện mô hình tự quản cùng với việc nâng cao hiệu quả hoạt động của các mô hình đã có, đổi mới và nâng cao chất lượng các mô hình là việc làm rất thiết thực hiện nay.

Các đại biểu đóng góp rất nhiều ý kiến trách nhiệm, tâm huyết tại Hội thảo.

Ông Lê Truyền, Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam lưu ý, các hoạt động tự quản chính là mở rộng dân chủ, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân ở cơ sở để thực hiện các nhiệm vụ của Đảng và Nhà nước đặt ra. Do đó cần nhấn mạnh vai trò của Nhân dân, tinh thần là phải khuyến khích, tạo điều kiện cho Nhân dân làm những việc mà pháp luật không cấm.

Các đại biểu đề xuất, trong việc xây dựng đề án cần quan tâm đến việc đổi mới hoạt động tự quản ở khu dân cư phù hợp với thực tiễn ở cơ sở. Việc đổi mới tập trung vào khẳng định cơ sở pháp lý của mô hình, trong đó, cấp ủy phải trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo bằng văn bản, Nghị quyết chuyên đề, chính quyền phải quản lý, điều hành, ra quyết định thành lập, thông qua Quy chế hoạt động của mô hình và tổ chức ra mắt tổ tự quản.

Cùng với đó, trong xây dựng mô hình tự quản, chủ trì phối hợp hoạt động phải là Mặt trận cơ sở để thực hiện chủ trương của chính quyền địa phương khi đứng ra vận động quần chúng Nhân dân thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình. Mọi hoạt động tự quản không thể tách rời khỏi sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao ý thức chính trị, xây dựng quần chúng để chống lại mọi luận điệu xuyên tạc gây chia rẽ của các thế lực phản động….

Khâu đột phá của MTTQ Việt Nam trong đổi mới nội dung, phương thức hoạt động

Thay mặt Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam, Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án thực hiện mô hình tự quản ở cộng đồng dân cư thôn, tổ dân phố, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến trân trọng tiếp thu và khẳng định, đây là những ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, có cơ sở lý luận sâu sắc và gắn với thực tiễn để Ban Chỉ đạo đề án và Tổ biên tập hoàn thiện trình Ban Bí thư vào tháng 12/2021.

Chủ tịch Đỗ Văn Chiến cho biết, xuất phát từ thực tiễn, Ban Bí thư đã giao cho Đảng đoàn MTTQ Việt Nam chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan để xây dựng Đề án; đồng thời Ban Bí thư sẽ căn cứ vào kết luận của Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành địa phương và các cơ quan chức năng để ban hành kết luận theo đúng tinh thần mô hình tự quản do nhân dân, xuất phát từ yêu cầu thực tiễn đáp ứng những nhu cầu chính đáng và phục vụ Nhân dân là chính.

Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến phát biểu tại Hội thảo.

Nhắc đến nội dung đổi mới trong văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng khi đề cập đến vai trò của Mặt trận, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến nêu rõ, Văn kiện đã đề cập tới chủ trương dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng; Xác định rõ hơn vai trò Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, MTTQ và các tổ chức chính trị-xã hội là nòng cốt để nhân dân làm chủ. Bởi vậy, việc thực hiện mô hình tự quản là một bước để phát huy dân chủ trực tiếp. Đặc biệt, nếu như trước đây chúng ta đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị -xã hội nhưng lần này Văn kiện Đại hội nói rõ là đổi mới bộ máy, nội dung và phương thức hoạt động, nâng cao trách nhiệm của đội ngũ cán bộ Mặt trận và các tổ chức chính trị xã hội hướng mạnh về cơ sở.

Nhấn mạnh Ban Bí thư đánh giá rất cao đề án của Đảng đoàn MTTQ Việt Nam và sự phối hợp của các cơ quan ban ngành, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến đề nghị Đảng đoàn MTTQ Việt Nam cần kết hợp các ý kiến đã góp ý cùng với quá trình xây dựng các văn kiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng để đề xuất, làm sâu sắc hơn quan điểm, nguyên tắc tổ chức hoạt động, phương thức quản lý của mô hình tự quản theo hướng xuất phát từ mong muốn của Nhân dân, phục vụ trực tiếp cho đời sống người dân.

Cùng với đó, các giải pháp thực hiện mô hình tự quản ở cộng đồng dân cư phải đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, phát huy dân chủ đi đôi với kỷ cương; các nguyên tắc tự nguyện, tự quản cần phát huy tối đa cao nhất dân chủ của người dân, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của người dân trong triển khai các mô hình tự quản nhưng phải đảm bảo có sự quản lý của Nhà nước.

Khẳng định vai trò sứ mệnh lịch sử và chức năng nhiệm vụ của MTTQ Việt Nam được thể hiện trong điều lệ, nghị quyết, chỉ thị kết luận của Đảng và được hiến định trong hiến pháp, thể hiện bằng các Luật, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến cho rằng, việc trình Ban Bí thư về Đề án sẽ là khâu đột phá của MTTQ Việt Nam trong đổi mới nội dung, phương thức hoạt động./.

Từ khóa » Tổ Chức Tự Quản Là Gì