Kháng Nguyên Dengue NS1: Một Dấu ấn Sinh Học Mới Cho Chẩn ...

Sốt xuất huyết nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Đặc biệt, đây còn là bệnh lây lan nhanh chóng. Kháng nguyên Dengue NS1: một dấu ấn sinh học mới cho chẩn đoán sớm sốt xuất huyết Dengue ngay từ ngày đầu tiên sau khi xuất hiện sốt.

Sốt xuất huyết là một bệnh do các virus Dengue được truyền bởi muỗi Aedes aegypti, phổ biến nhất ở các vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới. Sốt Dengue (Dengue fever: DF) thể nhẹ có thể tự giới hạn và các thể nặng của nó như sốt xuất huyết Dengue (Dengue hemorrhagic fever: DHF) và hội chứng sốc Dengue (Dengue shock syndrome: DSS) có thể đe dọa tính mạng. Virus Dangue thuộc loại RNA, bộ gene có khối lượng phân tử 11 kb, gồm 3 gen cấu trúc, mã hóa cho một protein lõi (core: C), một protein màng (membrane: M), một protein vỏ (envelope: E) và 7 gene mã hóa cho các protein phi cấu trúc (nonstructural: NS), có liên quan đến các mức độ sốt Dengue [5].

Việc chẩn đoán nhiễm virus sốt xuất huyết thường không thể chỉ dựa vào các triệu chứng lâm sàng bởi vì triệu chứng sốt nhiều khi không rõ ràng, khó phân biệt với sốt do các nguyên nhân khác. Do đó, việc chẩn đoán sớm sốt xuất huyết Dengue thường phải dựa vào các xét nghiệm kháng thể Dengue IgM và IgG hoặc Real-time PCR để phát hiện Dengue-RNA. Tuy nhiên, kháng thể Dengue IgM thường xuất hiện muộn vào ngày thứ 3-4 và Dengue IgG thường xuất hiện vào ngày thứ 14 sau khi nhiễm Dengue nguyên phát, nên việc chẩn đoán thường chậm; còn Real-time PCR để phát hiện Dengue RNA sớm nhưng chỉ có thể thực hiện được ở các phòng xét nghiệm hiện đại.

Gần đây, kháng nguyên Dengue NS1 (NS1 antigen) được cho là một dấu ấn sinh học mới (new biomarker) cho chẩn đoán sớm nhiễm virus Dengue [2, 4]. Kháng nguyên Dengue NS1 là một glycoprotein phi cấu trúc, được tổng hợp ở cả ở dạng màng tế bào và dạng được bài tiết, xuất hiện trong huyết thanh bệnh nhân nhiễm virus Dengue giai đoạn sớm, có thể phát hiện trước khi hình thành các kháng thể Dengue IgM và IgG. Kháng nguyên Dengue NS1 có thể phát hiện trong máu từ ngày đầu tiên cho đến ngày thứ 9 sau khi xuất hiện sốt, ở cả bệnh nhân nhiễm Dengue thể nguyên phát hoặc thứ phát, ngay cả khi Dengue-RNA còn (-) tính và Dengue IgM còn chưa xuất hiện [2]. Xét nghiệm kháng nguyên Dengue huyết thanh có độ nhạy 92,4% và có độ đặc hiệu là 98,4%.

1. Chỉ định: Khi bệnh nhân có các dấu hiệu và triệu chứng nghi ngờ sốt Dengue như đau đầu, khó chịu, mệt mỏi, đau nhức cơ, nốt xuất huyết dưới da, …, để chẩn đoán một cách đầy đủ các giai đoạn của nhiễm virus sốt Dengue, xét nghiệm kháng nguyên Dengue NS1 và các kháng thể Dengue IgM và IgG cần phải được chỉ định cùng với nhau [2, 3, 4].

Để phát hiện các type huyết thanh của virus Dengue, có thể chỉ định thêm xét nghiệm Dengue-RNA từ ngày đầu tiên đến ngày thứ 5 sau khi xuất hiện sốt [1].

Để đánh giá nguy cơ xuất huyết và tình trạng cô đặc máu, cần chỉ định thêm xét nghiệm tổng phân tích máu, trong đó cần chú ý đến số lượng bạch cầu, tiểu cầu và hematocrit.

Để đánh giá mức độ sốt xuất huyết Dengue, cũng cần chỉ định thêm một số xét nghiệm khác như điện giải đồ, khí máu, chức năng đông máu, enzym nguồn gốc gan hoặc X quang phổi.

2. Ý nghĩa lâm sàng: 2.1. Từ ngày 1 đến ngày 5 sau khi xuất hiện sốt:

- Nếu kháng nguyên Dengue (+) tính, kháng thể Dengue IgM (-) tính và IgG (-) tính, Dengue RNA (-) tính: sốt Dengue cấp thể nguyên phát, giai đoạn rất sớm.

- Nếu kháng nguyên Dengue (+) tính, kháng thể Dengue IgM (-) tính và IgG (-) tính, Dengue RNA (+) tính: sốt Dengue cấp thể nguyên phát.

- Nếu kháng nguyên Dengue (+) tính, kháng thể Dengue IgM (+) tính và IgG (-) tính, Dengue RNA (+) tính: sốt Dengue cấp thể nguyên phát.

- Nếu kháng nguyên Dengue (+) tính, kháng thể Dengue IgM (-) tính và IgG (+) tính, Dengue RNA (+) tính: sốt Dengue cấp thể thứ phát.

- Nếu kháng nguyên Dengue (+) tính, kháng thể Dengue IgM (+) tính và IgG (+) tính, Dengue RNA (+) tính: sốt Dengue cấp thể thứ phát.

Tất cả các xét nghiệm trên có tỷ lệ phát hiện nhiễm virus Dengue cao nhất ở ngày thứ 3 và ngày thứ 4. Tỷ lệ phát hiện các kháng thể Dengue IgM và IgG cao hơn kháng nguyên Dengue NS1 và Dengue PCR vào giữa ngày thứ 5 và ngày thứ 6 kể từ khi xuất hiện sốt [2].

2.2.Từ ngày thứ 6 đến ngày thứ 9 sau khi xuất hiện sốt:

- Nếu kháng nguyên Dengue (+) tính, kháng thể Dengue IgM (+) tính và IgG (-) tính, Dengue RNA (+) tính: sốt Dengue cấp thể nguyên phát.

- Nếu kháng nguyên Dengue (+) tính, kháng thể Dengue IgM (+) tính và IgG (+) tính, Dengue RNA (+) tính: sốt Dengue cấp thể thứ phát.

2.3. Từ sau ngày thứ 9 sau khi xuất hiện sốt:

Giá trị chẩn đoán của cả 3 loại xét nghiệm trên đều giảm một cách có ý nghĩa, chỉ còn (+) tính khoảng 0,8-1,6%, kể từ ngày thứ 9 sau khi xuất hiện sốt [2].

Đối với xét nghiệm Tổng phân tích máu: trong sốt Dengue có thể có giảm bạch cầu, thường có giảm số lượng tiểu cầu (< 100 Giga/L), số lượng tiểu cầu giảm tỷ lệ với nguy cơ xuất huyết; sốt Dengue thường có sự cô đặc máu do thoát huyết tương, khi giá trị hematocrit tăng trên 20% so với giá trị trước đó hoặc tăng > 45% giá trị của người bình thường thì được coi là bị cô đặc máu.

Tài liệu tham khảo

1.ChienLJ, et al. Development of a real time reverse transcriptase PCR assay to detect and serotype dengue viruses.

J Clin Microbiol

2006; 44: 1295-1304.

2.KassimFM, Izati MN, TgRogayah TAR, Apandi YM, Saat Z. Use of dengue NS1 antigen for early diagnosis of dengue virus infection.

Southeast Asian J Trop Med Public Health

2011; 42(3): 562-569.

3.Muller DA and Young PR. The flavivirus NS1 protein: Molecular and structural biology, immunology, role in pathogenesis and application as a diagnostic biomarker.

Antiviral Research

2013; 98 (2): 192-208.

4.Wang SM and Sekaran SD. Early Diagnosis of Dengue Infection Using a Commercial Dengue Duo Rapid Test Kit for the Detection of NS1, IgM, and IgG.

Am J Trop Med Hyg

2010; 83(3): 690-695.

5.Whitehorn J, Farrar J. Dengue.

Br Med Bull

2010

Từ khóa » Xét Nghiệm Ns1 Là Gì